Giác ngộ sự thật về khổ

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
GN - Chân lý đầu tiên mà Đức Phật dạy trong Tứ diệu đế là sự thật về khổ, Khổ đế. Đức Phật dạy bản chất của thế gian là bất toàn, bất toại nguyện, là vô thường, là đau khổ.

Nhiều người cho rằng thế gian đâu hoàn toàn khổ như Phật nói; thế gian có khổ có vui đan xen, nói thế gian chỉ hoàn toàn khổ là thái độ bi quan tiêu cực! Quả thật về mặt tương đối, thế gian không chỉ có khổ mà còn có vui. Người ta cảm thấy sung sướng, hạnh phúc khi được thỏa mãn những nhu cầu, được đáp ứng các ham muốn. Ví dụ người ta cảm thấy sung sướng, hạnh phúc khi ăn ngon mặc đẹp, khi được yêu thương, khi được hưởng thụ các thú vui, khoái lạc v.v… Nhưng tại sao Đức Phật lại cho thế gian là khổ? Vì những thú vui ở thế gian đều tạm bợ, không bền chắc, không lâu dài; các cảm giác vui vẻ, hạnh phúc, thích thú, hài lòng, mãn nguyện đều mang tính điều kiện, luôn biến đổi vô thường.

Người đói cảm thấy sung sướng khi được ăn no, nhưng cảm giác hạnh phúc đó không tồn tại được bao lâu một khi anh ta ăn quá no hoặc được ăn nhiều lần một loại thức ăn (sẽ sinh cảm giác ngán, nhàm chán), hoặc khi anh ta bị đói trở lại thì cảm giác hạnh phúc cũng không còn. Người được yêu thương sẽ rất hạnh phúc, nhưng sau một thời gian sẽ có cảm giác mệt mỏi, nhàm chán, không còn hạnh phúc như lúc ban đầu; hoặc theo thời gian, thân người sẽ già nua, nhan sắc và sức khỏe suy tàn, tình cảm cũng thay đổi, lúc đó hạnh phúc không còn nữa.

An lạc, hạnh phúc của thế gian tùy thuộc nhiều yếu tố nhân duyên, nó là thứ an lạc, hạnh phúc có điều kiện, nó có ý nghĩa, giá trị hết sức tương đối, luôn luôn trong tình trạng biến đổi vô thường. Đi trên đường phố, giữa dòng người tấp nập ngược xuôi, có những người đang đau khổ vì chồng, có những người đang đau khổ vì vợ, có những người đang đau khổ vì con, vì cháu; có những người đang đau khổ vì tiền bạc, vì sự nghiệp, vì danh tiếng; có những người đang đau khổ vì tình yêu v.v… Không ai là không có nỗi lo lắng, khổ tâm trong lúc này hoặc lúc khác, dù người đó giàu có hoặc quyền cao chức trọng, dù người đó thành đạt hay thất bại trên đường đời, không ai hoàn toàn hạnh phúc.

Cũng có số ít người toại nguyện với cuộc sống của mình, thỏa mãn với hạnh phúc đang có, nhưng hạnh phúc đó cũng không ở lại với họ lâu dài, và cũng có lúc họ rơi vào bất mãn, thất vọng, khổ đau. Do đó có thể hiểu vì sao Đức Phật cho rằng thế gian là khổ. Về cơ bản có tám cái khổ lớn mà không ai tránh khỏi, đó là: sinh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, mong cầu không được nên khổ, oán ghét mà gặp nhau nên khổ, thương yêu nhưng phải xa lìa (sinh ly, tử biệt) nên khổ, năm ấm (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) không điều hòa, bức bách nên khổ.

Chữ “khổ” trong đạo Phật không chỉ có nghĩa là cảm giác (cảm thọ) khó chịu, khổ đau, mà có nghĩa rộng là bất toàn, bất toại nguyện, vô thường, biến hoại.

Thấy bản chất thế gian là khổ không phải để buồn, để khổ thêm nữa, không phải để chán nản, bi quan tiêu cực, muốn xa lánh cuộc đời, không màng gì đến cuộc sống. Mục đích Đức Phật nói về sự khổ là để chúng sinh lìa tham đắm, không rơi vào đời sống sa đọa chỉ biết hưởng thụ các khoái lạc. Vì càng say mê tham đắm, chìm trong lạc thú thì càng phiền não, càng khổ đau khi vô thường xảy đến làm thay đổi hoặc mất đi những gì mình yêu thích muốn bảo toàn, muốn sở hữu vĩnh viễn.

Sau khi giúp chúng sinh giác ngộ thế gian là khổ, bất toàn, vô thường, bất toại nguyện (Khổ đế), Đức Phật đã chỉ ra nguyên nhân của những sự khổ (Tập đế) là do vô minh và tham ái, chỉ cho chúng sinh biết sự an lạc khi chấm dứt khổ là giải thoát Niết-bàn (Diệt đế), và Ngài dạy con đường chấm dứt sự khổ để đạt được nguồn chân hạnh phúc là Bát Thánh đạo (Đạo đế).

Nhận thức về khổ là bước đầu giác ngộ làm tiền đề cho sự tu tập giải thoát khỏi các phiền não khổ đau. Có giác ngộ bản chất đời sống là khổ, con người và thế giới vô thường, vô ngã, luôn sinh diệt, biến dị (đổi khác) thì mới ly tham (xa lìa tham ái, chấp thủ). Chỉ khi ly dục, ly tham mới thoát khỏi những hệ lụy của cuộc đời, thoát khỏi sự chi phối của phiền não khổ đau. Đó chính là lý do tại sao Đức Phật nói về Khổ đế trước tiên khi nói pháp Tứ diệu đế.

Trong kinh Tương ưng bộ, Tôn giả Xá-lợi-phất có dạy: “Đối với ngũ uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức (con người và thế giới hữu tình lẫn vô tình, đời sống vật chất lẫn tinh thần), ai chưa viễn ly (rời xa) tham, dục, nhiệt tình, khát ái, thì khi ngũ uẩn biến hoại, đổi khác, sẽ khởi lên sầu bi, khổ, ưu, não… Đối với ngũ uẩn, ai đã viễn ly tham, dục, nhiệt tình, khát ái, thì khi ngũ uẩn biến hoại, đổi khác sẽ không khởi lên sầu bi, khổ, ưu, não… Do thấy được sự ích lợi này, bậc Đạo sư (Đức Phật) nói đến sự điều phục dục và tham đối với ngũ uẩn”. Điều này chúng ta dễ dàng thấy rõ.

Ví dụ như một người quá yêu vẻ đẹp của mình (tham ái về sắc), sống chăm chút, suốt ngày chăm lo, nâng niu cái vẻ đẹp đó, cứ sợ nó sa sút, tàn phai, thì khi già yếu, bệnh tật, hoặc chẳng may bị một tai nạn khiến trở nên tật nguyền, xấu xí, thì người đó khổ đau cùng cực, mất hết niềm vui và hạnh phúc. Hoặc người thích sống hưởng thụ (nhiệt tình, khát ái đối với thọ - các cảm giác) thì khi gặp hoàn cảnh thiếu thốn, nghèo nàn không có điều kiện hưởng thụ sẽ không chịu được, cảm thấy buồn bã, khổ não vô cùng.

Chính vì không nhận biết bản chất ngũ uẩn là vô thường, vô ngã, bất toàn nên tham muốn, nhiệt tình, khát ái đối với ngũ uẩn mà sinh ra nhiều hệ lụy, nhiều phiền não khổ đau: tham muốn nhà cao cửa rộng, tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, địa vị, các phương tiện vật chất, các thú vui hưởng thụ… Những tham muốn, khát vọng sinh ra từ chấp thủ và tham ái đó nếu không thực hiện được, không được thỏa mãn, bị kìm hãm, ngăn chặn đều dẫn đến khổ não, trừ khi biết xa lìa, buông bỏ từ trong ý niệm cho đến hành vi.

Ngay cả những gì chúng ta đạt được, làm cho chúng ta thỏa mãn cũng không tồn tại mãi với chúng ta, vì bản chất vô thường, vô ngã của nó và cuộc đời: tai nạn, bệnh tật, thất bại trong tình yêu, trong sự nghiệp, bị phá sản, bị mất việc, người thân, người yêu, bạn bè phản bội; thiên tai, nhân họa…, tất cả là sự thay đổi theo định luật vô thường khiến cho người ta choáng váng, suy sụp tinh thần nếu như không hiểu thấu lý vô thường, vô ngã, nếu như không buông xả tham ái, chấp thủ.

Nhận thức về khổ là khởi đầu của tiến trình giác ngộ, giải thoát. Thái tử Tất-đạt-đa cũng thức tỉnh từ bước đầu ý thức về sự khổ khi đi du ngoạn qua bốn cửa thành. Chính ý thức về sự khổ làm phát sinh nhu cầu thoát khổ, và nhu cầu thoát khổ là động lực thúc đẩy Ngài lìa bỏ mọi dục lạc, lìa bỏ đời sống xa hoa vương giả để tu hành giác ngộ, giải thoát. Ý thức về khổ từ kinh nghiệm bản thân hay từ người khác (như trường hợp Thái tử Tất-đạt-đa chứng kiến cảnh khổ của dân chúng trong nước) đều có tác dụng tích cực cho tiến trình giác ngộ giải thoát.

Nếu không ý thức về khổ thì con người luôn bám chặt ý niệm truy tìm, theo đuổi, nắm bắt và gìn giữ các đối tượng của sự yêu thích, ham muốn là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, hay nói rộng hơn, sâu xa hơn là sự tham muốn, nhiệt tình, khát ái đối với ngũ uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Yêu thích, tham muốn, nhiệt tình, khát ái và chấp thủ chính là động lực thúc đẩy tạo nghiệp đưa đến khổ và tái sinh đời này đời khác, trôi nổi trong sáu nẻo luân hồi.

Một khi không nhận thức được sự thật về khổ, đắm chìm trong dục lạc thế gian, thì hiện tại và tương lai, đời này và đời sau phải chịu cảnh trầm luân trong biển khổ, trôi nổi lặn hụp trong sinh tử luân hồi. Những ai có phước báu, có nhiều điều kiện hưởng thụ những lạc thú trên đời: nhà cao cửa rộng, ăn ngon mặc đẹp, danh vọng địa vị, đầy đủ các phương tiện vật chất, các thú vui hưởng thụ… thường dễ rơi vào vòng sa đọa trụy lạc nếu không ý thức được đằng sau những lạc thú đó là bờ bến khổ đau.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.