Đồng thời, tổ chức này đã có những hoạt động vô cùng tích cực nhằm giúp đỡ những phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên toàn thế giới.
Vào tháng 6 vừa qua, cuộc xung đột vũ trang ở Ukraine làm gián đoạn nguồn cung cấp thực phẩm cho cả thế giới. Đây có vẻ như sẽ trở thành một vấn đề dài hạn và nạn lạm phát kéo dài đã kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh đó, các thành viên của tổ chức Phật giáo Cứu trợ Toàn cầu (BGR) đã mở một cuộc họp trực tuyến để xem xét danh sách các tổ chức sẽ được tài trợ trong năm sắp tới.
Với số tiền lên đến 1,5 triệu đô-la, BGR đã lựa chọn ra được một danh sách gồm 54 dự án quan trọng. Carla Prater, một tình nguyện viên của BGR, và cũng là trợ lý giám đốc của tổ chức phi lợi nhuận cho biết: “Đúng chính xác là 54 dự án!”. BGR là tổ chức nhân đạo lớn nhất do Phật giáo lãnh đạo ở Hoa Kỳ, bắt đầu vào năm 2008 với chỉ 20.000 đô-la và 3 dự án với quy mô nhỏ ở Đông Nam Á. Kể từ sau khi thành lập, mỗi năm, ngân sách và khả năng tài trợ của BGR đã tăng lên một cách ổn định, nhưng trong năm vừa qua, khi cuộc khủng hoảng lương thực chưa từng có xảy ra, các nhà tài trợ đã đóng góp gần 500.000 đô-la.
Tỳ-kheo Bodhi trong một dự án gần đây mang tên "Walk to feed the Hungry" |
Tỳ-kheo Bodhi, một vị tu sĩ Phật giáo Hoa Kỳ theo truyền thống Theravada, tự gọi mình là người sáng lập “gián tiếp” của tổ chức BGR. Năm 2004, sau trận sóng thần khiến 270.000 người ở khu vực Ấn Độ Dương thiệt mạng, sư đã kêu gọi và quyên góp được khoảng 160.000 đô-la để giúp đỡ những người may mắn sống sót.
Năm 2007, sư đã viết một bài tham luận trên một tạp chí Phật giáo, kêu gọi các Phật tử phương Tây tăng cường tham gia vào các hoạt động nhân đạo xã hội. Năm sau đó, một số Phật tử từ các truyền thống khác đã được truyền cảm hứng từ bài viết của sư và tích cực tham gia vào BGR.
Sự thúc đẩy nhằm tham gia vào các hoạt động xã hội của Phật giáo hay nói khác hơn là phong trào Phật giáo nhập thế đã bị chững lại kể từ khi tôn giáo này du nhập vào Hoa Kỳ vào giữa thế kỷ thứ XIX. Những thập niên gần đây, Phật giáo phát triển ở quốc gia này thông qua con đường thiền định và tu tập cá nhân. Các nhà sư lỗi lạc như Tỳ-kheo Bodhi tin rằng những người chỉ thực hành cho riêng bản thân mình bởi vì chưa nhìn thấy được bức tranh toàn cảnh của xã hội.
“Các Phật tử chỉ lo tu tập cho bản thân thôi là chưa đủ. Điều cực kỳ quan trọng đối với Phật giáo là đảm nhận một vai trò tích cực trong việc giải quyết những khổ đau bắt nguồn từ bối cảnh xã hội, kinh tế hay thậm chí là góp ý cho sự chuyển đổi xã hội để giúp tạo ra một cấu trúc và thể chế công bằng hơn”, Tỳ-kheo Bodhi chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn gần đây.
Giám đốc điều hành của BGR, Kim Behan, cho biết việc cứu trợ đói nghèo của tổ chức chính là sự ứng dụng các nguyên tắc Phật giáo vào xã hội đương đại. “Con đường tu tập Chánh pháp và con đường phụng sự luôn hỗ tương lẫn nhau. Vì một số nhân duyên đặc biệt, tất cả công đức mà chúng ta giúp đỡ người khác sẽ trở lại và hỗ trợ cho chúng ta trên con đường tu tập của chính mình”.
Theo Prater, mặc dù công việc của BGR tập trung vào nạn đói, đặc biệt tập trung vào cuộc sống của trẻ em và phụ nữ. Được hướng dẫn vào năm 2009 bởi Nicholas Kristof, Tỳ-kheo Bodhi và các nhà lãnh đạo khác của BGR nhận ra rằng giáo dục và đào tạo nghề cho trẻ em và phụ nữ là chìa khóa để chống lại đói nghèo, hay nói rộng hơn là giải quyết vấn nạn mất an ninh lương thực.
Một số dự án sẽ được thực hiện trong năm nay nhằm giảm bớt áp lực đối với trẻ em và phụ nữ. Về phương diện này, đơn vị đã nhận tài trợ là tổ chức Bồ-đề tâm do Tỳ-kheo-ni người Australia Ayya Yeshe điều hành. Dự án này sẽ cung cấp dịch vụ đào tạo việc làm cho phụ nữ và giáo dục cho các cô gái trẻ ở Ấn Độ. Tổ chức chủ yếu tập trung giúp đỡ những bé gái và phụ nữ bị kiềm hãm bởi chế độ phân biệt giai cấp ở đất nước này.
BGR cũng đang tài trợ cho tổ chức Building Bridges ở Ấn Độ. Có trụ sở tại New Delhi, Building Bridges hỗ trợ tài chính cho những góa phụ Punjab đang điều hành trang trại của gia đình sau khi chồng họ tự sát. Gần 30 năm với điều kiện môi trường nghèo nàn và những đòn giáng kinh tế vào khu vực đã gây ra nợ nần chồng chất, khiến hàng ngàn nông dân phải tự kết liễu đời mình.
Tỳ-kheo Bodhi cho biết, một số yếu tố đã khiến điều kiện của những người nông dân trên khắp thế giới trở nên tồi tệ hơn. Sư nói rằng: “Đại dịch Covid-19 bùng phát, dẫn đến gián đoạn chuỗi cung ứng. Tiếp đó, giá lương thực ở một số quốc gia đang tăng nhanh đến mức khiến người dân khó có đủ lương thực để dùng”.
Với tình trạng mất an ninh lương thực hiện đang ảnh hưởng đến nhiều người hơn bất kỳ thời điểm nào trong suốt 14 năm BGR hoạt động, ngân sách và dự án mới của tổ chức đã tăng lên để đáp ứng tình trạng xã hội hiện nay.