Với mục tiêu giảm tỷ lệ tử vong và tất cả bệnh nhân được tiếp cận với dịch vụ y tế, sau khi phân tích dịch tễ, ca bệnh lâm sàng, Bộ Y tế đã thay đổi chiến lược điều trị, bổ sung một số điểm, chính sách.
Thứ nhất, các bệnh viện trên toàn quốc cần chuẩn bị sẵn sàng ít nhất 40% giường bệnh để đón bệnh nhân Covid-19. Tất cả bệnh nhân ở các tuyến khi xác định nhiễm nCoV đều được tiếp cận điều trị từ y tế cơ sở, bệnh viện huyện, bệnh viện tư nhân...
Như vậy, ngoài các bệnh viện dã chiến chuyên điều trị bệnh nhân Covid-19, các bệnh viện khác phải tách đôi, thực hiện song song nhiệm vụ kép: vừa điều trị bệnh nhân thông thường, vừa điều trị bệnh nhân Covid-19.
Đặc biệt, theo ông Khuê, dựa theo kinh nghiệm quốc tế, mô hình triệu chứng bệnh học, ngành y tế xây dựng hướng dẫn thí điểm điều trị, quản lý ca nhiễm tại nhà. "Khi đó, mỗi gia đình trở thành 'home care' hay một phòng y tế", ông Khuê nói.
Trước đây, Bộ Y tế đã có hướng dẫn cụ thể, chi tiết, khoa học với việc quản lý các trường hợp F1, F2 tại nhà. Trong bối cảnh hiện nay, Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện quản lý tại nhà các F0 với những tiêu chuẩn, điều kiện đảm bảo an toàn.
Trong đó, ngoài vấn đề hướng dẫn theo dõi, Bộ Y tế lưu ý việc cách ly ca nhiễm với những người trong gia đình, đảm bảo không lây nhiễm chéo cho gia đình và cộng đồng. "Đảm bảo sinh hoạt riêng, ăn riêng, uống riêng hay điều kiện chăm sóc đáp ứng yêu cầu... là vấn đề cần phải quan tâm, xem xét để đi vào thực tiễn", ông Khuê nói.
Để việc quản lý ca nhiễm Covid-19 tại nhà đảm bảo an toàn, hiệu quả, Bộ Y tế cũng đặt ra yêu cầu cần tăng cường tư vấn bằng công nghệ thông tin như zalo, điện thoại, zoom, viber... để tư vấn cho bệnh nhân.
Bên cạnh đó, vấn đề sử dụng thuốc ở gia đình cũng rất quan trọng. Hiện Bộ Y tế có chiến lược cấp các túi thuốc an sinh cho các gia đình. Đồng thời, tăng cường tư vấn cho mọi người trong gia đình và cộng đồng, giúp người bệnh an tâm, không bị kỳ thị, người trong gia đình được đảm bảo.
Ngoài ra, theo ông Khuê, tư vấn tâm lý cũng là một vấn đề quan trọng trong điều trị nhằm giảm bớt lo lắng, hoang mang cho người bệnh, đặc biệt đối với người cao tuổi, phụ nữ mang thai và trẻ em. Nhóm này cần được động viên, bởi dễ chuyển nặng, tâm lý không ổn định thì tăng gánh nặng điều trị.
Bộ Y tế sẽ thí điểm mô hình này tại TP.HCM và các tỉnh có chiều hướng ca bệnh gia tăng. Tại các địa phương này, y tế cơ sở, bác sĩ gia đình, bác sĩ địa phương được giao nhiệm vụ quản lý từng khu vực, từ đó thiết lập mạng lưới bác sĩ tình nguyện nhận tư vấn cho các cụm xã, cụm gia đình, có tăng cường sử dụng công nghệ thông tin.
"Phải triệt để thực hiện chiến lược 5K + vaccine + thuốc + công nghệ. Các vấn đề này cần đảm bảo lồng ghép, nhuần nhuyễn với nhau trong các khu vực", Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cũng nhấn mạnh.