Năm 1867, thực dân Pháp chiếm được toàn bộ 6 tỉnh Nam Kỳ. Cùng với sự thay đổi về mặt hành chính, quân sự được chính quyền thực dân ráo riết thực hiện, những biến đổi to lớn về mặt văn hóa xã hội cũng kéo theo ngay sau đó: Pháp áp đặt lên thuộc địa mới của mình một bộ máy hành chính mới, du nhập hệ thống giáo dục Pháp, quy hoạch và xây dựng không gian đô thị Sài Gòn theo kiểu thức phương Tây,...
Báo chí bắt đầu hiện diện. Ban đầu, những tờ báo tiếng Pháp được xuất bản tại Sài Gòn chỉ đơn giản là công báo nhằm phổ biến các nghị định, luật hành chánh của chính quyền. Năm 1865, Gia Định báo - tờ báo Quốc ngữ đầu tiên ra đời, mở đường cho việc xuất bản hàng loạt những tờ báo Quốc ngữ sau đó. Những tờ báo này đã góp phần phổ biến chữ Quốc ngữ với quần chúng, mang đến một “làn gió mới” trong đời sống văn hóa, xã hội Nam Kỳ, và đồng thời, cũng đã tác động phần nào đến việc khơi gợi lòng yêu nước, tinh thần độc lập trong nhân dân. Chỉ mấy mươi năm, báo chí đã phần nào góp sức tạo nên một môi trường văn hóa - chính trị vô cùng sôi động ở miền Nam; và về sau, khi Hà Nội đã trở thành thủ phủ của Liên bang Đông Dương thuộc Pháp, ảnh hưởng từ báo chí đã lan rộng đến cả miền Bắc.
Cũng vì tác động mạnh mẽ của báo chí, giới ký giả trở thành một lực lượng có sức ảnh hưởng cực kỳ to lớn. “Năm 1930, khi báo Phụ Nữ Tân Văn trong một thăm dò dư luận chọn 10 người đứng đầu đại diện cho dân, nếu Pháp cho phép tự trị. Hầu hết là những nhà báo như Phan Văn Trường, Nguyễn Phan Long, Diệp Văn Kỳ” (Sài Gòn - Chợ Lớn: thể thao và báo chí trước 1945, Nguyễn Đức Hiệp).
Một đốm lửa nhỏ
Giữa bối cảnh như vậy, ngày 31-8-1929, tại Mỹ Tho, một tờ báo Phật giáo lặng lẽ ra đời: Pháp Âm. Khai sinh ra tờ báo này là Hòa thượng Khánh Hòa (Lê Khánh Hòa), người cũng đồng thời được coi là đã khởi xướng nên phong trào Chấn hưng Phật giáo đầu thế kỷ XX làm thay đổi diện mạo của Phật giáo Việt Nam một cách toàn diện. Pháp Âm chỉ xuất bản được duy nhất một số, nhưng những ảnh hưởng mà nó đem lại vô cùng đáng kể khi thể hiện được những mục tiêu quan trọng mà Hòa thượng Khánh Hòa đã đưa ra để làm tiền đề cho công cuộc chấn hưng.
Cũng cần nói thêm, một trong những yếu tố tác động hay cảm hứng cho việc hình thành tư tưởng chấn hưng Phật giáo Việt Nam đương thời, đó chính là việc chấn hưng Phật giáo do Đại sư Thái Hư thực hiện tại Trung Quốc. Người viết chưa có cơ hội kiểm chứng một cách chính xác, tuy nhiên, có lẽ với việc hạn chế nhất định về thông tin liên lạc thời bấy giờ, Hòa thượng Khánh Hòa đã tiếp nhận được những thông tin từ công cuộc chấn hưng Phật giáo Trung Hoa thông qua con đường báo chí.
Sau khi Pháp Âm đình bản, Hòa thượng Khánh Hòa cùng với những vị Tăng tài cùng chí hướng vẫn tiếp tục với hoài bão chấn hưng Phật giáo của mình. Đến năm 1932, tờ báo Từ Bi Âm ra đời, Hòa thượng Khánh Hòa giữ vai trò chủ nhiệm, Hòa thượng Bích Liên chịu trách nhiệm chủ bút. Lúc này, với nguồn hỗ trợ từ phía giới cư sĩ có tiềm lực về kinh tế, Từ Bi Âm được đầu tư khá chỉn chu về mặt hình thức lẫn nội dung, phổ biến đến tận Huế và Hà Nội.
Tạp chí Từ Bi Âm |
Nối tiếp sự ra đời của Từ Bi Âm, năm 1933, sau sự kiện thành lập Hội An Nam Phật học trước đó 1 năm, tạp chí Viên Âm ra đời do cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám làm chủ nhiệm kiêm chủ bút. Và đến năm 1934, tạp chí Đuốc Tuệ của Hội Phật giáo Bắc Kỳ được xuất bản. Bên cạnh 3 tờ báo này, một số những tờ báo Phật giáo khác cũng được xuất bản có thể kể đến như: Duy Tâm, Bồ Đề Tân Thanh, Tam Bảo chí,… tuy nhiên, Từ Bi Âm, Viên Âm và Đuốc Tuệ vẫn được xem như 3 trụ cột lớn của phong trào Chấn hưng Phật giáo Việt Nam.
Những trụ cột chấn hưng
Sự ra đời của các tờ báo Phật giáo kể trên luôn là kết quả của việc hình thành hội Phật học tại các địa phương. Thể hiện đúng tinh thần của báo chí, nếu các hội Phật học, Phật học đường được kiến lập nhằm phần nào thực hiện mục tiêu “hiệp nhau lập thơ viện thỉnh Tam tạng kinh, một mặt thì lo nghiên cứu và phiên dịch để xuất bản, hoặc tòng thơ hoặc tạp chí, để lưu thông trong thiên hạ khiến mọi người thông hiểu được cái giáo lý của đạo, mới mong trừ tuyệt những điều mê tín kia. Một mặt thì ra sức giáo hóa cho Tăng đồ có tư cách, phòng gánh vác Phật sự sau này…” thì báo chí lại nhằm mục đích quảng bá Chánh pháp một cách đúng đắn, rộng rãi đến phần đông Tăng Ni, tín đồ và quần chúng đương thời.
Có thể thấy việc thành lập các hội Phật học tại Trung Kỳ và Bắc Kỳ chịu ảnh hưởng lớn từ miền Nam, thông qua việc tiếp nhận thông tin từ tờ báo Từ Bi Âm, tuy nhiên, hai tờ báo Viên Âm và Đuốc Tuệ, trong quá trình phát triển lại hình thành nên những bản sắc riêng của mình.
Nguyệt san Viên Âm - Ảnh: Thư viện Huệ Quang |
Ở Viên Âm, chúng ta có thể nhận thấy sự biến chuyển rõ rệt giữa hai giai đoạn. Nếu ở giai đoạn đầu, linh hồn của tờ báo được tạo nên bởi người sáng lập là cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, thì ở giai đoạn kế tiếp, những vị Tăng trẻ là thành quả của mô hình đào tạo Phật học đường theo lối mới như quý Hòa thượng Trí Quang, Thiện Siêu, Minh Châu, Mật Thể,… đóng vai trò chủ đạo trong việc xây dựng bộ mặt của Viên Âm. Cũng chính những vị Tăng tài này đã góp phần định hình con đường phát triển của Phật giáo Việt Nam giai đoạn về sau đó.
Riêng với Đuốc Tuệ, một trong những đặc điểm nổi bật của tờ báo đó là sự tham gia cộng tác của một lớp trí thức thế học lỗi lạc: Trần Trọng Kim, Ưu Thiên Bùi Kỷ, Thiều Chửu, Dương Bá Trạc, Trần Văn Giáp,… Với cơ sở vật chất và kỹ thuật không thật sự đầy đủ, tiên tiến đã khiến Đuốc Tuệ kém về mặt hình thức so với hai tờ báo ra đời trước, tuy nhiên, chính sự cộng tác của đội ngũ trí thức uyên bác lại tạo nên cho tờ Đuốc Tuệ một sự nổi trội về nội dung. Theo TS.Ninh Thị Sinh trong cuốn Phong trào Chấn hưng Phật giáo ở Bắc Kỳ - Trường hợp Hội Phật giáo (1934-1945), một điểm khác biệt độc đáo của Đuốc Tuệ so với Từ Bi Âm và Viên Âm, đó là đã “sử dụng linh hoạt nhiều thể loại văn học để giới thiệu về đạo Phật và giải thích giáo lý đạo Phật một cách dễ hiểu đến độc giả bình dân”.
Bộ Đuốc Tuệ do Thư viện Huệ Quang sưu tập và ấn hành vào năm 2019 |
Nhìn chung, những tác động của ba tờ báo này không chỉ hạn hữu trong suốt thời gian tồn tại của nó cho đến khi đình bản mà còn kéo dài cho đến tận sau này. Bước sang thời kỳ lịch sử kế tiếp, việc xuất bản các tờ báo Phật giáo tiếp tục nở rộ tại miền Nam trong những thập niên 60 - 70 của thế kỷ XX có thể coi là một sự nối tiếp của các tờ báo Phật giáo thời kỳ đầu. Ở giai đoạn này, báo chí Phật giáo không chỉ đơn thuần mang chức năng quảng diễn giáo lý đạo Phật đến đại đa số quần chúng nữa mà một số trong đó như: Vạn Hạnh, Tư Tưởng, Hải Triều Âm,… đã trở thành những diễn đàn nghiên cứu, tranh biện về tư tưởng Phật học nói riêng mà còn thảo luận, trình bày sôi nổi những trào lưu tư tưởng đương thời được soi chiếu dưới nhãn quan Phật giáo.
Nhìn lại một chặng đường phát triển của Phật giáo nước nhà, có thể khẳng định báo chí Phật giáo đã đóng góp một vai trò hữu hiệu, thiết thực với sức ảnh hưởng vô cùng to lớn, băng qua những thăng trầm của lịch sử. Và vai trò ấy, như cách nói của Hòa thượng Thích Nhất Hạnh, đã được khởi đi từ một “đốm lửa nhỏ” được Hòa thượng Khánh Hòa thắp lên trong bối cảnh “không mấy sáng sủa” của Phật giáo đầu thế kỷ trước.