Kỷ niệm ngày Báo chí VN 21-6: Dòng sông tâm linh mát đời ngọt đạo

Bạn đọc trẻ với Báo Giác Ngộ - Ảnh: Yên Hà
Bạn đọc trẻ với Báo Giác Ngộ - Ảnh: Yên Hà
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Tôi đến với Giác Ngộ từ bài viết, và sau khi tìm đọc hết các chuyên mục trên Giác Ngộ Online, khiến tự thân tôi cũng muốn góp một giọt nước nhỏ vào dòng sông tâm linh này bằng những bài viết mang thông điệp “mắt thương nhìn cuộc đời”.

Như một ngôi chùa lớn cho cộng đồng Tăng thân, Phật tử, hành trình hơn 45 năm của báo Giác Ngộ là hành trình hoằng dương Phật pháp, lợi lạc quần sinh đầy ý nghĩa - như những bước chân đi nở hoa thơm lời Bát-nhã chân như.

Tác giả, nhà thơ Lương Đình Khoa với ấn phẩm Báo Giác Ngộ - Ảnh: TGCC

Tác giả, nhà thơ Lương Đình Khoa với ấn phẩm Báo Giác Ngộ - Ảnh: TGCC

Lật giở từng trang tuần báo, từng số nguyệt san hay mỗi ngày ghé thăm Giác Ngộ Online, là đang bước vào khu vườn ươm của những hạt giống thiện lành mang năng lượng bình an, tịnh độ. Gần 20 chuyên mục khác nhau trên báo Giác Ngộ, không chỉ là bức tranh toàn cảnh mọi mặt về văn hóa, đời sống cộng đồng Phật giáo Việt Nam, mà còn là diễn đàn để mỗi Tăng Ni, Phật tử cùng thể hiện những góc nhìn, lan tỏa những trải nghiệm, bài học mang ý nghĩa nhân văn trên bước đường hành đạo.

Giác Ngộ cũng như một vị thầy lớn về tâm linh, chữa lành những vết thương, ôm ấp mọi nỗi khổ niềm đau để khai thông trí huệ, thắp lửa tình thương, gieo hạt bình an nảy nở trong mỗi tâm hồn.

Duyên lành đưa tôi đến với báo Giác Ngộ bắt nguồn từ một bài viết mang tên “Ta hạnh phúc liền giây phút này” của nhà báo Lưu Đình Long vào đầu năm 2018.

Tiêu đề bài viết được trích dẫn từ một câu hát trong bài thiền ca “Hạnh phúc bây giờ” của Tăng thân Làng Mai mà tôi đã thuộc và yêu thích. Nên khi bắt gặp tiêu đề bài báo, tôi tò mò click chuột vào để đọc kỹ hơn.

Nội dung bài viết nhẹ nhàng, khuyến khích mỗi người trong cuộc sống bận rộn biết trở lại giây phút hiện tại, ôm ấp cả những cơn buồn đau để nhận ra hạnh phúc đích thực. Thông điệp và cách viết mang hơi thở như một bài thiền ca của Làng Mai, nên tôi rất tâm đắc và tò mò về tác giả. Tôi đã thử gõ kiếm tìm trên Facebook, mới biết hóa ra tôi và Long bằng tuổi nhau, đã kết bạn với nhau từ lâu nhưng chưa tương tác nhiều.

Báo Giác Ngộ nhiều lần được bình chọn tại các giải thưởng báo chí

Báo Giác Ngộ nhiều lần được bình chọn tại các giải thưởng báo chí

Nhân duyên với Giác Ngộ

Tôi đến với Giác Ngộ bởi nhân duyên từ bài viết, và sau khi tìm đọc hết các chuyên mục trên Giác Ngộ Online, nhận ra những điều ý nghĩa mà Ban Biên tập cùng đội ngũ phóng viên, cộng tác viên của tòa soạn đang dành tặng cho cộng đồng, khiến tự thân tôi cũng muốn góp một giọt nước nhỏ vào dòng sông tâm linh này bằng những bài viết mang thông điệp “mắt thương nhìn cuộc đời”.

Rồi từ chuyên mục “Phật giáo và tuổi trẻ” bạn Long phụ trách, tôi viết thêm bài cho những mục khác như: Văn hóa, Sáng tác, Từ thiện…, và có duyên kết nối thêm với các quý sư thầy, sư cô, anh chị phụ trách chuyên mục. Thi thoảng báo cũng chủ động đặt hàng bài viết - như chùm bài, ảnh cho số chuyên đề về khóa tu mùa hè với chủ đề “Góp phần tạo nguồn năng lượng sạch cho xã hội”, một số bài về ý kiến trao đổi bàn tròn với các bậc phụ huynh trong việc gieo mầm thiện cho con trẻ…

Tôi ấn tượng với sự phản hồi, trao đổi thông tin cùng cộng tác viên của thầy Quảng Kiến, thấy rõ được sự chân tình, trân quý cộng tác viên qua từng dòng tin nhắn gửi qua email. Những gợi dẫn, góp ý cũng như cách giao tiếp với cộng tác viên thấm đẫm tinh thần yêu thương, trí tuệ của đạo Phật giúp tôi không chỉ gắn bó với Giác Ngộ nhiều hơn qua từng bài cộng tác, mà còn chủ động dành thời gian tìm hiểu, đọc bài ở nhiều chuyên mục khác của tuần báo cũng như trên Giác Ngộ online.

Tôi hạnh phúc khi cầm trên tay tờ Giác Ngộ xuân 2019 với bài viết về chuyến ghé thăm thiền sư Thích Nhất Hạnh ở chùa Từ Hiếu (Huế) với tiêu đề “Khoảnh khắc đi cùng Thầy”. Bài được trình bày trên 4 trang báo màu với bố cục và hình ảnh khá đẹp.

Vui hơn nữa khi dịp đầu năm 2020, tôi có vinh dự được tòa soạn bình chọn là một trong số những CTV tiêu biểu của năm. Món quà gửi ra gồm một chiếc áo Giác Ngộ, giấy khen và hộp gỗ mini bên trong khắc tượng Đức Phật. Chiếc áo có thêu dòng chữ màu vàng đất “Báo Giác Ngộ” tôi thường xuyên mặc, nhất là trong các hoạt động Phật sự. Mỗi lần như vậy, cảm giác mình thực sự đang ở trong gia đình lớn của báo, là người nhà của báo.

Lặng thầm và tự nhiên như thế, Giác Ngộ thành một dòng sông tâm linh mát lành, gạn lọc cho tôi những ồn ào, mỏi mệt, toan tính của đời sống cơm áo chốn thị thành cũng như đưa tôi tiếp xúc với những hoa trái của đạo Phật một cách tự nhiên, dễ thấm.

Giao diện Giác Ngộ Online mới tích hợp video - đa phương tiện

Giao diện Giác Ngộ Online mới tích hợp video - đa phương tiện

Dòng sông tâm linh

Những dòng nước mát trong và lành từ Giác Ngộ góp phần giúp tôi nhận ra: chùa thực sự là một ngôi nhà, và đạo Phật không phải một phép màu, không phải sự biến hóa thần thông như trong “Tây du ký” và nhiều phim Trung Quốc thuở nhỏ tôi từng xem. Đạo Phật giản dị, gần gũi như cơm ăn nước uống hàng ngày. Bất kỳ một ý nghĩ, hành động nào liên quan đến đạo đức, biết nghĩ cho người khác thì đó đều là con đường của đạo Phật.

Vậy nên tôi nghĩ rằng Giác Ngộ có vai trò, sứ mệnh như một ngôi chùa online, trường học online, để mỗi chúng ta soi vào đó mà sửa mình, học những đức tính về lòng bao dung, sự từ bi, trí tuệ. Để mỗi khi lầm đường lạc lối, khi bất an, đau khổ, khi thấy cần một ngọn lửa của niềm tin dẫn lối cho mình đi tiếp giữa cuộc đời - mỗi người đều biết quay về nương tựa bên ngôi trường, bên “thầy giáo chủ nhiệm” của mình với những sự thanh thản, bình yên mà mình đã vội vàng đánh rơi đâu đó.

Đọc những hành trình thiện nguyện trên trang “Phật giáo và tuổi trẻ”, hay trang “Từ thiện xã hội” của Giác Ngộ, có lẽ mỗi chúng ta đều nhận ra rằng: Phật không nằm cố định trong một ngôi chùa, trong tượng đồng, tượng ngọc, tượng gỗ… Phật trong ánh nhìn từ bi khởi niệm một tình yêu thương vô bờ bến dành gửi tới những người xung quanh.

Những câu chuyện, nhân vật qua mỗi bài viết mang đến cho tôi thông điệp: Thay đổi cần bắt đầu từ chính mình. Mình cần nhìn thấy cuộc sống tươi đẹp, hạnh phúc, cần biết học cách yêu thương và chăm sóc chính tâm hồn mình thì những năng lượng tích cực, tư duy tích cực cũng sẽ được khởi phát mà tạo nên sức mạnh, đồng thời kết nối với những con người tích cực khác quanh mình.

Báo Giác Ngộ tại triển lãm báo xuân - Ảnh: Yên Hà

Báo Giác Ngộ tại triển lãm báo xuân - Ảnh: Yên Hà

Tôi nhận ra rằng nỗi buồn, sự mỏi mệt tựa như một bồn nước. Khi ta ngâm mình vào trong đó, nó sẽ loang rộng ra, vây bám lấy ta. Nhưng nếu ta chủ động đứng dậy, bước chân ra khỏi bồn nước - nỗi buồn cũng sẽ bốc hơi. Ngoài cánh cửa kia bình minh mỗi ngày vẫn đến, vẫn thắp cho cuộc đời những gì yên bình nhất, vẫn cho mọi người cơ hội được thưởng thức tiếng chim ca, thấy những bông hoa đang hé nở ngọt lành...

Mỗi ngày ta nên tìm ra một niềm vui, một niềm hạnh phúc nào đó mình cảm nhận được để thầm cảm ơn cuộc đời, để thấy rằng cuộc đời chưa bao giờ phụ bạc với ta - thay vì xới lên những khiếm khuyết, những nỗi đau thẳm sâu trong lòng rồi tự mình chìm đắm.

Mỗi lần đọc Giác Ngộ là thêm một lần có cơ hội tiếp xúc sâu hơn với Phật giáo, cũng như học cách nhìn cuộc sống qua lăng kính của Phật giáo. Từ đó, tôi thấy cuộc sống của mình thanh thản, bình an hơn, trái tim và tâm hồn mình thêm rộng mở, yêu thương nhiều hơn.

Trước đây, tôi định nghĩa về hạnh phúc với rất nhiều thứ liên quan đến vật chất, danh vọng. Nhưng bây giờ tôi nhìn hạnh phúc giản dị hơn, và nó có sẵn trong mỗi người, mỗi ngày.

Tôi thấy mình hạnh phúc, và nhìn mọi người, mọi vật, mọi việc quanh mình với điểm nhìn của yêu thương và hạnh phúc. Không quá truy vấn, phán xét, học cách đón nhận nếu nó thuộc về mình, và xử lý nó trong khả năng tốt nhất có thể. Vì bình an hay hạnh phúc thực chất là một con đường - chứ không phải đích đến.

Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6, chúc Giác Ngộ sẽ mãi là tờ báo với những thông tin thời sự - uy tín - chất lượng, đồng thời lan tỏa đi những giá trị tích cực để tất cả chúng ta - cộng đồng Phật giáo trong nước cùng nắm tay nhau đi như một dòng sông mang tinh thần, trí tuệ, tình thương của Đức Như Lai.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.