Nhân ngày Báo chí VN 21-6: Hạnh lắng nghe và tinh thần vô úy của người cầm bút

Tác giả được phỏng vấn Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng một số dịp, như kỷ niệm 40 năm ngày Giác Ngộ ra số đầu tiên, Đại hội Phật giáo TP.HCM và toàn quốc… - Ảnh: Bảo Toàn/BGN
Tác giả được phỏng vấn Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng một số dịp, như kỷ niệm 40 năm ngày Giác Ngộ ra số đầu tiên, Đại hội Phật giáo TP.HCM và toàn quốc… - Ảnh: Bảo Toàn/BGN
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Ngày của nghề, khi còn làm báo chuyên nghiệp, nhận được những lời chúc tụng, tôi hay tự hỏi: mình đã làm được gì, mình có xứng đáng nhận được những lời chúc hoặc những tôn vinh?

1. Mọi người hay dùng mỹ từ - nghề báo là nghề cao quý - nhưng tôi thấy, nghề nào cũng cao quý và đều có đóng góp cho xã hội. Hòa thượng Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Phó Tổng Biên tập Thường trực báo Giác Ngộ, trong nhiều cuộc họp toàn cơ quan thường nhắc ý này. “Để tờ báo vận hành tốt thì mỗi người đều có đóng góp quan trọng, từ anh phóng viên, biên tập, phát hành, quảng cáo đến chị tạp vụ, anh gác cửa, cô văn phòng…”, Hòa thượng nhấn mạnh để thấy sự tương hỗ nhau trong một cơ quan. Nhìn rộng ra cuộc đời cũng thế. Nhà báo biết viết gì và làm sao có thể viết hay nếu không có những câu chuyện hay ho đang diễn ra ngoài kia, từ những con người nổi tiếng, tài năng đến những nhân vật bình dị tử tế đang sống bình thường đâu đó?

Chất liệu của người làm báo chính từ những cái tốt, cái xấu; cái đúng, cái sai; cái hay, cái dở… để rồi chuyển tải vào từng trang viết. Làm sao để mỗi bài viết là một nguồn năng lượng giúp nuôi dưỡng tâm hồn người đọc; phản biện, đấu tranh với cái sai, cái xấu cốt cũng để cuộc sống tươi đẹp hơn, nhưng trước tiên là bản thân mình không dính mắc lại.

Để có những trang viết nuôi dưỡng tâm hồn, có lẽ người viết cần phải lắng nghe sâu, theo hạnh nguyện của Bồ-tát Quán Thế Âm, như cách quán nguyện của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Lắng nghe nỗi khổ niềm đau, nghe những điều được giãi bày từ chính con người và cả những điều không nói cũng từ tha nhân, cùng đất mẹ, thiên nhiên, bầu khí quyển… Có rất nhiều ngôn ngữ dưới dạng “không nói”, nhưng người viết báo phải nghe được, hiểu và thương, thì mới có thể trình bày lên mặt báo. Từ đó, đóng góp sự thay đổi cho những nỗi oan ức của con người, vạn loại, trong đó có môi trường sống của chúng ta đang phải gồng mình chịu đựng những nỗi đau của ô nhiễm và tàn hại bởi chính bàn tay con người.

2. Hằng năm, Hội Nhà báo cấp Trung ương, địa phương đều tôn vinh người cầm bút qua những tác phẩm có tính chiến đấu, phản biện giúp thay đổi hoặc loại bỏ những ung nhọt trong cuộc sống, đưa công bằng xã hội và lối sống nhân văn lên cao hơn. Những người cầm bút dũng cảm, dấn thân vào nguy hiểm để ghi nhận những góc khuất, đồng hành với những hi sinh, hay tham gia vào cuộc chiến với đại dịch Covid-19 đã được tôn vinh. Cuộc sống có những con người sống đẹp, dấn thân nơi đầu sóng ngọn gió, tham gia tuyến đầu chống dịch thì nhà báo cũng không ngoài cuộc.

Để có thể cùng sống và viết trong những tình huống ngặt nghèo ấy, đương nhiên cần tinh thần vô úy - không sợ hãi. Nhà báo yêu nghề và tin vào những giá trị của tác phẩm mình truyền tải có thể giúp thay đổi tích cực sẽ làm được. Cũng chính lý lẽ sống hết mình với nghề bằng lòng quả cảm mà có những nhà báo đã dám chống lại cái xấu, cái ác ngay cả khi bị đe dọa, bị hành hung, thậm chí nắm chắc trong tay cái chết.

Họ thật đáng nể. Và họ xứng đáng được tôn vinh. Như đã nói, nghề nào chánh mạng cũng tốt, cũng cao quý, cũng có đóng góp cho cuộc sống. Trong công việc cao quý, tất nhiên cũng sẽ có những người không tốt, số đó sẽ không sống được với nghề.

3. Ngày kỷ niệm của nghề, nhận được những lời chúc mừng, người cầm bút có thể vui, nhưng những lời chúc hay lẵng hoa, món quà đó cũng là một lời nhắc nhở: làm sao cho xứng đáng. Khi đó, nhà báo sẽ trở lại với ý niệm sống với nghề trong tinh thần vô úy và đem hạnh lắng nghe vào trong tác nghiệp. Những tác phẩm báo chí chạm vào trái tim hay có cái nhìn sâu sắc sẽ giúp thay đổi tư duy và cách làm, cách sống nhàn nhạt mà vì lý do nào đó người ta không muốn hoặc không dám thay đổi. Tôi gọi đó là báo chí kiến tạo, giúp định hướng và đóng góp cho sự phát triển.

Suy cho cùng, nghề báo cũng là nghề mưu sinh. Sản phẩm mình tạo ra chất lượng thì “nhà sản xuất” và cả “cơ quan chủ quản” cũng sẽ được nâng tầm uy tín. Từ đó, bạn đọc sẽ không bỏ mình. Ở khía cạnh nào đó, bạn đọc chính là một khách hàng đặc biệt giúp nuôi sống tờ báo cũng như người làm báo. Nhận những lời chúc mừng trong ngày của nghề, nhà báo cần tri ân độc giả. Từ đó nỗ lực nhiều hơn, dũng cảm hơn, sống cùng bạn đọc để viết nên câu chuyện của họ với những trở trăn, ước vọng - để họ đọc/ xem/ nghe và thấy được nuôi dưỡng tâm hồn, tin tưởng để sống thiện, sống đẹp hơn - tiếp tục cung cấp chất liệu cho nhà báo viết hay hơn…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.