GN - Để có được sự độc lập, thống nhất đất nước vào thời điểm bốn mươi năm trước, 30-4-1975, dân tộc Việt Nam đã phải gánh chịu vô vàn gian khổ và hy sinh. Hàng triệu triệu người đã “vì nước vong thân”, hy sinh thân mạng, hoặc một phần của sự sống, đó là chưa kể đến những mất mát, đau thương khác mà dấu tích còn để lại cho đến hôm nay.
Khối tôn giáo, dân tộc diễn tập chào mừng Kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước
Nền hòa bình, sự độc lập và thống nhất của đất nước là thành tựu to lớn của toàn dân. Bao thế hệ người đã dấn thân không quản hiểm nguy, sống chết cho Tổ quốc, quê hương. Nhắc lại lịch sử để thấy rằng chúng ta là những người may mắn, được thụ hưởng thành quả của các thế hệ trước, được sống trong một đất nước hòa bình, không còn phải đối mặt với chiến tranh - nỗi sợ hãi, ám ảnh của con người bất cứ nơi đâu.
40 năm qua kể từ sau khi nền hòa bình lập lại, tùy tình hình và trong tương quan với các nước trong khu vực và quốc tế, đất nước đã từng bước ổn định và có những bước chuyển mình đi tới, đạt được nhiều thành tựu quan trọng về mọi mặt.
Bên cạnh những thành tựu về kinh tế và chính trị, một số vấn đề về xã hội, đạo đức lối sống cũng nảy sinh bởi các dấu hiệu suy thoái được các nhà chuyên môn cảnh báo những năm gần đây.
Trong thời kỳ kháng chiến gian khổ, phẩm chất cao đẹp của con người luôn được thắp lên, tỏa sáng, truyền thống đoàn kết toàn dân được phát huy cao độ, tạo thành một sức mạnh vô song, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, cao điểm là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thỏa nguyện ước vọng hòa bình, đoàn tụ của hàng triệu triệu người dân tạm thời bị chia cắt ở hai miền Nam, Bắc.
Kinh nghiệm lịch sử đó là hết sức ý nghĩa với công cuộc xây dựng đất nước sau thời chiến tranh kết thúc để vun đắp cho những thành tựu hòa bình độc lập đã đạt được. Chúng ta đã có những định hướng xây dựng đất nước vô cùng tốt đẹp. Điều quan trọng còn lại là vấn đề con người thực hiện định hướng đó. Định hướng đúng, tốt nhưng thiếu con người thực hiện có tâm, tầm nhìn và có đức, có tài, biết uyển chuyển trong vận dụng thì định hướng không thể trở thành hiện thực đáp ứng nguyện vọng của nhân dân; đó là chưa kể có những công trình bị tiêu cực chi phối và gây tổn hại vô cùng bức xúc.
Trong bối cảnh thế giới đa cực hiện nay, để giữ được sự độc lập và hòa bình của đất nước, để có được sự ổn định về chính trị, phát triển về xã hội, văn hóa, phát huy truyền thống đạo đức dân tộc, hơn bao giờ hết, chúng ta cần những con người lãnh đạo dấn thân hành động lăn xả, thường xuyên nâng cao chất lượng trong tư duy, thực sự là người của dân, do dân và vì dân, phải thực sự “yêu nước thương dân” một cách đúng nghĩa nhất; hay nói theo ngôn ngữ của nhà Phật, là người luôn vì lợi ích, vì sự an lạc, hạnh phúc của số đông, tức thực sự là những “anh hùng của thời đại”, luôn luôn tỉnh giác, tự soi sáng vượt lên chính mình, tự thắng những ích kỷ, lợi lộc tư riêng… mà phải tập trung phụng sự cho nhân dân, cho cộng đồng, trong đó có gia đình quyến thuộc mình.
Có như thế, chúng ta mới tiếp tục củng cố lòng tin của người dân, huy động được sức mạnh của toàn dân như chúng ta đã từng làm được trong các thời kỳ kháng chiến bảo vệ đất nước. Đó là con đường để tăng trưởng lòng tin của người dân, tạo nên sức mạnh lớn lao và sự đồng thuận cao giải quyết những vấn đề mới nảy sinh cũng như các khó khăn khác trong công cuộc xây dựng đất nước phát triển, hội nhập toàn cầu một cách bền vững.
HT.Thích Giác Toàn
_________________
* Tin, bài liên quan: