Truyền thông Phật giáo và truyền thông về Phật giáo

Ảnh: Mudita/BGN
Ảnh: Mudita/BGN
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Câu chuyện về đưa tin, truyền thông Phật giáo vẫn chỉ mới dừng lại ở chỗ số lượng, chất lượng còn hạn chế trong khi cái đẹp, cái tốt, cái hay được số đông mặc nhiên Phật giáo phải vậy, nhưng chỉ cần một lỗi nhỏ là có thể bị “soi” kỹ.

Ban Thông tin-Truyền thông (TT-TT) được thành lập cách nay gần 8 năm, sau Đại hội VII của GHPGVN. Lễ ra mắt tổ chức tại chùa Quán Sứ (Hà Nội) vào ngày 15-10-2013, Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự làm Trưởng ban. Từ đó đến nay, mỗi tỉnh thành cũng hình thành các Ban TT-TT trực thuộc Ban Trị sự Phật giáo của địa phương mình, góp phần truyền tải nhiều thông tin Phật sự đến cộng đồng.

Mặt được thì ai cũng thấy, nhưng vẫn còn đó những ưu tư về công tác này. Giữa thời buổi công nghệ 4.0, mạng xã hội phát triển, tự thân nó có mặt lợi mà cũng nhiều cái hại. Điều này đặt ra bài toán mà những người đảm trách công tác truyền thông của Giáo hội phải nghĩ tới để có sự ứng phó kịp thời trước những làn sóng “khủng hoảng”, từ những chuyện đã qua.

Truyền thông chỉ là tập trung làm báo, viết bài, đưa tin?

Các hoạt động của Ban TT-TT từ Trung ương đến các tỉnh thành hiện đa phần mang hơi hướng của báo chí - gần như tất cả chỉ đưa tin hoạt động, xây dựng những trang tin tức của riêng mình. Đâu đó có hiện tượng như việc tỉnh A, thành B phải kiến tạo các loạt tin, bài mang hiệu ứng này kia cho địa phương mình, thậm chí tổ chức truyền hình trên nền tảng số, hoặc livestream và xem đó là sự phát triển nổi trội.

Thời điểm đầu, rất nhiều tỉnh thành lập website để đăng tin tức của địa phương và nghĩ rằng mình đã có trang thông tin nội bộ nên không cần chia sẻ thông tin với những trang tin hay báo chính thống được Bộ TT&TT công nhận, hoạt động trong làng báo Việt Nam. Chính điều này, ngỡ như phát triển nhưng vô tình lại làm bó hẹp thông tin vì người thạo tin sẽ chỉ nghĩ đến và tiếp cận những tờ báo Phật giáo chính thức.

Việc nở rộ các trang tin điện tử của Phật giáo, nhìn ở một góc độ khác, còn làm “nhiễu thông tin” khi các thông tin về hoạt động tôn giáo được đăng tải cảm tính trên mạng nhưng lại thiếu một định hướng cụ thể. Đó là chưa kể các quy chuẩn về tin tức, hình ảnh bị xem nhẹ. Theo đó, không phải người thực hiện việc viết, đăng nào cũng kỹ lưỡng, chu toàn. Vì vậy, có nhiều buổi lễ mà lẽ ra việc truyền thông sẽ và phải tạo được hiệu ứng tốt vì tính trang nghiêm thì lại bị giảm bớt phần nào do sót lọt những hình ảnh “đáng tiếc” của những vị tôn túc. Đó là những khoảnh khắc “khó đỡ” nhưng vì muốn đăng áp đảo hình ảnh thay vì chắt lọc thông tin nên một số trang “truyền thông Phật giáo” đã vô tình làm hỏng đi một bản tin tốt đẹp.

Ban TT-TT Trung ương cũng có ý thức về việc này và mỗi nhiệm kỳ đều tổ chức một số buổi tập huấn nghiệp vụ cho các vị trong ngành của mình. Tuy nhiên, công việc đòi hỏi chuyên môn sâu của báo chí này đâu thể làm tốt được qua vài buổi báo cáo? Và cũng đâu thể “thu hoạch” được người đủ kỹ năng đảm trách chỉ sau vài lần hướng dẫn? Do vậy, câu chuyện về đưa tin, truyền thông các sự kiện Phật giáo vẫn chỉ mới dừng lại ở chỗ số lượng, chất lượng còn hạn chế, đôi khi có vấn đề. Mà cái đẹp, cái tốt, cái hay đôi khi được số đông mặc nhiên Phật giáo phải vậy, nhưng chỉ cần một lỗi nhỏ là có thể bị “soi” kỹ. Nhiều hình ảnh xấu, đăng thiếu kiểm duyệt trên web Phật giáo sẽ bị lưu hoặc chụp lại để bình luận theo những ý đồ riêng, để lại hậu quả tai hại. Một nguồn hình ảnh không đẹp hay phát ngôn chưa chuẩn khác nữa đến từ các Facebook cá nhân, mạng xã hội do Tăng Ni, Phật tử tham gia cũng chưa được lưu tâm. Đây cũng là một kênh “truyền thông Phật giáo” mang tính chất liệu cho báo chí khai thác, nhất là với những trang báo muốn có view, like nhiều thì đề tài Phật giáo với những hình ảnh không đẹp của Tăng Ni thường sẽ được chú ý khai thác.

Thêm nữa, với sự không chuyên trong công tác đăng tải các tin tức Phật sự ở một số website Phật giáo, từ góc nhìn bên ngoài hoặc những người chuyên môn hơn, có thể sẽ bị đánh giá với điểm trừ. Mới đây, trang web của Ban TT-TT Trung ương cũng đã gặp sự cố khi cho đăng tải bài viết về một “hotgirl” vướng vào một lùm xùm không hay trước đó. Đây có thể nói là thông tin có hại và rõ ràng đã bị nhiều người chụp hình lại, phổ biến trên mạng xã hội kèm theo nhiều phản ứng gay gắt. Mặc dù trang thông tin này được một nhà báo chuyên nghiệp coi ngó, giữ vai trò như một thư ký tòa soạn nội dung nhưng tính chuyên môn của truyền thông - báo chí Phật giáo không chỉ nằm ở mỗi kỹ năng, nghiệp vụ mà còn ở chỗ nắm vững tư tưởng cốt lõi của đạo. Từ chỗ này, người giữ quyền đăng/ gác tin tức, bài vở mới có quyết định đúng đắn để thông tin được đưa ra mang lại hiệu ứng tốt hay phản tác dụng. Và đây mới là câu chuyện mà người đứng đầu ngành truyền thông cùng thành viên Ban TT-TT các cấp cần quan tâm, xử lý, có định hướng thay vì đầu tư mỗi tỉnh thành một kênh thông tin với nhiều điểm trừ như đã kể (từ hình ảnh đến quy cách, nội dung, văn phong).

Kết nối báo chí với Phật giáo

Có thể thấy, thời gian gần đây, mật độ thông tin Phật giáo được báo chí đăng tải khá nhiều. Ngoài những hoạt động về văn hóa - nghi lễ mang hơi thở của Phật giáo trong những đại lễ lớn thì các đóng góp của Giáo hội cũng được chuyển tải, nhất là hoạt động từ thiện xã hội. Nhờ đó, hình ảnh Phật giáo được lan tỏa hơn.

Tuy nhiên, thi thoảng báo chí vẫn có những thông tin sai lệch ảnh hưởng đến hình ảnh Phật giáo hoặc gây bức xúc cho người Phật tử. Chẳng hạn, trên một tờ báo điện tử đã từng có bài phỏng vấn một giảng viên đại học nói về Phật giáo với những ngôn từ miệt thị. Một tờ báo cười là phụ trương của một tờ báo lớn từng đăng tranh biếm họa Đức Phật… Đó là những sự vụ đáng tiếc đã được xử lý nhưng có thể thấy, báo chí bên ngoài không phải lúc nào cũng hiểu rõ về đạo Phật, văn hóa Phật giáo để có nội dung phù hợp. Nắm bắt các sự việc như thế để có phát ngôn chính thức từ Giáo hội, kịp thời ban hành công văn phù hợp nhằm giải quyết đúng theo tinh thần bất bạo động của Phật giáo là công việc của Ban TT-TT các cấp. Có nơi đã làm tốt việc này nhưng có nơi gần như “im lặng đáng sợ” hoặc phản ứng nhưng lại làm cho câu chuyện diễn tiến nghiêm trọng hơn.

Hiện tại, khi có một vụ việc nổi cộm nào đó liên quan tới Phật giáo, là tin đúng về một cá nhân phạm giới hoặc tin sai từ báo chí bên ngoài, phản ứng của Ban TT-TT vẫn chưa thật sự sâu sát. Lẽ ra, Ban TT-TT phải là bộ phận nắm được thông tin nhanh nhất và có tham mưu đối với các vị lãnh đạo cấp cao của Trung ương Giáo hội để ngay lập tức có phát ngôn chính thức cũng như duy nhất về sự vụ. Công việc chính yếu này lại bị đưa xuống hàng phụ, để những bất lợi trong cơn khủng hoảng kéo dài, gây ra những hiểu lầm nghiêm trọng, đến lúc “nói lại cho rõ” thì đã “nguội”.

Xét đến cùng, mối quan hệ báo chí với Phật giáo cần Giáo hội mà cụ thể là Ban TT-TT chủ động hơn nữa. Có thể kết nối báo chí định kỳ hàng tháng, hàng quý để thông báo những hoạt động lớn của Giáo hội, lắng nghe góp ý của nhà báo trong các hoạt động của mình… Từ đó, giúp cho báo chí bên ngoài hiểu về Phật giáo hơn, tránh những sự cố tin tức đáng tiếc như đã từng xảy ra.

Nên tổ chức một giải thưởng “Báo chí với Phật giáo”

Theo đó, Ban TT-TT Trung ương có thể phối hợp cùng kênh Truyền hình An Viên, Báo Giác Ngộ tổ chức giải thưởng này hàng năm, trao vào dịp kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng VN (21-6) hoặc kỷ niệm ngày thành lập GHPGVN (7-11). Tiêu chí xét giải là những bài báo hoặc sản phẩm báo chí (truyền hình, phát thanh, báo điện tử, báo in) được các báo đăng, phát về Phật giáo mang tính phản biện tích cực, nhân tố “tốt đời đẹp đạo”…

Giải thưởng này vừa tạo gắn kết giữa Phật giáo với các cơ quan thông tấn báo chí để từ đó họ có chủ trương thông tin về Phật giáo với liều lượng cao hơn. Đồng thời, cũng giúp cho hình ảnh Phật giáo đến rộng rãi với công chúng, bạn đọc nhiều hơn thay vì chỉ có truyền thông nội bộ.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.