Xuân Di Lặc trong Xuân cổ truyền

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
GNO - Mùa xuân trong tín ngưỡng Phật giáo cần khuyến hóa mọi người làm việc thiện và sống có chánh kiến.  

Xuân cổ truyền

Căn cứ lịch sử thì truyền thống Tết Nguyên đán đã trải qua trên bốn ngàn năm trong đời sống người dân Việt Nam, Trung Quốc và một vài dân tộc khác thuộc châu Á. Ngày Tết bắt đầu từ ngày đầu tháng Giêng âm lịch, còn gọi Xuân tiết, Tân xuân. Việt Nam chúng ta bị Trung Quốc đô hộ hơn ngàn năm, trải qua nhiều thời đại, văn hóa Việt Nam chịu ảnh hưởng và pha trộn văn hóa Trung Quốc, từ ngôn ngữ cho đến phong tục đời sống con người. Nhưng khi Phật giáo Việt Nam phát triển cùng ý thức tự chủ dân tộc, người Việt dần dần thiết lập bản sắc văn hóa, biết gạn đục khơi trong để phát huy văn hóa của mình. Nhưng đối với phong tục Tết, trong dân gian vẫn đọng lại những nét văn hóa Trung Quốc. Có những phong tục nhân bản, nhưng cũng có những tập quán tiêu cực, mê tín lưu dấu trong văn hóa đón xuân.

Trong tín ngưỡng dân gian của người Trung Quốc và Việt Nam, ngày 23 tháng Chạp, gọi là ngày Tế Táo. Tế là cúng, Táo là cái bếp lò, là cúng ông thần bếp trong nhà. Cho nên trong dân gian quan niệm ngày 23 là ngày thần Táo về trời tâu với Ngọc Hoàng chuyện gia đình ở nhân gian. Qua ngày 24 tháng Chạp là ngày Tảo trần, tảo là quét dọn, trần là bụi bặm. Cuối năm nhà nhà đều phải dọn dẹp sạch sẽ khang trang để chuẩn bị đón mừng xuân mới. Vấn đề quét dọn chuẩn bị ngày Tết còn có ẩn ý là quét sạch những rủi ro tai nạn ra khỏi nhà, để gia đình được bình an. Hơn nữa, tự thân mọi người phải tắm rửa, cắt tóc, chuẩn bị quần áo mới đón xuân, ý nghĩa là làm mới hoàn cảnh sống và cả thân tâm. Phong tục mua hàng hóa cuối năm, nhà nhà đều đi chợ để mua hàng hóa thức ăn, lễ vật cúng ngày Tết. Ngày xưa trong xã hội nông nghiệp, mọi nhà tự nấu bánh, làm mứt, chuẩn bị hương hoa phẩm vật cúng tổ tiên ông bà và làm thức ăn thết đãi bà con họ hàng qua lại thăm viếng. Vì theo phong tục, sau ngày mồng 5 Tết chợ và doanh nghiệp mới bắt đầu buôn bán trở lại, cho nên phải dự phòng thức ăn và hàng hóa dùng đủ trong thời gian đó. Lễ cúng Tất niên tại nhà gọi là Đại lạp. Đại là lớn, lạp là tháng 12, lễ cúng Tất niên tổng kết một năm qua thường vào cuối tháng Chạp. Nhà nào con cháu đi xa cũng thường về ăn Tết với gia đình, trong nhà ăn chung một bữa cơm đoàn tụ, gọi là Niên dạ phạn, gọi đây là bữa cơm tối cuối năm. Bữa cơm này họp mặt gia đình đầm ấm hạnh phúc, con cháu sum vầy.

Phong tục ngày xuân thường treo câu đối đỏ tại cửa nhà, ngôn từ chuyên chở ý tưởng đạo lý và nguyện vọng tốt đẹp đời sống con người. Ngày xuân còn có treo vòng hoa tại cửa sổ, hoa biểu trưng cho vẻ đẹp, thành quả tốt đẹp trong cuộc sống. Bên cạnh đó mọi người thường treo chữ “Phúc”, ước nguyện mọi phúc lành luôn đến trong nhà. Đặc biệt ngày xưa thời chưa có pháo, người ta đốt cây trúc cháy và phát âm thanh giòn giã trong ngày đầu năm, tục này gọi là Nhiên bạo trúc. Nhiên là đốt, bạo là tiếng nổ, trúc là cây tre. Cây tre rỗng ruột khi đốt nổ ra âm thanh, tạo nên âm hưởng nhộn nhịp, vui vẻ, tinh thần phấn khởi. Cho nên mới có tục đốt pháo cúng giao thừa. Đón giao thừa xong là chính thức bắt đầu năm mới, có năm ngày Tết, từ mồng một đến mồng năm. Ngày mồng một có những công việc như sau: Phong tục Bái niên: Đầu năm mọi người đi thăm viếng lẫn nhau, chúc nhau những câu tốt lành ngày đầu năm. Đây là nét văn hóa đặc biệt thể hiện ước muốn hạnh phúc mà mọi người chân thành gửi đến nhau, cầu chúc năm mới được kiết tường, vạn sự như ý. Ngày nay, nếu ở xa nhau thì mọi người gửi thiệp, điện thoại chúc Tết. Phong tục Xuyên tân y: Ngày xuân mọi người thường mang quần áo mới, đặc biệt trẻ con được ưu tiên, cha mẹ thường sắm sửa quần áo, giày dép, mũ nón để đi thăm chơi và chúc Tết ông bà. Trong văn hóa Đông Tây, ngày lễ, ngày Tết, người ta đều mặc áo quần sạch sẽ nghiêm túc đi dự hay đến thăm nhau là thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau. Phong tục Xuân hành: Thông thường ngày mồng một là ngày ra đường lễ bái đền chùa cầu nguyện cho đại lợi, đại kiết trong năm. Phong tục Khai môn: ngày mồng một là ngày quan trọng, xem thời gian nào mở cửa hay đóng cửa nhà, cửa ngõ. Sáng mồng một Tết, ai đến nhà mình trước nhất thì đã đạp đất nhà mình. Người ta quan niệm rằng, người hiền lành đến thì điều lành đến nhà suốt cả năm. Người xấu đến nhà thì điều xấu đến nhà suốt cả năm. Phong tục về những điều cấm kỵ: Ngày mồng một Tết mọi người phải thận trọng nhất mọi hành động, lời nói. Không nói lời thô bạo, cãi vã hay tranh chấp hơn thua và đánh lộn. Đặc biệt không nên đem rác bẩn hay đồ ô uế đến nhà.

Ngày mồng hai Tết: Mọi người đi cúng lễ Thổ địa, những vị thần linh trong khu vực mình sinh sống, cúng tổ tiên ông bà tại nhà thờ chi nhánh trong dòng họ. Trong ngày này, con gái đã lấy chồng thường về nhà thăm viếng cha mẹ mình và chúc Tết.

Ngày mồng ba Tết: Mọi người thong thả hơn, ngủ sớm và dậy trễ, vì suốt từ đêm giao thừa qua hai ngày sau nữa có nhiều việc nghi lễ và thăm viếng nên mệt mỏi.

Ngày mồng bốn Tết: Ngủ dậy sớm để tiếp thần từ trời trở về lại nhân gian và lễ tiếp thần Tài. Nếu dậy trễ thần Tài ra đi thì cả năm khó làm ăn!

Ngày mồng năm Tết là kết thúc sinh hoạt thăm viếng và vui chơi, mọi người lo sửa soạn dọn dẹp sạch sẽ và bắt đầu công việc gia đình và xã hội như bình thường.

Ngoài ra, liên quan vấn đề cúng bái trong mùa xuân là lễ rằm tháng Giêng, còn gọi là Tết Nguyên tiêu. Đêm trăng tròn đầu năm là lễ cúng tế Thái Nhất thần, vị thần lớn nhất cai quản các thần trong vũ trụ (Thái Nhất có nghĩa là chủ tể vũ trụ). Lễ này rất trọng đại, thời Tư Mã Thiên kiến lập lịch pháp đã có ngày lễ này. Mọi người vui chơi, ăn bánh, đốt đèn, múa lân trong lễ hội rằm tháng Giêng, ngày nay gọi là lễ Thượng nguyên.

Xuân Di Lặc

Hình ảnh Di Lặc xuất hiện trong tín ngưỡng Phật giáo khoảng từ đầu thế kỷ X. Theo Tống cao tăng truyện, ngày một tháng Giêng là ngày Đản sanh của Bố Đại hòa thượng (hóa thân Bồ-tát Di Lặc). Bố Đại hòa thượng viên tịch năm 916. Về sau, hàng năm tín đồ Phật giáo đón xuân cổ truyền và cùng làm lễ kỷ niệm ngày Đản sanh của hóa thân Bồ-tát Di Lặc. Xuất phát từ tín ngưỡng đó mà hình thành ý nghĩa và nội dung đón mừng xuân Di Lặc.

Theo kinh Di Lặc thượng sanh và kinh Di Lặc hạ sanh, Bồ-tát Di Lặc hiện trú tại nội viện cung trời Đâu Suất, theo bản nguyện thì tương lai sẽ thành Phật tại thế giới này. Hiện nay Bồ-tát đang hành đạo để viên mãn bản nguyện độ sanh và thành tựu quả vị Phật, Ngài luôn thị hiện trong cõi đời để hành đạo. Di Lặc (Maitreya) là phiên âm từ Phạn ngữ, dịch nghĩa là Từ Thị. Từ Thị nghĩa chính là tâm từ bi vô lượng. Theo tinh thần Phật giáo, mọi người luôn tin tưởng vào sự hạ sanh của Phật Di Lặc trong tương lai. Di Lặc là biểu tượng sống động cho tinh thần từ bi, giải thoát, đem lại niềm hân hoan cho con người, chính vì lý do đó hình ảnh Ngài gắn liền với ngày xuân cổ truyền.

Hình tượng Bồ-tát Di Lặc Bồ tát tại các chùa thuộc Phật giáo Bắc tông ở Việt Nam và Trung Quốc là hóa thân. Tống cao tăng truyện chép rằng: Vị Tăng nhân có tên Khế Thử là hóa thân của Bồ-tát Di Lặc. Khế Thử còn gọi là Bố Đại hòa thượng, vì Ngài thường mang túi vải lớn đi vào các thành ấp khất thực. Ngài có tướng mạo phúc đức, miệng rộng, tai dài, bụng lớn, lòng tràn đầy hoan hỷ của một bậc xuất trần tự tại. Năm Minh Trinh thứ 2 đời Hậu Lương (916), tại chùa Nhạc Lâm (huyện Minh Châu, tỉnh Triết Giang Trung Quốc), Bố Đại hòa thượng trước khi viên tịch đã để lại bài kệ: “Di Lặc chân Di Lặc/Phân thân thiên bách ức/Thời thời thị thời nhân/Thời nhân thường bất thức” (Đây thật là Di Lặc/ Thị hiện vô lượng thân/ Thường vì đời giáo hóa/ Người đời thường không biết). Về sau, các tự viện có treo câu đối tán dương đức hạnh của Bố Đại hòa thượng như sau: “Đại đỗ năng dung, dung thiên hạ nan dung chi sự/ Hàm nhan vi tiếu, tiếu thế gian nan tiếu chi nhân” (Cái bụng lớn có thể dung chứa những việc mà người đời không dung chứa được/ Miệng nở nụ cười mỉm với những điều mà người đời khó có thể mỉm cười được). Đây là tinh thần nhập thế với tâm giải thoát tự tại của hóa thân Bồ-tát Di Lặc trong đời. Tấm lòng bao dung được mọi chuyện trong thế gian mà tâm không bị ô nhiễm. Miệng của ngài thường cười với tấm lòng hoan hỷ và dìu dắt mọi người trở về với đạo lý giác ngộ. Cười đây không phải sự châm biếm, đó là nụ cười xuất phát từ năng lực tâm từ bi và trí tuệ của bậc Thánh. Hình ảnh mùa xuân Di Lặc đã làm cho ngày Tết cổ truyền có ý nghĩa hơn.

Đón xuân theo tín ngưỡng Phật giáo

Sinh hoạt trong Tết cổ truyền có nhiều nét văn hóa đẹp nhưng cũng có những phong tục mê tín cần khắc phục. Nét đẹp trong ngày Tết cổ truyền là mọi người thăm viếng bà con họ hàng và người thân để làm tăng thêm giá trị tình cảm và đạo lý gia đình. Vấn đề cúng bái tưởng niệm tổ tiên là thể hiện nếp sống ân nghĩa. Vui xuân với văn hóa ẩm thực và văn hóa thời trang làm cuộc sống thêm phần hạnh phúc. Đặc biệt nhất là nuôi dưỡng tâm nguyện cao đẹp của mọi người vào tương lai tươi sáng.

Bên cạnh đó cũng có nhiều tập quán tiêu cực cần phải nhận thức và chuyển hóa. Đó là: Sát sanh hại vật để cúng bái thần linh cầu được tài lợi trong những ngày đầu năm tạo ra ác nghiệp. Coi bói định ngày tốt xấu xuất hành và làm ăn khiến con người mất tự chủ cuộc sống. Đốt vàng mã trong các nghi thức cầu cúng gây lãng phí tiền bạc mà không có lợi ích thiết thực. Một số người không hiểu đạo lý đón xuân, xem mùa xuân là mùa ăn chơi, trác táng “Tháng Giêng là tháng ăn chơi, tháng Hai cờ bạc, tháng Ba rượu chè!”. Những quan niệm sai lầm đó là nét tiêu cực phải loại bỏ!

Mùa xuân trong tín ngưỡng Phật giáo cần khuyến hóa mọi người làm việc thiện và sống có chánh kiến. Như đến chùa lễ Phật, nghe pháp, tu các hạnh lành để vun bồi phúc đức và trí tuệ. Nhà Phật khuyên mọi người tin sâu nhân quả, như muốn giàu sang phải tu hạnh bố thí, muốn khỏe mạnh phải có tâm từ bi không giết hại sanh linh. Muốn cho gia đạo bình an phải biết tu tập mười điều thiện. Muốn có trí tuệ phải học theo lời Phật dạy.

Khi đón giao thừa, tụng kinh tán thán phẩm hạnh Phật và Bồ-tát, đặc biệt là Bồ-tát Di lặc. Thay vì tổ chức cúng thần linh trong rằm tháng Giêng, khuyên mọi người đi chùa tụng kinh, niệm Phật, ngồi thiền để thân tâm an lạc, tai nạn tiêu trừ. Tụng kinh để hiểu rõ nhân quả, hiểu rõ nguyện lực của Phật và Bồ-tát. Quan trọng là thực hành Văn, Tư, Tu trong đời sống hàng ngày. Văn là nghe lời Phật dạy, tư là suy nghĩ, chiêm nghiệm lời dạy đó, tu là thực hành Phật pháp vào đời sống một cách có chánh kiến.

Thông qua lễ Tết cổ truyền, chúng ta phát huy nét đẹp Phật giáo trong đời sống văn hóa con người. Đạo Phật đi vào đời là từ nhu cầu và lợi ích cho con người mà mở bày phương pháp tu tập. Tu là sự chuyển hóa từ mê tín thành chánh tín, chuyển hóa niềm tin cầu thần ban phước thành lời phát nguyện trọn đời tin sâu nhân quả, làm việc lành để xây dựng cuộc đời hạnh phúc. Trong thế giới ngày nay nhiều cảnh đau thương và thù hận, chỉ có đạo lý từ bi, hỷ xả mới hướng con người sống đời an lạc, hòa bình. Cho nên hình Bồ-tát Di Lặc trong mùa xuân là thông điệp từ bi và giải thoát đến với con người trong mọi thời đại. Tinh thần đón mừng xuân Di Lặc là nét đặc sắc chuyển tải giá trị đạo đức Phật giáo thông qua các sự kiện lễ hội trong nhân gian. Điều đó thể hiện tinh thần nhập thế của đạo Phật vào các sinh hoạt văn hóa xã hội.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.