Tu tập lòng từ công đức hơn bố thí

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1261 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1261 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Bố thí là một hạnh lành, nhiều người làm được. Chung tay trong thiện pháp người góp của, kẻ góp công; người không có gì thì buông lời ca ngợi khiến hạnh sẻ chia, hỗ trợ luôn lan tỏa trong cộng đồng.

Khi chúng ta có tâm hướng đến mọi người, giúp họ giảm bớt một phần khó khăn thì cuộc sống trở nên ấm áp và xã hội an vui hơn. Bố thí là cho đi nhưng bản chất có sự mang về, cho người nhưng thực sự là cho mình. Sự thăng hoa tinh thần, niềm vui khi được cho đi là một sự thật mà người thường hành bố thí cảm nhận rất rõ ràng.

Khi mở rộng bàn tay ắt hẳn chúng ta cũng mở rộng tấm lòng. Nhờ yêu thương nên chúng ta mới có thể cho đi. Không thương thì rất khó cho, dù là vật dư thừa hay nhỏ nhất. Nhưng yêu thương lại có hai sắc thái, đó là ái và từ. Ái là yêu thương nhưng có điều kiện, còn chấp thủ và tiềm ẩn khổ đau. Từ cũng là yêu thương nhưng vượt lên tự ngã, rộng lớn và vô điều kiện. Như Phật thương chúng sinh, như mẹ yêu con, tâm từ là tình yêu mênh mông, một chiều, không cần đền đáp. Cho đi ban đầu xuất phát từ tâm ái, thấy tội và thương nên ban tặng. Càng về sau, khi tâm và tuệ mở ra thì cho đi là phụng hiến, là lẽ sống của đời mình.

“Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Thí như có người, buổi sáng đem ba trăm chảo thức ăn bố thí cho chúng sanh, trưa và chiều cũng lại làm như vậy. Người thứ hai, chỉ trong khoảnh khắc tu tập lòng từ đối tất cả chúng sinh, cho đến như khoảnh khắc vắt sữa bò. Nếu so sánh, công đức bố thí của người trước không bằng phần trăm, phần nghìn, phần vạn ức, hay dùng toán số thí dụ cũng không thể so sánh được. Cho nên các Tỳ-kheo, phải khởi học như vậy: ‘Trong thời gian khoảnh khắc tu tập lòng từ đối với tất cả chúng sinh cho đến như khoảnh khắc vắt sữa bò’.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành”.

(Kinh Tạp A-hàm, quyển 47, kinh 1253. Bách phủ)

Hạnh lành của bố thí chắc chắn sẽ gặt hái quả phước. Khi đã biết bố thí rồi thì hãy mở rộng tấm lòng hơn mà yêu thương rộng lớn, đó là thực hành từ bi. Về pháp đối trị, thí xả nhằm chuyển hóa tâm tham, từ bi nhằm chuyển hóa tâm sân. Tuy vậy, thí xả cần thực hành với tâm từ mới thực sự mang đến an lạc bền lâu. Đức Phật dạy về sự thù thắng vô lượng của tâm từ khi liên hệ đến bố thí chính là điểm này.

Nếu yêu thương bằng tâm ái rồi bố thí dù có phước nhưng dễ mang đến trách móc hoặc phiền lòng vì dính mắc. Người nhận thí gồm đủ thành phần, có thể họ có những biểu hiện không như lòng mình mong muốn. Khi cái tôi của mình bị đụng chạm hoặc không thỏa mãn sẽ dẫn đến không vui. Cho rồi mà không vui thì chẳng an lạc, phước báu bị giới hạn.

Vượt lên tâm ái, mở rộng lòng từ rồi bố thí thì thật tuyệt vời. Tâm từ sẽ thúc giục tâm bi nhanh chóng hành động để cứu giúp. Không chỉ tâm bi mà cả hỷ, xả gồm bốn tâm vô lượng đều có mặt khi có tâm từ. Với nền tảng của tâm từ, năng lượng yêu thương lan tỏa, làm lợi ích cho người mà chẳng vì mình, ranh giới của cái tôi bị xóa nhòa nên luôn bình an và hạnh phúc.

Cho nên, mỗi người cần rải tâm từ, thực hành các việc phước thiện trên cơ sở của tâm từ. Phụng hiến trọn vẹn, hết lòng, hoan hỷ với tất cả, chẳng có gì vướng mắc, không có gì ngăn ngại, bố thí ba-la-mật.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.