Tu hành phạm hạnh là pháp trang nghiêm

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1235 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1235 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Pháp trang nghiêm tiếp theo khiến vua Ba-tư-nặc kính lễ chính là các Tỳ-kheo “sống hân hoan đoan chánh, sắc mặt vui tươi, hình thể tịnh khiết, vô vi vô cầu, sống đời tịnh hạnh, ăn uống như loài nai rừng, tự mình trọn đời tu hành phạm hạnh”

"Một thời Phật du hóa giữa những người họ Thích, trú trong một đô ấp của Thích gia tên là Di-lũ-ly. Bấy giờ Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la… đến trước Đức Phật cúi đầu lễ sát chân và lui ngồi một bên. Đức Thế Tôn hỏi:

- Đại vương, Đại vương thấy Ta có những nghĩa lợi nào mà tự hạ mình đảnh lễ dưới chân và cúng dường cung kính như vậy?

Vua Ba-tư-nặc thưa: …

- Bạch Thế Tôn, con thấy chúng Tỳ-kheo đệ tử của Thế Tôn, sống hân hoan đoan chánh, sắc mặt vui tươi, hình thể tịnh khiết, vô vi vô cầu, sống đời tịnh hạnh, ăn uống như loài nai rừng, tự mình trọn đời tu hành phạm hạnh. Thấy vậy, con nghĩ rằng, ‘Các Tôn giả này vì sao được hân hoan, đoan chánh, sắc mặt vui tươi, hình thể tịnh khiết, vô vi vô cầu, sống đời tịnh hạnh, ăn uống như loài nai rừng? Tự mình trọn đời tu hành phạm hạnh? Các Tôn giả hoặc đã đạt đến ly dục, hoặc chứng đắc tăng thượng tâm, đối với hiện pháp lạc trú chứng đạt dễ dàng không khó.

Cho nên các Tôn giả này mới được hân hoan, đoan chánh, sắc mặt vui tươi, hình thể tịnh khiết, vô vi vô cầu, sống đời tịnh hạnh, ăn uống như loài nai rừng, tự mình trọn đời tu hành phạm hạnh. Nếu sống trong dục lạc mà được hân hoan, đoan chánh, thì chính ta phải được đời sống hân hoan đoan chánh ấy. Vì sao? Vì ta hưởng thụ năm thứ diệu dục, một cách dễ dàng không khó. Nhưng các Tôn giả này đạt đến sự ly dục, chứng đắc tăng thượng tâm, đối với hiện pháp lạc trú thành tựu dễ dàng không khó.

Vì vậy cho nên các Tôn giả này sống hân hoan, đoan chánh, sắc mặt vui tươi, hình thể tịnh khiết, vô vi vô cầu, sống đời tịnh hạnh, ăn uống như loài nai rừng, tự mình trọn đời tu hành phạm hạnh. Đó là sự loại suy về pháp của con đối với Thế Tôn, do đó con nghĩ rằng, ‘Pháp được Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác giảng dạy thật là toàn thiện. Chúng đệ tử của Thế Tôn thật là khéo thú hướng".

(Kinh Trung A-hàm, phẩm Lệ, kinh Pháp trang nghiêm, số 213 [trích, lược])

Pháp trang nghiêm tiếp theo khiến vua Ba-tư-nặc kính lễ chính là các Tỳ-kheo “sống hân hoan đoan chánh, sắc mặt vui tươi, hình thể tịnh khiết, vô vi vô cầu, sống đời tịnh hạnh, ăn uống như loài nai rừng, tự mình trọn đời tu hành phạm hạnh”. Người tu mà cử chỉ đoan chính, sắc mặt vui tươi, lối sống giản dị, lúc nào cũng hoan hỷ thì thật đáng mến, cảm tình. Chắc chắn với nội tâm an tịnh, ít mong cầu, không lo nghĩ nhiều thì mới toát ra nét rạng ngời, thong dong, an lạc như thế.

Vua Ba-tư-nặc đã cảm nhận được hạnh phúc không chỉ hưởng thụ năm món dục (tiền bạc, sắc đẹp, danh tiếng, ăn uống, ngủ nghỉ) hấp dẫn ở đời mà còn một yếu tố quan trọng khác nữa là an tịnh tâm hồn. Bởi vua là bậc đế vương, thừa mứa ngũ dục mà đâu có được thảnh thơi, thân khỏe tâm an như các đệ tử Phật. Tuy không hưởng dục nhưng người tu có niềm hỷ lạc vô biên nhờ thành tựu thiền định.

Hỷ lạc sinh ra nhờ buông bỏ, “ly dục, ly bất thiện pháp”. Người không tu tập thiền định thì không thể cảm nhận được thứ hạnh phúc này. Năm dục của thế gian thì vui, nhưng nếu không giữ được hoặc không biết chừng mực thì sinh buồn. Niềm vui của thiền định thì ngược lại, định càng sâu thì an lạc càng lớn.

Chính hỷ lạc của thiền định nuôi dưỡng thân tâm của người tu. Nhất là hỷ lạc ấy thật vi diệu, giúp người tu vượt lên năm dục lạc ở đời chứ không phải kiềm nén hay khát khao thầm kín. Nhờ đó mà người tu thành tựu đời sống phạm hạnh một cách tự nhiên và trọn vẹn. Những người tu nào phạm giới, khuyết giới hay không trọn đời tu phạm hạnh (hướng ngoại, tìm cầu) thì chắc chắn không ân hưởng được hỷ lạc của thiền định, từ Sơ thiền cho đến Tứ thiền.

Thành ra, người tu phải có hạnh phúc mới có thể tu lâu và tu cao. Hỷ, lạc và nhất tâm chính là những chất liệu hạnh phúc. Được như vậy thì thân tâm đều thơ thới, an vui, giới hạnh vẹn toàn khiến người sinh tâm kính mến.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.