"Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Đức Thế Tôn nói với các thầy Tỳ-kheo:
- Tỳ-kheo chắc chắn được nhiều lợi ích nếu quán như vầy, ‘Ta sống nhiều với tham lam hay sống không nhiều tham lam? Ta sống nhiều với tâm sân nhuế hay không nhiều tâm sân nhuế? Ta sống với thùy miên hay sống không thùy miên? Ta sống với nhiều trạo cử, cống cao hay là sống không nhiều trạo cử, cống cao? Ta sống với nhiều nghi hoặc hay sống không nhiều nghi hoặc.
Ta sống với nhiều thân tránh hay sống không nhiều thân tránh? Ta sống với nhiều ô uế hay sống không nhiều ô uế tâm? Ta sống với nhiều tín hay sống với nhiều bất tín? Ta sống với nhiều tinh tấn hay sống với nhiều giải đãi? Ta sống với nhiều chánh niệm hay sống với nhiều vô niệm? Ta sống với nhiều chánh định hay sống với nhiều vô định? Ta sống với nhiều ác tuệ hay sống với nhiều không ác tuệ?’
- Nếu khi Tỳ-kheo quán mà biết mình sống nhiều với tham lam, sân nhuế tâm, thùy miên triền, trạo cử và cống cao, nghi hoặc, thân tránh, ô uế tâm, bất tín, giải đãi, vô niệm, vô định và sống với nhiều ác tuệ, thì Tỳ-kheo ấy vì muốn diệt trừ các pháp ác bất thiện này nên gấp rút tìm phương tiện học hỏi, hết sức tinh cần chánh niệm, chánh trí, nhẫn, không để thoái lui.
- Như người bị lửa cháy đầu, cháy áo, gấp rút cầu phương tiện cứu đầu, cứu áo. Cũng như thế, vì muốn diệt trừ các pháp ác bất thiện này nên vị Tỳ-kheo ấy gấp rút cầu phương tiện học, hết sức tinh cần, chánh niệm, chánh trí, nhẫn, không để thoái lui”.
(Kinh Trung A-hàm, phẩm Uế, kinh Trụ pháp, số 95 [trích])
Câu kinh “Đại chúng! Đương cần tinh tấn, như cứu đầu nhiên, đản niệm vô thường, thận vật phóng dật” được hàng đệ tử Phật đọc tụng mỗi ngày. Như cứu đầu nhiên nghĩa là như cứu lửa cháy đầu, thật gấp rút, không kịp sẽ chết.
Tham lam, sân nhuế, thùy miên, trạo cử, ngã mạn, nghi hoặc, thân tránh, ô uế tâm, bất tín, giải đãi, vô niệm, vô định, ác tuệ là những phiền não luôn bủa vây đời sống chúng ta. Đó là những ác pháp, bất thiện pháp khiến chúng ta đau khổ, chướng ngại sự tu hành, luân hồi sinh tử triền miên không dứt.
Giống như lửa cháy trên đầu, cần phải nhanh chóng dập tắt. Lấy gì để dập lửa? Nước, đất, vải bạt, hóa chất v.v… có thể dập tắt lửa. Cũng vậy, với lửa phiền não, người tu cần tinh tấn tu tập chánh niệm, chánh trí và nhẫn để dập tắt. Ngay đây, hành giả nhận ra chánh niệm, tỉnh giác chính là chìa khóa để vào đạo, để thanh lọc và làm chủ thân tâm.
Chánh niệm là nhớ nghĩ đề mục (niệm Phật, tụng kinh, trì chú v.v…), chánh trí trong ngữ cảnh này là tỉnh giác, rõ biết tâm trong hiện tại để quay về duy trì chánh niệm tốt hơn. Tinh cần và nhẫn nại là hai yếu tố quan trọng giúp trợ duyên cho chánh niệm và tỉnh giác. Tinh tấn vì tu hành cần bền bỉ, liên tục không thể một sớm một chiều là xong. Nhẫn nại vì tu tập làm chủ tâm là việc khó khăn, chướng ngại vô vàn, cần kham nhẫn với nhiều thứ mới có thể vượt qua nghiệp chướng của chính mình.
Phiền não vô lượng, nghiệp chướng vô cùng nhưng nếu nắm trong tay chìa khóa chánh niệm, tỉnh giác, tinh cần, kham nhẫn thì có thể vượt qua các chướng ngại tâm, thành tựu định, tuệ và giải thoát.