Từ bi đích thực

GN - Nếu thuần túy nghĩ rằng chỉ lòng từ bi là quan trọng thôi thì chưa đủ. Chúng ta cần phải chuyển hóa các suy nghĩ, cảm xúc và cách hành xử của bản thân mỗi ngày để tu dưỡng lòng từ bi đích thực, không có sự dính mắc.

long tu bi.jpg

Từ bi là ước muốn người khác, chúng sanh khác thoát khỏi mọi sự khổ đau - Ảnh minh họa từ internet

Trước khi có thể khởi phát lòng từ bi và tình yêu thương, điều trọng yếu đối với mỗi người là cần có sự hiểu biết tường tận về ý nghĩa của chúng. Nói một cách đơn giản, lòng từ bi và yêu thương có thể được định nghĩa là những suy nghĩ và cảm xúc tích cực - đó là điều kiện làm khởi sinh niềm hy vọng, quyết tâm, sự khích lệ và nguồn sức mạnh bên trong nơi mình và người khác.

Trong đạo Phật, lòng từ bi và yêu thương được nhìn nhận là hai khía cạnh của cùng một pháp: Từ bi là ước muốn người khác, chúng sanh khác thoát khỏi mọi sự khổ đau; còn tình yêu thương là mong muốn người khác, chúng sanh khác có được niềm vui và hạnh phúc.

Tự ngã hay việc tự xem mình là trung tâm sẽ làm suy yếu đi tình yêu thương dành cho tha nhân và hầu như tất cả chúng ta đều mắc kẹt vào điều này, với những mức độ khác nhau. Để có được hạnh phúc đích thực, chúng ta phải có sự bình tâm - sự bình yên nội tâm này chỉ có thể đạt được và có mặt chỉ khi chúng ta có thái độ từ bi. Làm sao để phát triển thái độ từ bi? Rõ ràng nếu đơn giản chỉ tin tưởng rằng lòng từ bi là điều gì đó quan trọng hay tuyệt vời thì chưa đủ. Thay vào đó, chúng ta phải tinh cần nỗ lực, rèn luyện và tu dưỡng lòng từ bi; mỗi người phải tận dụng tất cả những biến động trong cuộc sống hàng ngày để thay đổi và chuyển hóa suy nghĩ, hành vi của bản thân.

Trong mỗi chúng ta đều có thể tồn tại nhiều dạng thức của cảm thọ từ bi, pha lẫn với lòng tham muốn và sự dính mắc. Chẳng hạn, tình thương mà cha mẹ dành cho con cái thường có liên hệ mạnh mẽ với những nhu cầu cảm xúc cá nhân của mình (luyến ái), vì thế đây không hoàn toàn là lòng từ bi thực sự (từ ái). Và thông thường, trong sự quan tâm dành cho một người bạn thân thiết, chúng ta cho rằng tình cảm ấy là biểu hiện của lòng từ bi - thực chất đó có thể là sự dính mắc. Thậm chí trong hôn nhân, tình yêu giữa người vợ và người chồng, đặc biệt trong giai đoạn đầu, khi mỗi người vẫn chưa biết rõ về bản chất, tính cách của người phối ngẫu, sự kết nối giữa hai người phần nhiều xuất phát từ sự dính mắc về cảm xúc, hơn là một tình yêu đúng nghĩa. Trong đời sống, nhiều cuộc hôn nhân nhanh chóng đi đến kết thúc bởi thiếu lòng từ bi dành cho nhau, sự phối ngẫu xuất phát từ những dính mắc cảm xúc dựa trên những quy chiếu và kỳ vọng về đối phương. Chính vì thế, ngay khi những hệ quy chiếu cảm xúc ấy thay đổi, sự liên hệ và kết nối với nhau cũng biến mất.

Bên cạnh đó, sự tham muốn có khi vô cùng mạnh mẽ và đưa đến dính mắc về mặt cảm xúc: Một người nhìn thấy đối phương “không tì vết”, không lỗi lầm dù thực tế người ấy có thể có vô số điều lầm lạc. Đồng thời, sự dính mắc này khiến chúng ta khuếch đại các phẩm chất nhỏ và tích cực nào đó của đối tượng. Từ đó có thể thấy rằng, tình yêu thương của chúng ta được thúc đẩy bởi lòng tham muốn của cá nhân hơn là sự quan tâm đúng mực dành cho người khác.

Lòng từ bi không tham muốn và dính mắc có thể được kiến tạo và phát triển. Vì thế, chúng ta cần làm rõ những khác biệt giữa lòng từ bi và sự dính mắc cảm xúc. Từ bi đích thực không chỉ là phản hồi cảm xúc mà là cam kết vững chắc trên nền tảng lý trí. Vì với nền tảng này, thái độ từ bi thực sự đối với các chủ thể khác sẽ không thay đổi, thậm chí khi họ hành xử một cách tiêu cực.

Lòng từ bi thực sự không dựa trên sự quy chiếu và kỳ vọng mà được y cứ trên nhu cầu, mong muốn của đối phương và người khác; bất kể đó là bằng hữu hay kẻ thù - miễn là chúng ta ước muốn người khác được bình an, hạnh phúc và vượt thoát mọi khổ đau. Từ đó, mỗi người nuôi lớn sự quan tâm thực sự đến những vấn đề, bất ổn của người khác. Đây chính là lòng từ bi đích thực. Đối với hành giả Phật giáo, mục tiêu cốt lõi là trưởng dưỡng lòng từ bi thực sự, ước nguyện chân thành cho sự an lành của người khác, của vạn loại chúng sanh có mặt trên khắp tinh cầu này.

Đức Dalai Lama / Báo Giác Ngộ

Trần Trọng Hiếu chuyển ngữ (theo dalailama.com)

11 câu nói của Đức Dalai Lama về Từ bi và thương yêu


1. Lòng từ bi mang đến sự bình yên trong tâm và nụ cười trên gương mặt chúng ta.


2. Nếu chúng ta luôn ghi nhớ rằng người khác cũng là con người như mình, thì mỗi cá nhân có thể mở rộng ý niệm về sự tử tế, thậm chí đối với những người xem chúng ta là kẻ thù của họ.


3. Giáo dục cần thiết không chỉ để phát triển trí thông minh mà còn hỗ trợ cho những giá trị cơ bản của con người - đó là trái tim ấm áp và lòng từ bi.


4. Lòng từ bi mang lại sự tự tin và khả năng hành xử minh bạch, làm gia tăng sự tin tưởng - nền tảng của tình bạn chân chính.


5. Lòng từ bi thúc đẩy sức mạnh bên trong của mỗi người, giảm thiểu nỗi sợ hãi và khiến mọi người lại gần chúng ta hơn.


6. Lòng từ bi mang lại sự bình yên bên trong và dù cho chuyện gì đang xảy ra đi nữa, sự bình yên trong tâm hồn giúp mỗi người nhìn thấy cục diện một cách sáng rõ hơn.


7. Nếu bạn muốn người khác hạnh phúc, hãy thực hành lòng từ bi. Nếu bạn muốn chính mình hạnh phúc, hãy thực hành lòng từ bi.


8. Tình yêu thương và lòng từ bi là những món nhu yếu chứ không phải những món xa xỉ. Không có tình yêu thương và lòng từ bi, con người không thể nào tồn tại.


9. Lòng từ bi và sự bao dung không phải là biểu hiện của sự yếu đuối mà chính là biểu hiện của sức mạnh.


10. Tình yêu thương, lòng từ bi và ý niệm về trách nhiệm toàn cầu, chính là nguồn cơn của hòa bình và hạnh phúc.


11. Trái tim ấm áp, sự quan tâm dành cho người khác là một phần của bản chất con người và là những giá trị cốt lõi tốt đẹp của con người.

(theo mindfultibet.com)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.