Ngồi trên sân khấu của một buổi lễ nhìn xuống dãy bàn đầu tiên, tôi lập tức nhận ra ba với mái tóc bạc trắng hơi bồng lên như mây lượn. Trong một thoáng, tôi ngỡ ngàng: ba đã già như vậy rồi ư? Rõ ràng, ba lớn tuổi nhất trong những người ngồi đó. Lòng tôi ngùi ngùi, mũi tôi cay cay. Ba đó, tóc đã mây và mắt cũng mây. Hôm đó, trời cũng thật nhiều mây.
Tôi về chùa quê dự lễ chu niên Gia đình Phật tử Thiện Mỹ mà không kịp ghé qua nhà. Nhà tôi cách chùa tầm 2km. Tôi gọi điện cho ba, ba nói ba tới liền, nhưng đợi hoài không thấy. Khi lễ chính thức, lên sân khấu nhìn xuống, tôi mới thấy ba. Tôi, trong vai tu sĩ, ngồi trên sân khấu; ba, trong vai cư sĩ, ngồi phía dưới sân. Mắt ba hơi mơ màng vì vầng mây kéo qua tròng mắt. Trong khoảnh khắc đó, tôi thấy ba thật cô đơn. Một ông già cô đơn.
Tôi chưa bao giờ gọi ba là “ông già” - ông già theo nghĩa ông cha, hay theo nghĩa ông cụ. Nhưng tôi thấy ba già, già ngay trước mắt tôi. Rồi tôi thấy ba của cái ngày 40 năm về trước - khi đó ba trẻ lắm, trẻ hơn tôi bây giờ - ba đang “lẫm đẫm” đi tìm đạo. Đúng ra thì tôi lẫm đẫm bước những bước non dại vào đời, còn ba thì bước những bước non dại vào đạo. Non dại, vì ba chưa biết đạo. Ba nghe nói đạo nào cũng tốt, nên đi tìm đạo nào tốt nhất đối với ba. Rồi nhân duyên đưa ba tới chùa. Ba tin Phật. Mỗi tháng 4 lần - 14, rằm; 30, mùng một - ba đều đặn đạp xe đi chùa. Yên sau, bao giờ cũng có tôi.
Tôi thấy ba ngồi đó xa xưa, dưới ánh đèn manchon, ngước mắt lên nhìn Phật. Ánh nhìn ân cần như con nhìn cha. Từng trang kinh ba đọc, tôi đều nghe. Và tôi thuộc. Tôi thuộc chú Đại bi và Tâm kinh Bát-nhã trước ba nữa. Tôi thấy ba ngồi đó, sau thời kinh, tranh luận với một bác đạo hữu cũng mới “lẫm đẫm” tới chùa. Bác nói: tui chỉ thấy có ông Phật xi-măng trên bệ, làm răng biết có Phật thiệt. Ba tôi nói rứa chớ anh có thấy mặt ông nội, ông cố anh chưa? Chưa thì làm răng anh tin ông cố, ông nội anh có thiệt hay chỉ là tấm hình? Sau này… tôi biết ông bác đó xuất gia, khi đã về già.
Tôi thấy ba ngồi đó xa xưa, dưới ánh đèn manchon, ngước mắt lên nhìn Phật. Ánh nhìn ân cần như con nhìn cha. Từng trang kinh ba đọc, tôi đều nghe. Và tôi thuộc. Tôi thuộc chú Đại bi và Tâm kinh Bát-nhã trước ba nữa. Tôi thấy ba ngồi đó, sau thời kinh, tranh luận với một bác đạo hữu cũng mới “lẫm đẫm” tới chùa…
Tôi còn thấy ba tôi chở tôi trên chiếc xe đạp cũ kỹ vào những đêm cao nguyên mưa phùn lạnh buốt, trời tối đen như mực, tới nhà các đạo hữu hộ niệm hay nghe thuyết pháp. Thuở đó, chùa quê tôi chưa có thầy. Sau thời kinh, chùa đóng cửa, nên khi có thầy về thuyết pháp “chui”, thì đều ở tại nhà của một đạo hữu nào đó.
Tôi cũng thấy ba của tháng ngày xa lắc xa lơ, lưng áo đẫm mồ hôi, chống cuốc đứng nghỉ trên đồi gió lộng, nhỏ bé cô độc giữa cái nắng mênh mang phủ xuống núi đồi. Ba rất ghét cảnh “cò đậu cán cuốc” nên hiếm khi đứng nghỉ. Tôi còn thấy ba dáng còng cố đẩy chiếc xe đạp chở đầy phân lên dốc. Thấy ba lom khom trên ruộng lúa mưa phủ bạt ngàn... Tôi thấy ba khắp mọi nơi. Thấy ba trong căn nhà cũ. Thấy ba công kênh em gái tôi trên vai thuở nó vừa biết đi - bây giờ con nó đã cao bằng tôi. Thấy (nghe) ba đêm nằm rủ rỉ xin lỗi mẹ vì đã làm cho mẹ buồn lòng. Tôi thấy trăm ngàn ảnh tượng về ba, cả khi ba thắp hương, khi ba lễ Phật, khi ba tụng kinh…
Ba ngồi đó, bên dưới, mái tóc bạc trắng cô đơn.
Ngẫm lại, tôi chưa một lần chạm tay lên mái tóc ba. Có một lần, xa xưa lắm, tôi đi làm rẫy cùng ba - có lẽ tôi đi cùng ba nhiều hơn tất thảy các anh em trong nhà! Buổi trưa, hai cha con nằm nghỉ trên đám cỏ, tôi lăn người qua, mặt khẽ chạm vào tóc ba, mũi thoảng nghe tóc ba dậy thơm mùi cỏ.
Tóc ba thơm mùi cỏ… đưa tôi thoát xa dần vùng đồng quê với những yêu thương… Tự dưng trong tôi bật lên khúc “nhạc chế” như vậy. Thương quá. Nhưng lúc đó tóc ba còn đen lắm, chưa chuyển sang màu mây như bây giờ. Tôi nhớ… lúc nằm trên cỏ, tự dưng ba hỏi tôi có thích đi tu hay không? Tôi “bẽn lẽn” nói có. Có, con có thích! Đi tu khổ lắm, con sợ không? Dạ không, con không sợ. Đi tu thức khuya dậy sớm đọc kinh, con có làm được không? Dạ được, con thích tụng kinh!
Tôi đâu biết rằng câu hỏi đó của ba đã thúc đẩy tôi “xa dần đồng quê với những thương yêu”: ba đưa tôi đi tu. Năm đó, mùng một Tết, tôi đi chơi về thì thấy chiếc xe máy ba mượn của ông anh họ dựng trước sân nhà. Ba nói, sáng mai hai cha con mình đi thăm thầy. Thầy chính là Sư phụ của tôi sau này.
Đường từ nhà tôi đến chùa Sư phụ chỉ 150km, nhưng với đứa trẻ chưa ra khỏi cánh đồng làng là tôi lúc đó, nó xa thăm thẳm. Ngồi sau lưng ba, tôi nhận ra lâu lắm rồi tôi mới thấy ba mặc một chiếc áo mới, chiếc áo không loang lổ những vết mủ cây hay những vệt bùn mà thường ngày ba vẫn mặc. Dù vậy, trong chiếc áo mới ngày Tết, tôi vẫn nghe ra thoang thoảng mùi cỏ từ mái tóc ba, hay từ mùi mồ hôi của ba.
Ba tôi ngồi đó, lặng lẽ. Trải qua bao sóng gió mưa nắng của cuộc đời, tóc ba bạc trắng. Dáng ba hơi khòm. Người ba nhỏ lại. Trong bóng dáng ấy, đượm bao nhiêu yêu thương.
Nhìn ba, nhìn mái tóc bạc, tôi lại nhớ đến mùi hương cỏ dại, tôi nhận ra nơi mái tóc ấy là cả một bài pháp mênh mông.
“Lúc đó cư sĩ Duy Ma Cật hỏi các vị Bồ-tát trên cõi nước Chúng Hương rằng: Thưa quý Bồ-tát, bên nước của quý vị, Phật Hương Tích thuyết pháp như thế nào?
Các vị Bồ-tát đáp: Thầy chúng tôi không dùng ngôn ngữ để thuyết pháp, mà chỉ dùng hương thơm để làm cho Trời, Người thấm nhuần luật hạnh (…) Chỉ cần cho đại chúng ngửi mùi hương của đạo hạnh là đại chúng hiểu được Phật pháp…
Sau khi trả lời xong, các vị Bồ-tát liền hỏi: Ở thế giới Ta-bà, Phật Thích Ca thuyết pháp như thế nào?
Cư sĩ Duy Ma Cật trả lời: Phật của chúng tôi phải dùng lời nói, phải dạy dỗ thật lâu, phải dùng rất nhiều danh từ, rất nhiều phương tiện mới giáo hóa được chúng sanh ở cõi Ta-bà này…” (kinh Duy Ma Cật, phẩm Phật Hương Tích, thứ 10).
Vậy đó, từ mái tóc mây, ba đã thuyết cho tôi một bài Pháp không lời, bài Pháp bằng hương như ở cõi Phật Hương Tích.
Xin được cung kính đảnh lễ ba - vị Phật tóc mây thơm của con…
Vạn Giã, 19-7-2022