Tiểu sử Hòa thượng Thích Hạnh Thu (1948-2022)

Chân dung Hòa thượng Thích Hạnh Thu - Ảnh: Đăng Huy
Chân dung Hòa thượng Thích Hạnh Thu - Ảnh: Đăng Huy
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Vốn sẵn túc duyên nhiều đời với Phật pháp, được sự đồng ý của song thân, năm 1960, cậu bé Phan Minh đến chùa Pháp Hoa ở làng quận Phú Nhuận, tỉnh Gia Định (nay là quận Phú Nhuận, TP.Hồ Chí Minh) thế phát xuất gia với Trưởng lão Hòa thượng thượng Như hạ Niệm.

I. Xuất thân và thời kỳ xuất gia học đạo

Hòa thượng Thích Hạnh Thu thế danh là Phan Minh, sinh ngày 14-7-1948 tại xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Hòa thượng vốn xuất thân trong gia đình nông dân nghèo nhưng lại giàu truyền thống đấu tranh cách mạng của quê hương Điện Bàn. Thân phụ là cụ ông Phan Du, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Phi. Thân phụ Hòa thượng là anh em chú bác với nhà hoạt động cách mạng nổi tiếng Phan Triêm. Do hoàn cảnh chiến tranh loạn lạc, gia đình rời bỏ quê quán vào Sài Gòn sinh sống tại khu vực Ga Bình Triệu - Thủ Đức.

Vốn sẵn túc duyên nhiều đời với Phật pháp, được sự đồng ý của song thân, năm 1960, cậu bé Phan Minh đến chùa Pháp Hoa ở làng quận Phú Nhuận, tỉnh Gia Định (nay là quận Phú Nhuận, TP.Hồ Chí Minh) thế phát xuất gia với Trưởng lão Hòa thượng thượng Như hạ Niệm, nối dòng Lâm Tế Chúc Thánh đời thứ 42, được Bổn sư ban pháp húy Thị Nguyệt, hiệu Hoằng Khai, tự Hạnh Thu. Từ khi bước chân vào chốn thiền môn, người được Hòa thượng Bổn sư quan tâm rèn dũa oai nghi tế hạnh của người xuất gia, tạo điều kiện trang bị thế học vững vàng, siêng năng tinh tấn trau dồi nội điển cũng như tỏ ra ham học hỏi các nghi lễ truyền thống thiền môn. Nhận thấy sự tu học đã vững vàng, năm 1970, Hòa thượng Bổn sư cho phép người đăng đàn thọ Cụ túc giới tại Đại giới đàn được tổ chức tại chùa Linh Sơn ở Cầu Muối (nay thuộc quận 1, TP.Hồ Chí Minh) do Hòa thượng thượng Thiện hạ Hòa làm Đàn đầu Hòa thượng.

Trước đó, năm 1968, ngôi nhà gia đình đang sinh sống bị quân đội Mỹ - Ngụy pháo kích, thân mẫu và hai cậu, em trai, em gái tử vong. Từ đây, tinh thần yêu nước nơi người không ngừng cháy bỏng vì bản thân cũng là nạn nhân của tội ác xâm lược cũng như nhận thức rõ trước tình cảnh nước mất nhà tan, nhân dân còn sống trong cảnh lầm than thì đạo pháp không thể hội đủ điều kiện xương minh. Cho nên, người vừa tu học vừa bí mật tham gia các hoạt động cách mạng nội thành tại vùng đất Gia Định trong suốt giai đoạn từ năm 1960 đến năm 1975. Bên cạnh đó, Tỳ-kheo Thích Hạnh Thu còn bí mật tham gia tổ chức Phật giáo Cách mạng Sài Gòn-Gia Định do Hòa thượng Thích Pháp Lan làm Chủ tịch trong thời điểm chuẩn bị giải phóng thành phố Sài Gòn.

II. Thời kỳ đóng góp cho đạo pháp và dân tộc

Sau ngày giải phóng đất nước, Nam Bắc thống nhất và hòa bình lập lại, tu sĩ Thích Hạnh Thu nhanh chóng tham gia thành lập rồi trở thành thành viên nòng cốt của Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước TP.Hồ Chí Minh, một tổ chức Phật giáo vừa được thành lập giúp ổn định sinh hoạt tu tập của Tăng Ni, Phật tử cũng như đóng góp cho quá trình xây dựng thành phố sau ngày giải phóng còn nhiều khó khăn, thử thách. Nhất là công việc chuẩn bị quá trình vận động thống nhất Phật giáo nhằm tiến đến thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (năm 1981).

Trong giai đoạn này, trên cương vị là Thư ký Ban Liên lạc, người luôn sát cánh các công tác Phật sự cùng chư vị Trưởng lão Hòa thượng sáng lập, lãnh đạo tổ chức này như Hòa thượng Thích Thiện Hào, Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, Hòa thượng Thích Hiển Pháp,… Sau khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập (năm 1981), Tỳ-kheo Thích Hạnh Thu được Tăng sai làm Phó ban Đại diện Phật giáo quận Phú Nhuận, Chánh Thư ký Ban Đại diện liên tục ở các nhiệm kỳ III, IV, V, VI, Ủy viên Ban Từ thiện - Xã hội Phật giáo TP.Hồ Chí Minh, rồi được cung thỉnh ngôi vị Chứng minh Ban Đại diện Phật giáo quận Phú Nhuận.

Hòa thượng đã có nhiều đóng góp quan trọng cho các hoạt động Phật sự của Phật giáo quận Phú Nhuận trong một thời gian dài. Với uy tín cũng như năng lực hành đạo của mình, Hòa thượng trực tiếp góp phần tạo nên sự ổn định, phát triển sinh hoạt tu học của Tăng Ni, Phật tử tại đây.

Vốn thấm nhuần tinh thần từ bi của người con Phật, lòng luôn quặn thắt trước nỗi đau khổ do bệnh tật, đời sống khó khăn bởi thiên tai, dịch bệnh cũng như nghèo khổ của bà con thành phố nói riêng và đồng bào cả nước nói chung, Hòa thượng tiếp tục hành trình dấn thân phụng sự nhân sinh bằng những việc làm đậm ý nghĩa nhân văn. Noi theo bổn hoài và công hạnh của Hòa thượng Bổn sư thượng Như hạ Niệm, dấu chân của Tỳ-kheo Thích Hạnh Thu đi đến nhiều vùng sâu vùng xa ở nhiều tỉnh thành nhằm cứu khổ ban vui, trực tiếp xoa dịu nỗi đau của người dân địa phương. Nhiều năm liền, Hòa thượng Thích Hạnh Thu vận động các tự viện, Phật tử ủng hộ hàng tỷ đồng đi ủy lạo, cứu trợ cho đồng bào bị thiên tai lũ lụt, hạn hán. Ngoài ra, người phát tâm xây dựng 8 ngôi nhà tình thương ở quận Phú Nhuận, huyện Củ Chi, góp hàng chục triệu đồng xây nhà trẻ mầm non ở huyện Sơn Tây (tỉnh Quảng Ngãi), xây dựng hơn 10 cầu bê-tông để xóa cầu khỉ ở 2 tỉnh Bến Tre và Đồng Tháp, ủng hộ việc nuôi dưỡng 8 Mẹ Việt Nam anh hùng, trao tặng quĩ học bổng Nguyễn Thị Minh Khai nhằm giúp đỡ cho học sinh nghèo hiếu học thành phố được đến trường học tập.

Nhiều lần, Hòa thượng cùng chư Tăng, Phật tử chùa Phú Long đi thăm, tặng quà cho bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TP.Hồ Chí Minh cũng như các thương, bệnh binh, gia đình thương binh liệt sĩ đang chữa trị tại Bệnh viện Quân y 175… Hòa thượng nhiều lần gửi quà ủng hộ cho bộ đội ở biên giới, hải đảo nhằm động viên tinh thần các chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ nơi tuyến đầu Tổ quốc. Mặc dù gặp bệnh duyên trong những tháng đại dịch Covid-19 hoành hành tại TP.Hồ Chí Minh, nhưng Hòa thượng vẫn liên tục theo dõi thông tin và hướng dẫn chư Tăng, Phật tử chùa Phú Long tích cực tham gia an sinh xã hội bằng việc hỗ trợ lương thực, thực phẩm cũng như trang thiết bị y tế nhằm giúp đỡ các tự viện Phật giáo, đồng bào thành phố vượt qua khó khăn với tổng trị giá hơn 15 tỷ đồng.

Đặc biệt, nhận thức bệnh tật là nguyên nhân tạo ra nỗi lo lắng cho người dân nghèo, trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống của họ, Hòa thượng Thích Hạnh Thu ưu tư việc này nhiều năm liền, nhất là nhận được sự hứa khả và khuyến tấn từ Hòa thượng Bổn sư, đã tiến hành xin chủ trương thành lập Phòng khám bệnh từ thiện Tuệ Tĩnh đường thuộc Thành hội Phật giáo TP.Hồ Chí Minh đặt tại chùa Pháp Hoa vào năm 1988.

Trên cương vị Trưởng phòng khám, Hòa thượng Thích Hạnh Thu kêu gọi sự cộng tác, giúp đỡ nhiệt tình từ hàng chục vị bác sĩ, lương y giỏi chuyên môn, giàu tâm huyết, tận tâm tham gia điều trị Đông - Tây kết hợp cho các bệnh nhân không chỉ ở thành phố mà còn từ các tỉnh thành khác tìm đến chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí. Trong khoảng thời gian 15 năm hoạt động liên tục và bền bỉ, vượt qua những thiếu thốn và khó khăn, bình quân mỗi ngày khám, phát thuốc chữa bệnh cho gần 400 bệnh nhân. Phòng khám này không chỉ trở thành một địa chỉ nhân ái trong lòng thành phố, cũng như là một trong những lá cờ đầu về hiệu quả hoạt động từ thiện xã hội của Phật giáo TP.Hồ Chí Minh, mà còn đóng góp vào chủ trương xã hội hóa y tế của nhà nước, phát huy truyền thống Y phương minh của Phật giáo.

Ngoài ra, trong thời gian này, Phòng khám Tuệ Tĩnh đường chùa Pháp Hoa tiến hành đào tạo 2 khóa lương y để phục vụ tại chỗ hoặc đi đảm trách các phòng khám khác tại một số quận huyện trên địa bàn thành phố, tổng số học viên tốt nghiệp là 86 vị. Phải nói rằng, để duy trì hoạt động phòng khám trong một thời gian dài, trên cương vị Trưởng phòng khám, Hòa thượng đã bỏ nhiều tâm huyết, công sức để việc chữa trị tại phòng khám mang đến hiệu quả cao nhất cho người bệnh, đó không ai khác chính là Tăng Ni, Phật tử cũng như đồng bào chiến sĩ, bà con nghèo khó. Bản thân Hòa thượng luôn xem các công việc từ thiện, khám chữa bệnh là trọng trách, là tâm nguyện, là ước vọng đóng góp bản thân cho quê hương đất nước, nhất là tiếp nối chí nguyện cũng như đền đáp công ơn giáo dưỡng của Hòa thượng Bổn sư thượng Như hạ Niệm.

Trên cương vị trụ trì chùa Phú Long từ năm 1995 cho đến ngày mãn duyên ta bà, Hòa thượng luôn quan tâm công tác trùng tu, tôn tạo và giữ gìn ngôi cổ tự này ngày một trang nghiêm, xứng tầm danh hiệu Di tích Kiến trúc – Nghệ thuật đã dược thành phố công nhận, đồng thời qua đó góp phần vào công tác gìn giữ các giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa của vùng đất Sài Gòn - Gia Định hơn 300 năm qua. Tại ngôi chùa này, với trọng trách “Trụ pháp vương gia, trì Như Lai tạng”, Hòa thượng luôn quan tâm việc kế vãng khai lai, truyền thừa mạng mạch cũng như hoằng truyền chánh pháp đến những ai hữu duyên với Phật pháp. Hòa thượng thượng Hạnh hạ Thu đã tiếp Tăng độ chúng trên 30 đệ tử, hướng dẫn qui y Tam bảo cho hơn 2.000 Phật tử, trực tiếp chỉ dẫn cho đạo tràng tu học, đem lại nguồn năng lượng tâm linh nhiệm mầu cho hàng đệ tử xuất gia lẫn tại gia.

Với hàng đệ tử thân cận, Hòa thượng luôn nghiêm cẩn dạy bảo, tùy duyên dùng thân, khẩu, ý giáo để bảo ban, nhiếp hóa đồ chúng, chú trọng giữ gìn qui củ thiền môn, làm gương kính ngưỡng Thầy Tổ cho hàng đệ tử noi theo học hạnh hiếu đạo. Đặc biệt, tại ngôi cổ tự này, người chú trọng việc đào tạo các lớp thiền môn cho hàng đệ tử để góp phần xương minh Phật pháp lẫn âm thầm nỗ lực bảo tồn các giá trị văn hóa tâm linh truyền thống của Phật giáo dân tộc. Nhiều thế hệ chư Tăng về chùa nương tựa uy đức của Hòa thượng để tham học giới luật, nội điển, nhất là học hỏi nghi lễ, tham gia các khóa đào tạo lương y rồi từ đó làm hành trang tư lương đi hành đạo ở nhiều tỉnh thành.

Bằng những thành tích đã đóng góp cho đạo pháp và dân tộc xuyên suốt từ trước và sau ngày hòa bình, thống nhất đất nước, Hòa thượng nhiều lần được Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp trao Bằng Tuyên dương công đức bởi những đóng góp cho các hoạt động Phật sự cũng như được Đảng, nhà nước Việt Nam trao tặng nhiều huân, huy chương, bằng khen cao quí, tiêu biểu là:

Huân chương kháng chiến hạng nhất vì đã có thành tích trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Đỗ Mười ký ngày 9-10-1989.

Huy chương vì Sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc do Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Quang Đạo ký ngày 22-5-1996.

Kỷ niệm chương Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày do Thủ tướng Chính phủ Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Phan Văn Khải ký 5-5-1998.

Huy chương Vì Sự nghiệp Chữ Thập đỏ Việt Nam do Chủ tịch Ban Chấp hành TƯ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam GS Nguyễn Trọng Nhân ký ngày 14-1-2000.

Bằng khen của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tặng vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào Chữ Thập đỏ năm 1998 do Chủ tịch Ban Chấp hành TƯ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam GS Nguyễn Trọng Nhân ký ngày 26-1-1999.

Nhiều Bằng khen của Ủy ban Nhân dân TP.Hồ Chí Minh và Ủy ban Nhân dân quận Phú Nhuận, Ủy ban Nhân dân - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường 15, quận Phú Nhuận trao tặng.

III. Thời kỳ viên tịch

Thời gian gần đây, sức khỏe của Hòa thượng thượng Hạnh hạ Thu có phần suy giảm do bệnh duyên, thân thể lại hao mòn theo định luật vô thường. Tuy nhiên, Hòa thượng vẫn luôn tinh tấn niệm Phật, nhất tâm lắng nghe lời chỉ dạy ân cần, quí báu từ Bổn sư - Trưởng lão Hòa thượng thượng Như hạ Niệm để tự thân trang nghiêm tu tập làm hành trang tư lương cho ngày đi về cõi Tịnh độ thù thắng, ân cần phó chúc cho môn đồ pháp quyến thực hiện những di nguyện của mình. Thời điểm trước và những ngày sau Tết Nhâm Dần (2022), bệnh tình của Hòa thượng không thuyên giảm mà lại trở nặng do tuổi cao sức yếu. Mặc dù được điều trị và chăm sóc tận tình của đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 và sự quan tâm thường xuyên của Hòa thượng Bổn sư, Tông phong Tổ đình Pháp Hoa cùng chính quyền các cấp, thuận thế vô thường, Hòa thượng đã thu thần thị tịch tại ngôi trú xứ Phú Long vào lúc 18 giờ ngày 26-2-2022 nhằm ngày 26 tháng Giêng năm Nhâm Dần trong nỗi niềm tiếc thương vô bờ bến của Hòa thượng Bổn sư, chư huynh đệ pháp lữ trong tông phong, hàng môn đồ pháp quyến, Tăng Ni và Phật tử quận Phú Nhuận cũng như các đồng đội, đồng chí từng tham gia hoạt động cách mạng và quí bà con từng được hòa thượng tận tình giúp đỡ trong hàng chục năm qua.

Hòa thượng trụ thế tròn bảy mươi tám tuổi đời, trải qua năm mươi hai năm an trú mùa An cư kiết hạ. Cuộc đời Hòa thượng thượng Hạnh hạ Thu là tấm gương sáng nỗ lực cống hiến hết mình cho đạo pháp và dân tộc lẫn phụng sự nhân sinh. Hòa thượng là người tiếp nối, góp phần tô đậm tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam trên mảnh đất truyền thống lịch sử, văn hóa Sài Gòn - Gia Định bằng tinh thần cốt lõi của Phật pháp là yếu tố Bi-Trí-Dũng để dấn thân vô ngại làm tròn bổn phận người con Phật “Tác Như Lai xứ, hành Như Lai sự” lẫn trách nhiệm của người công dân luôn nặng lòng với quê hương đất nước, trái tim thấm đẫm tình nghĩa đồng bào.

Nam-mô Phụng vì tân viên tịch Phú Long Đường thượng Từ Lâm Tế Chúc Thánh tứ thập nhị thế húy thượng Thị hạ Nguyệt tự Hạnh Thu hiệu Hoằng Khai Phan công Hòa thượng Giác linh thiền tọa hạ.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.