Ni trưởng Diệu Thông - từ nữ tu sĩ yêu nước đến hình tượng nữ biệt động Sài Gòn Huyền Trang

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1299 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1299 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Trong dòng lịch sử về những năm chiến tranh bảo vệ đất nước ở thế kỷ XX, ẩn hiện bóng hình của một vị nữ tu sĩ Phật giáo. Sau này, từ sự lan tỏa của bộ phim “Biệt động Sài Gòn”, hình ảnh sư cô Huyền Trang, quần chúng được biết đến câu chuyện về cuộc đời đặc biệt của Ni trưởng Thích nữ Diệu Thông.

Ni trưởng Thích nữ Diệu Thông tên khai sinh là Phạm Thị Bạch Liên, sinh năm 1931, là con thứ 9 trong gia đình giàu truyền thống yêu nước và kính tin Phật pháp. Song thân của Ni trưởng cuối đời đều xuất gia tu học.

Thân phụ là ông Phạm Văn Vọng, xả tục xuất gia với Hòa thượng Quảng Tự nối dòng Lâm Tế (Trí Huệ) pháp danh Tục Chơn, đạo hiệu Giác Quang. Hòa thượng Thích Giác Quang sinh năm 1891 và thị tịch năm 1969. Hòa thượng Thích Giác Quang, trong quá trình hành đạo của mình đã khai sơn nhiều tự viện: chùa Thất Bửu (Châu Thành, An Giang), chùa Thất Bửu (chùa Phật Nhỏ, núi Cấm, An Giang) và chùa Liên Trì (đường Nguyễn Thượng Hiền, Gò Vấp, TP.HCM). Những nơi này đều là cơ sở nuôi giấu cán bộ cách mạng.

Thân mẫu là bà Tô Mỹ Ngọc, xả tục xuất gia pháp danh Diệu Tịnh, khai sơn chùa Kim Bửu (Lấp Vò, Đồng Tháp).

Với những nhân duyên đó, lúc 9 tuổi, Phạm Thị Bạch Liên xuất gia tại chùa Thất Bửu (núi Cấm), sau đó được Hòa thượng Thích Giác Quang gửi y chỉ tu học với Ni trưởng Thích nữ Như Hoa, trụ trì Phật học Ni viện Phước Huệ (Sa Đéc) được ban pháp danh Diệu Thông, pháp hiệu Huyền Trang.

Đến năm 16 tuổi, khi vừa thọ giới Sa-di-ni xong, trong khi tiếp tế cho chiến khu ở Nàng Hai, một Phật tử tên Các trong quá trình tiếp tế bị lộ, chính quyền Việt Nam Cộng hòa bấy giờ kiểm soát gắt gao Ni trường Phước Huệ, Sư trưởng Như Hoa phải tạm lánh, SC.Diệu Thông được Hòa thượng Thích Giác Quang gửi gắm cho Hòa thượng Thích Trí Thủ cho tham học tại Ni trường Diệu Đức (Huế).

Trong thời gian tham học ở Huế, khi vừa thọ giới Tỳ-kheo-ni xong, trong một chuyến cứu trợ phát gạo, thuốc cho đồng bào ở Huế, Ni trưởng đã cùng với một số học Ni khác quyền xảo cho xe rẽ hướng lên chiến khu tiếp tế cho bộ đội. Tuy nhiên, trên đường vào căn cứ xe bị lật, chính quyền Việt Nam Cộng hòa bấy giờ nghi ngờ và vào cuộc điều tra. Sau đó Ni trưởng và một số học Ni khác bị đuổi học.

Từ Huế, Sư cô Diệu Thông về lại miền Nam vào năm 1959. Lúc này, chính quyền Ngô Đình Diệm thi hành ráo riết Luật 10/59 “tố Cộng – diệt Cộng”. Trước khung cảnh đìu hiu của quê hương, theo lời dạy của Hòa thượng Thích Giác Quang: “Vô ngã không phải là thấy chuyện bất bình mà làm thinh”, Sư cô Diệu Thông và thân mẫu là Sư bà Diệu Tịnh ở nơi vùng quê nghèo đã cùng bà con xung quanh chùa Kim Bửu tham gia Đồng Khởi, giải phóng xóm làng. Sau đó, Sư cô Diệu Thông quyết chí lên Sài Gòn sống cuộc đời tu tập và y theo lời dạy của Hòa thượng Thích Giác Quang mà bước đi theo con đường mình đã chọn.

Đến Sài Gòn, Sư cô Diệu Thông chọn mảnh đất ở góc đường Trần Quốc Toản và Lò Siêu để dừng chân (ngày nay trong khoảnh đất góc đường Lò Siêu và 3 Tháng 2, Q.11). Trên mảnh đất đó, Sư cô đã xây dựng nên chùa Bổn Nguyện (số cũ 82B đường Trần Quốc Toản, Chợ Lớn; nay là đường 3 Tháng 2, Q.11) và dần phát triển nơi đây thành một căn cứ cách mạng. Nhờ cơ duyên, Sư cô tiếp xúc và trở thành chiến sĩ Biệt động Sài Gòn - Gia Định (F100) lừng lẫy sau này.

Trong quá trình vừa tu tập vừa tham gia cách mạng, hàng ngày Sư cô Diệu Thông cùng các cộng sự chung chí hướng với mình tất bật làm nhang, làm tương. Giữa những lu, hũ ủ tương ấy là súng đạn, thuốc nổ. Chùa Bổn Nguyện là nơi đánh máy, in truyền đơn và phổ biến đến quần chúng. Với sự giới thiệu của Đội trưởng Đội nữ hoạt động chính trị I4 Lê Thị Ngọc Ánh (Mười Ánh), Sư cô Diệu Thông cùng với Nguyễn Thị Huyền Thu (Sáu Thu)1 xây dựng cơ sở và trở thành gạch nối quan trọng để liên lạc giữa lực lượng nội thành Sài Gòn với lực lượng chính quy ở chiến khu.

Năm 1963, trong khi phong trào đô thị ở Sài Gòn sôi nổi, trong đó, cuộc đấu tranh của Phật giáo cũng bắt đầu, chùa Bổn Nguyện bị cảnh sát theo dõi. Tìm cách quấy phá không được, chúng cho người giả dạng đốt toàn bộ dãy nhà lá quanh chùa và triệt tiêu hoàn toàn chùa Bổn Nguyện. Sư cô Diệu Thông trong quá trình đấu tranh bị địch bắt nhưng được trả tự do vì không đủ chứng cớ buộc tội. Trong thời gian này, Sư cô Diệu Thông cùng Thầy Viên Hảo xây dựng lại một ngôi chùa hiệu là Tam Bảo để làm căn cứ cho hoạt động cách mạng ngay trên nền đất cũ của chùa Bổn Nguyện lúc trước.

Chùa Tam Bảo bấy giờ là căn cứ trực tiếp của Đội 5 Biệt động Sài Gòn dưới sự lãnh đạo của Tư lệnh là Thiếu tướng Trần Hải Phụng (Hai Phụng), Phó Tư lệnh là Đại tá Nguyễn Đức Hùng (Tư Chu), từ đây Sư cô Diệu Thông trở thành chiến sĩ Biệt động Sài Gòn – Gia Định. Hàng ngày, Sư cô Diệu Thông cùng với các nữ Phật tử của chùa Tam Bảo, đồng thời cũng là các chiến sĩ biệt động, thay phiên nhau trinh sát các mục tiêu và tải hàng từ Suối Cụt (Củ Chi) về nội thành. Phương tiện di chuyển là xe Honda được rút bớt nệm ở yên xa để nhét thuốc nổ C4 vào trong, khi phải tải số lượng lớn thì tổ chức vận chuyển bằng xe lam và ngụy trang bằng các nia phơi tương.

Trong thời gian từ năm 1968 đến 1969, từ chùa Tam Bảo, nhiều trận đánh “xuất quỷ nhập thần” của Biệt động Sài Gòn làm cho địch “kinh hồn bạt vía”, luôn có bóng dáng của Sư cô Diệu Thông. Đó là các trận đánh khách sạn Ca-ra-ven, trận đánh trụ sở Thượng viện Sài Gòn (3-1969), trận đánh trạm xe buýt Mỹ trên đường Nguyễn Văn Thoại (5-1969), trận đánh cư xá hạ sĩ quan độc thân ở thành Poloma (7-1969), trận đánh trạm biến điện cao thế góc trường đua Phú Thọ,…

Sau trận đánh cư xá hạ sĩ quan độc thân ở thành Poloma, căn cứ chùa Tam Bảo bị lộ, chùa Tam Bảo bị chính quyền Sài Gòn xóa sổ hoàn toàn, đất chùa Tam Bảo được chính quyền Việt Nam Cộng hòa đấu giá và bán cho người dân xây dựng nhà ở. Sư cô Diệu Thông và đồng đội theo lệnh của chỉ huy Cụm là Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Nguyễn Văn Tăng (Tư Tăng) chỉ đạo phải rút về căn cứ, tạm thời ngừng hoạt động của Đội để củng cố lực lượng.

Tháng 4-1974, Sư cô Diệu Thông và đồng đội tại Đội 5 Biệt động Sài Gòn tái hoạt động với phiên hiệu Z32, Lữ đoàn 316 thuộc Bộ Chỉ huy Miền B2 phục vụ trực tiếp cho chiến dịch Giải phóng miền Nam.

Hòa bình lập lại, Sư cô Diệu Thông tiếp tục ở lại công tác tại Phòng Tham mưu Bộ Tư lệnh TP.HCM và Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước cho đến ngày nghỉ hưu. Đồng thời vẫn tiếp tục tu tập trong tịnh thất ở khuôn viên chùa Trúc Lâm (Q.Gò Vấp). Năm 2015, Ni sư Diệu Thông được GHPGVN tấn phong lên hàng giáo phẩm Ni trưởng và về tịnh tu ở tịnh thất Nghĩa Tình trong khuôn viên chùa Thất Bửu (H.Châu Thành, An Giang).

Ni trưởng được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất vào năm 1985. Ngày 19-8-2011, Ni trưởng được Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng tặng “Kỷ niệm chương Tình báo quốc phòng Việt Nam” về thành tích cống hiến lớn lao trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Hiện nay, tâm nguyện cuối đời của Ni trưởng Thích nữ Diệu Thông đó là trùng kiến lại ngôi chùa Tam Bảo (tiền thân là chùa Bổn Nguyện) trên khu vực năm xưa đã từng là nơi lưu dấu một thời hành đạo của Ni trưởng, vừa tu học vừa tham gia kháng chiến góp phần cho công cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc và hòa bình cho đất nước.

Thay lời kết cho chuyên mục “Nước non vọng tiếng ngàn thu”, xin trích diễm ý của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng phát biểu chúc mừng thành công của Hội nghị thống nhất Phật giáo Việt Nam vào ngày 8-11-1981, “Đối với Việt Nam, nói đến tôn giáo là người ta nghĩ ngay đến đạo Phật, đến những việc làm quý báu, đẹp đẽ của đông đảo Tăng Ni và Phật tử. Đạo Phật ở Việt Nam đã mang màu sắc dân tộc Việt Nam rõ rệt. Có thể nói rằng Phật giáo Việt Nam đã góp phần làm sáng ngời lý tưởng của dân tộc và trưởng thành cùng dân tộc. Chưa bao giờ dân tộc ta lại vững mạnh như ngày nay, sức mạnh do bản thân, do tư tưởng, trí tuệ, do bản lĩnh, bản sắc của mình; sức mạnh ấy là sức mạnh của các tầng lớp nhân dân, trong đó có Tăng Ni, Phật tử”.

Trên những dặm dài của lịch sử dân tộc, luôn có sự gắn bó và đồng hành của Phật giáo. Trước hết, phục vụ thiết thực cho con người. Bởi vì, con người là vấn đề trung tâm của sự phát triển, ở mọi giai đoạn, mọi thời điểm lịch sử. “Đạo Phật đặt sự mong muốn thiết tha, đặt niềm tin vào con người và cho tất cả mọi người. Chúng ta nhất định sẽ làm nên sự nghiệp. Sự nghiệp của chúng ta chính do con người làm ra. Món quà quý tôi dành cho các vị khách quý nước ngoài là tượng Phật nghìn mắt, nghìn tay, tiêu biểu cho Phật giáo Việt Nam. Có nghìn mắt mới nhìn thấy tất cả, có nghìn tay mới làm được tất cả”2.

----------------------------

1 Thành viên nòng cốt của đội Nữ hoạt động Chính trị I4, sau năm 1975 công tác tại BCH Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM, hiện đã nghỉ hưu và cư trú tại Q.11.

2 Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng phát biểu chúc mừng thành công của Hội nghị thống nhất Phật giáo Việt Nam vào ngày 8-11-1981.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.