Tiểu sử Cư sĩ Tống Hồ Cầm (1918-2022)

Cư sĩ Tống Hồ Cầm
Cư sĩ Tống Hồ Cầm
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Ông là một trong những cư sĩ tiêu biểu của thời chấn hưng Phật giáo Việt Nam tại miền Trung và cả miền Nam sau này.

Cư sĩ Tống Hồ Cầm, Nguyên Ủy viên Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN; Nguyên Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Nguyên Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh; Nguyên Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh; Nguyên Ủy viên Hướng dẫn Nam nữ cư sĩ Phật tử Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh; Nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Giác Ngộ; Huynh trưởng cấp Dũng Gia đình Phật tử Việt Nam; Nhân sĩ Thành phố Hồ Chí Minh.

1. Thuở ấu thơ

Cư sĩ Tống Hồ Cầm, pháp danh Tâm Bửu, nhân sĩ Phật tử, sinh ngày 23 tháng 02 năm 1918 trong một gia đình có truyền thống tin theo đạo Phật tại làng Hương Cần, Phú Xuân (nay là tỉnh Thừa Thiên Huế).

Cư sĩ có cơ duyên với Phật pháp rất sớm, quy y với Đại lão Hòa thượng Thích Giác Nguyên tại Tổ đình Sắc tứ Tây Thiên (Huế), được Hòa thượng Bổn sư ban pháp danh Tâm Bửu.

Từ thuở đồng ấu, cư sĩ đã được gia đình chú trọng giáo dục theo truyền thống gia phong, chuộng sự học, kính đạo đức, yêu nòi giống và dân tộc Tiên Rồng.

Năm 1937, cư sĩ được gia đình cho ra Hà Nội theo học tại Trường Thăng Long, vào thời đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là giáo sư dạy Sử của trường, nơi đã đào tạo nhiều học sinh xuất sắc cho nước nhà.

Cũng chính trong môi trường này, những cảm xúc về đất nước và dân tộc đã được nuôi dưỡng lớn mạnh, trở thành nhận thức và hướng hành động cho cuộc đời của chính cư sĩ qua nhiều giai đoạn lịch sử, nhất quán cho đến cả cuộc đời trải dài cả thế kỷ.

2. Vị cư sĩ tiêu biểu

Ông là một trong những cư sĩ tiêu biểu của thời chấn hưng Phật giáo Việt Nam tại miền Trung và cả miền Nam sau này.

Năm 1946, cư sĩ Tống Hồ Cầm được Hòa thượng Thích Thiện Siêu, Hội trưởng Hội Việt Nam Phật học Thừa Thiên Huế cử đảm nhiệm chức vụ Chánh Thư ký của Hội trong Đại hội tổ chức trọng thể tại chùa Từ Đàm.

Vào các ngày từ mùng 6 đến mùng 9-5-1951, một sự kiện lịch sử của 6 tập đoàn Phật giáo ba miền Nam, Trung và Bắc tổ chức tại chùa Từ Đàm (Huế) thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam, cư sĩ Tống Hồ Cầm là đại biểu chính thức, được cử tham gia Thư ký đoàn của đại hội, cử đảm Phó Tổng Thư ký sau khi Tổng hội được thành lập.

Năm 1953, từ Huế vào Sài Gòn, cư sĩ đã tham gia hoạt động Phật sự trong Hội Phật học Nam Việt từ ngày văn phòng của Hội còn đặt tại chùa Phước Hòa, khu Bàn Cờ, cho mãi đến sau khi Hội Phật học Nam Việt xây cất chùa Phật Học Xá Lợi và liên tục đến năm 1981, khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập. Hội Phật học Nam Việt là một trong 9 tổ chức thành viên sáng lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Năm 1955, cư sĩ là Hội viên Hội Trung Việt Ái Hữu, kiến lập chùa Hải Quang (quận Tân Bình) và cung thỉnh Hòa thượng Thích Nhật Lệ về trụ trì. Qua các kỳ Đại hội thường niên, cư sĩ liên tục được các hội viên bầu giữ chức vị Tổng Thư ký. Từ năm 1975, sau khi đất nước thống nhất, Hội không còn sinh hoạt, cư sĩ vẫn được tín nhiệm đảm trách Trưởng ban Hộ tự chùa Hải Quang cho đến ngày qua đời.

3. Con đường phụng sự sau ngày đất nước thống nhất

Đất nước Việt Nam hoàn toàn thống nhất vào năm 1975, xu thế thống nhất Phật giáo nước nhà là tất yếu để đáp ứng nguyện vọng tha thiết của các giới Phật tử của cả nước, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, hướng đến mục tiêu xây dựng Tổ quốc vinh quang.

Ngày 7-8-1975, cư sĩ Tống Hồ Cầm tham gia đảm nhiệm Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đầu xuân Canh Thân (1980), Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam thành lập, cư sĩ được cử làm Ủy viên phụ trách Thư ký Tiểu ban Thông tin - Báo chí.

Tháng 11 năm 1981, cư sĩ là đại biểu chính thức tham dự Hội nghị Thống nhất Phật giáo Việt Nam tổ chức tại chùa Quán Sứ - Thủ đô Hà Nội. Thành công rực rỡ của sự kiện này là thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Cư sĩ được được suy cử đảm nhiệm Ủy viên Kiểm soát Thường trực Hội đồng Trị sự kiêm Phó Trưởng ban Hướng dẫn Nam nữ Phật tử nhiệm kỳ I và II. Các nhiệm kỳ kế tiếp, cư sĩ liên tục đảm nhiệm chức vụ Ủy viên Kiểm soát Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho đến ngày được Trung ương Giáo hội chấp thuận được nghỉ an dưỡng theo tâm nguyện vì cao niên.

Vào năm 1982, khi Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập, cư sĩ là một trong những Ủy viên nhiệt tình trong Ban Trị sự ở nhiệm kỳ đầu. Ông được tín cử giữ chức vụ Ủy viên Hướng dẫn Nam nữ Cư sĩ Phật tử. Các nhiệm kỳ kế tiếp cư sĩ là Ủy viên Kiểm soát Thường trực Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh liên tục nhiều nhiệm kỳ.

Từ khi Trường Cao cấp Phật học Việt Nam cơ sở 2 tại Thành phố Hồ Chí Minh, cư sĩ Tống Hồ Cầm được mời đảm nhiệm Phó Hiệu trưởng, tham gia Hội đồng Điều hành, làm Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh suốt 16 năm. Thời gian này, cư sĩ còn được cử đảm nhiệm Thư viện trưởng thuộc Hội đồng Quản trị Viên Nghiên cứu Phật học Việt Nam do Hòa thượng Thích Minh Châu làm Viện trưởng.

4. Xây dựng và phát triển tổ chức Gia đình Phật tử Việt Nam

Gắn với Gia đình Phật hóa phố tại Phú Xuân - Huế vào thời kỳ Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám làm Phó Trưởng, khi vào Sài Gòn năm 1953, cư sĩ kết hợp cùng với hai Huynh trưởng Nguyễn Hữu Huỳnh và Nguyễn Văn Thục việc xây dựng tổ chức Gia đình Phật tử Chánh Đạo với số lượng Huynh trưởng và đoàn sinh hùng hậu tại Sài Gòn, sau đó phát triển rộng ra các tỉnh miền Nam.

Cư sĩ đảm nhiệm Trưởng ban Hướng dẫn Gia đình Phật tử thuộc Hội Phật học Nam Việt, Trưởng đoàn đại biểu Gia đình Phật tử miền Nam tham dự Đại hội Gia đình Phật tử toàn quốc lần thứ III tổ chức tại chùa Linh Sơn (Đà Lạt) và nhiều sự kiện khác của Gia đình Phật tử.

Năm 1957, cư sĩ Tống Hồ Cầm được tấn phong huynh trưởng cấp Dũng.

Tháng 6-1964, Đại hội Gia đình Phật tử toàn quốc lần thứ V tổ chức tại Trường Gia Long (Sài Gòn), cư sĩ Tống Hồ Cầm được đại hội bầu đảm nhiệm Phó Trưởng ban ngành Nam - Ban Hướng dẫn Gia đình Phật tử Trung ương.

Tháng 7-1973, Đại hội Cựu huynh trưởng Gia đình Phật tử Việt Nam tổ chức tại Đà Nẵng, cư sĩ được bầu giữ chức vụ Trưởng ban Chấp hành Trung ương Đoàn cựu Huynh trưởng Gia đình Phật tử Việt Nam.

5. Hoạt động văn hóa

Cư sĩ Tống Hồ Cầm là tác giả của nhiều bài nghiên cứu, sáng tác văn chương, thi ca ngay từ lúc còn rất trẻ, chưa ở độ tuổi đôi mươi.

Với các bút hiệu Tống Hồ Cầm, Tống Anh Nghị và nhiều bút hiệu khác, từ giữa thập niên 1940, cư sĩ đã có nhiều tác phẩm được đăng tải trên các báo, tạp chí Phật giáo uy tín như Viên Âm, Giác Ngộ, Phật giáo Vân tập, Hào quang Đức Phật (Đà Lạt), Phương tiện (Hà Nội), Phật giáo Việt Nam... Tổng Thư ký tòa soạn tạp chí Từ Quang.

Kể từ ngày 1-1-1976, khi tờ báo Giác Ngộ - tiếng nói của Phật giáo yêu nước, sau này là cơ quan ngôn luận của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh ra số đầu tiên, cư sĩ đã đảm nhiệm Tổng Trị sự, rồi Phó Tổng biên tập.

Cư sĩ Tống Hồ Cầm còn là nhà thơ với bút hiệu Tống Anh Nghị rất thân thuộc với các giới bạn đọc Phật tử, có nhiều tác phẩm được phổ nhạc. Ngoài các tác phẩm đăng trên các báo, tạp chí, một số tác phẩm của cư sĩ đã xuất xuất bản, có thể kể đến như Tin tưởng (kịch thơ), Ngày hoa nở cuộc đời (thơ), Thơ Đường luật, Sắc hương Hoa Bút (Hợp tuyển thơ của Báo Giác Ngộ)…

Ông cũng được cử tham dự nhiều sự kiện quốc tế, như tham quan hữu nghị theo lời mời một số quốc gia và vùng lãnh thổ Đông Âu, Tây Âu, Ấn Độ, Đài Loan; là một trong 10 Nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh tham dự Hội nghị Báo chí Quốc tế tổ chức tại Trụ sở UNESCO ở Paris (1989)…

6. Nhân sĩ yêu nước

Tháng 12-1946, toàn quốc đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp, cư sĩ đã tham gia phong trào Phật giáo cứu quốc và hoạt động bí mật tại Huế, khi bị thực dân Pháp bắt bớ giam cầm và tra tấn, ông vẫn giữ vững tinh thần, khí tiết kiên trung. Trong thời kỳ chế độ độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm đàn áp, triệt hạ Phật giáo ở miền Nam, cư sĩ là một trong những người tích cực tham gia các cuộc xuống đường, tuyệt thực phản đối chế độ độc tài, chống đàn áp, bắt bớ…; ông viết bài cho nhiều báo chí, văn tập, lan tỏa tư tưởng của Phật giáo về đoàn kết dân tộc gắn với truyền thống yêu nước, động viên các tăng ni, phật tử, các tầng lớp nhân dân tham gia tranh đấu cho nền độc lập nước nhà, đóng góp quý báu cho sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc.

Cư sĩ Tống Hồ Cầm với các hoạt động yêu nước, tích cực xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, được giới thiệu làm Ủy viên Ủy ban MTTQVN Thành phố Hồ Chí Minh các nhiệm kỳ VI, VII và VIII (1994 - 2009); Ủy viên Trung ương MTTQVN các nhiệm kỳ liên tục từ năm 1998 đến năm 2009.

Cư sĩ Tống Hồ Cầm đã được Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh công nhận là nhân sĩ, được đãi ngộ theo Thông báo số 60/TB-TC ngày 10-8-1982.

Với các hoạt động, đóng góp cụ thể, cư sĩ Tống Hồ Cầm được trao tặng nhiều giải thưởng cao quý. Cụ thể:

- Huân chương Độc lập hạng Ba (2007);

- Huân chương Đại đoàn kết Dân tộc (2010)

- Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2000);

- Huy chương “Vì sự nghiệp Báo chí Việt Nam” (Hội Nhà báo Việt Nam, 1991);

- Huy chương “Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc” của Ủy ban Trung ương MTTQVN, 1992);

- Huy hiệu “Thành phố Hồ Chí Minh” (1980, 1992);

- Bằng Tuyên dương công đức của Hội đồng Trị sự GHPGVN (1992, 2007);

- Bằng khen của Tổng cục An ninh Nhân dân (1987);

- Bằng khen của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (1996);

- Bằng khen của Ủy ban MTTQVN Thành phố Hồ Chí Minh (1982, 1987 và 1990);

- Bằng Tuyên dương công đức của Ban Trị sự Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh (1995,1996);

Và nhiều bằng khen, giấy khen khác.

7. Những ngày cuối đời

Cư sĩ Tống Hồ Cầm là tấm gương một đời làm việc tích cực, luôn tạo cảm hứng về một lối sống lạc quan, trách nhiệm, xây dựng hướng đến mục tiêu cao đẹp của đất nước và niềm tin tôn giáo gắn bó với dân tộc.

Ông là người đã làm việc liên tục, công tác cuối cuối đời mà cư sĩ Tống Hồ Cầm đảm nhiệm là Phó Tổng biên tập Báo Giác Ngộ cho đến năm 2012 bên cạnh chư vị giáo phẩm, lúc ông 94 tuổi, được xem là nhà báo cao tuổi nhất trong giới báo chí tại Việt Nam lúc bấy giờ, kỷ lục ấy vẫn còn giá trị cho đến cả bây giờ.

Với những gì mà cư sĩ đã một đời đóng góp cho đất nước và đạo pháp, sống yêu thương con cháu, nên những năm cuối đời lúc an dưỡng, cư sĩ luôn được sự quan tâm của chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt là Ủy ban MTTQVN Thành phố, Gia đình Phật tử và thân quyến, các con cháu của cư sĩ chăm sóc sức khỏe hết sức chu đáo.

Tấm gương của vị cư sĩ chính là một lòng tôn kính chư Tăng trong đạo tình sâu sắc; chung thủy với lý tưởng phụng sự đất nước sắc son; Yêu thương và dành tình cảm đặc biệt cho Gia đình Phật tử Việt Nam; Hòa ái, chân tình với tất cả thân hữu, bà con, cộng sự và những người quen biết.

Cư sĩ Tống Hồ Cầm ra đi trong sự chăm sóc ấy, với gương mặt thanh thản vì đã làm tốt những gì cần làm, đã sống với cuộc đời thật ý nghĩa trong phận sự và lý tưởng của người cư sĩ đối với Đạo pháp, người công dân đối với Đất nước. Ông đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 8 giờ 20 phút ngày 11 tháng 3 năm 2022 (nhằm ngày mùng 9 tháng 2 năm Nhâm Dần), đại thọ 105 tuổi, giữa tình thương của con cháu, chư tôn đức Tăng Ni, các vị lãnh đạo Ủy ban MTTQVN Thành phố Hồ Chí Minh và các huynh trưởng, đoàn sinh Gia đình Phật tử Việt Nam các thế hệ.

BAN TỔ CHỨC TANG LỄ

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.