Thực tập hạnh từ bi & lắng nghe

GN - Bồ-tát Quán Thế Âm là một vị Bồ-tát có ảnh hưởng rất sâu đậm trong văn hóa Phật giáo Việt Nam.

Hình ảnh của Ngài được biểu hiện qua đời sống hiện thực của người Phật tử, người dân Việt, cũng như được phản ánh qua văn chương, kiến trúc, hội họa, âm nhạc,... Ngài gắn với nhiều hạnh nguyện nhưng nổi bật nhất là đức từ bi vô lượng và hạnh lắng nghe cứu khổ chúng sinh.

ANHNAQT (6).JPG
Tôn dung Đức Bồ-tát Quan Thế Âm tại Việt Nam Quốc Tự (Q.10, TP.HCM) - Ảnh: Bảo Toàn

Bồ-tát Quán Thế Âm (S. Avalokiteśvara) hay còn gọi là Bồ-tát Quán Tự Tại, Bồ-tát Quán Âm, Bồ-tát Quan Âm. “Quán” (Quan) có nghĩa là quan sát, xem xét; “Thế” là thế gian, “Âm” là âm thanh, tiếng kêu; Quán Thế Âm nghĩa là Bồ-tát lắng nghe tiếng kêu của chúng sinh mà ứng hiện cứu giúp, tùy theo năng lực “cảm ứng đạo giao” để đem lại niềm vui cũng như giúp cho chúng sinh vơi bớt nỗi khổ niềm đau trong cuộc sống.

Theo kinh Thiên thủ thiên nhãn Quán Thế Âm Bồ-tát quảng đại viên mãn vô ngại đại bi tâm đà-la-ni, Bồ-tát Quán Thế Âm về thuở quá khứ đã tu thành Chánh quả, giác ngộ giải thoát với Phật hiệu là Chánh Pháp Minh Như Lai.

“Quán Thế Âm Bồ-tát này đây có sức uy thần không thể nghĩ bàn. Trong vô lượng kiếp thuở quá khứ, Ngài đã thành Phật, hiệu là Chánh Pháp Minh Như Lai. Do bởi nguyện lực đại bi, Ngài muốn phát khởi tất cả chư Bồ-tát mang đến sự an lạc và điều mãn nguyện cho các chúng sinh nên thị hiện làm Bồ-tát”.

Được thúc đẩy từ đức“từ bi vô lượng, tế độ vô biên”, Bồ-tát Quán Thế Âm đã trở lại thị hiện giữa cuộc đời, đem lại nguồn vui, làm vơi nỗi khổ cho thế gian. Ngài “Phổ môn thị hiện” dưới mọi hình thức, sắc thân để hướng dẫn, giáo hóa chúng hữu tình trở về nẻo thiện. Có người đáng dùng thân Phật để độ thoát, thì Ngài dùng thân Phật để độ thoát; có người cần dùng thân cư sĩ để độ thoát thì Ngài hiện thân cư sĩ để độ thoát; cho đến Ngài hóa thân thành Diệm khẩu Quỷ vương để độ thoát chúng sinh trong cõi ngạ quỷ đói khát.

Bồ-tát Quán Thế Âm còn được gọi là đấng Thí Vô Úy, vì chỗ nào có mặt khổ đau, sợ hãi, tùy theo năng lực phát nguyện mà Ngài thị hiện để làm cho chúng sinh đó được an ổn, không còn khiếp sợ. Cho nên, trong kinh Diệu pháp Liên hoa (phẩm Quán Thế Âm Bồ-tát Phổ môn), Đức Phật nói với Bồ-tát Vô Tận Ý rằng: “Quán Thế Âm Đại Bồ-tát đó ở trong chỗ nạn gấp sợ sệt hay ban sự vô úy, cho nên cõi Ta-bà này đều gọi Ngài là vị Thí Vô Úy”.2

Quán Thế Âm cũng còn được gọi là Quán Tự Tại, vì Ngài đã thành tựu Bát-nhã Ba-la-mật, tự tại giữa thế gian nhiễm ô và triền phược. Ngài thực hành Bát-nhã Ba-la-mật thâm sâu, vượt mọi tất cả khổ ách khi soi thấy năm uẩn đều là Không: “Quán Tự Tại Bồ-tát hành thâm Bát-nhã Ba-la-mật-đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách”.3 Chính vì thấy không có sở đắc, Bồ-tát nương nơi Bát-nhã Ba-la-mật này mà tâm không có vướng mắc và ngăn ngại, vì không có mắc ngại nên không có sợ hãi và rời xa những mộng tưởng điên đảo. Bồ-tát Quán Tự Tại nương nơi Bát-nhã Ba-la-mật để cứu giúp chúng sinh xa rời những phiền não, những khổ đau trong cuộc sống.“Dĩ vô sở đắc cố, Bồ-đề-tát-đỏa y Bát-nhã Ba-la-mật-đa cố tâm vô quái ngại; vô quái ngại cố vô hữu khủng bố; viễn ly điên đảo mộng tưởng”.4

Dựa trên nền tảng từ bi, Bồ-tát Quán Thế Âm đã thị hiện khắp nơi, dưới mọi loại hình thức khác nhau để hóa độ chúng sinh. Ngài luôn lắng nghe, xem xét tiếng khổ của chúng sinh để tùy phương tiện cứu độ, do vì nhân duyên đó nên Ngài được xưng hiệu Quán Thế Âm. Kinh Diệu pháp Liên hoa, Đức Thế Tôn dạy rằng: “Thiện nam tử! Nếu có vô lượng trăm nghìn muôn ức chúng sinh chịu các khổ não, nghe Quán Thế Âm Bồ-tát này một lòng xưng danh. Quán Thế Âm Bồ-tát tức thì xem xét tiếng tăm kia, đều được giải thoát”.5  Thêm nữa, nếu chúng ta nhất tâm xưng danh hiệu của Ngài, thì có thể biến những hoạn nạn thành phúc lành, biến những tâm lý sân hận thành từ bi, tình thương vô lượng. Thế Tôn còn làm nổi bật lên công hạnh lắng nghe tiếng khổ của Bồ-tát Quán Thế Âm khi chúng sinh gặp hoạn nạn rằng:

“Nếu có người trì danh hiệu Quán Thế Âm Bồ-tát này, dầu vào trong lửa lớn, lửa chẳng cháy được, vì do sức uy thần của Bồ-tát này được như vậy. Nếu bị nước lớn làm trôi, xưng danh hiệu Bồ-tát này liền được chỗ cạn. Nếu có trăm nghìn muôn ức chúng sinh vì tìm vàng, bạc, lưu ly, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách, trân châu các thứ báu, vào trong biển lớn, giả sử gió lớn thổi ghe thuyền của kia trôi tấp nơi nước quỷ La- sát, trong ấy nếu có nhẫn đến một người xưng danh hiệu Quán Thế Âm Bồ-tát, thì các người đó đều được thoát khỏi nạn quỷ La sát. Do nhân duyên đó mà tên là Quán Thế Âm”.6

Bồ-tát Quán Thế Âm hiện thân cho tinh thần đại từ, đại bi trong Phật giáo. Ngài đã thực hành con đường Bồ-tát một cách viên mãn trong vô lượng kiếp về quá khứ với một tâm nguyện lợi sinh rộng lớn. Ngày nay, chúng ta thực tập theo đức tính từ bi và công hạnh lắng nghe của Ngài, để thấu hiểu hơn, cảm thông hơn, yêu thương và chia sẻ hơn, góp phần làm vơi bớt đi những nỗi khổ niềm đau trong cuộc sống, con người, vạn vật được chung sống bình yên và tốt đẹp.

Quảng Châu/ Báo Giác Ngộ

___________

1 Kinh Thiên thủ thiên nhãn Quán Thế Âm Bồ-tát quảng đại viên mãn vô ngại đại bi tâm tổng trì, Nguyên Thuận Việt dịch.

https://daitangkinh.net/?f=Kinh-Thien-Thu-Thien-Nhan-Quan-The-Am-Bo-Tat-Quang-Dai-Vien-Man-Vo-Ngai-Dai-Bi-Tam-Tong-Tri#c6

2 Kinh Diệu pháp Liên hoa, HT.Thích Trí Tịnh Việt dịch, https://thuvienhoasen.org/a15624/kinh-pho-mon

3, 4 Bát-nhã Ba-la-mật-đa Tâm kinh, HT.Thích Trí Thủ Việt dịch,

https://thuvienhoasen.org/a16469/bat-nha-Ba-la-mat-da-tam-kinh

5, 6 Kinh Diệu pháp Liên hoa, HT.Thích Trí Tịnh Việt dịch,
https://thuvienhoasen.org/a15624/kinh-pho-mon

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.