Thiện tri thức - Gần đèn thì sáng

GN - Ai cũng biết câu “Gần đèn thì sáng”. Trong đạo cho đến ngoài đời, nếu gặp thầy hay và bạn tốt, chắc chắn sự nghiệp của chúng ta sẽ thăng tiến, cuộc sống sẽ gặp nhiều điều tốt lành. Thầy hay và bạn tốt chính là thiện tri thức. Nhưng với thực tế đời sống hiện nay, thiện ác lẫn lộn, thật giả khó phân, cũng không phải dễ biết ai là thiện tri thức để tựa nương.

ganden.jpg


Thân cận người xuất gia để tăng trưởng niềm tin thiện lành - Ảnh minh họa

Trong nhà đạo, theo kinh nghiệm của Thế Tôn, thân cận những ai mà “niềm tin liền tăng thêm, giới, văn, thí, trí tuệ thảy đều tăng thêm” thì đó là thiện tri thức, cần nương tựa và học hỏi chư vị này đến suốt đời. Ngược lại, thân cận những ai mà niềm tin, giới, văn, thí, trí tuệ không tăng thêm, thậm chí suy giảm đi, thì chắc chắn đó không phải là thiện tri thức, cần phải tránh xa.

“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Nên gần gũi Thiện tri thức, chớ lập theo hạnh ác, chớ tin vào nghiệp ác. Vì sao thế? Gần gũi Thiện tri thức rồi, niềm tin liền tăng thêm, giới, văn, thí, trí tuệ thảy đều tăng thêm. Nếu Tỳ-kheo gần gũi Thiện tri thức thì chớ tập theo hạnh ác. Vì sao thế? Nếu gần gũi Ác trí thức, sẽ không có tín, giới, văn, thí, trí tuệ. Thế nên các Tỳ-kheo! Hãy gần gũi Thiện tri thức, chớ gần gũi Ác tri thức. Như vậy, này các Tỳ-kheo, nên học điều này!

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.

(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm Thiện tri thức,
VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.321)

Thật rõ ràng, thiện tri thức là người có khả năng giúp mình phát triển năm thiện pháp tín, giới, văn, thí, tuệ.

Tín ở đây là tin sâu Tam bảo, Phật-Pháp-Tăng. Người Phật tử chúng ta tin Phật là bậc Giác ngộ. Tin lời Phật dạy là con đường sáng để đi đến an vui, giải thoát. Tin bản thể của Tăng-già luôn thanh tịnh và hòa hợp. Tam bảo là ngọn đèn sáng soi thế gian. Tin sâu Tam bảo là đặt bước chân đầu tiên lên lộ trình giải thoát.

Giới chính là những nền tảng đạo đức, có công năng giúp người giữ giới thiết lập hạnh phúc, an vui. Người Phật tử tại gia và xuất gia có giới luật khác nhau, họ tự nguyện giữ giới vì hạnh phúc và an vui cho chính mình và mọi người. Một người sống đạo đức mới có khả năng khuyến khích người khác giữ gìn và phát huy đạo đức.

Văn chính là học tập giáo pháp. Đức Phật vì thương chúng sinh mà nói pháp đến tận cuối đời. Lời Phật dạy chính là bậc thầy hiện hữu giữa thế gian. Giáo pháp có công năng trị liệu và chuyển hóa khổ đau rất nhiệm mầu. Ai có tâm học giáo pháp thì tự thân đã hướng thiện. Ai giúp người hiểu đúng giáo pháp chính là thiện tri thức.

Thí chính là sự chia sẻ tài sản, sức lực, tri thức…, là nguồn phước đức ở thế gian. Tự mình biết chia sẻ, khuyến khích người khác lập hạnh chia sẻ để cuộc sống thêm ấm áp, tươi vui. Bản chất cuộc đời là khổ đau, hạnh thí xả như dòng nước mát tưới tẩm những bất hạnh ở đời.

Tuệ chính là sự thấy biết đúng như thật về thân, tâm và thế giới. Nghiệp lực của con người luôn ngăn cản, che lấp sự thấy biết này. Thấy rõ quy luật nhân quả, hiểu rõ về Bốn sự thật cao thượng, nhận rõ bản chất duyên sinh của vạn pháp… là những tuệ giác lớn. Tuệ giác này sẽ giúp chúng ta chuyển hóa và đoạn tận khổ đau.

Trong đời sống hàng ngày, những ai có khả năng giúp chúng ta phát triển tín, giới, văn, thí, tuệ thì họ chính là thiện tri thức, cần nương tựa và học hỏi. Người học Phật cần tỉnh táo, không choáng ngợp, không chạy theo số đông trước bằng cấp, địa vị hay mọi thành đạt về hình thức nói chung của bất cứ ai, quyết không nương tựa nếu thực sự họ không phải là thiện tri thức.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.