Tập thiền có khó?

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
GN - “Thực hành thiền không phải để trở thành một người tốt hơn, mà là để làm bạn với chính con người thực sự của mình”, Ni sư Pema Chödrön nói.

Khi bắt đầu thực hành thiền hoặc giữ bất kỳ giới luật nào, người ta thường nghĩ bằng cách này, chúng ta sẽ tiến bộ hơn; đó là một sự phản kháng vi tế chống đối lại con người thực của mình hiện tại. Nó hơi giống như cách nói: “Nếu tôi chạy bộ, tôi sẽ trở thành một người tốt hơn nhiều”; “Nếu tôi có một ngôi nhà đẹp hơn, tôi sẽ trở thành một người tốt hơn”; “Nếu tôi thực hành thiền định và bình tĩnh lại, tôi sẽ trở thành một người tốt hơn”. Hoặc trong trường hợp nhìn thấy lỗi của người khác, chúng ta có thể nói: “Nếu không tại chồng tôi, tôi đã có một cuộc hôn nhân hoàn hảo”; “Nếu không phải vì tôi và sếp của tôi không thể hòa hợp thì công việc của tôi sẽ rất tuyệt”; “Nếu không vì tâm loạn động của tôi, việc thiền định của tôi sẽ rất xuất sắc”.

Nhưng thực hành tâm từ, lòng thương yêu - maitri (Pali: metta) - đối với bản thân không có nghĩa là chúng ta phải loại bỏ bất kỳ điều gì. Maitri có nghĩa là chúng ta vẫn có thể ngốc nghếch, chúng ta vẫn có thể tức giận, có thể rụt rè, ganh tỵ hoặc tự ti. Thiền không phải là chối bỏ bản thân để trở thành một thứ gì đó tốt hơn, mà chính là kết nối với con người thực sự mà chúng ta đang là. Nền tảng của việc thực hành này là bạn hay tôi hoặc bất cứ ai mà ngay hiện tại chúng ta đang là. Đó là những gì chúng ta tò mò và thích thú muốn biết.

Hiếu kỳ về bản thân chính là sự nhẹ nhàng, chính xác và cởi mở. Sự dịu dàng là một cảm giác tử tế đối với bản thân. Sự chính xác là khả năng nhìn thấy rõ ràng và không ngại nhìn thấy những điều thực sự đang có mặt dù tốt hay xấu. Sự cởi mở là khả năng cho đi và sự chân thành. Khi bạn sở hữu lòng trung thực, hiền lành và tốt bụng này, kết hợp với khả năng thấu hiểu rõ ràng về bản thân thì sẽ không khó khăn gì khi bạn gieo rải tình thương đến những người khác.

Tại sao phải hành thiền?

Là con người, chúng ta không nên đánh giá thấp khả năng chịu đựng của mình đối với cảm giác khó chịu. Chúng ta nên khuyến khích bản thân nhẫn chịu những khuyết điểm của chính mình. Ngồi thiền là một phương pháp hỗ trợ để chúng ta thực hiện điều này. Ngồi thiền hay còn được gọi là thực hành chánh niệm - tỉnh giác, là nền tảng của việc rèn luyện Bồ-đề tâm (Bồ-đề tâm là mong muốn đạt được giác ngộ và đưa tất cả chúng sinh đến cùng một trạng thái tỉnh thức). Đây là quê hương của một vị Bồ-tát.

Thực hành thiền giúp chúng ta dễ tiếp cận hơn với các suy nghĩ, cảm xúc của bản thân và trở về với cơ thể chúng ta. Đó là một phương pháp nuôi dưỡng và phát triển sự thân thiện, gần gũi tuyệt vời đối với chính mình và để phá bỏ bức tường dửng dưng khiến chúng ta không cảm nhận được nỗi khổ đau của người khác. Bằng cách này, chúng ta sẽ trở thành một người có tình yêu thương thực sự.

Ni sư Pema Chödrön
Ni sư Pema Chödrön

Dần dần, thông qua thiền định, chúng ta bắt đầu nhận thấy rằng có những khoảng trống ngắt quãng trong cuộc đối thoại nội tâm. Trong khi nói chuyện liên tục với chính mình, chúng ta sẽ thấy xuất hiện một khoảng dừng như thể vừa thức tỉnh từ một giấc mơ. Chúng ta nhận ra khả năng thư giãn của mình cùng với sự trong sáng, vô sự, tâm trí rộng mở, những điều này vốn đã tồn tại sẵn bên trong chúng ta. Chúng ta trải nghiệm những khoảnh khắc ở ngay đây và cảm nhận được sự đơn giản, trực tiếp và gọn gàng.

Những điều này cũng chính là kinh nghiệm giúp chúng ta rèn luyện Bồ-đề tâm một cách vô điều kiện. Chỉ đơn giản là ở lại đây, chúng ta ngày càng thư giãn nhiều hơn trong không gian rộng mở của một con người thực sự. Cảm giác như bước ra từ một câu chuyện tưởng tượng và khám phá ra sự thật đơn giản.

Sáu đặc điểm của tư thế ngồi thiền

Ngồi thiền phải bắt đầu với một tư thế ổn định. Để thực sự thư giãn và định tâm, thì chúng ta phải nhận thức rõ ràng về sáu đặc điểm của một tư thế ổn định. Dưới đây là các hướng dẫn:

Chỗ ngồi: Cho dù bạn đang ngồi trên đệm đặt trên sàn hay trên ghế thì chỗ ngồi phải bằng phẳng, không nghiêng sang phải, trái, ra phía sau hay phía trước.

Chân: Hai chân bắt chéo thoải mái, nếu bạn đang ngồi trên ghế thì đặt bàn chân phẳng trên sàn, hai đầu gối cách nhau vài chục cm một cách thoải mái.

Thân: Thân thẳng đứng, phần lưng vững chãi. Nếu ngồi trên ghế, tốt nhất bạn không nên dựa lưng. Nếu bạn bắt đầu cảm thấy lưng đang chùng xuống, chỉ cần ngồi thẳng trở lại.

Tay: Hai tay mở rộng, úp trên đùi.

Mắt: Đôi mắt mở, biểu thị thái độ tỉnh táo và thư thái với tất cả những gì đang xảy ra. Ánh mắt hơi hướng xuống và hướng về phía trước bạn khoảng 4 đến 6 bước chân.

Miệng: Miệng hơi mở để hàm được thư giãn và không khí có thể dễ dàng di chuyển qua cả miệng và mũi. Đầu lưỡi đặt trên vòm miệng.

Mỗi khi bạn ngồi xuống để thiền, hãy kiểm tra tư thế của bạn thông qua sáu điểm này. Bất cứ lúc nào bạn cảm thấy xao lãng, hãy tập trung trở lại vào cơ thể và sáu điểm tư thế này.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.