Thầy dạy, không phải tu lâu mới “sáng” mà chỉ cần mình chánh niệm, nhìn cho kỹ, nghe cho sâu thì mình cũng có trí tuệ (thầy nói, nhìn kỹ, nghe sâu cũng chính là định). Và từ đó, mình sẽ thấy được con đường đi đúng đắn. Đã có con đường đi rồi thì đi, khi đi mình tiếp tục chánh niệm và nhận diện từng bước chân chánh niệm, thong dong của mình.
Tôi gọi đó là chìa khóa để mở những lớp cửa vô sinh. Trên lộ trình mình đi qua, sẽ có rất nhiều lớp cửa. Hễ qua một lớp là mình có an lạc hơn một chút, bước vào rừng thiền xa hơn một chút, cũng có nghĩa là mình bằng an (định) hơn, gần tịnh độ hơn.
Mỗi bước chân và mỗi cái nhìn của mình có thể chế tác được năng lượng an lạc. Mình bước tới và mình biết là mình đang chạm vào tịnh độ. Mình nhìn và mình thấy được trong mỗi sự vật, sự việc đều có vô thường và sự tiếp nối thì mình sẽ không còn đau khổ, không thấy mất mát, và đương nhiên đó là hạnh phúc. Vô thường theo như chiếc bóng, biểu hiện trong từng sát na!
Nhưng, đừng chỉ dừng lại và nắm giữ hạnh phúc mình vừa có, hãy đi tiếp và mở những cánh cửa khác. Đường còn dài, nhưng đừng sợ đường xa, bởi ngay mỗi bước chân mình đã chạm vào tịnh độ, mỗi cái nhìn mình đã thấy được vô sanh-bất diệt thì không còn sợ hãi. Hễ nghĩ đường còn dài, còn xa là mình sẽ nản, sẽ dễ thối chuyển. Chính vì vậy mà Bụt dạy mình phải sống ở hiện tại, chạm vào hạnh phúc ngay hiện tại. Thậm chí, hiện tại hiện tướng khổ, không lành thì cũng cơ hội để thực tập ôm ấp, chuyển hóa nó trở thành thứ năng lượng - làm lực đẩy hoặc đòn bẩy để mình mở cửa vô sinh.
Khi nhận diện như thế, mình có thể thuyết tâm kinh cho mình, bắt đầu như thế này: “Ở ngay hiện tại này, mình đang cư trú nơi đất mẹ bao dung, và mình nghe được trong sâu thẳm nơi tâm mình. Ở đó, có thể hình dung như một mảnh vườn có chứa đầy những hạt giống là cỏ cây và hoa trái. Mình giống như một người làm vườn, suốt ngày vun vun xới xới. Nào là ta thấy vườn của ông hàng xóm nhiều cỏ, bực mình quá. Nào là vườn của chị kế bên sao ngát hương thơm thế, ganh tị quá… Mình chỉ nhìn đây, nhìn đó, mà quên nhìn vườn của mình, và khi ấy mình vô tình để cho cỏ mọc, lùm rừng phát triển. Cũng bởi bực mình, ganh tị, ích kỷ… là thứ nước tưới tẩm cho cỏ, lùm, rừng phát triển mà mình nào có hay?
Mình đâu biết vì sao vườn của người đầy hoa trái, thơm và ngọt? Và mình cũng không biết vườn người khác sao đầy cỏ dại… Bởi mình vô minh, bởi mình luôn để mình chạy nhảy quàng xiên, và mình đã để cho cỏ mọc đầy vườn. Này, đó là tập khí có từ lâu, lâu lắm, do mình huân tập thường xuyên nên hiện tại này mình nhớ và làm như một cái máy tự động, vô thức.
Mình nhìn kỹ, và mình thấy xấu hổ quá. Cái gọi là tàm quý, cần phải có ngay lúc này để trở về chăm sóc khu vườn (tâm) của mình. Hiểu rõ vì sao cỏ mọc, vì sao hoa trái ngát hương thì mình hãy bắt đầu tưới tẩm những hạt giống hoa trái và đừng để cho hạt giống cỏ cây, lùm rừng có cơ hội được nẩy mầm. Biết là, “hoa thường hay héo, cỏ thường tươi” nhưng đừng ngại, muốn thưởng thức hoa, và muốn hiến tặng cái đẹp cho cuộc đời và cho chính khu vườn của mình thì phải tỉnh thức, chánh niệm mà chăm sóc, vun bón, tưới tẩm.
Này, bài pháp ngắn ấy ta vừa thuyết cho chính ta, trong sự tĩnh tâm. Mình đọc và nhớ tụng thường xuyên, để chăm sóc vườn (tâm) của mình…”.
Nghe xong bài pháp ấy, tôi cảm nhận mình sáng ra một tí, hình như một bông hoa vừa nở, để tặng cho pháp sư và góp vào khu vườn. Cứ thế, cứ thế nhé, ai cũng có thể là thợ làm vườn giỏi nếu có chánh niệm chăm sóc khu vườn của chính mình! Và ai cũng có thể là pháp sư, tự thuyết tâm kinh cho chính mình, bởi không ai cứu được mình ngoài chính mình…