Sống tiếp thế nào sau đại dịch?

Trước ga metro ngầm đoạn Nhà hát Thành phố đến chợ Bến Thành - Ảnh: Ngô Trần Hải An
Trước ga metro ngầm đoạn Nhà hát Thành phố đến chợ Bến Thành - Ảnh: Ngô Trần Hải An
0:00 / 0:00
0:00
GN - 0 giờ ngày 9-7, khi TP.HCM bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, cũng là lúc nỗi lo lắng phủ trùm lên hàng vạn mảnh đời sống khó khăn, vô gia cư, chạy cơm từng bữa.

Là thành phố sôi động, nhộn nhịp và đông dân nhất Việt Nam, Sài Gòn - TP.HCM từ lâu đã được rất nhiều người, từ khắp mọi miền đất nước, tụ về để lập nghiệp, tìm kế sinh nhai. Họ có thể là một doanh nhân thành đạt muốn tìm thêm cơ hội khuếch trương sự nghiệp của mình; một nhân viên văn phòng muốn tìm môi trường làm việc năng động hơn; những cô cậu học trò ngoại tỉnh vừa vào đại học hay những sinh viên ra trường bám trụ lại thành phố để tìm cơ hội; những người buôn gánh bán bưng mà thành phố đem đến cho họ thu nhập tốt hơn ở nơi mà họ từng sinh sống;…

Theo ước tính, mỗi năm, TP.HCM lại đón nhận thêm hàng trăm ngàn người nhập cư thuộc mọi thành phần, lứa tuổi. Cũng vì đó, bài toán về quy hoạch, quản lý đối với chính quyền thành phố dường như chưa bao giờ có đáp số cuối cùng.

Ở thành phố này, mỗi phận đời là một mảnh ghép, mỗi con người đều tìm thấy chỗ cho mình, có việc của riêng mình, từ những người làm công việc tầm cao, tầm trung cho đến những người dân lao động bình thường nhất.

Có lần, người bạn tôi, nhân viên công ty nước ngoài đặt văn phòng tại tòa nhà Bitexco kể rằng ở những khu trung tâm sầm uất như quận 1, quận 3, ít hàng quán, vắng người buôn gánh bán bưng là cả một điều… khổ sở. Tôi ngạc nhiên bởi cứ nghĩ rằng đối với những người làm việc tại các cao ốc, lại có cả một khu thương mại dịch vụ bên dưới thì lựa chọn sẽ dễ dàng hơn nhiều chứ? Hóa ra lại không phải. Nhiều người vẫn thích đến những hàng quán con con, đôi khi chỉ là vài cái ghế bày ra dưới một hiên nhà nào đó của những cô Sáu bán bún Huế, chị Tư bán cà-phê, chú Hai bán cơm tấm nào đó,… Ngồi lê la cà-phê vỉa hè, thỉnh thoảng có người bán vé số đi qua mời, vui thì “mua giùm người ta” vài tờ chứ có khi chẳng cầu may rủi. Cứ như vậy, bằng muôn vạn cách, nhịp sống của thành phố chuyển động không ngừng nghỉ.

Chưa từng có ai nghĩ đến việc thành phố phải dừng lại, vậy mà có ngày nó cũng phải dừng lại thật. Trong lần tái bùng phát thứ ba của đại dịch, tính đến nay, TP.HCM là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề. Qua 6 tuần giãn cách, số lượng ca nhiễm vẫn liên tục tăng cao. Đến ngày 9-7, chính quyền buộc phải đi đến quyết định áp dụng Chỉ thị 16 trên toàn thành phố. Đó cũng là lúc người ta nghĩ nhiều hơn, lo lắng nhiều hơn đến những người lao động thu nhập thấp, chịu cảnh bấp bênh.

Không khó để khẳng định rằng nơi đây có số lượng bếp cơm từ thiện nhiều nhất cả nước. Những bếp cơm xuất phát từ lòng hảo tâm của người có điều kiện dành cho người kém may mắn hơn trong xã hội. Có nhiều bếp đã tồn tại ngót nghét chục năm, có nhiều bếp chỉ vừa ra đời được vài tháng, số phần cơm trao đi có lẽ không bao giờ có thể thống kê chính xác. Bên cạnh đó là những hội nhóm thiện nguyện, những cá nhân vẫn đang âm thầm làm công việc chia sẻ khó khăn với người yếu thế; và trong đại dịch, họ lại tự nguyện làm thêm công việc hỗ trợ những khu phong tỏa, cách ly.

Có trường hợp mà tôi biết như gia đình Hoàng Nguyễn Phương Trí, một đoàn sinh Gia đình Phật tử chùa Pháp Vân, quận Bình Thạnh, suốt trong hai tháng qua đã tự nguyện bỏ kinh phí, công sức để nấu các suất ăn trao tặng cho các khu vực có hoàn cảnh khó khăn bị cách ly, phong tỏa. “Ban đầu chỉ định hỗ trợ suất ăn một đôi ngày thôi, nhưng khi làm rồi bắt gặp những hoàn cảnh khó khăn hơn, gia đình chúng tôi quyết định tiếp tục hỗ trọ họ. Toàn bộ kinh phí do gia đình bỏ ra hết. Mình thấy thương thì mình làm thôi”, một thành viên trong gia đình Phương Trí cho biết.

Cứ như vậy, người thành phố dìu nhau đi qua lúc khó khăn nhất. Những ngày trước khi Chỉ thị 16 bắt đầu được áp dụng, dạo quanh một vòng trên Facebook, chúng ta không khó để bắt gặp vô số dòng chia sẻ đầy quan tâm, lo lắng đến những người yếu thế. “Thấy thương lắm anh, mình ở nhà mười mấy ngày thì không vấn đề gì, nhưng với người lao động, người vô gia cư thì đó là cả một gánh nặng khủng khiếp với họ”, một cô bạn thường hoạt động trong các nhóm thiện nguyện chia sẻ.

Vài ngày trước, qua Facebook, nhiếp ảnh gia Ngô Trần Hải An chia sẻ những hình ảnh mà anh ghi nhận được khi đi cùng nhóm thiện nguyện “Bánh mì 0 đồng” để tặng những phần quà đến bà con nghèo, vô gia cư, hoàn cảnh khó khăn ở Sài Gòn. Nếu nhìn những hình ảnh ấy, có lẽ khó ai lại không ít nhiều xúc động. Những con người với nét khắc khổ hằn sâu lên khuôn mặt, nằm ngồi lây lất bên hè phố. Có cụ bà nằm co ro trong tấm chăn trong một trạm xe buýt. Có những đứa trẻ hồn nhiên như không biết nỗi nguy đang cận kề với chúng. Nhưng ám ảnh tôi nhất vẫn là đôi mắt của một người phụ nữ trung niên mà khuôn mặt giấu kín sau lớp khẩu trang. Ánh mắt chứa đầy nỗi lo lắng, buồn bã. Đối với những người nghèo, 15 ngày trôi qua sẽ rất chậm. Và không chỉ có 15 ngày ấy thôi, “sống tiếp thế nào sau đại dịch?” chắc chắn còn là câu hỏi mà tự họ khó có thể tìm được lời đáp.

“Sẽ giãn cách mà không xa cách”, những ngày này, câu nói ấy liên tục được mọi người dân thành phố nhắc lại. Và tôi vẫn tin rằng, với cách mà người dân thành phố đã quan tâm, nâng đỡ, cưu mang nhau suốt bao nhiêu năm qua, một lần nữa, chúng ta sẽ cùng vượt qua lần khó khăn lớn này. Niềm tin của tôi có cơ sở khi những bếp ăn từ thiện vẫn cố gắng ngày ngày đỏ lửa, những tấm lòng vẫn tìm cách chia sẻ, trao đi. Và hơn lúc nào hết, bên cạnh việc đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình, đảm bảo cho công việc của mỗi người được tiếp tục khi không thể đến chỗ làm, nên chăng đã đến lúc chúng ta bắt đầu suy nghĩ tiếp về cách giúp người khó khăn đứng dậy sau dịch.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.