Thời niên thiếu
Đại lão Hòa thượng thượng Đạt hạ Thanh, pháp danh Như Thông, thế danh Võ Minh Thông, sau đổi tên là Võ Bửu Đạt. Ngài sinh vào giờ Ngọ, một ngày trong tiết Mạnh Xuân năm Đinh Sửu (1877), tại làng Tân Thới Thượng thuộc tổng Bình Thạnh Hạ, H.Bình Long, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định, nay thuộc xã Xuân Thới Thượng, H.Hóc Môn, TP.HCM.
Thân phụ Đại lão Hòa thượng là cụ ông Võ Tự Kiểng, pháp danh Minh Cảnh, tự Thiện Tim, mộ phần cụ ông đang được tôn trí tại chùa Long Quang (H.Hóc Môn, TP.HCM). Thân mẫu là cụ bà Hà Thị Tông, sau xuất gia với pháp danh Như Tông, pháp tự Diệu Nho, bảo tháp cụ bà hiện đang được tôn trí tại tổ đình Phước Tường (TP.Thủ Đức).
Đại lão Hòa thượng sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống Nho học nhưng rất ngưỡng mộ Phật pháp. Ngài là con thứ trong gia đình có 7 anh em trai. Trong số anh em ruột của ngài đã xuất gia là ngài Như Mật – Bửu Châu, ngài Như Quới – Pháp Ấn, ngài Như Ngộ – Thiện Ngộ, đều tu học tại tổ đình Long Thạnh và Linh Nguyên.
Xuất gia và học đạo
Năm Mậu Tý (1888), ngài cùng cha mẹ đi lễ Phật tại tổ đình Linh Nguyên (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An), đúng ngày chùa tổ chức trai đàn kỳ siêu bạt độ chẩn tế thập loại chúng sinh vào ngày vía Đức Địa Tạng Bồ-tát. Đàn tràng thanh tịnh trang nghiêm trong suốt 3 ngày đã gieo vào lòng ngài một ấn tượng khó phai. Một đức tin về sự truyền lưu Chánh pháp giúp mỗi người sống tốt hơn trong thế giới. Đây cũng là một duyên từ ý nghĩ nhỏ nhoi đã đưa ngài hiểu sâu và dấn thân vào cuộc đời đạo pháp.
Năm 12 tuổi, được sự cho phép của song thân, ngài xuất gia tại chùa Linh Nguyên (ấp Bình Tả 1, xã Đức Hòa Hạ, H.Đức Hòa, tỉnh Long An), thờ Sư tổ Minh Phương - Chơn Hương làm bổn sư, được Sư tổ ban pháp danh Như Thông, pháp tự Bửu Đạt.
Sau 6 năm được Tổ Minh Phương – Chơn Hương ân cần dạy dỗ, ngài đã thông thạo tất cả nghi lễ thiền môn, thông làu kinh kệ; không những thế mà còn có lòng từ bi bác ái của bậc chân tu. Thấy được tài trí và túc căn của ngài, Tổ Minh Phương – Chơn Hương đã đưa ngài về tổ đình Giác Lâm (Q.Tân Bình, TP.HCM) – nơi đã đào tạo nhiều thế hệ danh tăng trong đó có cả Tổ Minh Phương – để ngài có điều kiện học tập tốt hơn. Từ năm 1895, ngài được học tại trường gia giáo Giác Lâm và trong suốt nhiều năm luôn luôn được hạng ưu của trường. Năm 1896 ngài được Sư tổ Minh Vi – Mật Hạnh cho đăng đàn thọ Cụ túc giới.
Con đường hoằng pháp
Năm 1908 thân phụ qua đời, ngài rời tổ đình Giác Lâm, trở về thảo am Long Quang cư tang thân phụ. Sau thời gian cư tang, ngài trở lại tổ đình Giác Lâm để tiếp tục con đường tu học.
Thời điểm đó, khoa nghi ứng phú đạo tràng rất thịnh hành, ngài xin phép Tổ Minh Vi – Mật Hạnh cho đến chùa Giác Viên để học thêm.
Được sự giáo dưỡng của Tổ Minh Khiêm – Hoằng Ân cộng với tư chất thông minh cùng nền tảng Nho học, Lão học, ngài đã sớm trở thành một danh tăng đương thời.
Năm 1919, Tổ Minh Phương – Chơn Hương viên tịch, ngài được hương chức và tông môn công cử kế vị trụ trì tổ đình Linh Nguyên. Năm 1920, ngài giao ngôi vị trụ trì tổ đình Linh Nguyên lại cho sư đệ là ngài Như Đạt – Thiên Cang, trở về trùng tu ngôi thảo am Long Quang khi xưa thành ngôi Tam bảo thanh tịnh và trang nghiêm để tín chủ thập phương có điều kiện lễ bái.
Sau 3 năm tu tạo, ngôi chùa mới đã được hoàn chỉnh, ngày một bề thế khang trang hơn. Ngày tổ chức lạc thành và đặt hiệu chùa có rất nhiều chư tôn đức Tăng Ni và Phật tử đến tham dự.
Năm Nhâm Tuất (1922), ngài cùng với chư vị huynh đệ trong tông môn Linh Nguyên tổ chức Trường Hương tại chùa Phước Tường, đảm nhiệm ngôi vị Chủ hương, thỉnh cử Hòa thượng Như Quới – Pháp Ấn làm Thiền chủ.
Từ năm 1928 – 1930, ngài được cung thỉnh chứng minh và Đàn đầu Hòa thượng các Đại giới đàn tổ chức tại chùa Giác Hoàng (Bà Điểm – Hóc Môn) và chùa Phụng Sơn (Chợ Lớn).
Năm Quý Dậu (1933), ngài được cung thỉnh chứng minh khai đàn tại Đại giới đàn chùa Giác Viên. Cũng trong năm này, ngài kiến lập trường Hương tại chùa Giác Hoàng chia thành 2 điểm Tăng, Ni và đây là trường Hương Ni đầu tiên trong miền Nam, do Hòa thượng Pháp Ấn, chùa Phước Tường làm chứng minh. Sau 3 tháng an cư, Đại giới đàn được khai mở tại nơi này, ngoài việc truyền thọ Tam đàn cho Tăng, còn truyền giới Sa-di-ni cho các vị nữ xuất gia. Từ đây giáo dục Ni giới Nam Bộ trở nên chính thống khi có sự chứng minh của Đại Tăng. Đồng thời, chư Ni có đủ khả năng để tự giáo dục chuyên biệt, đặt nền tảng cho sự hình thành Ni bộ sau này.
Tại Đại giới đàn ngày mùng 9 tháng 4 năm Tân Tỵ (1941) tổ chức tại chùa Thái Nguyên (Giồng Ông Tố, làng Bình Trưng, tổng An Bình, H.Thủ Đức, tỉnh Gia Định), ngài đã được Đại Tăng cung cử làm Chánh Chủ sám.
Tinh thần nhập thế
Từ khi trở về Hóc Môn, ngài tham gia tổ chức Thiên Địa Hội. Một tổ chức hoạt động khắp Nam Bộ xưa, đặc biệt ở vùng Chợ Lớn, Hóc Môn, Đức Hòa là một trong những cái nôi khai sinh ra tổ chức này. Ngài cùng các ông Huỳnh Văn Sắc, Huỳnh Văn Năng, Huỳnh Văn Bằng, Huỳnh Văn Lồng (sư Lồng), ông Sáu Chiếu ở Bà Điểm, các sư Ký Hạp, Ký Nhân, Ký Đời ở Đức Hòa làm nhiệm vụ liên lạc.
Các vị Tăng sĩ, chức sắc ở các chùa Phật Ấn, Long Thạnh, Phước Tường, Trường Thạnh, Thành Đạo,… đều tham gia Ban Lãnh đạo và điều hành các hoạt động của hội. Thiên Địa Hội vốn là tổ chức do người Hoa lập ra với mục đích bài Thanh phục Minh; sau đó, do thời thế và nơi cư trú lâu đời, trong thời kỳ kháng Pháp, tôn chỉ của họ còn là đánh Pháp phục Nam, trọng nhân nghĩa, yêu nước. Đồng thời, lúc bấy giờ ở tại Hóc Môn, hội kín (Hội hoạt động bí mật chống thực dân Pháp) hoạt động mạnh mẽ đã tạo ra những tác động rất lớn đến tư tưởng của giới Tăng sĩ Phật giáo, đặc biệt là Đại lão Hòa thượng Thích Đạt Thanh.
Với những hoạt động chống thực dân Pháp trước năm 1939, mật thám Pháp đã có sự dè chừng với các nhà yêu nước, đặc biệt là Đại lão Hòa thượng Thích Đạt Thanh. Đồng thời, cuối năm 1939, khi Hòa thượng Trí Thiền (huý Hồng Nguyện), Đại đức Thiện Ân cùng nhiều người khác của “Hội Phật học Kiêm Tế” ở Kiên Giang bị Pháp bắt và đày ra Côn Đảo; sư Thiện Chiếu trốn về vùng Bà Điểm – Hóc Môn tiếp tục hoạt động cách mạng; đặc biệt, năm 1940 sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, hoạt động tổ chức Thiên Địa Hội cũng như các hội kín ở Hóc Môn càng gặp nhiều khó khăn.
Cuối năm 1941 đầu năm 1942, Đại lão Hòa thượng Đạt Thanh, sư Thiện Chiếu cùng nhiều nhà yêu nước khác bị thực dân Pháp đàn áp, một số hội viên bị bắt và bị đày ra Côn Đảo.
Gần 4 năm ròng rã, ngài sống trong cảnh lao tù khổ sai trên hải đảo, nhưng vẫn giữ phong vị của người tu hành, ăn cơm với muối, mặc áo nâu sồng.
Nuôi ý chí vượt ngục để về với ngôi chùa xưa, cùng môn đồ xây dựng đạo pháp, chống thực dân Pháp xâm lược, ngài kết thân với một số bạn tù, quyết định vượt ngục. Vào một ngày khi được lên rừng đốn củi, đốt than, tại nơi làm việc ngài cùng số bạn tù đó đã kết bè gỗ chuẩn bị cho việc vượt biển. Sau thời gian 2 tháng, bè đã kết xong, ngài cùng 7 người bạn tù lên bè ra khơi, vượt ngục trong đêm tối.
Trong khi bè vượt ngục lênh đênh trên biển, ngài được một Phật tử làm nghề cá tên Lê Trung Cận giúp đỡ và đưa về cư trú ở Rạch Giá. Từ đó danh xưng Võ Bửu Đạt được thay cho Võ Minh Thông để tránh nhà cầm quyền Pháp đương thời truy lùng.
Không dám về lại chùa xưa, với tấm căn cước giả, ngài đã vân du khắp các tỉnh Nam Kỳ. Đi đến đâu ngài cũng đem giáo pháp của Như Lai tinh thần yêu nước ra mà truyền dạy cho Phật tử và có lúc ngài cũng đem khoa nghi ứng phú đạo tràng để làm phương tiện hoằng hóa chúng sanh, thu phục nhân tâm.
Trên bước đường vân du, ngài có lúc dừng chân tá túc ở chùa Châu Long (Châu Đốc), ngôi chùa do ngài Như Hiếu – Thuần Hạnh kiến tạo. Nơi đây Tăng chúng biết ngài cũng thuộc môn phong tổ đình Giác Lâm nên đón tiếp rất trọng thị. Có thời gian ngài ở chùa Tây An nơi tổ Minh Khiêm – Hoằng Ân đã từng hoằng hóa. Có khi ngài ở chùa Sắc tứ Thập Phương, Sắc tứ Tam Bảo (cả hai chùa đều ở Rạch Giá), khi thì ngài đi về chùa Phước Lâm (Sa Đéc) hoặc chùa Bình An (Long Xuyên).
Sau, ngài về ở các chùa, như chùa Chưởng Thánh – Nhà Bè, chùa Long Thạnh, Trường Thạnh, Tịnh Độ, khi thì lui tới các chùa Giác Hải, Giác Lâm, Giác Viên, Long Phước, Sùng Đức, Phước Tường, Bình Hòa, v.v... các chùa này đều ở TP.HCM, chùa Long Thiền – Biên Hòa.
Đến năm 1949, mến mộ tài đức của ngài, ông Trần Phú Hữu (tức đội Hữu) đã thỉnh ngài về trụ trì chùa Giác Ngộ tại ngã 6 Vườn Lài.
Qua năm sau tức năm 1950, ngài chính thức mở trường Kỳ giới đàn tại chùa Giác Ngộ và làm Đàn đầu Hòa thượng.
Chư tôn thiền đức suy tôn Đại lão Hòa thượng lên ngôi vị Pháp chủ Tăng-già Nam Việt
Đến tháng 4 năm 1951 (76 tuổi), ngài cùng Đại lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, Pháp chủ Tăng-già Trung Việt và Đại lão Hòa thượng Thích Mật Ứng, Pháp chủ Tăng-già Bắc Việt, ký tờ Hiệu triệu thống nhất Phật giáo.
Tháng 5 năm 1951, ngài làm Trưởng đoàn của Phật giáo Nam Việt tham dự Đại hội Thống nhất Phật giáo tại chùa Từ Đàm (Huế) để thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam.
Tháng 6 năm 1951, Đại hội thành lập Giáo hội Tăng-già Nam Việt được tổ chức tại chùa Hưng Long (nay thuộc Q.10, TP.HCM), ngài được suy tôn lên ngôi vị Pháp chủ. Sau đó trụ sở đặt tại chùa Ấn Quang (nay thuộc đường Sư Vạn Hạnh, Q.10, TP.HCM). Sau đại hội này, ngài cùng Hòa thượng Thích Minh Trực (trụ trì chùa Phật Bửu, Q.3, TP.HCM) sang Campuchia thành lập Hội Phật giáo Việt Nam tại Campuchia.
Sau thời gian 3 năm phục vụ cho Giáo hội, nhận thấy tuổi đã cao, nên tại Đại hội Giáo hội họp ngày 8-3-1953, ngài đã thoái vị, trao ngôi vị Pháp chủ cho Đại lão Hòa thượng Huệ Quang. Ngài trở về chùa Long Quang tịnh dưỡng, chỉ đảm nhận Chứng minh Đạo sư của Giáo hội Tăng-già Việt Nam và Giáo hội Lục hòa Tăng Việt Nam.
Lúc bây giờ, ngôi chùa Long Quang trong tình trạng hoang phế, xuống cấp trầm trọng, vì có lúc thực dân Pháp dùng làm nơi đóng đồn bốt để đàn áp lực lượng kháng chiến. Sau Hiệp định Genève 1954, người Pháp rút khỏi miền Nam, ngôi chùa Long Quang được ngài trùng tu, đến năm 1956 thì hoàn thành, phục hồi các sinh hoạt của một ngôi già-lam.
Năm Đinh Dậu (1957), ngài khai Đại giới đàn tại tổ đình Linh Nguyên và được cung thỉnh làm Đàn đầu Hòa thượng trong giới đàn này.
Năm Nhâm Dần (1962), ngài được cung thỉnh Chứng minh khai đàn tại Đại giới đàn chùa Giác Lâm.
Năm Bính Ngọ (1966), ngài được cung thỉnh Chứng minh khai đàn tại Đại giới đàn Phật học viện Lục hòa – chùa Giác Viên.
Năm 1967, ngài được cung thỉnh làm Chứng minh tối cao cho trường Hương tổ đình Long Thiền – Biên Hòa với hơn 100 hành giả cấm túc an cư kiết hạ.
Năm 1968, vùng Bà Điểm (Hóc Môn) là căn cứ cách mạng, bom đạn của địch trút xuống ngày càng ác liệt. Lại một lần nữa ngài phải xa chùa, lánh cư nơi khác. Cũng trong năm này, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam ra đời, trụ sở đặt tại chùa Trường Thạnh (Q.1, TP.HCM ngày nay), ngài được cung thỉnh lên ngôi vị Chứng minh tối cao.
Năm 1971, Đại lão Hòa thượng khai sơn chùa Long Nguyên (Bình Trị, Phú Lâm) trên mảnh đất do Phật tử Phạm Thị Phương, chủ nhà in Văn Hóa ở Sài Gòn phát tâm cúng dường.
Vào những năm 1971 đến ngày viên tịch, ngài được cung thỉnh Chứng minh khai đàn tại Đại giới đàn chùa Giác Lâm. Đàn đầu Hòa thượng Đại giới đàn chùa Giác Ân v.v…, sau đó ngài được cung thỉnh về chùa Long Quang cho đến ngày theo Phật.
Trước tác và độ chúng
Sinh thời, ngài sáng tác và phiên dịch rất nhiều kinh sách, nhưng phần lớn đã bị thất lạc hoặc mối mọt làm hư hao. Một số tác phẩm còn tàng bản tại chùa Long Quang, nổi bật là Kim Vân Kiều tân truyện...
Cuộc đời của cố Đại lão Hòa thượng là một tấm gương trí dũng, có công đức to lớn đối với sự nghiệp chấn hưng và thống nhất Phật giáo nước nhà. Hàng hậu duệ của Đại lão Hòa thượng Thích Đạt Thanh có rất nhiều đệ tử và giới tử phụng sự Đạo pháp và Dân tộc rất nổi danh, như Hòa thượng Thích Huệ Thành, nguyên Tăng thống Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN, Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Đồng Nai đầu tiên (1982), viện chủ tổ đình Long Thiền (TP.Biên Hòa); Hòa thượng Thích Trí Đức hiệu Hồng Phước trụ trì chùa Huê Nghiêm (TP.Thủ Đức); Hòa thượng Thích Thiện Hào, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự Phật giáo TP.HCM; Hòa thượng Hồng Từ - Minh Thành (chùa Long Vân, Bình Thạnh), Phó Tăng thống Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam; Sư trưởng Như Thanh hiệu Hồng Ẩn tự Diệu Tánh, Vụ trưởng Ni bộ Bắc tông; Sư bà Diệu Tịnh hiệu Hồng Thọ... Hiện nay, hàng pháp tôn của ngài rất nhiều và có một số vị đang tham gia vào hàng ngũ lãnh đạo GHPGVN các cấp.
Thời gian viên tịch
Đầu năm 1973, sức khỏe khiếm an do tuổi cao, ngài được các đệ tử đưa từ chùa Chưởng Thánh về chùa Long Quang. Sáng mùng 1 Tết Quý Sửu, ngài lên chánh điện lễ Phật, lễ Tổ. Sau đó, ngài chỉ dạy thị giả kê chiếc đơn cạnh bàn thờ Tổ để tịnh dưỡng. Suốt 11 ngày sau đó, ngài chỉ uống nước. Đến sáng ngày mùng 8, ngài bảo Sa-di Thiện Hạnh đi báo cho các đệ tử của ngài từ các nơi như chùa Long Thiền - Biên Hòa, chùa Phước Tường - Thủ Đức và các chùa ở Tây Ninh, Long An, Định Tường và Sài Gòn… về gặp ngài trong ngày 12 tháng Giêng năm Quý Sửu để căn dặn những điều quan trọng.
Đúng 12 giờ, mọi người đã tề tựu đông đủ, ngài bảo thị giả đỡ dậy và ngồi tựa lưng vào bàn thờ Tổ, dạy môn nhơn về luật vô thường, và căn dặn không bi ai thống khổ. Sau đó, ngài bảo tất cả mọi người lên chánh điện tọa thiền nhập Từ bi quán để chư Phật tiếp dẫn Giác linh ngài.
Đến 15 giờ 30 cùng ngày, ngài bảo thỉnh trống Bát-nhã. 16 giờ, ngài an nhiên thị tịch, trên tay vẫn nắm chặt xâu chuỗi thập bát. Ngài trụ thế 97 năm, 77 hạ lạp. Kim quan của ngài được tôn trí tại chùa Long Quang 5 ngày. Sau đó, di quan đến chùa Trường Thạnh lưu tôn trí 5 ngày. Đến ngày 22 tháng Giêng âm lịch lại quy hoàn chùa Long Quang làm lễ nhập tháp.
Nam-mô Long Quang đường thượng Từ Lâm Tế Gia phổ Tam thập cửu thế húy thượng Như hạ Thông, hiệu Đạt Thanh, tự Bửu Đạt Võ công Đại lão Hòa thượng Tổ sư thùy từ chứng giám.