Sau lưng Đức Phật

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1150 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1150 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GN - Có một thời gian, tôi hay ngồi làm việc trong quán cà phê quen và thường là người khách đến sớm nhất nhì trong ngày. Cũng vì vậy, tôi hay chọn được một bàn ở chỗ khuất, nơi có một tượng Phật bằng đá ngồi giữa hồ nước xanh.

Trong góc khuất ấy, bất kỳ khi nào ngẩng lên tôi đều có thể nhìn thấy nét mặt an nhiên tự tại của Ngài. Có lần đi trễ, tôi không còn chỗ để được ngồi nhìn ngắm tượng Phật nữa, đành chọn một bàn khác gần đó. Từ góc ngồi mới, tôi chỉ có thể nhìn thấy… cái lưng Đức Phật. Lạ một điều, nhìn từ sau lưng, Đức Phật cũng trang nghiêm, thanh tịnh và bình an lạ lùng. Sau hôm đó, tôi quyết định “đổi phong thủy” để chiêm ngưỡng Ngài ở một góc nhìn khác đi.

Tôi biết từ hơn 2.500 năm trước, con người và chư thiên đã chiêm ngưỡng, tán thán 32 tướng tốt của Phật. Kinh điển còn ghi lại điều đó. Thậm chí, có những câu chuyện về người xuất gia chỉ vì quá kính mến các hảo tướng của Phật…

Tôi tự hỏi tại sao mình thích nhìn Đức Phật từ sau lưng? Vì cái lưng thẳng như một mũi tên, hay cái lưng nhắc mình cần thiền định? Có khi nào cái lưng là một trong 32 hảo tướng của Phật chăng? Tôi tò mò tìm thử thì đọc thấy Phật có 32 tướng tốt. Nào là bàn chân bằng phẳng đầy đặn như hộp ấn (gọi là túc hạ an bình lập tướng) các ngón tay dịu mềm (trường chỉ tướng) cho đến toàn thân vàng chói, mắt trong xanh ngời sáng, giọng nói âm vang trong suốt như chim Karavika (một loài chim nói Pháp ở Tịnh độ)… Mỗi hảo tướng đều được được luận giảng kỹ càng, kể cả những công hạnh tốt đẹp đã đưa đến 32 tướng tốt này.

Đọc thêm thì có thấy nhắc đến cái lưng: “lưng đầy bằng phẳng” xếp vị trí 18 trong 32 tướng tốt. Hẳn là vẫn có một số điểm khác biệt trong cách dịch và chú giải. Chịu thôi, mình không đủ năng lực để có thể biết cũng như tìm hiểu chính xác. Nhưng dù có trong 32 hảo tướng hay không, cái lưng Đức Phật vẫn không ngừng mang đến cho tôi sự bình an, không ngừng làm tôi ngạc nhiên.

Lần khác khi có dịp viếng chùa đồi Lá Giang, thiền viện Phước Sơn, ngay từ ngoài cổng chùa, tôi đã bị thu hút bởi những pho tượng các vị Tôn giả ôm bình bát đi khất thực. Một hàng tượng đắp y vàng thấp thoáng dưới vòm cây. Vẫn là cái lưng thẳng trang nghiêm và bình an lạ lùng như thể không có điều gì tác động được. Cái máu ưa tìm cách phân tích, trả lời câu hỏi này câu hỏi kia của tôi nổi lên.

Hẳn rồi, hẳn là vì biểu cảm trên nét mặt của những bức tượng sẽ khó hơn nhiều so với biểu cảm của một… cái lưng. Có thể vì mình ưa tưởng tượng nên mình thích một điều gì đó thấp thoáng hơn là sự rõ ràng chăng? Biểu cảm trên mặt tượng có thể đã được quy định (bởi người tạc tượng), nhưng cái lưng của các Ngài có thể… ít bị (hay được) can thiệp hơn, vì thế mà có thể tự do thể hiện hơn. Mà thôi, tôi lại tưởng tượng phiền toái nữa rồi. Để làm gì, mặt hay lưng, bất cứ điều gì miễn là có thể mang lại chút bình an trong tâm trí cho người hữu duyên, vậy chẳng phải là đủ lắm rồi sao?

Tôi nhớ thời mới lớn, một lần đi học cùng bạn. Hai đứa đạp xe song song vừa đi vừa nói chuyện, không biết vì chuyện gì mà cãi nhau, vẫn tiếp tục vừa đi vừa cãi. Bạn giận, nhấn pê-đan dấn lên trước rồi đạp nhanh dần. Tôi vẫn giữ nhịp đạp cũ, nhìn thấy cái lưng bạn xa dần rồi mất hút trong dòng người. Cái lưng biến mất khỏi tầm mắt của tôi… như một lời chia tay. Lần đầu tiên tôi trải nghiệm cảm giác một người bỏ mình đi về phía trước ra sao?

Sáng nay mở báo gặp tin tổng thống Pháp đắc cử với lời hứa “không ai bị bỏ lại phía sau”. Thì ra mình đã trải nghiệm cảm giác bị “bỏ lại phía sau” theo nghĩa đen, từ thời “em mới 18”. Cùng lúc ấy, tôi đã nhận ra cái lưng không hề thiếu đi sự biểu cảm. Chẳng phải mỗi lần tiễn đưa ai đó ta vẫn tránh không nhìn vào cái lưng đang xa dần rồi mất hút đó sao.

Sau này, lập gia đình, tôi lắm lúc cũng hờn nọ giận kia. Có một lần, trên đường đi làm, giận chồng, tôi cũng nổi sân, cũng nói rất nọ kia gay gắt khi ngồi sau xe. Đến tòa soạn anh thả tôi xuống và đi tiếp đến văn phòng mình. Không biết trời xui đất khiến thế nào, đứng từ bậc tam cấp của tòa soạn tôi quay lại, nhìn thấy cái lưng của anh lúc rời đi. Cái lưng không thẳng mà hơi còng xuống thiểu não, vai phải hơi nghiêng, vì khuỷu tay phải bị tai nạn phải mổ trong một lần đi team buiding. Tai nạn xảy đúng vào đoạn vợ mang thai, vì vậy anh cũng không có thời gian tập vật lý trị liệu đầy đủ nên cánh tay bị cứng lại, bị giới hạn vĩnh viễn với di chứng.

Tôi nhớ không lầm thì hôm đó, nước mắt tôi rớt xuống ngay trước cửa. Những giận dữ đều không cánh mà bay. Ôi, cái lưng “biết nói”. Có lẽ vì “biết nói” nên “cái lưng” không ngừng kể tiếp cho tôi một thông điệp bằng hình ảnh. Mới thôi, trên đường đi đón con, tôi nhìn thấy một người cha đón con bằng xe đạp. Bé gái nhỏ xíu xiu vừa lên xe đã đưa đầu dựa vào cái lưng lam lũ của cha đầy tin cậy. Tôi chạy chầm chậm sau hai ba con một quãng, nhìn mãi một hình ảnh đẹp trên đường đi. Và nghĩ mãi về những cái lưng trong cuộc đời.

Những cái lưng biết nói đã kiến giải cho tôi về cái lưng ấm áp, bình an, từ bi và không lời của Đức Phật. Vậy thôi. Đâu cần nói lời nào, đâu cần ngôn ngữ, đâu cần ánh mắt, nụ cười… Chỉ cần ngồi xuống an nhiên sau lưng Đức Phật.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.