Sau cái giá rét buốt xương, hoa mai mới nở

GN Xuân - Gần cuối năm, thầy cho tôi một công án rằng “Hoa mai chỉ nở sau cái giá buốt tận xương tủy. Không có giá rét căm căm, không thể có hoa mai”. Thầy nói ở Nhật, hoa mai nở sau hoa đào và trời thật lạnh thì hoa mai mới nở. Thầy đã từng trải qua những khó khăn buốt xương, nên đã hưởng được nụ cười tươi sáng của những hoa mai rực rỡ trong nắng ấm.

Tôi thầm nghĩ thầy nhiều phước, trí thầy sáng ngời thì thầy thừa sức kham nổi hai, ba, bốn, năm... cái giá rét ùa tới. Còn tôi, ôi thôi, là phàm phu trân mà. Dù sao, tôi chỉ còn biết cúi đầu vâng lời thầy sách tấn tôi phải vượt qua chông gai; nhưng lòng tôi cũng liền cảm thấy cái giá rét đang chạy từ đầu xuống chân mình! Phải chăng, thầy đã thấy trước cái khó khăn sẽ bao vây tôi hay sao, mà thầy lại dặn dò như vậy. Thôi thì… A Di Đà Phật! Đành buốt xương thôi!

shutterstock_172150841.jpg


Nụ cười tươi sáng của những đóa mai rực rỡ trong nắng ấm

Không buốt xương sao được khi cái tuổi già 71 đã xồng xộc tới. Già thì tự nhiên xương cốt phải nhức đã đành, mà cái tâm cũng “lăm le” nhức nhối theo. Mới “lăm le” thôi, vì nói thiệt là nhờ tôi cũng canh chừng nó, theo dõi nó, nên cũng nhận ra lúc nó toan tính khởi niệm đau nhức, tôi liền giả bộ đánh trống lảng, không thèm để ý tới nó nữa, nhưng dĩ nhiên là cái tâm phàm phu của mình cũng không dễ bị chế ngự, cho nên phải tức tốc chuyển liền sang biện pháp là vội vàng mặc áo tràng vô để lễ Phật, tụng kinh, hay niệm Phật… Lạy Phật, sám hối, đem lời kinh vào tâm, đem câu niệm Phật vô lòng, hoặc suy tư yếu nghĩa kinh, đó là liều thuốc hữu hiệu nhất đối với tôi, để ngăn chặn cái tâm “rong ruổi tùm lum tá la”.

Nghĩ cho cùng, tôi thấy cái tâm của mình cũng dễ thương, dễ dạy đó chứ, vì ít ra nó cũng chịu lắng xuống để chú tâm vào yếu nghĩa kinh, vào Hồng danh chư Phật, chư Bồ-tát. Và sau mỗi thời công phu miên mật như vậy, tâm tôi cũng đã nhẹ nhàng, thanh thản, mát mẻ, “phẻ phắn”… Ôi, tôi thấy thương tôi quá xá!

Trong một ngày, có nhiều thời khóa công phu tốt, giúp tôi nhận ra tâm mình được thuần hơn, an tịnh hơn và nhất là thấy được đường đi lối về của mình sau khi rời bỏ chốn tạm bợ này. Được như vậy, với tôi, chẳng còn gì sướng hơn và đắm mình trong cõi tĩnh lặng đó, quả là an ổn vô cùng, tuyệt vời vô tận. Nhưng (khổ với cái nhưng này) đâu dễ gì ở mãi trong chốn tịnh lạc đó. Chạy xe ra chợ, bị một người chạy ẩu bạt mạng, suýt tông vô mình mà còn buông ra lời thô lỗ khó nghe. Hồn phi phách tán kéo theo cơn giận tam bành lục tặc nổi lên. Vậy đó, mới biết mình còn phàm phu chính hiệu. Và cơn giận bất ngờ ập tới này, mình cũng nhận biết mặt mũi nó liền, vội vàng niệm Phật để hạ hỏa! Cứ như vậy mà trên bước đường thể nghiệm pháp Phật, hết bốc hỏa rồi hạ hỏa, rồi bốc hỏa, hạ hỏa… Tôi liền nghĩ cách mua rau củ chất vô tủ lạnh, hoặc rang mè để giải quyết cái ăn của mình được lâu lâu, để bớt thì giờ ra ngoài, đỡ phải tiếp cận thuận hay nghịch cảnh. Ở yên trong nhà, bịt mắt bịt tai và buộc cái tâm mình vào lời kinh, vào Hồng danh Phật, cho cái tâm được sạch sẽ, bớt nghiệp được bao nhiêu tốt bấy nhiêu.

Cứ mỗi khi an trú được trong yếu nghĩa kinh, tự nhiên thấy Phật, thấy Tổ A Nan rõ ràng mỉm cười với tôi. Bữa nào lăng xăng, tâm rối loạn nhiều, tự nhiên thấy hình như Phật nhìn mình nghiêm khắc, Tổ A Nan không mỉm cười nữa, chợt thấy xấu hổ vô cùng, lật đật lễ Phật, thành tâm sám hối thì Phật và Tổ A Nan lại nhìn mình hoan hỷ. Có người nói tôi tưởng tượng nhiều quá. Nhưng kệ, tưởng tượng Phật và ngài A Nan thương mình vẫn tốt, có sao đâu, vì “lộng giả thành chơn” mà. Đâu có cái gì là thật ở thế giới giả tạm này chứ. Chẳng phải ngay cả pháp tu mình thực tập cũng là phương tiện đưa mình đến bến bờ giải thoát đó sao.

Xuân đến, thêm một tuổi đời, dĩ nhiên mạng sống theo đó bớt đi, sức khỏe yếu đi, nhưng còn cái tâm an vui với pháp Phật giữ cho nó mạnh mẽ thêm là đáng quý, thấy được Đức Phật Di Đà phóng quang đến mình trong thời niệm Phật, hay trong giấc ngủ cũng đủ sướng rồi. Chẳng dám mơ gì hơn với cái thân già nua này. Tất cả với tôi bây giờ là “Thôi kệ”, đau nhức kệ, mệt mỏi kệ, thương kệ, ghét kệ, không ưa kệ, nói xấu kệ, chê bai kệ, kệ kệ kệ, hì hì hì...

Tôi nhớ đã đọc ở đâu đó về cuộc đời cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có điểm đặc biệt mà tôi rất ngưỡng mộ anh. Bạn thân anh kể rằng khi anh nghe người nào nói ai đó đã nói xấu anh thế này thế nọ, anh luôn nhẹ nhàng trả lời “Thôi kệ”. Thế thì có khác gì người tu đâu nhỉ.

 Chỉ đơn giản là thôi kệ trong những tình huống bức bách mà không bức hại mình là tu được phần nào pháp Không, thành tựu được phần nào pháp buông xả trong Tứ vô lượng tâm của Bồ-tát Di Lặc. Tôi nghĩ vậy đó.

Xuân về, con nguyện với Bồ-tát Di Lặc, tinh tấn “Thôi kệ” với tâm từ ái và nụ cười hoan hỷ giống như Ngài càng nhiều càng tốt. Và thôi kệ để lo dọn dẹp cho sạch sẽ đống tuyết trước cửa nhà mình, không thèm quan tâm đến móc sương trên nóc nhà của người khác, như lời thầy tôi đã nhắc lại lời dạy của Tổ rằng: “Các nhân tự tảo môn tiền tuyết; mạc quản tha nhân ốc thượng sương”.

Cầu chúc tất cả được nhiều sức khỏe, thân tâm luôn an lạc và dễ dàng hoan hỷ “Thôi kệ” trước mọi nghịch cảnh.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.