Nước non vọng tiếng ngàn thu: Hòa thượng Thích Bình Lương - Bóng nhạn lặng soi Tây Hồ

Tang lễ Hòa thượng Thích Bình Lương - Ảnh: Tư liệu
Tang lễ Hòa thượng Thích Bình Lương - Ảnh: Tư liệu
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Trong tinh thần hộ quốc an dân, Phật giáo Việt Nam qua nhiều thế kỷ đã từng góp phần không nhỏ vào công cuộc dựng nước và giữ nước.

Trong bất cứ thời kỳ nào của lịch sử, Phật giáo cũng ít nhiều hiện diện, không chỉ đồng hành cùng dân tộc, làm nơi nương tựa tinh thần cho nhân dân bao đời mà còn thực tiễn hành động để dựng xây xứ sở.

Phát xuất từ trong lòng một dân tộc yêu nước, lại được giáo huấn trong giáo lý tình thương, ‘thương người như thể thương thân’ biết vì người quên mình, Phật giáo đồ Việt Nam từ ngàn xưa đã có truyền thống yêu nước, yêu dân, và truyền thống này đã được thử thách qua những giai đoạn nguy nan, hiểm nghèo nhất của đất nước”.

Phật giáo Việt Nam không bao giờ tách rời dân tộc, đó là một thực tế đã được minh chứng cụ thể. “Dân tộc Việt Nam chúng ta là một dân tộc giàu sinh lực, có ý chí tự lực, tự cường. Phật giáo đồ Việt Nam phát xuất từ trong lòng dân tộc, lại được rèn luyện trong tinh thần vô ngã, phá chấp nên lại càng ý thức sâu sắc hơn nữa sức mạnh của truyền thống1.

Với tinh thần đó, vào những năm cuối thế kỷ XX, Phật giáo Việt Nam góp phần làm nên những thành tựu của sự nghiệp thống nhất Tổ quốc. Bằng hành trang đại bi và đại nguyện, Tăng Ni, Phật tử đã bằng nhiều phương thức, hoạt động trên nhiều lĩnh vực mà đóng góp cho sự nghiệp chung nước nhà. Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Thủ, Đệ nhất Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN từng nhận định: “Phát xuất từ trong lòng một dân tộc yêu nước, lại được giáo huấn trong giáo lý tình thương, ‘thương người như thể thương thân’ biết vì người quên mình, Phật giáo đồ Việt Nam từ ngàn xưa đã có truyền thống yêu nước, yêu dân, và truyền thống này đã được thử thách qua những giai đoạn nguy nan, hiểm nghèo nhất của đất nước2.

Năm 2025, đất nước kỷ niệm những sự kiện trọng đại, có ý nghĩa vô cùng thiêng liêng với lịch sử dân tộc, trong đó có Kỷ niệm 50 năm đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Nửa thế kỷ đã đi qua, thời gian đủ dày dặn để có được một cái nhìn lịch sử toàn diện và khách quan về một giai đoạn hào hùng của dân tộc.

Chân dung Hòa thượng Thích Bình Lương - Ảnh: Tư liệu
Chân dung Hòa thượng Thích Bình Lương - Ảnh: Tư liệu

Góp phần làm nên dấu son lịch sử ấy, có những Tăng Ni, Phật tử âm thầm đấu tranh cho sự nghiệp chung của Tổ quốc. Với loạt bài được khởi đăng từ số này, Giác Ngộ xin giới thiệu chân dung, hành trạng khái quát của một số vị tôn đức tiền bối, để chúng ta có cái nhìn tổng quan nhất về những tấm gương phụng sự hết mình trong tinh thần “hộ quốc an dân”.

***

Hòa thượng Thích Bình Lương, thế danh Phạm Ngọc Đạt, sinh năm Nhâm Ngọ (1882) tại xã Sơn Bằng, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, trong một gia đình có truyền thống yêu nước. Thân phụ là cụ ông Phạm Đảng, thuộc dòng dõi Tướng quân Phạm Phúc Kinh. Thân mẫu họ Đào, thuộc dòng dõi Quận công Đào Quang Nhiêu. Khi ngài được 2 tuổi thì mẹ mất.

Sinh trưởng trong bối cảnh đau thương dưới thời kỳ Pháp thuộc, sống trên quê hương của cuộc Khởi nghĩa Hương Sơn, cha và hai anh của ngài đều tham gia nghĩa quân Cần Vương của cụ Phan Đình Phùng, về sau đều hy sinh vì nghĩa. Hòa thượng sớm đã được un đúc nên một tinh thần yêu nước nồng nàn, một chí khí cương trực, nối tiếp tinh thần của các bậc tiền nhân.

Sau khi Khởi nghĩa Hương Sơn thất bại, trước sự bắt bớ, khủng bố trắng của người Pháp, quê hương điêu tàn, làng xóm bị tàn phá; năm 1904, ngài đã cùng với một số thân hữu cùng làng tìm cách vượt Trường Sơn, theo đường Lào để đến Thái Lan sinh sống. Sau khi đến Thái Lan, Hòa thượng đã tìm đến các xóm làng có người Việt di dân sang từ thời các chúa Nguyễn để tạm cư.

Mất dấu quê hương, phải rời bỏ quê cha đất tổ khi tuổi đời còn rất trẻ, nhưng ngài vẫn luôn ý thức được thân phận của người dân mất nước, phải sống tha phương. Trong những đêm xứ người, tiếng vọng quê mẹ luôn trỗi lên trong tâm thức của ngài, nhận thức về quê hương, về nguồn cội tâm linh của người Việt không bao giờ phai mờ dẫu có rời xa nơi chôn nhau cắt rốn.

Chánh điện chùa Từ Tế (Bangkok, Thái Lan) - Ảnh: Giác Hạnh
Chánh điện chùa Từ Tế (Bangkok, Thái Lan) - Ảnh: Giác Hạnh

Những buổi kể chuyện của những vị cao niên nơi đất khách, cũng là chỗ để gìn giữ tiếng nói của tổ tiên, khơi dậy một tinh thần yêu nước thương nòi trong bộ phận những người con xa quê. Nhờ vậy, Hòa thượng luôn giữ được tấm lòng yêu nước, tinh thần hướng về cội nguồn dân tộc. Trưởng thành nơi đất khách, ngài đã sớm tiếp xúc với nhiều tư tưởng tiến bộ của nhân loại, qua sự truyền bá của các tổ chức yêu nước người Việt bấy giờ. Trong đó, ngài bí mật tham gia hoạt động trong phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu, rồi sau là phong trào của Đặng Thúc Hứa.

Trong quá trình sống trên đất Thái Lan, ngài thường lui tới các ngôi chùa trong vùng để tìm về chốn nương tựa tinh thần, cũng như tĩnh tâm, nhân duyên đến với đạo Phật trong ngài từ đó mà phát xuất. Năm Ất Mão (1915), ngài xả tục xuất gia với Hòa thượng Hạnh Nhơn, trụ trì tại chùa Khánh Thọ, miền Trung Thái Lan, được Bổn sư ban cho pháp danh Thiệt Bình, đạo hiệu Bình Lương.

Vào khoảng năm Nhâm Thân (1932), Hòa thượng Viên Mãn chùa Phổ Phúc Phong giao cho ngài trụ trì chùa Từ Tế tạm thời. Qua 5 năm điều hành Phật sự tại đây, đến năm 1937, ngài chính thức được bổ nhiệm làm trụ trì chùa Từ Tế.

Trong thời gian trụ trì chùa Từ Tế, Hòa thượng Bình Lương (Sư Ba) đã cưu mang, che chở cho rất nhiều cán bộ Việt Nam hoạt động trên đất Thái Lan như Nguyễn Ái Quốc, Ung Văn Khiêm, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Hoan… Sư Ba cũng chính là người đã ủng hộ, giúp đỡ rất nhiều để Nguyễn Ái Quốc và các cộng sự duy trì, xuất bản báo Thân Ái. Từ năm 1940 trở đi, chùa Từ Tế đã là nơi các cán bộ đi lại hội họp, đi về hoạt động trong nước và sang Lào giúp đỡ phong trào cách mạng của Lào.

Trong quá trình sinh sống, hành đạo trên đất Thái Lan, Hòa thượng Bình Lương rất được Việt kiều lẫn người dân Thái Lan kính ngưỡng. Những vị đã từng tiếp xúc với ngài trong thời gian ở Thái Lan đã nhận xét, Hòa thượng là bậc chân tu đắc đạo, thấm nhuần sâu sắc đức tính từ bi của đạo Phật nên rất được quần chúng sở tại và Việt kiều ngưỡng mộ. Đối với người dân Thái Lan, Hòa thượng cư xử hài hòa, tôn trọng phong tục tập quán của dân bản địa, tạo mối quan hệ đoàn kết, gắn bó khắng khít giữa người Việt và người Thái Lan, họ trân trọng và gọi Hòa thượng Bình Lương với cái tên giản dị là Sư Ba.

Trong thời gian trụ trì chùa Từ Tế, Hòa thượng Bình Lương đã đứng ra trùng tu toàn bộ ngôi chùa này. Nhờ những cống hiến to lớn cho Phật giáo Thái Lan, Hòa thượng Bình Lương đã được Hoàng gia Thái ba lần sắc phong dưới thời Vua Rama VII và Vua Rama IX.

Đặc biệt, trong thời gian trụ trì chùa Từ Tế, Hòa thượng Bình Lương đã cưu mang, che chở cho rất nhiều cán bộ Việt Nam hoạt động trên đất Thái Lan như Nguyễn Ái Quốc, Ung Văn Khiêm, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Hoan… Sư Ba cũng chính là người đã ủng hộ, giúp đỡ rất nhiều để Nguyễn Ái Quốc và các cộng sự duy trì, xuất bản tờ báo Thân Ái. Từ năm 1940 trở đi, chùa Từ Tế đã là nơi các cán bộ đi lại hội họp, đi về hoạt động trong nước và sang Lào giúp đỡ phong trào cách mạng của Lào.

Bảo tháp Hòa thượng Thích Bình Lương tại chùa Hoằng Ân (Tây Hồ, Hà Nội) - Ảnh: Tư liệu
Bảo tháp Hòa thượng Thích Bình Lương tại chùa Hoằng Ân (Tây Hồ, Hà Nội) - Ảnh: Tư liệu

Tháng 3-1963, Hòa thượng Bình Lương bị bệnh nặng. Thể theo nguyện vọng của ngài được hồi hương, sống với quê mẹ những ngày cuối đời, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thông qua Hội Hồng thập tự quốc tế đã thỏa thuận với Hội Hồng thập tự Thái Lan tổ chức một chuyến bay đặc biệt sang Bangkok để đưa Hòa thượng Bình Lương về Hà Nội. Sau khi Hòa thượng hồi hương, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần đến thăm Hòa thượng, trong tình thân và đạo nghĩa như thầy trò.

Ngày 20-4-1966 Hòa thượng Bình Lương viên tịch, hưởng thọ 84 tuổi. Tang lễ của Hòa thượng được tổ chức trọng thể tại chùa Quán Sứ (Hà Nội). Thủ tướng Phạm Văn Đồng thay mặt Hồ Chủ tịch đến đặt vòng hoa kính viếng Hòa thượng. Bảo tháp Hòa thượng Bình Lương được tôn trí tại chùa Hoằng Ân (Quảng Bá, Tây Hồ, Hà Nội) để hậu thế kính thờ, tưởng niệm.

----------------------------

1 Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1986), Kỷ yếu Hội nghị Đại biểu Thống nhất Phật giáo, Ban Văn hóa Trung ương, tr.13.

2 HT.Thích Trí Thủ (4-11-1981), Diễn văn khai mạc Hội nghị Đại biểu Thống nhất Phật giáo Việt Nam.

Hướng đến kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước 30-4 (1975-2025), Báo Giác Ngộ mở chuyên mục “Nước non vọng tiếng ngàn thu”, viết lại tấm gương của những vị Tăng Ni, Phật tử tham gia phong trào yêu nước giành độc lập và hòa bình cho dân tộc qua các thời kỳ. Mọi đóng góp thông tin xin gởi về hộp thư onlinegiacngo@gmail.com.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.