Những nguy hiểm cho tâm

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1262 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1262 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Những nguy hiểm mà tâm phải đối mặt giống như rắn, lửa và trộm - chúng ngày đêm rình rập để gây tai họa cho ta: cướp của ta, giết chết ta và tước đoạt của cải quý giá, phẩm hạnh của ta.

"Rắn" ở đây tượng trưng cho tham, sân và si, đầy chất độc gây đau đớn cho tâm trí của phàm phu. Khi chạm đến tim, chất độc này có thể giết chết bạn.

“Lửa” có hai loại: lửa rừng và lửa nhà. Lửa rừng không có chủ. Nó phát sinh theo cách riêng của nó, theo bản chất của nó, và lan truyền sự hủy diệt xa, rộng, không có giới hạn, cho đến khi nó tự tàn lụi. Điều này tượng trưng cho lửa của sinh, già, bệnh, chết, những hình thức đau khổ phát sinh nơi thân của tất cả chúng sinh. Ngọn lửa này có thể đốt cháy cả kho báu thế gian lẫn kho báu cao quý của chúng ta (tức là lòng tốt mà lẽ ra chúng ta có thể phát triển). Đối với lửa nhà, đó là những ngọn lửa phát sinh từ trong tâm - phiền não, vô minh, tham ái và bám chấp - những chướng ngại cản trở sự thiện lành đến từ việc rèn luyện tâm trí.

“Trộm” đại diện cho năm uẩn của chúng ta: sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Chúng liên tục cướp bóc, giết hại và áp bức chúng ta, phá hủy cả tài sản thế tục lẫn tài sản tâm linh của ta. Ngoài ra, còn có những tên tội phạm giấu mặt luôn rình rập mà chúng ta không hề hay biết: danh vị, tài sản và dục lạc từ thế giới bên ngoài. Ai đã bị bọn tội phạm này bẫy lừa sẽ khó có thể thoát ra. Đây là lý do tại sao chúng có thể phá hủy những điều thiện lành mà lẽ ra chúng ta có thể đạt được trong tâm.

Tất cả những thứ này: rắn, lửa và trộm đều là mối nguy hiểm tột cùng cho tâm. Chúng hủy hoại tâm thiện lành của ta trong từng khoảnh khắc. Nếu không khôn ngoan với chúng, ta sẽ khó thoát khỏi chúng.

Cách duy nhất để ngăn chặn những mối nguy hiểm này là thông qua sức mạnh của Pháp: nói cách khác, sự thực hành thiền định, việc sử dụng năng lực của tác ý và sự đánh giá trong nội tâm đến độ phát sinh trí tuệ nhận biết và nhìn thấu rõ bản chất của tất cả các pháp. Khi có thể nhìn thấy những mối nguy hiểm ở mọi phía, chúng ta sẽ học cách hành xử cẩn thận và cảnh giác, tìm cách tiêu diệt chúng hoặc thoát khỏi chúng. Khi làm được điều này, cuộc sống của chúng ta sẽ hạnh phúc.

Khi thực hành Pháp thì giống như chúng ta đi qua một khu rừng hoang, vắng vẻ, để đến đích là một hình thái hạnh phúc và an toàn cao nhất. Để vượt qua khu rừng, ta phải nương vào việc thực hành thiền, với chánh niệm trong từng giây phút. Chúng ta không được lơ là hay tự mãn.

Chúng ta phải nỗ lực dứt bỏ mọi quan điểm và sự chấp trước, chúng xuất hiện nhằm phá hoại tâm thiện lành. Khi ta biết có rắn độc, có lửa và những tên tội phạm nguy hiểm đang rình rập trên đường đi, ta phải luôn chánh niệm, cảnh giác, tỉnh thức và chuẩn bị tốt vũ khí để có thể sẵn sàng chiến đấu chống lại chúng.

Khi thực hành Pháp thì giống như chúng ta đi qua một khu rừng hoang, vắng vẻ, để đến đích là một hình thái hạnh phúc và an toàn cao nhất.

Đồng thời, chúng ta cũng cần các nguyên tắc để hỗ trợ trên con đường của mình - nói cách khác là các yếu tố của thiền-na (trầm tư quán tưởng, đốt cháy phiền não và chướng ngại). Tác ý là suy nghĩ có định hướng, khiến tâm tập trung vào điều nó muốn biết. Sự đánh giá giúp diệt bỏ các chướng ngại.

Hai phẩm chất này giống như việc chuẩn bị bữa ăn. Tuy nhiên nếu ta chỉ có hai phẩm chất này thì cũng giống như ta chuẩn bị bữa ăn nhưng chưa biết mùi vị của các loại thực phẩm mà mình có.

Nếu chúng ta có thể giữ tâm tĩnh lặng cho đến khi nó hòa làm một với đối tượng thì điều đó cũng giống như việc ta nhai nuốt thức ăn. Đó là lúc chúng ta biết được hương vị của thức ăn và có thể cảm nhận được cảm giác no nê và sự bổ dưỡng từ đó: nói cách khác, đó là cảm giác sung mãn, tự tại và nhất tâm. Lúc đó tâm sẽ có thể tràn đầy sức mạnh, giống như cơ thể khi nó được ăn uống bồi dưỡng.

Thức ăn bên ngoài là thứ nuôi dưỡng và mang lại sức mạnh cho thân. Khi thân thể khỏe mạnh, ta có thể đi hoặc chạy ở bất cứ nơi nào ta muốn. Khi muốn làm gì, ta sẽ có đủ sức mạnh để hoàn thành. Đối với thức ăn nội tại - Pháp - đó là thứ nuôi dưỡng tâm trí.

Khi thân tâm được khéo nuôi dưỡng, sức mạnh của tâm sẽ trở nên kiên cường, mãnh liệt. Khi đã định làm gì, ta sẽ thành công đúng như ý. Nếu tâm không được bồi dưỡng với Pháp, nó sẽ trở nên yếu đuối. Những dự tính của tâm sẽ không đạt được thành công, tốt lắm cũng chỉ thành công ở mặt này, và thất bại ở mặt khác, không đúng như ta mong muốn. Đó là lý do tại sao chúng ta phải củng cố sức mạnh của tâm càng nhiều càng tốt, vì tâm lực là điều quan trọng nhất trong ta, nó sẽ đưa chúng ta đến mục tiêu hạnh phúc cao nhất.

Khi nào bạn còn sống, còn thở, đừng để mình lơ là hay tự mãn. Đừng để thời gian trôi qua một cách vô ích. Hãy nhanh chóng tăng tốc nỗ lực phát triển những điều tốt đẹp - vì khi bạn không còn hơi để thở, bạn sẽ không còn cơ hội để làm điều tốt nữa...

Bạn nên tập trung hoàn toàn vào bất cứ tư tưởng nào giúp làm cho tâm kiên định để có thể phát khởi những điều thiện. Đừng bận tâm đến những suy nghĩ khác, dầu chúng có vẻ tinh vi hay kém tinh vi hơn. Quẳng tất cả đi. Đừng mang chúng vào tâm trí để suy nghĩ. Hãy giữ tâm vững vàng với một mối bận tâm duy nhất: Đó là chân tâm của bạn, chân tâm của những lời dạy của Đức Phật.

Ajahn Lee Dhammadaro

(Diệu Liên Lý Thu Linh chuyển ngữ từ Snakes, Fires & Thieves; sách Starting Out Small: A Collection of Talks for Beginning Meditators - Bắt đầu Từ Việc Nhỏ: Sưu tập các bài Pháp dành cho thiền sinh mới)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.