Về đây hơn ba năm, thì có đến gần hai năm dịch Covid-19. Năm nay dịch bệnh tạm đi qua, sư huynh tôi lại khởi động lại các chương trình thiện nguyện như thường khi. Mùa nào việc ấy, Vu lan qua là Trung thu về. Mấy nay sư huynh vận động các bạn sinh viên về tịnh xá cùng chuẩn bị “Đêm hội Trăng rằm” cho các em. Thế là ùn ùn nào đậu xanh, nào đường cát trắng, nào nan tre, giấy màu, tập bút, quà bánh được tới tấp mua về, bày biện khắp trong tịnh xá.
Chứng kiến cảnh mọi người hồ hởi cho một Trung thu yêu thương dành cho các bé, hồn tôi phút chốc cũng rộn ràng khi hồi tưởng lại những kỷ niệm ngày thơ. Có lẽ dù bao nhiêu năm có trôi qua, những mảnh ký ức Trung thu ngày xưa vẫn sáng lung linh trong tâm trí của người trưởng thành. Để rồi như tôi, chỉ cần bắt gặp lại chút bóng hình của ngày cũ, là vầng trăng xưa lại hiện ra, soi sáng từng ngóc ngách ký ức tuổi thơ.
Sư huynh tôi vẫn thường tự nhận ông là: “Ông sư già cổ lỗ sĩ”. Và mùa Trung thu này, ông cũng cổ lỗ sĩ khi thực hiện chương trình “Lồng đèn yêu thương” - vận động và đồng hành cùng các bạn sinh viên tự tay làm lồng đèn giấy để tặng các em thiếu nhi. Thiệt tình, xưa nay tôi không ưng “cổ lỗ sĩ” lắm, nhưng lần này lại thầm quý cái “cổ lỗ sĩ” của ông.
Cuộc sống thời nay, ngày càng thay đổi, càng hiện đại. Những món đồ chơi Trung thu cũng hiện đại, cũng thay đổi dần theo thời gian. Và giữa nhịp sống hiện đại này, có những món đồ chơi, đối với thế hệ chúng tôi, chỉ còn có thể xuất hiện trong ký ức. Hôm qua, tôi đi công việc ngang chợ Bà Chiểu, thấy tràn ngập bên đường là lòe loẹt lồng đèn điện tử, lồng đèn giấy xếp. Lúc ấy, tôi chợt thấy mình cũng “cổ lỗ sĩ” như sư huynh tôi, khi có cảm giác những thứ hiện đại không thuộc về mình.
Tôi nhớ mãi thời tôi còn bé, khi chưa có điện thoại, chưa có internet và Trung thu chỉ đủ tiền để mua lồng đèn ông sao bằng giấy hoặc xấp giấy kính màu để tự tay làm. Trung thu của thời chúng tôi, thập niên 1990, 2000 thật đặc biệt. Dù không rực rỡ sắc màu, không tinh xảo, hiện đại như lồng đèn giấy xếp, lồng đèn điện tử, không bánh Trung thu vàng ươm hấp dẫn; nhưng không khí chuẩn bị cho Trung thu thật náo nức, hân hoan và ấm áp vô cùng.
Đó là những buổi chiều cùng đi chặt tre, chẻ nhỏ, rồi vót thành từng nan. Là bặm môi uốn nan tre thành hình ông sao, con thỏ, chiếc thuyền... Là mười đầu ngón tay nhầy nhụa hồ dán hòa với màu đỏ, xanh của giấy kính. Là nụ cười rạng rỡ của giây phút thắp lên ngọn nến, và mang thành quả của mình tỏa sáng lung linh khắp nẻo đường quê.
Hồi đó, cỡ mùng bảy, mùng tám tháng Tám âm lịch, cứ mỗi khi trống tan học vang lên là tôi chạy thiệt nhanh về nhà, lua vội chén cơm, ê a thật nhanh bài học thuộc lòng để ngoại tôi biết là tôi có học bài. Xong nghĩa vụ, là tôi chạy biến qua nhà mấy đứa bạn hàng xóm. Nguyên một tuần trước Trung thu của tụi tôi hồi đó vui lắm. Mấy đứa nhỏ nghèo ở quê tụm lại cùng hát ngân vang: “Bóng trăng trắng ngà/ Có cây đa to/ Có thằng Cuội già, ôm một mối mơ… ”. Rồi tụi tôi cùng làm lồng đèn, cùng chia nhau từng khúc nến màu xanh màu đỏ, cùng chạy theo đoàn múa lân hết xóm này qua xóm khác; rồi khi mệt, cùng quay quần bên nhau ăn bắp nổ, cùng chia nhau cái bánh Trung thu rồi cười vang xóm làng.
Tôi nhớ có năm, mấy đứa con trai tụi tôi, đứa thì chôm thúng của má, đứa lén lấy tấm trải bàn, đứa thì mang cặp nắp nồi, đứa lấy cái xô. Phụ kiện đầy đủ, thêm chút râu bắp, thêm vài nét cọ màu mè, vậy là tụi tôi cũng có một đoàn lân như ai. Trống xô, chập chỏa nắp nồi nổi lên, tụi tôi cũng múa may khí thế, cũng đi từ nhà này qua nhà nọ, náo động xóm làng.
Có cô bác thương thì cho ít bánh kẹo, hoặc đứng cười cổ vũ tinh thần; có cô chú khó tính thì la tụi tôi: “Bây làm trò khùng điên gì vậy!”. Con lân chưa kịp thể hiện hết sự uy mãnh, thì nghe tiếng la của mẹ thằng bạn tôi vang lên: “Mày mang cái thúng về đây, chuyến này mày no đòn với tao”. Vậy là đoàn lân cụp cong đuôi bỏ chạy; đến khi hết hơi, cả bọn cùng ngồi thụp xuống mà cười sằng sặc. Bây giờ ngồi nghĩ lại, vẫn thấy vui.
Xuất gia mười mấy năm, tôi khép mình đoan nghiêm trong màu áo đạo. Đã có những mùa Trung thu cùng với huynh đệ tổ chức “Hội Trăng rằm” cho các cháu, các em thiếu nhi. Những dịp ấy, tôi được vui niềm vui “cho đi” theo tinh thần từ bi Phật dạy, nhưng vẫn thấy lòng mình thiêu thiếu cái cảm xúc “ngày thơ” mỗi mùa trăng về. Mùa trăng tuổi thơ nơi làng quê nghèo của chúng tôi đơn giản nhưng thật vui. Đôi khi tôi lén Phật, thả hồn ngược dòng thời gian về với tuổi thơ, để được tận hưởng niềm vui ngày bé, để tâm hồn thêm ấm áp bởi những ân tình ngày xưa. Những ký ức tuổi thơ nơi miền quê nghèo ấy, dù nhỏ nhoi nhưng vẫn khiến tôi hạnh phúc vô cùng.
Tôi từng nghe có câu nói rất hay: “Con người có tuổi thơ đẹp, tuổi thơ ấy sẽ sưởi ấm cả cuộc đời họ”. Tâm đắc câu này, nên năm nay, dù bận bịu tôi vẫn dành chút thời gian cho cô đệ tử nhỏ của tôi, để bé có một khoảnh khắc thật vui, và mai này trở thành ký ức tuổi thơ thật đẹp. Sài Gòn khó mà kiếm tre, tôi thì ít dịp ra ngoài, lại càng khó lang thang phố chợ để mua giấy kính, giấy màu; thế là, hai thầy trò lấy giấy bìa màu cứng, hí hoáy vẽ, cắt, dán. Cuối cùng, hai thầy trò cũng được chiếc lồng đèn nho nhỏ, xinh xinh. Được quà, mà có phần tự tay mình làm, cô bé vui lắm, cứ tủm tỉm cười hoài. Và riêng tôi, tôi cũng vui và thấy ấm áp từ tận đáy lòng… khi được bí mật sống lại ký ức của mùa trăng cũ!