GNO - Được xây dựng vào năm 68, Bạch Mã tự là ngôi chùa Phật giáo đầu tiên ở Trung Quốc và từ lâu đã được coi là "Cái nôi của Phật giáo" của quốc gia này và cả khu vực Đông Á.
Nằm gần huyện Lạc Dương, tỉnh Hà Nam miền Trung của Trung Quốc, ngôi chùa cũng là một khu phức hợp kiến trúc Trung Hoa cổ kính, quý giá và được bảo quản tốt.
Bạch Mã tự
Theo truyền thuyết, ý tưởng xây dựng ngôi chùa đầu tiên này đến từ một giấc mơ của vua Hán Minh Đế nhà Đông Hán (25-220).
Trong giấc mơ của mình, hoàng đế nhìn thấy một vị thần toàn thân sắc vàng với ánh mặt trời và mặt trăng chiếu sáng phía sau đầu từ trên trời giáng xuống phía trước ngai vua và sau đó đi vòng quanh trong cung điện. Ngày hôm sau, hoàng đế thảo luận giấc mơ của mình với các triều thần và họ đi đến kết luận rằng đây là điềm xuất hiện của Đức Phật từ phía tây.
Vì vậy, hoàng đế đã quyết định gửi một phái đoàn đặc sứ đến Ấn Độ để tìm hiểu về Phật giáo. Vào năm 67, đặc phái viên của Trung Quốc đã gặp hai cao tăng Ấn Độ, Kasyapa Pandita và Bharana Pandita, trong một khu vực thuộc Afghanistan ngày nay.
Hai nhà sư đã bị thuyết phục bởi các đặc sứ Trung Quốc và đi cùng với họ đến Trung Quốc để hoằng dương Phật pháp.
Họ đến Lạc Dương, sau đó là thủ đô của Đông Hán, có hai con ngựa trắng chở kinh điển Phật giáo, xá-lợi và những bức tượng. Cá nhân hai người đã gặp vị hoàng đế Trung Hoa.
Năm tiếp theo, Minh Đế đã ra lệnh xây dựng một ngôi chùa bên ngoài gần thành Lạc Dương và đặt tên là chùa Bạch Mã để tôn vinh hai nhà sư Ấn Độ cũng như hai con ngựa trắng.
Có diện tích khoảng 13 ha, chùa được xây dựng dọc theo trục nam bắc. Chùa được chia thành nhiều khu phức hợp và sân trong đến các sảnh đường, liêu phòng và các tòa nhà khác.
Như nhiều cấu trúc Trung Quốc cổ đại khác, khu phức hợp cũng từng chứng kiến một vài trường hợp bị phá hủy và trùng tu trong gần 2.000 năm lịch sử.
Mặc dù vị trí của ngôi chùa đã không thay đổi trong 2.000 năm qua, nhưng hầu hết các tòa nhà chúng ta nhìn thấy trong chùa Bạch Mã ngày nay được xây dựng trong các triều đại nhà Nguyên, Minh và Thanh.
Được xây dựng lại vào năm 1546, cổng chính vào chùa, gọi là sơn môn, hoặc cửa núi, là một cổng tò vò đá với ba cửa ra vào. Nó được bảo vệ bởi hai con ngựa đá, đại diện cho những con ngựa trắng đã chở kinh Phật và xá-lợi đến Trung Quốc (ảnh dưới). Bên trong, có hai ngôi tháp của hai vị sư tôn kính người Ấn Độ. Đằng sau đó là năm chính điện đứng dọc theo trục trung tâm. Năm điện này bao gồm: Thiên Vương điện, điện chủ yếu là Đại Phật điện, rồi tới Đại hùng Bảo điện, Tiếp Dẫn điện, và Phật điện Tỳ-Lô các.
Bố trí và phong cách kiến trúc của ngôi chùa là một hỗn hợp của Phật giáo Ấn Độ và thiết kế cổ đại Trung Quốc.
Khi được xây dựng lần đầu tiên, có một ngôi chùa gỗ ở giữa và tất cả các cấu trúc khác được xây dựng xung quanh. Đó là một thiết kế điển hình của Phật giáo Vihara Ấn Độ. Nhưng sau đó, trong quá trình tái tạo, kiến trúc ban đầu đã được kết hợp với cấu trúc điển hình của Trung Quốc như các liêu phòng và sân trong. Ngoài ra, các bộ phận xây dựng bằng gỗ, chẳng hạn như cột, cột trụ và bộ khung, đều được áp dụng rộng rãi.
Thời nhà Thanh, đã gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm gỗ lớn để xây dựng các trụ cột dài và dầm.
Các nhà xây dựng trong triều đại nhà Thanh cũng đã sử dụng rất nhiều tường gạch trong ngôi chùa để củng cố các cấu trúc và để giúp ngăn ngừa hỏa hoạn.
Năm 1961, chùa được liệt là một trong những di tích lịch sử và văn hóa quan trọng được Nhà nước bảo hộ.