Hai cuộc triển lãm này mang tên Awaken (Thức tỉnh) và Mandala Lab (Phòng thí nghiệm Mandala).
Trong không gian triển lãm, du khách được mời để tương tác với các tác phẩm nghệ thuật về hành trình đạt đến giác ngộ của Phật giáo Tây Tạng thông qua những cảm nhận của cả thân và tâm. Cuộc triển lãm Mandala Lab đang diễn ra và dự kiến sẽ kết thúc vào năm 2031; trong khi đó, Awaken đã kết thúc vào ngày 3-1 vừa qua.
Awaken gồm 37 tác phẩm nghệ thuật có niên đại từ thế kỷ thứ VII đến thế kỷ XXI, bao gồm các tác phẩm điêu khắc bằng đá, gỗ, kim loại cùng với các bản thảo được ánh đèn chiếu sáng, những bức tranh treo tường đủ màu sắc theo truyền thống Tây Tạng (thangkas) và các tác phẩm nghệ thuật gốc của họa sĩ người Mỹ gốc Tây Tạng Tsherin Sherpa.
Theo hướng dẫn từ Ban Tổ chức Triển lãm Awaken, những vị khách tham quan được khuyến khích nên “ngắt kết nối với thế giới bên ngoài, bước ra khỏi sự hỗn loạn và bắt tay vào hành trình tìm hiểu và chuyển hóa chính bản thân mình”.
Được biết, do đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, các buổi trình diễn lớn tại Bảo tàng Mỹ thuật Virginia và Bảo tàng Nghệ thuật châu Á ở San Francisco đã được chuyển thể thành cuộc triển lãm này trong phạm vi của Bảo tàng Nghệ thuật Rubin.
“Chúng tôi hy vọng rằng khách tham quan có thể nhận ra mối quan hệ mật thiết giữa bản thân họ và những khái niệm phổ quát này cũng như kết nối với chúng theo cách của riêng họ; từ đó, đánh giá cao các tác phẩm nghệ thuật nơi đây, bởi vì phần lớn chúng được tạo ra để phục vụ và trở thành trung tâm của các nghi lễ và thực hành Phật giáo, khơi nguồn cảm hứng cho sự phát triển cá nhân hoặc giống như một nghi lễ/một đối tượng tôn giáo thực tế được sử dụng trong các nghi lễ và thực hành Phật giáo”, Elena Pakhoutova, người phụ trách cấp cao của cuộc triển lãm và chương trình nghệ thuật Himalaya chia sẻ.
Trong khi đó, Mandala Lab trưng bày các tác phẩm của các nghệ sĩ nổi tiếng như Laurie Anderson, Sanford Biggers, Tenzin Tsetan Choklay, Billy Cobham, Amit Dutta, Sheila E., Peter Gabriel, v.v. Nghệ sĩ người Mỹ gốc Tây Tạng Palden Weinre đã tạo ra một tác phẩm mang tên “Untitled (Coalescence)” cho cuộc triển lãm.
Trong một bài phát biểu của mình, ông cho biết: “Bảo tàng Nghệ thuật Rubin là nơi duy nhất thích hợp cho việc làm mới cuộc đối thoại giữa Phật giáo và nghệ thuật đương đại; bản thân tôi cảm thấy mình phù hợp với cách tiếp cận rất sáng tạo của Mandala Lab. Tôi cũng rất vinh dự khi được tham gia cuộc triển lãm này và hy vọng tác phẩm của tôi sẽ góp một phần cảm hứng cho không gian được tái hiện một cách chu đáo này”.
Trong Mandala Lab, các du khách sẽ được bắt đầu bằng câu hỏi: “Cảm giác tự hào sẽ ảnh hưởng đến hành vi của bạn như thế nào?”. Ngoài ra, họ còn được mời vẽ, viết, ngửi, nghe, chạm và thực hiện những hành động liên quan đến tất cả các giác quan trong một trải nghiệm nhập vai hoàn toàn.
“Với tư cách là một viện bảo tàng, chúng tôi không cố gắng cung cấp cho bạn những bài pháp của Phật giáo Tây Tạng như những Lạt-ma sẽ làm. Đó không phải là công việc của chúng tôi. Mà nhiệm vụ của chúng tôi là nói với bạn rằng những bức tranh từ những nền văn hóa đặc biệt trong bộ sưu tập này sẽ thực sự là những công cụ hữu ích để bạn điều hướng lại cuộc sống”. McHenry cho biết thêm.
Tuy nhiên, Tenzin Gelek, chuyên gia cấp cao về nghệ thuật và văn hóa Himalaya tại đây, đã gợi ý về chức năng và mục đích sâu xa hơn của cuộc triển lãm: “Với Mandala Lab, chúng tôi đang áp dụng trí tuệ Phật giáo kết hợp với các tác phẩm nghệ thuật để thấu hiểu, mở khóa và chữa lành những cảm xúc tiêu cực trong bản thân mỗi người. ‘Phòng thể dục tinh thần’ này khuyến khích chúng ta đối mặt với cuộc sống bằng sự trí tuệ và sự thấu hiểu hoàn toàn mới”.