"Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ, cư sĩ Cấp Cô Độc cùng chúng Ưu-bà-tắc gồm có năm trăm người đi đến chỗ Tôn giả Xá-lê Tử (Xá-lợi-phất). Tôn giả Xá-lê Tử thuyết pháp cho họ, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu sự hoan hỷ. Ngài dùng vô lượng phương tiện thuyết pháp cho họ, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu sự hoan hỷ rồi, liền rời chỗ ngồi đi đến chỗ Phật, cúi đầu lễ sát chân Phật và ngồi xuống một bên.
Sau khi Tôn giả Xá-lê Tử đi chẳng bao lâu, cư sĩ Cấp Cô Độc và năm trăm Ưu-bà-tắc cũng đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Ngài rồi ngồi xuống một bên. Đức Thế Tôn dạy:
- Này Xá-lê Tử, nếu thầy biết rằng bạch y Thánh đệ tử gìn giữ, thực hành năm pháp một cách hoàn hảo và được bốn tăng thượng tâm, hiện pháp lạc trú, dễ được chứ không phải khó được. Xá-lê Tử, thầy nên xác nhận rằng Thánh đệ tử này không còn đọa địa ngục, cũng không còn sinh vào loài súc sinh, ngạ quỷ và các chỗ ác, được quả Tu-đà-hoàn, không đọa ác pháp, nhất định thẳng tiến tới quả vị Chánh giác, tối đa chịu bảy lần sinh tử nữa. Sau bảy lần qua lại cõi trời, nhân gian, liền được chấm dứt khổ đau.
…
- Lại nữa, Xá-lê Tử, bạch y Thánh đệ tử xa lìa tà hạnh, dứt trừ tà hạnh. Người nữ kia hoặc có cha giữ gìn, hoặc có mẹ giữ, hoặc cả cha cả mẹ cùng giữ, hoặc anh em giữ, hoặc chị em giữ, hoặc gia nương giữ, hoặc thân tộc giữ, hoặc người cùng họ giữ, hoặc là vợ của người khác, hoặc có phạt gậy, khủng bố, hoặc đã có ước hẹn bằng tài hóa, cho đến bằng một tràng hoa; đối với tất cả những người nữ ấy, không xâm phạm đến. Người ấy đối với tà hạnh, tâm đã tịnh trừ. Đó là pháp thứ ba mà bạch y Thánh đệ tử đã giữ gìn và thực hành một cách hoàn hảo”.
(Kinh Trung A-hàm, phẩm Đại, kinh Ưu-bà-tắc, số 128 [trích])
Xa lìa tà hạnh (không tà dâm) có nghĩa chính yếu là nguyện chung thủy với người bạn đời của mình. Người Phật tử đã có gia đình thì không quan hệ tình ái với người khác ngoài vợ hoặc chồng của mình (kể cả các loài phi nhân và súc sanh). Nghĩa mở rộng của giới này là ngay trong quan hệ vợ chồng, hành vi này cũng phải dựa trên tinh thần tự nguyện, dâng hiến, có chừng mực, hợp thời, phải chỗ; sự phóng tâm đắm sắc, buông thả phóng dật, nghĩ ngợi bất chính… cũng bị xem là tà hạnh.
Kinh văn, Đức Phật dạy cho các nam Phật tử xa lìa tà hạnh trong bối cảnh xã hội Ấn Độ cổ đại cách nay gần 26 thế kỷ. Những người nữ đã có chủ (đã kết hôn, hoặc đã hứa hôn, hoặc con cháu người), người nữ được bảo hộ hoặc có phạt gậy, khủng bố (hai hạng người nữ tuy không là vợ hay con của ai, nhưng một hạng được pháp luật vua gìn giữ và một hạng vốn là nô tì được chủ gìn giữ) đều không được xâm phạm.
Trong xã hội hiện đại, hệ thống pháp luật quốc gia và quốc tế về quyền con người ngày càng hoàn thiện, phần lớn nhân loại sống trong môi trường đa văn hóa nên giới Không tà hạnh của Phật tử ngoài nội dung chính thuộc về giới luật còn có sự liên hệ đến pháp luật của mỗi nước và luật tục của các cộng đồng. Có thể nói, các quan hệ nam nữ mà không được giới luật, pháp luật và luật tục thừa nhận thì bị xem là tà hạnh.
Người Phật tử phát nguyện thọ trì giới thứ ba, dứt trừ tà hạnh nhằm bảo vệ tiết hạnh và xây dựng hạnh phúc gia đình mình và người. Nguyện thủy chung và trách nhiệm với bạn đời, luôn tiết chế bản thân, tâm không tà vạy, chuyển hóa dục vọng để hướng đến đời sống đạo đức, lợi mình và lợi người là đạo đức căn bản của người đệ tử Phật.