Một số chuyện nói về những chú cọp kỳ dị

Chú cọp hiền lành bên vị sư ở một ngôi chùa tại quận Saiyok, tỉnh Kanchanaburi, phía Tây của Bangkok, Thái Lan
Chú cọp hiền lành bên vị sư ở một ngôi chùa tại quận Saiyok, tỉnh Kanchanaburi, phía Tây của Bangkok, Thái Lan
0:00 / 0:00
0:00
NSGN - Cọp là một loài thú dữ, được con người ban cho danh hiệu chúa tể sơn lâm. Nhưng những con cọp được nêu thuật sau đây đều thuộc về loại kỳ dị. Hoặc là thứ cọp biết quay đầu, biết tập sự tu hành để thay tâm đổi tánh;có những ngày tháng sống chung với các nhà sư…

Từ “Con cọp ở Triệu Thành” trong Liêu Trai Chí Dị của Bồ Tùng Linh

“Đất Triệu Thành có bà cụ già, tuổi ngoài bảy mươi, chỉ sinh được một trai. Ngày kia, anh con trai ấy vào núi bị cọp vồ chết. Bà cụ đau đớn, không còn muốn sống, kêu gào khiếu nại với Ấp Tể. (Quan huyện) Quan cười, bảo:

- Cọp thì thi hành pháp luật thế nào được?

Bà cụ lại kêu gào, giậm chân, gắt lên:

- Làm quan mà cứ khoanh tay nhìn chịu hay sao?

Ấp Tể quát mắng nhưng bà cụ cũng không biết sợ. Ấp Tể thương người mẹ già nua nên chẳng nỡ ra oai, hứa là sẽ bắt cọp trừng trị. Bà lão cứ nằm phục xuống đất, không đi. Quan không biết làm sao, đành nhận đơn, quay qua hỏi các chức dịch có ai chịu đi bắt cọp. Một người lính lệ tên là Ly Năng đang say túy lúy, liền chạy ra nhận xin bắt cọp và cầm lấy tờ trát. Bà cụ thấy vậy mới chịu về.

Người lính lệ tỉnh rượu mới hối nhưng nghĩ là quan bày - chuyện cho bà cụ yên lòng, mới đem trả tờ trát.

Ấp Tể nổi giận, nói:

- Mày tự nhận làm được chứ có ai ép? Hối là hối cái gì?

Lý Năng quẫn quá, bèn xin quan viết giấy cho phép nhờ các thợ săn giúp sức. Quan ưng cho. Vậy là anh chàng lính lệ này cùng với các thợ săn ngày đêm ẩn trong mấy hang núi, mong bắt cho được một con cọp mang về, để khỏi tắc trách. Rình núp hơn một tháng nhưng chẳng bắt được con nào, nên bị đánh mấy trăm roi. Oan khổ không biết kêu vào đâu, mới tìm đến Nhạc miếu ở phía Đông thành, quỳ khấn kể lể lạc cả tiếng. Bỗng đâu một con cọp từ bên ngoài lừ lừ tiến vào. Tên lính lộ sợ hãi cuống quýt. Thế nhưng cọp vào mà không nhìn đến người, chỉ xoạc cẳng ngồi ngay nơi cửa miếu.

Lính lệ khấn rằng:

- Phải mày là đứa đã vồ chết con trai nhà họ Mỗ thì hãy nghe lời phục xuống cho tao trói.

Cầm sợi dây thừng choàng vào cổ cọp, cọp cứ ngồi yên chịu trói bèn dẫn về huyện đường. Ấp Tể hỏi cọp:

- Giết người thì phải thường mạng, luật xưa đã định. Bà lão kia lại chỉ có được một đứa con trai, mày lại vồ chết nó khiến bà ta âu sầu khổ sở làm sao sống nổi? Như mày chịu làm con trai bà ta, thì tao cũng xá tội cho.

Cọp gật đầu. Bèn sai cởi trói cho đi.

Bà lão thấy Ấp Tể không giết cọp, đền mạng cho con trai mình thì lấy làm oán giận. Vài ngày sau, sáng dậy vừa mở cửa, bà lão đã thấy có con nai chết, bèn đem bán thịt, da, lấy tiền sống qua ngày. Cứ thế, lâu lâu cọp lại ngậm tiền bạc, vải vóc bỏ vào trong sân cho, bà lão vì thế cũng được dư dả.

Cọp phụng dưỡng bà lão còn hơn con đẻ, nên bà thầm cảm ơn. Mỗi khi đến, cọp nằm phục dưới thềm cả ngày không đi. Người và vật sống yên, không nghi ngờ ghét sợ nhau nữa.

Vài năm sau, bà cụ mất, cọp đã đến khóc tại nhà. Họ hàng nhặt nhạnh những vật dành dụm của bà cụ, thứ nào có thể đem chôn thì chôn. Ngôi mộ vừa đắp xong, thì cọp xồng xộc chạy tới, khách khứa bỏ chạy tán loạn. Cọp phục ngay trước mộ, kêu rống như sấm, hồi lâu mới đi.

Người trong miền lập ở gò đông một ngôi miếu thờ con cọp có nghĩa, nay vẫn còn”. (Truyện số 37. In trong Liêu Trai Chí Dị trọn bộ, Nguyễn Đức Lân dịch. NXB.Văn Học - 2006. Tr.157-158).

Đến những truyền thuyết nói về mấy con cọp đã từng quy hướng theo Phật

“Ở vùng núi lớn thuộc xã Thắng Nhì, chợ Bến Đá (Vũng Tàu Việt Nam) có một ngôi đền vẫn quen gọi là Điện Bà.

Cạnh bên ngôi đền ấy, đến nay vẫn còn dấu hai miệng hang lớn tương truyền là nơi chốn của hai ông cọp đã tu từ thời có vị du tăng họ Trương tới đây lập cốc tu Phật.

Truyền rằng, vào thời ấy, cả khu rừng núi rộng khắp này có 2 con cọp đã thực hiện rất tốt vai trò của vị chúa tể sơn lâm ở đây. Do chúng rất khỏe mà lại rất dữ nên chẳng những đám chim muông hiện có trong khu vực này đều khiếp sợ, mà cả những người dân quanh vùng xa gần cũng chẳng có mấy ai bén mảng tới chốn hang động đó. Thế rồi lại có vị du tăng họ Trương một thân một mình đã đi đến chốn này, chọn lấy phần trong cùng của hang sâu ấy làm nơi tạm trú, thì hai vị chúa tể sơn lâm kia lại tỏ ra e dè, kiêng nể, nên chẳng có phản ứng gì. Dần dần, khi vị du tăng cất xong chiếc am nhỏ, tức cứ vào sáng chiều, thời gian nhà sư gõ mõ tụng kinh thì hai con cọp đó lại đến nằm phục nơi trước cửa am để nghe kinh, rất đều đặn như vậy. Mà chúng cũng thay tâm đổi tánh, cụ thể là không còn thỉnh thoảng lẻn vào các thôn xóm lân cận vồ bắt gia súc để ăn thịt như trước nữa.

Sau đấy, ngoài hai con cọp kia, lại có thêm một đàn khỉ cũng kéo đến am tu đó để nghe kinh. Và cọp, khỉ đều tỏ ra thân thiện, cung kính đối với nhà sư, nên luôn được ông dành cho chúng những phần hoa quả, xôi bánh do bá tánh cúng dường (Tức sau khi am tu được dựng lên thì dân chúng quanh miền gần xa đã lần lượt đi đến đấy để lễ Phật, tụng kinh cho 2 con cọp không còn hung dữ như ngày trước).

Năm tháng cứ trôi qua, và am tu ấy cũng được chuyển đổi thành chùa, xây cất nơi bên ngoài hang. Còn hai con cọp thì vẫn ở tu luôn trong hai cái hang đó. Một con thì ở đấy mãi cho tới ngày qua đời hóa kiếp. Một con khác thì có lần mon men ra ngoài mé rừng đã bị lính Pháp bắn chết. Người trong chùa hay tin, liền tìm đến xin xác về chôn trong cái hang cũ của nó. Lại lấy đầu cọp phơi khô để thờ trong chùa”.

Một truyền thuyết nữa thì nói về một con cọp trắng ngụ tại Thạch động gần với núi Dinh Cô, có những liên hệ với vị Tổ khai sơn Tổ đình Thiên Thai, tọa lạc tại bên chân núi Dinh Cô kia (Thuộc vùng Bà Rịa). Truyền rằng, khi vị Tổ khai sơn ngôi tổ đình Thiên Thai vừa đặt chân tới nơi chốn này thì núi Dinh Cô là một ngọn núi không cao lắm nhưng bốn bề là rừng hoang bao bọc. Về phía gần với chân núi nhất có một thạch động, đang là trụ xứ của một con cọp trắng, hầu như là vị chúa tể sơn lâm của khu vực thiên nhiên hoang dã ấy.

Bấy giờ, Tổ khai sơn vừa nhìn lên ngọn núi, rồi phóng mắt nhìn khắp chung quanh, nhận thấy là chưa có điều kiện để dựng am xây cốc, nên đã vào trú tạm trong thạch động. Cọp trắng đi săn mồi trở về, thấy có người đã tới chiếm Thạch động thì nhe răng gầm thét dữ dội. Tổ ôn tồn bày tỏ lời đề nghị với cọp trắng nhường lại nơi này để ông lập am thờ Phật tu Phật. Nghe vậy, cọp trắng liền nguôi giận và một lát sau thì gật gật đầu rồi lặng lẽ ra đi.

Tất nhiên là cọp trắng phải đi tìm một nơi chốn cư trú mới, cũng là một hang đá rộng ở về phía cao hơn thuộc vùng lưng chừng của ngọn núi Dinh Cô đó. Điều đáng nói là cứ đến ngày Rằm và ngày mùng Một, cọp trắng lại trở về thạch động cũ, nằm phục nơi trước cửa để nghe tiếng mõ tiếng chuông và tiếng tụng kinh. Mà dần dần thì cọp trắng cũng thay tâm đổi tánh không còn ăn thịt sống nữa, chỉ ăn toàn là trái cây, nhiều nhất là mít chín…

Cọp trắng vẫn sống bình thường nơi hang đá mới như đã nói và vẫn đều đặn vào các ngày Rằm và ngày mùng Một thì trở về thạch động cũ để nghe kinh như trước. Cho tới ngày già rồi chết và hóa kiếp. Tổ khai sơn chùa Thiên Thai đã lập một bàn thờ cọp trắng tại trong thạch động để luôn tưởng nhớ đến sự việc cọp trắng đã nhường lại nơi chốn này cho mình. Hiện nay, di tích đó vẫn còn”. (Dẫn theo sách: Những Truyện cổ tích Việt Nam… Thích Trung Hậu sưu tầm. NXB.Tôn Giáo, 2004, tr.405-407).

Kể cả những chú cọp đã từng sống chung…

Đây là những ghi chép của nhà thơ Quách Tấn (1910-1992) trong sách Xứ Trầm Hương (vẫn được xem là một loại Địa phương chí, viết về đất nước Khánh Hòa) theo truyền thuyết kể về một con cọp mun (lông toàn là màu đen) đã từng sống chung cùng với một nhà sư tu khổ hạnh tại hang Ông Bưởi, trải qua hàng chín mười năm trời.

“Từ Tháp Bà, theo mé sông liền với chân núi đi lên chừng một cây số, hoặc từ cầu xe lửa Ngọc Hội đi xuống chừng bốn năm trăm thước, du khách sẽ trông thấy bên bắc ngạn sông Nha Trang đó, sát chân núi, dưới bóng cây, có một cụm đá xanh, hòn to hòn lớn chồng chất lên nhau, đồ sộ vững vàng, chắn ngang con đường lên xuống.

Bên trong cụm đá ấy có một hang đá tục gọi là Hang Ông Bưởi. Vì sao có tên như thế? Là vì, vào buổi đầu nhà Nguyễn trung hưng có một nhà sư đã đến tu nơi hang đá kia. Nhà sư quê quán ở đâu, danh tánh là gì, không một ai biết rõ. Nhưng thấy nhà sư quanh năm chỉ ăn bưởi thay cơm nên gọi là ông Bưởi.

Truyền rằng: Ông Bưởi đến hang ở với một con cọp mun và một con cọp trắng. Cách tu hành của ông Bưởi cũng khác hẳn với các sư sãi nơi chùa chiền. Không kệ không kinh, không mõ chuông cũng không tràng hạt, mai chiều cứ ngồi im lìm trên đá để tham thiền. Con vượn thì đứng hầu bên cạnh, còn con cọp thì nằm canh trước miệng hang.

Mỗi ngày, nhà sư chỉ thọ trai vào đúng ngọ. Thức ăn là các thứ trái cây, nhiều nhất là bưởi, do con cọp và con vượn hợp sức vào rừng tìm hái và để dành. Nhà sư cũng ít khi ra khỏi hang. Thỉnh thoảng có vân du thì cỡi cọp mà đi nhẹ nhàng như mây gió. Ban đêm, từ trong hang tỏa sáng, xa trông trong mát như ánh trăng. Người thì cho do ông Bưởi tu hành đắc đạo nên thân phát ra hào quang. Nhiều người khác lại bảo rằng ánh sáng kia là do bộ nút bằng dạ minh châu nơi áo cà-sa của ông Bưởi ảnh hiện. Ai cũng cho mình là đúng, song sợ cọp nên không ai dám đến tìm sự thật ở nơi hang.

Nghe đồn ông Bưởi có ngọc báu dạ minh châu, một đám côn đồ đã bàn với nhau là sẽ tìm cách cướp đoạt. Một hôm, chúng rình thấy cọp và vượn đã đi vào rừng hái trái, bèn kéo nhau ùa vào hang, nhưng rốt cuộc thì chẳng được gì. Vì bên trong hang thì trống rỗng, còn ông Bưởi trên thân chỉ choàng một tấm vải nâu không đường may cũng không thấy nút, và đang ngồi im theo thế bán già như một pho tượng đá, mặc cho chúng sờ nắn, dùng tay để xô, lại dùng cả chân để đạp. Rồi một tên hung dữ trong đám liền rút dao găm ra đâm mạnh vào phía bắp vế của ông Bưởi, lưỡi dao vừa cắm sâu vào thì liền bắn ra găm phập nơi vách đá, đồng thời một vòi máu nóng từ nơi vết đâm kia phun mạnh vào mặt đám bất lương. Gặp lúc con cọp và con vượn vừa trở về gầm rú vang rền khiến chúng càng sợ hãi bỏ chạy tán loạn. Từ đấy không một kẻ bất lương nào dám bén mảng tới vùng hang đá ấy.

Rồi thời gian cứ trôi qua. Tính ra thì ông Bưởi đã đến tu nơi hang đá này ngót chín mười năm trời và cuộc sống giữa người và vật vẫn luôn yên ổn. Những khi dân chúng trong vùng bị mất mùa, cuộc sống đa phần là đói kém, hoặc gặp phải các thứ bệnh dịch thiên thời, thì ông Bưởi liền cỡi cọp phóng nhanh vân du khắp chốn đây đó, hoặc để tìm hái các loại thảo dược, hoặc để quyên góp gạo muối đem về rồi đặt nơi ngã ba đường gọi là góp phần cứu trợ.

Nói riêng về con cọp mun thì ngoài ba nhiệm vụ chính mà nó đã thực hiện rất tốt. Đó là canh giữ, bảo vệ bên trong và bên ngoài hang đá, hợp sức với con vượn để tìm hái trái cây trong rừng dùng làm lương thực cho nhà sư; lại làm thân ngựa phi để cùng với sư thầy vân du v.v… Con cọp mun còn giữ một nhiệm vụ quan trọng nữa. Ấy là phải nhận lấy nhiệm vụ ngăn chặn lựa chọn, không tha cho những kẻ xấu được đi vào hang. Nói rõ hơn thì chỉ những người dân làm ăn lương thiện, có tín tâm đối với Phật pháp, thì mới được con cọp quán xét mà cho vào hang, để thăm viếng hoặc lễ bái nhà sư, nhất là vào các ngày lễ lớn như Vu lan, Phật đản. Do đó, có một số rất đông dân chúng quanh vùng xa gần, vốn rất kính ngưỡng ông Bưởi nhưng vì không muốn làm phiền con cọp nên chỉ ở tại nhà, vào những ngày 30, mùng Một, Mười bốn, Rằm thì sáng chiều đốt hương vọng về phía hang đá mà đảnh lễ.

Quan cai trị Nội Hạt, nghĩ rằng ông Bưởi có tà thuật. Lại thấy dân chúng mỗi ngày mỗi thêm sùng bái, sợ lâu sanh biến, nên đã ra lệnh trục xuất khỏi địa phương. Nhưng lệnh ban ra đều không được thi hành, quan liền kéo quân tới vây bắt.

Quân lính vừa đến gần miệng hang thì cọp gầm như sấm dậy, vượn hú lên nghe rợn cả người khiến không một ai có gan bước tới. Một tên lính già nêu kế: dùng hỏa công.

Thế là củi chất quanh hang. Rồi lửa bừng cháy rật rật. Ai cũng tưởng ông Bưởi cùng với cọp, vượn phải chết thiêu. Kẻ gian ác thấy làm thỏa thích. Người lương thiện thì sụt sùi lo sợ. Không ngờ ngọn lửa đang lên cao ngất, bỗng rẽ làm hai: ông Bưởi cỡi cọp, dắt vượn, từ trong hang ung dung đi ra, rồi vụt chạy thẳng lên núi. Mây bay gió cuốn, chỉ trong khoảnh khắc đã biệt tăm…”.

(Dẫn theo Xứ Trầm Hương của Quách Tấn. Hội Văn Học Nghệ Thuật Khánh Hòa tái bản, 2002, tr.173-175).

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.