Cả ba lần Tam Tạng cùng Bát Giới nhìn chẳng ra, chỉ có Hành Giả mắt thần nhìn thấu, cây thiết bổng giáng xuống, hai lần đầu yêu tinh còn thoát xác chạy được, lần thứ ba bị hạ độc thủ phải hiện nguyên hình là Bạch Cốt phu nhân, một đống xương khô.
Tam Tạng nghe lời xúc xiểm của Bát Giới niệm chú cẩn cô cho Hành Giả nhức đầu, nổ đom đóm mắt rồi đuổi thẳng. Hành Giả về Thủy Liêm động làm hầu vương. Tam Tạng sai Bát Giới kiếm cơm, rồi lững thững vào rừng Hắc Tùng, lạc vào Ba Nguyệt động núi Uyển Tử, bị yêu Hoàng Bào bắt được toan làm thịt.
Sa Tăng, Bát Giới đến đánh nhau với yêu để cứu thầy chưa ngã ngũ, Tam Tạng được vợ của yêu là công chúa Bách Hoa Tu lập kế thả ra và gởi bức thư cho vua cha ở nước Bảo Tượng. Việc này làm Hoàng Bào nổi giận, hóa thành một chàng trai tuấn tú tìm đến cung vua xưng là Phò mã, gạt rằng Đường Tăng là cọp thành tinh, rồi xin nửa chén nước đọc thần chú, ngậm nước phun vào Tam Tạng.
Tam Tạng liền biến thành một con cọp lông vằn làm cả triều hãi sợ xúm nhau bắt sống, lấy dây xích nhốt vào cũi sắt. Yêu tinh được đãi tiệc, nhậu nhẹt say sưa hiện nguyên hình chụp cung phi mỹ nữ nuốt sống. Long mã của Tam Tạng phải năn nỉ Bát Giới tới Thủy Liêm thỉnh Hành Giả về cứu thầy.
Hành Giả về hóa làm vợ của yêu, gạt yêu tinh nuốt được ngọc quý làm yêu hiện hình, chạy về trời. Hành Giả lên trời truy nã, biết được yêu vốn là sao Khuê, công chúa là Ngọc Nữ rủ nhau xuống trần kết duyên chồng vợ. Dẹp được yêu rồi, Hành Giả đến gặp thầy, nói mỉa:
- Thưa sư phụ! Người là Hòa thượng cớ sao lại biến ra hình hài xấu xí này? Người quở tôi hành hung tác ác, đuổi tôi đi, người chỉ dốc lòng làm thiện sao lại hóa ra mặt mũi thế này?
Tam Tạng mang hình cọp đâu trả lời gì được. Sau khi hoàn hình cảm tạ Hành Giả hết lời, rồi tiếp tục đi thỉnh kinh.
Đã từ lâu người ta đều biết Tây Du Ký là một bộ truyện dùng hình ảnh sống động để diễn tả hành trình về nguồn của nội tâm, mà mỗi một chúng ta là một Tam Tạng - Khi mê có đủ ba kho tham sân si, giác thì thành ba báu giới định huệ. Tam Tạng của chúng ta (xin nhấn mạnh không phải là Tam Tạng Trần Huyền Trang – nhà chiêm bái vĩ đại đời Đường) rất dễ bị những lời xúc xiểm, òn ĩ của Bát Giới làm lung lạc hơn là nghe theo Hành giả Tôn Ngộ Không. Và trường hợp này là một thí dụ. Tam Tạng rất dễ bị dụ dỗ, ưa nghe lời xúc xiểm của Bát Giới tượng trưng cho vọng tình, không nghe lời Hành Giả tượng trưng cho trí tuệ. Trí tuệ thấy ngay qua hình hài nam, nữ, trẻ, già, tất cả chỉ là một bộ xương khô:
Thành này làm bằng xương
Quét tô bằng máu thịt
Ở đây già và chết
Mạn, lừa đảo chất chứa.
(Pháp Cú 150)
Trong khi Tam Tạng cứ thấy trẻ là trẻ, già là già, nam là nam, nữ là nữ. Thức ăn dưới con mắt trí tuệ rồi ra chỉ là dòi bọ, cóc nhái luân hồi, nhưng Tam Tạng chúng ta vẫn để cho Bát Giới của mình cật lực lo lắng tìm tòi những món ngon vật lạ. Ham cái đẹp, cái tốt từ những vật bất tịnh, vô thường thì đương nhiên chối bỏ trí tuệ, đuổi nó đi chỗ khác, lao mình vào vòng nô lệ của thanh, sắc, bị nó cầm tù, khốn đốn, cuối cùng chẳng còn hình dáng con người, thành một con cọp!
Yêu tinh là sao Khuê. Sao Khuê, sao Bích là những vì sao đẹp. Công chúa tên Bách Hoa Tu, nghĩa là sắc đẹp khiến trăm hoa xấu hổ. Núi Uyển Tử cũng tượng trưng cho vẻ dịu dàng, uyển chuyển, Ba Nguyệt động là động “trăng trên sóng”, chập chùng lóng lánh cũng đẹp luôn, “Khóe thu ba gợn sóng khuynh thành” mà.
Đặc biệt đoạn tả cảnh của nơi yêu tinh ở rất hữu tình “Xa trông chẳng khác chi Tam đảo Thiên đường, gần ngắm rõ thấy giống hệt Bồng Lai thắng cảnh... Hoa nội xum xuê nở, cỏ thơm mơn mởn tươi”. Nhưng, tác giả nói: “Chốn này rõ ràng là nơi độc ác. Sư trưởng vận đen bị vướng mắc vào”. Ta thấy ngay ý của ông. Cái đẹp quả nhiên là cạm bẫy, làm ta quên hẳn đường về. Quên đường về thì dễ bị cọp bắt, hoặc là thành luôn cọp chứ thoát đi đâu được. Biết bao sư tử Hà Đông và cọp cái trước kia là những nàng thiên kiều bá mỵ, những người trong mộng; còn hung thần, ác quỷ xưa đã từng là thần tượng, “Hoàng tử của lòng em”...
Ngoài ra vì thanh, vì sắc người ta dùng bao nhiêu thủ đoạn, chơi những luật rừng với nhau, cấu xé nhau, thanh toán nhau tàn bạo, thiên tính hay nhân tính vắng xa, nói chi là Phật tánh, biết ngõ nào hiển hiện?
Tuy nhiên như thế, chỉ cần sự có mặt của Hành Giả, truy tận cội nguồn của yêu tinh. Biết ngay yêu tinh chẳng ai xa lạ, cũng chính là thần tiên trên trời. Thiện, ác chỉ phát xuất từ một cội nguồn, tùy theo tình hay tính mà đổi khác. Chúng ta thường là những Tam Tạng đầy lòng từ với... yêu tinh nên bị ma gạt hoài. Nếu trí tuệ cứ bỏ ta đi mãi, cuộc sống há chẳng thê lương sao?
Nhưng nếu cứ theo trí tuệ mà quán xương khô, dòi bọ mãi thì u ám quá! Cho nên hãy trả yêu tinh Hoàng Bào thành sao Khuê, Bách Hoa Tu thành Ngọc Nữ. Đẹp thì cứ đẹp, nhưng Tam Tạng giờ đây tỉnh ngộ chẳng còn mủi lòng, nghe lời Hành Giả tiếp tục cuộc hành trình dang dở. Hòa thượng Vân Môn Văn Yển dạy:
“Quý Hòa thượng, chớ nghĩ nhảm. Trời là trời, đất là đất, non là non, nước là nước, tăng là tăng, tục là tục”.
Nhưng... kỵ nhất đừng đụng đến. Đụng đến thì mù.