Ảnh minh họa |
Cũng ngon như nhau
Thiền sư Bàn Sơn có việc đi ngang chợ. Nghe khách hàng bảo ông hàng thịt:
- Bán cho tôi miếng thịt ngon nhất.
Ông chủ buông dao trên thớt, nói:
- Ở đây miếng thịt nào cũng ngon.
Ngài Bàn Sơn vui vẻ nhận ra điều thú vị.
Mình nghe tin trên mạng, một người đàn ông đi xe hơi, ngang qua chỗ đang phát rau tặng mọi người. Ông dừng xe bước xuống xin một bó rau. Cũng được nhận y như mọi người, không kể đi bộ hay đi xe. Ông cầm bó rau cảm động chảy nước mắt. Thế mới biết, bình thường một bó rau đâu có gì đáng kể. Nhưng ngày tháng giãn cách không đi chợ được, không có gì ăn, tất cả bó rau đều ngon như nhau, tất cả người nhận đều sung sướng như nhau.
Thời gian quý báu
Một lãnh chúa yêu cầu Thiền sư Takuan chỉ dạy cho ông cách giết thời gian. Ông cảm thấy chán nản, khi cứ phải ngồi chết một chỗ để nhận sự cung kính của mọi người.
Thiền sư viết:
Ngày này không đến hai lần
Một phân thời khắc ngàn phân ngọc ngà.
Ngày này không đến nữa mà
Một giây thời khắc một nhà ngọc châu.
Trong những ngày tháng giãn cách vì dịch bệnh, chúng ta sẽ không biết làm gì với thời gian quá dư, quá trống rỗng. Ấy vậy mà gần ba tháng trôi qua từ khi có chuyển biến, mỗi ngày tờ lịch cứ vô tình lấy đi tuổi đời. Hãy trân trọng những ngày mình đang có mặt, ngắm nhìn người thân chung nhà dù gặp nhau đến phát chán. Nhìn nắng và gió xôn xao, thiên nhiên không hề tiếc gì một chút bình minh. Hãy giữ gìn hơi thở thận trọng nhẹ nhàng vì biết đâu có lúc mình thở không nổi. Cám ơn từng giây phút hiện tại, cám ơn sự có mặt của mình, hồi đáp những lời thăm hỏi nhau qua phone để biết rằng cũng có người lắng nghe, và nếu làm gì được đôi chút, nói những lời động viên thì đừng tiếc, đừng nói tôi không có thời giờ.
Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy
Ta có thêm ngày nữa để yêu thương.
Hai câu thơ quen thuộc này, cũng được biến tấu để cười với nhau trong đời.
Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy
Y tế phường chưa đến để giăng dây!
Giác ngộ
Một hôm tại một thiền viện nổi tiếng, Thiền sư thông báo cho đại chúng rằng một thiền sinh trẻ đã đạt được giác ngộ. Tin tức này gây bất ngờ và xôn xao trong Tăng chúng. Một số vị Tăng đến gặp thiền sinh ấy và hỏi rằng:
- Chúng tôi nghe nói bạn đã đạt được giác ngộ, đúng không?
- Thưa vâng, quả đúng vậy.
- Thế bạn có cảm giác thế nào?
- Cũng vẫn đau khổ như xưa.
Người ta nghĩ rằng trạng thái giác ngộ đem lại hỷ lạc an nhiên, vô sanh bất diệt, siêu thoát tận trời cao. Thế mà ở đây, vị thiền sinh nói rằng vẫn đau khổ. Nếu không muốn thêm thắt rằng còn đau khổ dữ dội hơn. Tại sao? Người giác ngộ không phải gỗ đá, tu tập để đạt giác ngộ không phải biến mình thành vô tri. Nhất là trong thời chúng sanh đau khổ thì ôm trọn tâm tình nhân thế, cùng chia sẻ buồn vui, đồng hành đồng sự với mọi người. Cũng cảm nhận đau khổ nhưng không giận phiền trách móc tiêu cực, đau khổ như chất liệu để nuôi dưỡng từ bi, phát triển tình thương rộng lớn.
Muốn tìm chân lý
Một thanh niên tìm đến vị ẩn sĩ đang ở bên bờ sông, thưa rằng:
- Con muốn tìm chân lý, xin thầy chỉ cho con.
Vị thầy túm lấy anh ta, đem nhận đầu xuống sông. Anh chàng vùng vẫy kịch liệt, vẫn bị thầy đè đầu giây lâu dưới nước. Khi thầy buông tay ra, anh mới ngóc đầu lên thở được, ho sặc sụa. Thầy hỏi:
- Nói cho ta nghe, anh muốn điều gì nhất khi bị chìm dưới nước?
- Muốn có không khí.
- Tốt lắm, hãy trở lại với ta khi anh muốn tìm chân lý mãnh liệt như đang ở dưới nước.
Câu chuyện nói đến sự mong muốn tha thiết khi bức ngặt sắp chết, chỉ muốn có một điều duy nhất. Học đạo phải có tâm tình như thế. Ở đây chúng ta muốn nói đến hơi thở của mình. Trong tình hình hiện nay, hơi thở là vấn đề hàng đầu. Bình thường chúng ta vẫn thở, vẫn đi đứng ăn uống tự nhiên, đôi khi quên mình đang có một gia tài rất quý báu, cũng không để ý đến oxy cần thiết như thế nào.
Trăm năm trong cõi người ta
Ai ai cũng phải thở ra hít vào
Trăm năm trong cõi người nào
Thì ai cũng phải hít vào thở ra…
(Thơ Tánh Tuệ)
Trận đại dịch thế kỷ này đã thức tỉnh con người. Đến khi không thở được mới thấy sinh mạng mong manh, mới thấy trong đời mình đã bỏ qua nhu cầu thân thiết gắn bó với sức khỏe, niềm tin yêu cuộc đời.
Người thân nằm thở thoi thóp bên chiếc máy trợ thở, nhìn biểu đồ, nhìn nhịp đập mà cầu nguyện từng giây phút. Khí oxy như thế nào, hình dáng ra sao? Lúc này tất cả tư tưởng chỉ nghĩ đến vấn đề tồn tại của oxy, của khả năng hơi thở. Bài học thật lớn lao của một cơn bệnh thập tử nhất sinh. Bao nhiêu sự toan tính, suy niệm bâng quơ, giận hờn thương ghét… đều không chứa chấp. Để tâm trống không mà giữ hơi thở. Khi bệnh qua rồi, có nhớ hơi thở của mình không?
Góp nhặt vài điều, kính gởi đến các bạn thân mến.
Người góp chuyện