Thiền vi tiếu

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1127 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1127 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GN - Nụ cười là quà tặng chung cho tất cả mọi người. Biết cười nhẹ nhàng trong những tình huống tưởng chừng khó khăn nghiêm trọng, và mọi sự vỡ ra, bay đi.

Tập sách này góp nhặt những chuyện cười, rất tức cười, của Zen Comisc, của Ioana Salajan. Tác giả thì cũng lượm lặt đâu đó trong những sách thiền. Các vị thầy luôn gởi lại những nụ cười an ủi tâm tình chúng ta.

1- Một đệ tử đi du phương tham học nhiều năm, trở về thăm vị thầy già của mình. Y hãnh diện nói:

- Con đã đến Ấn Độ và đã tham học với một bậc đạo sư vĩ đại.

- Ồ! Hãy chỉ cho ta biết con đã học những gì?

Đệ tử lập tức xếp bằng tọa thiền theo tư thế liên hoa hết sức nghiêm trang. Nhưng… thầy chỉ tay ra cửa:

- Xin mời! Ở đây có quá nhiều tượng đá rồi.

2- Trò đang nghiền ngẫm kinh thư, gặp thầy bước vào mở tủ lấy bánh mì.

- Sư phụ, thế nào là ý Tổ sư từ Ấn Độ sang?

Sư phụ chỉ ra ngoài sân.

- Đi mà hỏi cây trụ ngoài kia!

Trò bước ra ngoài, sư phụ cắt từng lát bánh để trên khay, trò quay vào bảo:

- Con không hiểu.

Sư phụ bưng bánh đặt lên bàn trà:

- Ta cũng thế!

3- Thầy đang cầm chổi quét nhà, trò cầm sách chạy đến hỏi:

- Sư phụ, sau khi chết thì người tỉnh và người mê khác nhau ra sao?

Thầy chống chổi: Làm sao ta biết được?

Trò phân bua: Nhưng, sư phụ! Thầy là một người tỉnh thức.

Thầy tiếp tục quét nhà: Điều đó đúng! Nhưng ta chưa chết mà.

4- Thầy đang ngồi ngắm một cọng cỏ hoa, trò lật đật chạy vào, gần sút dép: Ôi sư phụ! sư phụ! Con xong việc rồi, tất cả đều không, tất cả đều rỗng lặng.

Thầy nhướng mắt nhìn, cọng hoa cũng nghiêng đầu lắng nghe. Trò chắp hai tay, hoan hỷ:

- Không còn ta, không còn người, không còn gì cả.

Thầy chộp cây gậy, cọng hoa vội cụp lá che mặt. Trò ngồi xuống bên thầy, tỏ dấu thiền định: - Và khi con tọa thiền, cái tôi biến mất. Con tràn đầy rỗng lặng, hòa tan vào vũ trụ.

Thầy quất cho một gậy vào đầu. Ui da… trò xuýt xoa ôm đầu, mặt đỏ bừng.

Thầy: Ừm, nếu ngươi tràn đầy rỗng lặng như thế, cơn giận từ đâu đến?

5- Trò bạch thầy:

- Ôi, con rất sung sướng! Con cảm thấy rất tự do! Cuối cùng con đã đạt đến sự giải thoát!!!

Sư phụ bèn đánh cho một gậy. Đệ tử ôm đầu gối rên rỉ: Ui da! Sao thầy đánh con?

- Ta đánh thức ông ra khỏi sự giải thoát của mình.

6- Vị thầy đang giảng dạy, trong số thính chúng có một người đưa tay nói: - Tôi không thể hiểu thầy đang nói gì.

Thầy mời anh ta: - Con có thể đến gần đây một chút không?

Anh ta đứng dậy bước đến gần. Thầy chỉ cho chỗ ngồi gần mình: - Tốt lắm, anh hãy ngồi bên cạnh tôi.

Người kia hoan hỷ ngồi xuống bên thầy. Thầy hoan hỷ vuốt râu: Đấy, anh xem! Anh hiểu tôi đến thế.

7- Một sáng mùa đông lạnh giá, có con ốc sên đang chậm chạp bò từ dưới gốc cây cherry lên trên. Một con kiến ló ra khỏi tổ, nhìn nó ngạc nhiên và lên giọng: - Này anh kia, mất thời giờ vô ích thôi! Không có một trái cherry nào ở trên ấy đâu.

Ốc sên vẫn bò: - Sẽ có ngay khi tôi có mặt.

* Câu chuyện này có thể hiểu hai ý. Một, là tên ốc sên đó bò chậm quá nên có khi lên đến trên cây thì cherry đã ra trái. Hai là, ý này rất thiền nhé! Khi tôi có mặt thì vạn pháp có mặt.

8- Vị thầy đang nấu một bình nước sôi.

Khách cư sĩ bước vào hỏi:

- Thầy đang làm gì vậy?

Thầy cầm bình trà: Tôi đang pha trà!

Khách đưa tay tỏ dấu ngạc nhiên:

- Cho ai?

- Cho người nào cần uống trà.

Khách bất mãn: Tại sao họ không tự làm lấy?

Thầy rót trà: Tôi tình cờ có mặt ở đây.

* Chúng ta tình cờ có mặt trong cuộc đời và làm việc vì mọi người.

9- Trò ngồi ôm đầu, căng thẳng, đăm chiêu, thầy đi ngang qua, trò ngước lên hỏi:

- Sư phụ, cái gì là tự kỷ của con?

Thầy đứng lại, nghiêng đầu:

- Anh muốn làm gì với tự kỷ của anh?

Trò chợt ngộ.

10- Khách bước vào một căn phòng trống, lão sư đang bưng khay trà. Khách nhìn quanh, hỏi:

- Sư phụ, tại sao thầy không có một bức hình của đấng Giác ngộ ở đây?

Sư phụ chỉ ra sau tấm màn:

- Có chứ! Ngay sau tấm màn kia.

Khách vén màn lên, thấy gương mặt mình trong gương và chợt hiểu.

Một cụm hoa rơi

Từ cành đấy ư?

Ồ, không.

Cánh bướm bay vờn!

Làm việc hết lòng

Thành tựu

Không gì cả!

11- Trò vò đầu bứt tai, thổ lộ với thầy:

- Sư phụ! Con đã luôn luôn tìm kiếm, tiếp tục tìm kiếm bí mật của đời sống.

Thầy đang cắm một cành hoa vào đĩa, bên dưới rơi vãi lá cành lụn vụn, và xác định:

- Ủa? Ta biết điều này.

Trò kêu lên:

- Thầy biết bí mật của đời sống ư?

Thầy bưng dĩa hoa đến bên bàn:

- Đúng, ta biết mà.

Trò chắp tay khẩn khoản:

- Xin sư phụ nói cho con nghe.

Thầy đặt dĩa hoa lên bàn, ngắm nghía:

- Ồ, ta không thể nói điều này.

- Tại sao?

Thầy gom cành lá vụn đem ra ngoài và chợt quay lại nói nhỏ:

- Đó là một sự bí mật!

12- Sắp lên đường, trò hỏi thầy:

- Sư phụ, làm sao con mang thiền của mình theo bên mình khi đi du lịch?

Thầy vẫy tay:

- Con mang nó theo bằng đôi tay rỗng.

13- Sư phụ, bằng cách nào mà thầy nhìn mọi vật rõ ràng đến thế?

- Ta nhắm mắt!

14- Một tên đồ đệ luôn luôn thắc mắc:

- Sư phụ, tại sao thế này…? Tại sao thế kia…?

Thầy lấy gậy gõ vào đầu hắn đau điếng, trò bủn rủn rơi lệ.

- Ôi!

Thầy gõ tiếp vào cây cột “chát”, cây cột làm thinh. Trò nhìn theo, không còn hỏi han. “Ôi!”. Trò nói giùm cho cây cột, và hiểu ra mọi thứ.

* Kinh Pháp hoa nói, các pháp ở vị trí của nó, hiểu ra điều này thì không còn thắc mắc so đo.

15- Vị lão sư đứng một mình trên đồi. Có hai người đang đi trên đường trông thấy bàn tán:

- Nhìn kìa, sư ông đứng trên kia!

- Sư đứng làm gì thế nhỉ?

Người thứ nhất nói: Có thể đứng đợi ai đó.

Người thứ hai:

- Không, dường như sư ông đang tìm gì đó.

Người thứ nhất:

- Không, tôi cá là sư ông đứng đợi người nào đó.

Người thứ hai:

- Mình đi hỏi cho ra lẽ.

Họ đi lên đồi gặp sư:

- Sư phụ! Xin lỗi, cho chúng tôi hỏi thăm ngài đang làm gì ở đây?

Sư mỉm cười:

- Ồ! không có chi, ta chỉ đang đứng đây thôi.

16- Trò tông cửa, ôm đầu chạy vào phòng thầy: - Sư phụ! Cứu con, con bị mất đầu.

Thầy đang ngồi nói chuyện với khách, quay sang nhìn trò. Trò nhăn nhó khổ sở: - Con đang tọa thiền, toàn thân biến mất. nhưng khi con trở về thực tại, đầu con không còn.

Thầy chống cằm suy tư. Trò tiếp tục rên rỉ:

- Con phải làm sao đây, con không thể sống không có cái đầu.

Thầy cúi người xuống giải thích:

- Nó ở trên cần cổ của ông, nơi nó luôn luôn có ở đó.

Trò nhất định ôm đầu la:

- Ô! Ô! Ô! Con không thể cảm thấy, nó đã mất rồi. Ôi! cái đầu tội nghiệp của con! Con đã cố gắng tìm nó, nó mất rồi!

Thầy cầm gậy đập vào đầu đệ tử một nhát, trò hết hồn, tỉnh ra, đưa tay sờ đầu: “Cái đầu của tôi đây!”

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.