Hạnh phúc, kỳ vọng và buông bỏ

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1123 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1123 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GN - Sinh năm 1951 tại London, sư Ajahn Brahm tốt nghiệp ngành Vật lý lý thuyết tại Đại học Cambridge, giảng dạy tại một trường trung học ở Anh, sau đó đến Thái Lan để xuất gia dưới sự hướng dẫn của Thiền sư Ajahn Chah.

Hiện sư đang là trụ trì tu viện Bodhinyana gần thành phố Perth của Úc, đồng thời là người hướng dẫn tâm linh của Hiệp hội Phật giáo Tây Úc

* Thưa Sư, một cách sơ lược, “sống hạnh phúc” là như thế nào?

- Sống hạnh phúc là sống một cách bình an, thoải mái và đón nhận mọi việc xảy đến với con mắt yêu thương.

Yêu thương ở đây không phải là tình yêu mà bạn dành riêng cho một ai đó, mà chính là cách mà bạn yêu quý và trân trọng cuộc đời này.

Không phải lúc nào chúng ta cũng có thể sống hòa hợp với những người thân yêu của mình, đôi khi cũng phải có những cuộc tranh cãi hoặc xích mích này nọ, nhưng quan trọng là chúng ta vẫn thương yêu họ. Tương tự như vậy, cuộc sống có thể mang đến cho bạn khá nhiều rắc rối và khó khăn, nhưng điều bạn vẫn luôn yêu đời.

Chúng ta cần mở rộng trái tim mình để đón nhận cuộc sống. Khi mọi thứ trở nên khó khăn, thay vì nghĩ “điều này lẽ ra không nên xảy ra” thì chúng ta hãy chấp nhận nó như một phần đương nhiên của cuộc sống. Tôi không gọi những điều bất như ý xảy ra trong cuộc đời là khổ, mà chỉ là “những vết thương của sự trưởng thành”.

"Hạnh phúc không phải là những gì người khác nghĩ, viết hay nói về bạn, mà bản thân bạn phải tự cảm thấy an lạc, vui vẻ"

"Hạnh phúc không phải là những gì người khác nghĩ, viết hay nói về bạn, mà bản thân bạn phải tự cảm thấy an lạc, vui vẻ"

* So với giai đoạn trước, dường như ngày càng nhiều người cảm thấy “không hạnh phúc”. Sư có thể lý giải xu hướng này không?

- Vâng, tôi nghĩ chuyện này là có thực. Để lý giải điều đó, chúng ta cần xem lại những kỳ vọng và mong muốn của con người hiện nay như thế nào. Thực ra, có quá nhiều người cảm thấy không hạnh phúc trong thời đại này bởi vì họ đặt kỳ vọng quá cao vào bản thân và điều kiện hiện hữu của cuộc sống.

Nếu bây giờ, chỗ đứng hiện tại không phải là nơi bạn mong muốn, vậy thì hãy dời sự mong muốn đến ngay vị trí của mỗi chúng ta lúc này. Hãy điều chỉnh những kỳ vọng và ước muốn của bản thân sao cho phù hợp, khi đó, chúng ta sẽ cảm thấy hài lòng về những gì đang có.

Mà những kỳ vọng và ước muốn đó bắt nguồn từ đâu? Từ chính bản thân chúng ta, từ xã hội và từ thế giới của mỗi người. Đừng nghe theo thế giới ngoài kia, đừng lo ngại về việc phải sống theo ý muốn của người khác. Hãy lắng nghe trái tim mình. Hãy lắng nghe tiếng nói của trí tuệ! Nơi mà mỗi người chúng ta đang đứng cũng chính là nơi mà chính mình mong ước. Bí mật của hạnh phúc là ở đó.

Đừng ép buộc bản thân mình phải theo đuổi những mục tiêu viển vông. Nếu đặt ra cho mình những đích đến không thực tế, chắc chắn chúng ta sẽ thất bại; và lúc đó, sẽ cảm thấy mình chẳng có giá trị gì cả. Vì vậy, bớt kỳ vọng lại. Thông thường, chúng ta có xu hướng nghe theo những gì mà người khác nói. Chúng ta có xu hướng nghe lời của các chuyên gia, nhưng chính họ cũng không thể biết hết tất cả mọi thứ. Kiến thức và trí tuệ luôn là một quá trình liên tục trau dồi và tiến trình đó sẽ chẳng bao giờ kết thúc.

Ví dụ, nhiều người thường nghĩ rằng khi gặt hái được thành công thì sẽ có hạnh phúc. Ngược lại, một số nhà tâm lý học cho rằng khi bạn hạnh phúc thì thành công sẽ đuổi theo bạn. Nhưng cả hai lối suy nghĩ này đều không đúng. Thật ra, hạnh phúc chính là thành công. Hạnh phúc không phải là những gì người khác nghĩ, viết hay nói về bạn, mà bản thân bạn phải tự cảm thấy an lạc, vui vẻ trước tiên. Và chỉ khi tử tế và thấu hiểu bản thân mình thì bạn mới có thể thấu hiểu và yêu thương người khác được.

* Áp lực của sự kỳ vọng cũng là nguyên nhân đưa đến nhiều vụ tự tử của giới trẻ nhan nhản trên báo đài. Thậm chí có đứa trẻ lên bảy cũng có thể tự sát vì cảm thấy áp lực vì sự kỳ vọng quá mức của phụ huynh. Sư có thể chia sẻ một vài lời khuyên về vấn đề này?

- Nếu có con cái, bạn nên yêu thương và đối xử tốt với các cháu. Hệ thống giáo dục ngày nay quá chú trọng vào việc tranh đua thành tích. Những người làm bố mẹ phải chấp nhận rằng một nửa số trẻ có chỉ số thông minh dưới mức trung bình. Điều này rất hợp lý, đó cũng chính là ý nghĩa của khái niệm trung bình cộng.

Đậu vào một trường nổi tiếng hay một trường đại học hàng đầu không thể khiến những đứa trẻ cảm thấy hạnh phúc. Đối với chúng, hạnh phúc là một thứ khác, chẳng hạn như được sống chung với cả gia đình. Điều mà các cháu cần là thời gian được gần gũi với bạn mà không bị rầy la và trách mắng chứ không phải là điểm số cao hay trang phục đẹp. Và nếu làm thế mà chúng cảm thấy hạnh phúc thì chúng đã rất thành công rồi.

Ví dụ, trẻ em ở Phần Lan sẽ không phải đến trường cho đến khi lên bảy tuổi. Các cháu không hề có bài tập về nhà nhưng lại liên tục đạt những thành tích cao nhất trong thang điểm giáo dục quốc tế. Trẻ phát triển một cách tự nhiên mà không phải chịu bất kỳ một sự thúc ép nào cả.

Con người không thể buộc một cái cây phải lớn nhanh lên, cũng như thế, chúng ta không nên ép buộc con cái của chúng ta. Tại sao chúng ta lại đối xử với con cái của mình giống như những sản phẩm trong một nhà máy? Tại sao chúng ta lại ép chúng làm những điều mà chúng không muốn? Có được một khoảng thời gian vui vẻ là một phần quan trọng trong việc học của trẻ. Trẻ em rất tò mò, chúng muốn học hỏi, nhưng nếu bạn ép buộc chúng thì bạn đã vô tình khiến tính ham học hỏi này giảm sút đi rất nhiều.

* Ngày nay, nhiều người áp dụng thiền tập để đối trị sự căng thẳng và bất an trong cuộc sống, cố gắng để hướng đến sự bình an cho chính bản thân họ và cho cả thế giới. Tuy nhiên, chúng ta cũng thường nghe những người làm việc và có những sự lo lắng khác khiến họ không thể đạt được những trạng thái thiền định, điều này làm cho họ càng căng thẳng hơn. Sư có lời khuyên nào cho những người gặp phải những vấn đề như thế này không?

- Thiền không phải là kết quả, không phải là đạt được điều gì đó mà là một quá trình. Nếu chú ý vào kết quả thì ngay lúc đó chúng ta bị căng thẳng trong khi thực hành thiền. Lúc đó, thiền không còn mang tính Phật giáo nữa rồi.

Thiền không phải là đạt được một thứ gì đó. Chúng ta thực hành thiền không phải để có được bất kỳ điều gì.

Gần đây, tôi thường nói rằng chúng ta thực hành thiền là để buông bỏ. Vì vậy, một người hành thiền tuyệt vời là người có khả năng buông bỏ tuyệt vời.

Khi mọi người nhìn tôi và nói: “Sư là người đạt được bằng cấp từ một trường đại học danh tiếng, nhưng giờ đây nhìn sư lại giống như một kẻ trắng tay”. Với tôi, câu trả lời là: “Cảm ơn bạn đã dành cho tôi một lời khen thật tuyệt”. Đúng như thế, mục đích của cuộc đời tôi là trở thành một người buông bỏ.

Người từ bỏ vĩ đại nhất là Đức Phật. Ngài chẳng sở hữu thứ gì cả ngoại trừ trí tuệ và sự rỗng lặng. Vì vậy, thay vì cố gắng làm việc để đáp ứng những kỳ vọng của bản thân và người khác, thì hãy buông xuống mọi thứ để được thanh thản, bình an và hạnh phúc.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.