GN - Hiển Lâm Sơn Tự, tên gọi dân gian là chùa Hóc Ông Che tọa lạc trên một ngọn đồi thấp thuộc xã Hóa An (TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Du khách phương xa đến vãn cảnh chùa sẽ được nghe kể nhiều giai thoại ly kỳ, hấp dẫn về vị tổ sư sáng lập chùa từng thuần phục cọp dữ cứu giúp dân làng.
Sự tích “Hóc Ông Che”
Theo tư liệu lưu trữ của chùa Hiển Lâm Sơn Tự thì nguyên sơ chùa do sư Huệ Lâm khai sơn năm 1920 tại một khu rừng hoang vắng.
Bức tranh sơn dầu trên vách chùa thuật lại chuyện
sư Huệ Lâm đánh cọp và quy hàng được nhiều cọp dữ
Sư Huệ Lâm (1887-1945, tục danh Bùi Văn Tươi), người dân còn gọi là ông thầy Hai. Lúc nhỏ, Huệ Lâm xuất gia làm đệ tử Thiền sư Khánh Lâm tu ở chùa núi Châu Thới. Sau một thời gian dài tu học, Huệ Lâm được thầy bổn sư tin tưởng truyền hết những bí pháp và lệnh rằng Huệ Lâm phải đi về phía Tây nơi có hóc rừng nọ lập chùa để cứu nhân độ thế.
Khi vị sư trẻ Huệ Lâm xuống núi được thầy bổn sư tặng ba vật phẩm là cái rựa, xâu chuỗi, cái mõ. Cái rựa thì Huệ Lâm sử dụng để phát quang cây cỏ mở đường, xâu chuỗi và mõ dùng để làm pháp khí hành trì, tu tập.
Hàng ngày, vị sư trẻ này đào đất đắp thành gò, lâu dần tạo thành quả đồi và ngôi chùa theo đó dần dựng lên. Ban đầu chỉ là ngôi chùa nhỏ, cột làm bằng gỗ, vách ván, mái lợp lá dừa nước, nền đất sét. Dần dần những Phật tử đến đây góp công của xây dựng tu bổ thêm lại chùa.
Thoạt đầu, Huệ Lâm che một cái chòi nhỏ, có lẽ vì thế mà người ta gọi là “Hóc có ông che chòi”. Lại có người cho rằng do ban đêm người ta nghe tiếng gió xuyên quá tán lá rừng lảnh lót như tiếng che ép mía nên mới gọi nơi đó là Hóc Ông Che.
Sư Huệ Lâm lặng lẽ ở một mình giữa rừng, ngày ngày bốc thuốc chữa bệnh cho dân làng xung quanh. Ông sử dụng dây leo tơ hồng kết thành dây đeo ngực và tụng niệm bằng mõ trên đầu người bệnh để trừ tà. Tiếng lành đồn xa, người dân đi rừng lấy gỗ quý và săn thú thấy ngôi chùa có vị sư có tài chữa bệnh nên báo cho đông người đến khám.
Bí ẩn thuần phục cọp
Những cụ cao niên sống gần chùa Hóc Ông Che kể lại rằng, sau thời gian theo học đạo Thiền sư Khánh Lâm ở núi Châu Thới, sư Huệ Lâm được truyền thụ bí kíp về “võ bùa”. Người luyện võ bùa có thể kêu gọi những lực lượng siêu nhiên đến trợ lực, giúp sức khi gặp khó khăn, hoạn nạn bất ngờ.
Thuở ấy, vùng Hóa An là khu rừng rậm rạp, đầy thú dữ. Tương truyền, trong rừng bỗng xuất hiện một con cọp to bằng con trâu mộng từng hại nhiều người đi rừng, còn về làng bắt gia súc của dân. Con cọp này ăn thịt nhiều người đã thành “tinh” rất khôn lanh nên thợ săn dù tài giỏi cỡ nào cũng không trị được. Cọp tinh tạo nên khiếp đảm kinh hoàng trong dân làng nên sư Huệ Lâm quyết tâm lên đường tìm cách thuần phục “ông Ba mươi”.
Sau nhiều ngày dò tìm trong rừng sâu, sư Huệ Lâm và đồ đệ bắt gặp được cọp dữ. Trận chiến kéo dài từ sáng đến tối không phân thắng bại giữa cọp và người. Dù vậy, sư Huệ Lâm kiên trì dốc sức quần nhau với cọp. Người ta kể lại rằng: nhà sư đứng trước đầu hổ tay vung roi, miệng hô thần chú, nhiều “âm binh” và “âm tướng” hiện ra trợ sức đánh cọp.
Đến sáng mai, trận chiến mới kết thúc. Con cọp tinh đã quy phục hoàn toàn và theo sư Huệ Lâm về chùa ẩn tu...
Giai thoại đó vẫn được dân gian lưu truyền, gắn liền với vị tổ khai sơn ngôi chùa ở đất phương Nam, cũng là một biểu tượng đẹp cho tinh thần Phật giáo gắn liền với dân sinh ở vùng đất mới đầy lam chướng, Phật giáo là chỗ nương tựa, nơi gởi gắm niềm tin của người dân.