Màu thời gian không xanh

Bài đăng trên giai phẩm Giác Ngộ Xuân Giáp Thìn 2024 - Mỹ thuật: Tống Viết Diễn/BGN
Bài đăng trên giai phẩm Giác Ngộ Xuân Giáp Thìn 2024 - Mỹ thuật: Tống Viết Diễn/BGN
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Hồi nhỏ, tôi từng được nhiều lần nghe tới mấy câu thơ “Màu thời gian không xanh, màu thời gian tím ngát…”. Sau này, tôi mới biết đó là thơ của Đoàn Phú Tứ. Màu thời gian của ông tím ngát, nhưng liệu màu thời gian có phải chỉ tím ngát không thôi?

Bà nội tôi sinh được sáu người con cả thảy, nhưng dường như, cuộc sống chỉ thực sự diễn ra một cách bình thường và đủ đầy với năm người. Bình thường và đủ đầy theo lẽ thường của cuộc đời quy định cho số đông, theo một chu trình cố hữu là sinh ra, lớn lên, trưởng thành, lập gia đình, có con cái,… cho đến đoạn cuối là nhắm mắt xuôi tay. Riêng có một người còn lại khác biệt với những anh em của mình. Tạo hóa không cho người ấy sự hoàn hảo tối cần thiết, không thể nói, không thể nghe, chỉ có thể tiếp nhận mọi thứ xung quanh chủ yếu bằng việc nhìn, nhận thức và cảm giác của bản thân.

Tôi gọi người đó bằng cô. Ông nội tôi đặt tên cô là Thu Nguyệt. Trớ trêu thay là cuộc đời cô lại chẳng tròn đầy như cái tên của mình.

Nhưng tạo hóa có những cách thức để bù đắp cho con người. Lấy đi của người ta thứ này sẽ bù đắp lại cho họ thứ khác, vượt trội hơn những người xung quanh gấp nhiều lần. Đối với cô tôi, đó là sự tinh nhạy và khả năng lưu giữ ký ức đến mức siêu việt.

Sống lặng lẽ hơn nửa cuộc đời ở làng, với bà, sự trở về những anh em và cháu chắt trong gia đình vào những dịp giỗ chạp lễ Tết luôn là những ngày vui nhất. Vào dịp đó, bà như nhanh nhẹn hơn, cười nhiều, hoạt bát và vui vẻ hơn hẳn mặc dù sự vui vẻ đó chỉ có thể được diễn tả bằng cách biểu cảm trên gương mặt hoặc ra hiệu bằng tay.

Như những gì bà từng bày tỏ vô số lần bằng biểu cảm và đôi tay huơ múa loạn xạ nhưng đầy sinh động của mình, người quan trọng nhất với bà là ông nội tôi. Ngay từ hồi còn nhỏ xíu, tôi đã thấy bà lặp đi lặp lại điều đó cũng như với những gì bản thân còn ghi lại được, tôi nhớ cuộc sống và công việc của ông nội tôi và bà luôn song hành với nhau. Từ đồng áng, vườn tược cho đến việc nhà.

Hồi đó, cứ tới mỗi dịp giáp Tết, ông nội lại mang đủ loại bông hoa về trồng trong mảnh vườn nhỏ của mình: lay-ơn, thược dược, cánh bướm,... Những ngày đầu năm, khi trời đất còn đang ảm đạm mây mù, cả khu vườn rực lên, như thể đã gói gọn mùa xuân trong muôn hồng nghìn tía. Hoa rất nhiều, nhưng nhiều hơn cả vẫn là vạn thọ. Những đóa hoa tỏa tròn, màu vàng nghệ, dưới trời xuân thôn dã, lại trở nên rực rỡ lạ kỳ.

Mà cũng còn nhớ, hồi ấy, ở quê tôi, người ta trồng giống hoa vạn thọ cánh đơn, mặt dưới cánh hoa màu vàng, mặt trên màu tía. Một thứ màu có vẻ trầm buồn, nhưng lại vô cùng hút mắt. Bung trổ trên nền xanh của vườn tược, màu sắc ấy trở thành nổi bật, nhưng u nhã, như gói ghém những xưa cũ của thời gian.

Trong khu vườn nhà nội, người “chịu trách nhiệm” chăm sóc những luống vạn thọ ấy chính là cô tôi. Và ở việc này, bà tỏ ra là một cộng sự rất đắc lực. Dưới bàn tay bà, những luống vạn thọ luôn trổ bông đúng ngày Tết. Đôi lúc đúng ngày còn hơn cả những luống hoa khác mà ông nội trồng.

Cứ vậy, đến mùa xuân, hoa lại nở trong vườn nhà nội, tiếng cười trẻ già lại lảnh lót bay đi trên những luống hoa, bay đi trong cái se lạnh còn chưa dứt. Hoa cứ nở đúng hẹn cho đến một năm nọ, khi vị Tết vừa phai, cái nắng lập xuân vừa hửng, thì ông nội tôi qua đời. Ngày đưa tang, cỗ quan tài nâu trầm khô khốc được khiêng đi ra ngang những luống hoa chỉ còn trơ gốc, bước đi nặng nề trên màu đất xám ảm đạm, trong điệu kèn đưa linh ai oán. Đứng dưới hiên nhà, ánh mắt của cô Nguyệt vô hồn, đỏ hoe dõi theo.

Vắng ông nội, mảnh vườn dần xơ xác.

Thế nhưng, những luống vạn thọ vẫn tiếp tục trổ bông vào mỗi mùa xuân sau đó. Kỳ lạ là một người phụ nữ không hề biết chữ, không hề đếm được ngày giờ lại luôn luôn nhận biết thời điểm chính xác gieo những luống vạn thọ đầu tiên để làm sao chúng trổ bông vào đúng ngày Tết. Luôn luôn như thế, suốt mười mấy năm qua kể từ khi ông nội tôi không còn trên cõi đời.

29 Tết, khi cả nhà lại quây quần trong ngày cúng rước ông bà về ăn Tết, cô tôi ngồi một mình dưới hiên nhà nhìn ra, khuôn mặt rạng ngời niềm vui. Những luống bông vạn thọ rực lên dưới nắng đầu mùa.

Rồi mùa xuân đến. Rồi đi. Đến thật nhanh lại đi cũng vội. Tết năm nay, vườn nhà nội chẳng còn vạn thọ. Người phụ nữ mười mấy năm cần mẫn giữ gìn mảnh ký ức cuối cùng còn sót lại của gia đình, sau một lần bệnh thập tử nhất sinh, phải sống bằng cuộc đời của một cái bóng. Rốt cuộc, sau hết một đời, bà cũng chẳng thể có được cái kết tròn trịa như cái tên mà ông nội tôi đặt. Một đời vui vẻ với nụ cười hồn hậu, giờ đây, nụ cười ấy lại méo xệch ngờ nghệch khó thấu, chen lẫn những tiếng nặng nhọc thở dài.

Rồi năm hết. Rồi lại xuân. Tháng Chạp, tôi ghé về vườn cũ, từ xa, bắt gặp cô ngồi trên chiếc ghế nơi cửa nhà bếp, đưa mắt nhìn vô định ra khung trời mờ xám bên ngoài. Nhác trông thấy tôi, đứa cháu tha hương, bà ú ớ rồi cười.

Chẳng biết bà có còn nhớ được sắc màu của những luống vạn thọ năm cũ hay không?

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.