Không vô biên xứ định, Thức vô biên xứ định, Vô sở hữu xứ định

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Khởi đầu việc tìm chân lý, các nhà tôn giáo đưa ra thuyết sáng tạo, sáng thế là thế giới này do đấng thần linh tạo nên và con người cùng muôn vật cũng do thần linh tạo ra. Vì vậy, sự sống của chúng ta do đấng sáng tạo quyết định, chúng ta không có quyền quyết định.

Điều này phát xuất từ Bà-la-môn giáo ở Ấn Độ tin tuyệt đối vào sự hiện hữu và quyền lực vô cùng của đấng tối cao Phạm Thiên.

Đức Phật ra đời, Ngài cũng thuộc lòng bốn bộ kinh Vệ-đà của Bà-la-môn giáo và Ngài còn biết sâu hơn nữa là các pháp môn đó nằm trong vòng sanh tử luân hồi. Nghĩa là sự sống lên xuống vô cùng tận từ trời xuống loài người cho đến thấp hơn nữa là a-tu-la, ngạ quỷ, địa ngục, súc sanh vẫn chịu sự chi phối của vòng xoay sanh tử bất tận, dù cho vị trí trời cao nhất là Đại Phạm thiên vương vẫn không thoát khỏi định luật sanh tử luân hồi.

Ngay trước khi Đức Phật hiện thân trên cuộc đời, có người đã tìm xem trên Phạm thiên có ai không và người ta cũng khám phá được, chứng được Tứ thiền cao hơn trời Đại Phạm. Từ trước, người ta vẫn nghĩ Đại Phạm sáng tạo loài người, nhưng tu chứng quả vị của Tứ thiền thì thấy không phải như vậy. Đó là đạo sĩ Uất Đầu Lam Phất đã tìm thấy Tứ không thiên cao hơn trời Đại Phạm. Và Thái tử Sĩ Đạt Ta đã tìm học và tu với ông này, không lâu sau đó Ngài liền chứng Tứ không. Phật giáo gọi đó là Tứ thiền Bát định.

Tu thiền của chúng ta khởi xuất từ chỗ này, trải qua quá trình sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, cộng với Tứ không gọi là Bát định (Tám định). Tám định là gì?

Chứng Tứ thiền qua định thứ nhất là Không vô biên xứ định. Theo Phật giáo, vào định này rơi qua trống không, không thấy vật hữu hình, hay đúng hơn, chúng ta thấy hư không vô biên.

Trên bước đường tu, nâng hiểu biết của chúng ta lên, nâng độ sáng của mắt huệ, thấy không có gì. Tạm ví cho dễ hiểu, giống như ngày nay, phát minh khoa học thấy thân con người qua quang tuyến X, không thấy hình hài con người nữa, nhưng thấy ruột, gan, tim, phổi, xương… của họ.

Nâng tầm nhìn thấy thế giới không là Không vô biên xứ, hay tâm chúng ta ở trong hư không, chỗ nào tâm cũng tới được, nên hư không vô biên, thì tâm chúng ta tới đâu biết tới đó.

Vì vậy, tu hành mở rộng tầm nhìn, sống bằng trí tuệ, không sống bằng thân vật chất hữu hạn. Và bằng trí tuệ, chúng ta thấy hư không vô biên. Hư không vô biên, nên Thức cũng trở thành vô biên. Vì hiểu biết của chúng ta nương theo hư không, nên hư không tới đâu, hiểu biết của ta tới đó. Vì thế, hành giả ngồi một chỗ nhưng trí tuệ rọi khắp mười phương thì hiểu biết của họ đi khắp mười phương gọi là Thức vô biên xứ.

Bình thường, người không tu hiểu biết ở chỗ nào thì kẹt ở chỗ đó. Nhận thức đúng đắn như vậy, phải thoát ra, đừng kẹt pháp để trí chúng ta đi xa đến chỗ khác nữa. Không kẹt pháp là trụ vào Vô sở hữu xứ định, nghĩa là đi đâu cũng được.

Quan sát thực tế cuộc sống để dễ nhận ra ý này, thí dụ Phật tử có gia đình, nhà cửa, tài sản thì tâm thức của quý vị luôn bị kẹt vào những thứ này, bị nó nhốt lại, không đi đâu được.

Nhưng thầy tu không có tài sản thì dễ bỏ hơn, hay đúng hơn là có gì đâu mà không bỏ được. Người tu sống với Vô sở hữu xứ định. Có bài kệ rất hay nói lý này như sau:

Nhứt bát thiên gia phạn

Cô thân vạn lý du

Kỳ vi sanh tử sự

Giáo hóa độ xuân thu.

Nghĩa là người tu có một bình bát, xin ăn ngàn nhà và đi trên con đường vạn dặm. Phật bảo hôm nay xin ăn chỗ này, ngày mai phải đi tới chỗ khác, đó là tu hành của Sa-môn, lập hạnh như vậy để không vướng bận chỗ nào. Phật nói không được ngủ quá hai đêm ở cùng một gốc cây. Vì ngủ một hôm cho đến ba hôm sẽ có suy nghĩ về chỗ ở, dễ tạo thành thói quen dính mắc với nó. Phật bảo không cho quen, phải đi, còn đi được cứ đi là đi đến tận cùng để thấy mình từ đâu tới đây và chết về đâu, gọi là kỳ vi sanh tử sự.

Lão Tử sống ở Trung Hoa, nhưng chết muốn về núi Tuyết. Ngài đi khắp thiên hạ, tìm người có duyên để giáo hóa. Có duyên là sao? Người có tầm nhìn, tư duy tương tự với ngài thì mới giáo hóa được.

Lão Tử chê Khổng Tử bày đặt nhiều chuyện đạo đức, phải làm cái này, không được làm cái kia, rồi cãi nhau dẫn đến khổ lụy. Lão Tử bỏ hết, vì những cái mà Khổng Tử nói là đạo đức chỉ ràng buộc người ta vô lý. Lão Tử và Khổng Tử là hai nhà hiền triết Trung Hoa có quan điểm sống hoàn toàn khác nhau.

Tôi nhắc Tăng Ni, Phật tử tìm bạn là tìm người có suy nghĩ và việc làm giống với mình, gọi là đồng hạnh đồng nguyện, mới hợp tác, giúp đỡ nhau được, đưa đến việc làm thành công chánh đáng và trí sáng thêm, Nếu nghe lời dụ dỗ liền tin theo một cách mù quáng để mong được phước là mê tín.

Tu theo Phật, không mê tín nhưng chánh tín. Có người nói mình thờ Phật, lạy Phật là mê tín, vì tượng Phật do mình tạo, rồi lạy. Tôi nói không phải mê tín, vì mình nhìn tượng Phật để thấy Phật, lạy Phật, không lạy tượng. Còn lạy tượng Phật, nghĩ tượng Phật ban phước là mê tín. Lạy Phật và nghĩ đến Phật, vị Thánh phước trí vẹn toàn, nên mình cung kính và noi theo những việc làm tốt đẹp của Ngài là chánh tín.

Ngày trước, khi chùa Huê Nghiêm vừa làm lễ an vị tượng Phật, có ông tướng công an đến thăm tôi. Tôi đưa ông lên chánh điện, ông lạy Phật rồi nói ông thấy Phật nhìn ông. Tôi nói nhờ ông có căn lành nên thấy như vậy. Thuở nhỏ, tôi đi tu, lạy Phật thấy Phật nhìn mình, thậm chí thấy Phật cười với mình.

Nhìn tượng Phật để thấy Phật và lạy Phật, không phải Phật là tượng. Tu hành vượt qua vật chất, vào tâm linh mới cảm nhận được điều này. Không có căn lành thì tu không đạt kết quả.

Lão Tử nhờ căn lành, nhìn thực tế cuộc sống mà thấy xa hơn trong xa xăm, từ đó mới hướng dẫn người ta tìm chân lý. Và các tôn giáo đều giống nhau điểm này. Đức Phật cũng vậy. Đầu tiên, trên bước đường tham học, Ngài học với Uất Đầu Lam Phất và tu đạt tới Không trụ xứ định (Không vô biên xứ định). Cao hơn nữa, Uất Đầu Lam Phất dạy pháp mà ông chứng đắc là Phi tưởng phi phi tưởng xứ định. Phật cũng thực tập theo và Ngài chứng được Tứ thiền Bát định là bằng với thầy Uất Đầu Lam Phất.

Phật hỏi Uất Đầu Lam Phất sau quả vị Tứ thiền Bát định còn có gì cao hơn không. Ông đáp đến đó là tột cùng rồi. Nhưng với trí tuệ, Phật nghĩ vẫn còn, chỉ vì ông chưa thấy thôi. Phật mới từ giã ông, Ngài về khổ hạnh lâm tu, tìm con đường mới. Từ điểm này, người ta coi đạo Phật xuất phát từ Bà-la-môn, nhưng Bà-la-môn chỉ biết đến Tứ thiền Bát định thôi, từ ngã rẽ này, họ không thấy biết thế giới cao hơn.

Phật về Khổ hạnh lâm, tìm thế giới tâm linh, quên thế giới vật chất, nghĩa là quên con người tứ đại mình đang sống. Thực tế là người có đời sống tinh thần cao thường quên sự đòi hỏi của thân này, nên họ nhịn ăn một tuần là bình thường, vì họ đang sống trong thế giới tâm tưởng, nhưng khi trở lại thực tế cuộc sống thì phải đáp ứng nhu cầu của thân vật chất.

Phật nhập Tứ thiền Bát định, sống trong thiền định, sống với trạng thái tâm thức, không sống với vật chất bên ngoài. Ngài an trụ thiền định ở Bồ Đề Đạo Tràng, tâm Ngài bừng sáng, đạt đến tột đỉnh của tuệ giác là Tam minh, Lục thông...

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.