Vậy, dựa trên nguồn tư liệu nào để hình thành nên tượng pháp đó và cơ sở của những nguồn tư liệu có độ khả tín như thế nào? Chuyên khảo sau sẽ cố gắng biện giải về những điều đó.
Cơ sở sự kiện Niêm hoa từ các bộ kinh lục
Truyện tích Niêm hoa vi tiếu được khái quát từ sự kiện, trong hội Linh Sơn, Đức Thế Tôn nâng cành hoa sen, khi ấy cả hội chúng đều ngơ ngác mà chỉ riêng có Tôn giả Ma-ha Ca-diếp mỉm cười. Do vậy, nên ngài Giác Ngạn 覺岸 (1286-?) trong tác phẩm Thích thị kê cổ lược (釋氏稽古略) đã khái quát: Thế Tôn niêm hoa, Ca-diếp vi tiếu (世尊拈花,迦葉微笑)1, gọi tắt là Niêm hoa.
Theo tư liệu lịch sử, truyện tích Niêm hoa lần đầu tiên được ghi nhận trong tác phẩm Quảng đăng lục (廣傳燈) của Lý Tuân Úc 李遵勗 (988-1038). Theo Phật Tổ thống kỷ, vào niên hiệu Cảnh Hữu (景祐) năm thứ ba (1036), Phò mã đô úy Lý Tuân Úc dâng Quảng đăng lục gồm ba mươi quyển, hoàng đế viết lời tựa và ban tặng danh hiệu là Thiên thánh Quảng đăng lục (天聖廣燈錄)2. Nội dung truyện tích Niêm hoa trong tác phẩm này được ghi nhận như sau:
Đức Như Lai thuyết pháp tại Linh Sơn, chư Thiên dâng cúng hoa. Thế Tôn cầm hoa khai thị cho đại chúng, ngài Ca-diếp mỉm cười. Thế Tôn bảo đại chúng rằng: Ta có Chánh pháp nhãn tạng, Niết-bàn diệu tâm, phó chúc cho Ma-ha Ca-diếp để lưu bố ở tương lai, chớ để đoạn tuyệt. Nhân đó, Ngài lấy y vàng Tăng-già-lê trao cho Ca-diếp3.
Cũng trong giai đoạn này, một bậc cao tăng ở thời Bắc Tống 北宋 (960-1127) tên là Khế Tung 契嵩 (1007-1072) đã biên soạn nhiều tác phẩm có đề cập đến sự kiện Niêm hoa. Đơn cử như tác phẩm Truyền pháp chánh tông ký (傳法正宗記), viết vào niên hiệu Gia Hữu (嘉祐) năm thứ bảy (1055), đã ghi:
Trong hội Linh Sơn, Như Lai nâng cành hoa hiển bày cho đại chúng và Ca-diếp mỉm cười, tức giống như phó pháp4.
Như vậy, hai tác phẩm Quảng đăng lục (廣傳燈) và Truyền pháp chánh tông ký (傳法正宗記) được xem là những tác phẩm đầu tiên ở thời Bắc Tống đề cập đến sự kiện Niêm hoa.
Cơ sở từ kinh điển
Theo phát hiện của kinh Quốc Công Vương An Thạch 荊國公王安石 (1021-1086), được dẫn lại từ tác phẩm Thích thị kê cổ lược (釋氏稽古略)5, và cũng được dẫn lại trong Phật Tổ lịch đại thông tải (佛祖歷代通載)6, thì sự kiện Niêm hoa có nguồn gốc từ kinh Phạm vương vấn Phật (梵王問佛經), với tên đầy đủ trong Tục tạng kinh là Đại Phạm thiên vương vấn Phật quyết nghi kinh (大梵天王問佛決疑經). Sự kiện Niêm hoa nằm ở phẩm thứ hai (拈華品第二)7.
Kinh ghi:
Bấy giờ, chúa tể của thế giới Ta-bà là Đại Phạm vương, tên là Phương Quảng, dùng căn thân được thành tựu từ tam thiên đại thiên thế giới, nâng cành hoa Diệu Pháp Liên Kim Quang Minh Đại Bà La dâng lên Đức Phật rồi lùi lại kính lễ và bạch Phật rằng:
- Thế Tôn nay đã thành Phật. Từ khi thành chánh giác đến nay đã năm mươi năm, Ngài thuyết pháp vô số, dạy bảo vô số, hóa độ tất cả chúng sanh hữu duyên. Nếu như chưa thuyết giảng đại pháp tối thượng thì xin Ngài hãy vì con và hàng Bồ-tát ở đời sau, vì chúng sanh phàm phu muốn thực hành Phật đạo mà tuyên thuyết giảng bày.
Bạch như vậy xong, [Phạm vương] liền dùng thân làm tòa, trang nghiêm thiên y, thỉnh Phật an tọa. Bấy giờ Như Lai, ngồi trên tòa báu, thọ nhận hoa sen, không lời không nói, chỉ cầm cành hoa, vào trong đại hội. Lúc đó, có tám vạn bốn ngàn đại chúng trời, người đều lắng đọng và im lặng. Ngay khi ấy, trưởng lão Ma-ha Ca-diếp thấy Phật nâng cành hoa khai thị Phật sự cho đại chúng liền an nhiên rạng rỡ mỉm cười. Đức Phật liền bảo rằng:
- Đúng vậy! Ta có Chánh pháp nhãn tạng, Niết-bàn diệu tâm, thật tướng vô tướng, pháp môn vi diệu, không lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, tổng trì nhậm trì, phàm phu thành Phật, đệ nhất nghĩa đế, nay đều giao phó cho Ma-ha Ca-diếp.
Nói xong thì [Ngài] im lặng.
Như vậy, đây có thể coi là cơ sở kinh điển đầu tiên có liên quan trực tiếp đến sự kiện Niêm hoa.
Biện minh của Vương An Thạch (王安石) về bản kinh Đại Phạm thiên vương vấn Phật quyết nghi kinh (大梵天王問佛決疑經)
Căn cứ vào lời Phàm lệ (凡例) trong ấn bản điện tử của Cbeta8 thì bản kinh này mất tên người dịch, không rõ niên đại nhưng có nhiều điểm tương đồng với kinh Đại bát Niết-bàn. Bản kinh này được lưu trữ bí mật trong vương phủ, là bảo vật của quốc gia, mới được phổ biến hơn ba trăm năm nay, cho nên lời nói chân thực của Vương Kinh Công (王荊公)9 và Tống Cảnh Liêm (宋景濂)10 không hề hư dối vậy.
Riêng nhận định về bản kinh này của Vương Kinh Công (王荊公), tức Kinh Quốc Công Vương An Thạch (荊國公王安石) là một thông tin có giá trị tham khảo.
Tác phẩm Phật Tổ lịch đại thông tải (佛祖歷代通載) dẫn lại cuộc hội thoại giữa Vương An Thạch và Thiền sư Phật Huệ, ghi rằng:
Sự việc Niêm hoa, kinh Quốc Vương Công nói với Phật Huệ Thiền sư Tuyền Vạn Quyển rằng: Tôi tự trông thấy được ghi chép đầy đủ trong kinh Phạm vương vấn Phật. Chỉ vì kinh này phần nhiều nói về việc đế vương và quốc gia, cất giữ bí mật ở trong cung nên người đời ít nghe nói đến11.
Cũng dẫn lại sự kiện này nhưng ngài Hối Nham Trí Chiêu (晦巖智昭) đã trình bày theo cách riêng:
Vương Kinh Công hỏi Thiền sư Phật Tuệ Tuyền: Nhà thiền gọi sự kiện Niêm hoa của Thế Tôn có xuất xứ từ kinh điển nào? Phật Tuệ đáp: Kinh tạng không ghi chép. Công đáp: Trong lúc đọc văn chương, tôi vô tình thấy kinh Đại Phạm thiên vương vấn Phật quyết nghi, gồm ba quyển, nhân đó đã duyệt kinh. Kinh văn ghi chép rất rõ ràng. Phạm vương đến Linh Sơn, đem hoa Kim Sắc Ba La dâng lên Phật, dùng thân làm sàng tòa, thỉnh Phật vì chúng sanh mà thuyết pháp. Thế Tôn thăng tòa, cầm hoa khai thị cho đại chúng, cả trăm vạn trời, người đều không hiểu ý gì, chỉ riêng Kim Sắc Đầu-đà12 rạng rỡ mỉm cười. Thế Tôn dạy: Ta có Chánh pháp nhãn tạng, Niết-bàn diệu tâm, thật tướng vô tướng, giao phó Ma-ha Ca-diếp. Kinh này phần lớn bàn về việc vua chúa thỉnh vấn Phật. Do vì cất giữ bí mật nên thế gian không có người hay biết13.
Như vậy, với những ghi nhận khá rõ ràng của Vương An Thạch (王安石), một vị quan thanh liêm và là người có niềm thâm tín Tam bảo; cùng với những suy tư, cân nhắc của ngài Niệm Thường (念常) trong tác phẩm Phật Tổ lịch đại thông tải (佛祖歷代通載) và của ngài Hối Nham Trí Chiêu (晦巖智昭) trong Nhân thiên nhãn mục (人天眼目), đã cho thấy rằng, quan điểm Niêm hoa vi tiếu có nguồn gốc từ bản kinh Đại Phạm thiên vương vấn Phật quyết nghi kinh (大梵天王問佛決疑經).
Khảo về những sự kiện liên quan đến ngài Ca-diếp trong kinh điển Hán tạng và Nikāya
Bên cạnh những tư liệu có liên quan trực tiếp đến sự kiện Niêm hoa kể trên, trong kho tàng kinh điển Nikāya và Hán tạng đã chuyên chở nhiều tư liệu có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến sự kiện này.
Theo kinh Tương ưng bộ (S.II.217), đã ghi lại tự thuật của ngài Ca-diếp về sự kiện Đức Phật ban y cho ngài Ca-diếp. Kinh ghi:
…24) Rồi này Hiền giả, Thế Tôn từ trên đường bước xuống và đi đến một gốc cây.
25) Rồi này Hiền giả, ta xấp tư tấm y Tăng-già-lê làm bằng vải cắt, rồi bạch Thế Tôn:
“- Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy ngồi xuống ở đây, để con được hạnh phúc an lạc lâu dài”.
26) Này Hiền giả, Thế Tôn ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn.
27) Sau khi ngồi xuống, này Hiền giả, Thế Tôn nói với ta:
“- Thật là mềm dịu, này Kassapa, là tấm y Tăng-già-lê này làm bằng vải cắt của ông”.
“- Bạch Thế Tôn, mong rằng Thế Tôn nhận lấy tấm y làm bằng vải cắt này từ nơi con, vì lòng từ mẫn đối với con”.
28) “- Này Kassapa, ông có dùng tấm y phấn tảo làm bằng vải gai thô, đáng được quăng bỏ của Ta không?”.
“ - Con sẽ dùng, bạch Thế Tôn, tấm y phấn tảo làm bằng vải gai thô, đáng được quăng bỏ của Thế Tôn”.
29) Như vậy, này Hiền giả, ta cúng cho Thế Tôn tấm y Tăng-già-lê làm bằng vải cắt; còn ta thời dùng tấm y phấn tảo của Thế Tôn, làm bằng vải gai thô đáng được quăng bỏ14.
Cũng ghi nhận sự kiện này, nhưng kinh Tạp A-hàm đã đồng thời bổ sung thêm nhiều chi tiết. Kinh ghi:
Tôi nghe như vầy15:
Một thời, Đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Tôn giả Ma-ha Ca-diếp sống lâu trong rừng vắng16 thuộc nước Xá-vệ, râu tóc mọc dài, đắp y phấn tảo, đi đến chỗ Phật trong lúc Ngài đang thuyết pháp cho vô số đại chúng vây quanh. Các Tỳ-kheo thấy Tôn giả Ma-ha Ca-diếp từ xa đi đến, thấy rồi liền khởi tâm khinh mạn và nói rằng: “Đây là hạng Tỳ-kheo gì vậy? Y áo tồi tàn, đến đây mà chẳng có dung nghi, đến đây mà y áo xốc xếch!”.
Đức Phật biết được tâm niệm của các Tỳ-kheo, liền bảo Ma-ha Ca-diếp:
- Hãy đến đây, Ca-diếp! Hãy ngồi xuống nửa tòa này. Ta nay không17 biết ai là người xuất gia trước. Thầy ư? Ta ư?
Khi đó, các Tỳ-kheo kinh hãi, toàn thân sởn gai ốc, nói với nhau:
- Kỳ lạ thay! Vị đó chính là Tôn giả Ma-ha Ca-diếp, đệ tử của Đại sư, đức độ lớn, thần lực lớn, được Thế Tôn mời ngồi nửa tòa18.
Tiếp theo, cũng ở kinh Tạp A-hàm, kinh số 1144 đã ghi nhận về sự kiện Đức Phật trao y cho Tôn giả Ca-diếp:
Thế rồi, ta lấy cái áo giá trị trăm nghìn lượng vàng đã cắt ra may thành y Tăng-già-lê ấy, gấp tư làm tòa. Lúc ấy, Thế Tôn biết ta chí tâm cầu đạo giải thoát nên khi ta trải y ấy làm tọa cụ, thỉnh Phật an tọa.
Ngài liền ngồi xuống, lấy tay sờ y, khen rằng: “Ca-diếp! Y này nhẹ mịn, y này mềm mại”.
Ta thưa: “Đúng vậy, bạch Thế Tôn! Y này nhẹ mịn, y này mềm mại, cúi xin Thế Tôn thọ nhận y này của con”.
Đức Phật bảo: “Ông hãy nhận lấy y phấn tảo của Ta, Ta sẽ thọ nhận y Tăng-già-lê của ông”.
Thế rồi, Phật liền tự tay trao y phấn tảo cho ta, ta liền dâng Phật y Tăng-già-lê. Ngài dần dần truyền dạy như vậy, trong vòng tám ngày, ta học pháp và thọ trì khất thực. Đến ngày thứ chín, ta đạt đến Vô học.
Này A-nan ! Nếu có ai đến hỏi thẳng: “Ai là pháp tử của Thế Tôn, từ miệng Phật sanh ra, từ Pháp hóa sanh, được giao phó gia tài Phật pháp:Các thiền, giải thoát, tam-muội, chánh thọ?”, thì nên đáp đó là ta, nói như thế mới đúng.
Đáng chú ý, trong kinh Đại bát Niết-bàn, sự kiện Đức Thế Tôn giao phó Chánh pháp cho tôn giả Ca-diếp cũng được khẳng định:
Tất cả Chánh pháp vô thượng của Như Lai nay đã giao phó cho Ma-ha Ca-diếp. Ma-ha Ca-diếp sẽ vì các thầy mà làm nơi nương tựa lớn. Giống như Như Lai vì các chúng sanh mà làm nơi nương tựa; Ma-ha Ca-diếp cũng lại như vậy, sẽ vì các thầy mà làm nơi nương tựa. Ví như quốc vương thống lãnh nhiều nơi, những lúc đi tuần thì đem hết việc nước giao phó cho đại thần. Như Lai cũng vậy, tất cả Chánh pháp cũng đã giao phó cho Ma-ha Ca-diếp19.
Có thể nói rằng, những nguồn tư liệu từ Tạp A-hàm và kinh Đại bát Niết-bàn có vai trò khá quan trọng vì làm cứ liệu cho nhiều bản sử truyện và kinh lục về sau, khi viện dẫn những sự kiện liên quan đến Tôn giả Ca-diếp. Có thể tìm thấy những liên hệ này qua Phó pháp tạng nhân duyên truyện (付法藏因緣傳)20, Cảnh Đức truyền đăng lục (景德傳燈錄)21, Truyền pháp chánh tông ký (傳法正宗記)22, Ngũ đăng hội nguyên (五燈會元)23, Tông cảnh lục (宗鏡錄)24…, thể hiện ở chi tiết Như Lai giao phó Chánh pháp cho Tôn giả Ca-diếp.
Nhận định
Tượng pháp của Phật giáo nói chung được định hình khá muộn và cơ sở của tượng pháp phần lớn dựa vào kho tàng kinh điển Phật giáo. Có thể thấy rõ điều này qua những công trình Phật giáo và tượng pháp còn lưu lại ở nền nghệ thuật Phật giáo Kiền-đà-la (Gandhara).
Với tượng pháp Niêm hoa vi tiếu, nếu như phát hiện của Vương An Thạch là đúng, thì kinh Đại Phạm thiên vương vấn Phật quyết nghi kinh (大梵天王問佛決疑經) là cơ sở lý luận đầu tiên để định hình nên tượng pháp này.
Xét về niên đại, những dữ liệu liên quan đến cơ sở tượng pháp Niêm hoa vi tiếu xuất hiện ở thời kỳ Bắc Tống (960-1127), tính đến nay khoảng một ngàn năm và sự kiện này đã được các bậc Đại sư có thẩm quyền của Phật giáo Bắc truyền ghi nhận.
Với những ghi chép chân thực về Tôn giả Đại Ca-diếp trong các bộ A-hàm và kinh điển Đại thừa nêu trên, qua những sự kiện quan trọng như: được Phật ban cho nửa tòa ngồi, được Phật ban y và giao phó Chánh pháp; những điều đó đã góp phần chứng minh sự tương thông và thấu cảm giữa ngài Ca-diếp và Đức Phật. Đây cũng là những cơ sở quan trọng để góp phần định hình nên truyện tích Niêm hoa vi tiếu, nếu như quan điểm của Vương An Thạch chưa đủ vững chãi.
____________
(1) Thích thị kê cổ lược 釋氏稽古略 (T.49. 2037.4. 0873a17).
(2) Phật Tổ thống kỷ 佛祖統紀 (T.49. 2035.45. 0410a04).
(3) Thiên thánh Quảng đăng lục 天聖廣燈錄 (X.78. 1553.2. 0428c02). Nguyên tác: 如來在靈山說法。諸天献華。 世尊持華示眾。 迦葉微笑。 世尊告眾曰。 吾有正法眼藏。 涅槃妙心。 付囑摩訶迦葉。 流布將來。 勿令斷絕。 仍以金縷僧伽梨衣付迦葉.
(4) Truyền pháp chánh tông ký 傳法正宗記 (T.51. 2078.1. 0718b23). Nguyên tác: 如來於靈山會中拈花示之。 而迦葉微笑。 即是而付法.
(5) Thích thị kê cổ lược 釋氏稽古略 (T.49. 2037.1. 0753b21).
(6) Phật Tổ lịch đại thông tải 佛祖歷代通載 (T.49. 2036.3. 0496a19).
(7) Đại Phạm thiên vương vấn Phật quyết nghi kinh 大梵天王問佛決疑經, 拈華品第二 (X. 01. 0027.1. 0442a01).
(8) Bản kinh này được nhập liệu và đưa vào Cbeta vào ngày 2-8-2023.
(9) Vương Kinh Công (王荊公), tức là Vương An Thạch 王安石 (1021-1086): Là một bậc học sĩ am tường Nho, Thích, giỏi văn chương, am tường kinh tế, chính trị, làm đến chức tể tướng và là một cư sĩ thuần thành. Theo Thích thị kê cổ lược 釋氏稽古略 (T.49. 2037.4. 0873a17), vào niên hiệu Hy Ninh (熙寧) năm thứ mười (1077), ông xin vua hiến cúng biệt phủ của mình ở Kiến Khang để làm ngôi thiền tự.
(10) Tống Cảnh Liêm 宋景濂 (1310-1381): Là một đại học sĩ, có nhiều đóng góp cho Phật giáo, đã từng đọc hết Đại tạng kinh. Xem, Tông giám pháp lâm 宗鑑法林 (X.66. 1297.35. 0496c15): Thiên nham nhân, Học sĩ Tống Cảnh Liêm đến hỏi kệ. Sư hỏi: Nghe ngài đọc xong Đại tạng, có phải vậy chăng? Cảnh Liêm đáp: Đúng vậy (千巖因宋景濂學士來謁。 師問。 聞公閱盡一大藏。 有諸。 士曰然).
(11) Phật Tổ lịch đại thông tải 佛祖歷代通載 (T.49. 2036.3. 0496a19). Nguyên tác: 拈花之事荊國王公對佛惠禪師泉萬卷言。 親見於梵王問佛經中。 具載。 但此經多言國家帝王之事。 藏之祕府。 世故罕聞.
(12) Kim Sắc Đầu-đà (金色頭陀). Chỉ cho ngài Ca-diếp, có thân hình màu vàng với hạnh Đầu-đà.
(13) Nhân thiên nhãn mục 人天眼目 (T.48. 2006.5. 0325b06). Nguyên tác: 王荊公問佛慧泉禪師云。 禪家所謂世尊拈花。 出在何典。 泉云。 藏經所不載。 公曰。 余頃在翰苑。 偶見大梵天王問佛決疑經三卷。 因閱之。 經文所載甚詳。 梵王至靈山。 以金色波羅花獻佛。 舍身為床座。 請佛為]眾生說法。 世尊登座拈花示眾。 人天百萬。 悉皆罔措。 獨有金色頭陀。 破顏微笑。 世尊云。 吾有正法眼藏涅槃妙心實相無相。 分付摩訶大迦葉。 此經多談帝王事佛請問。所以祕藏世無聞者.
(14) Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam, tập 3, Kinh Tương ưng bộ, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB.Hồng Đức, 2020, tr.451.
(15) Tạp. 雜 (T.02. 0099.1142. 0302a01). Tham chiếu: Biệt tạp. 别 雜 (T.02. 0100.117. 0416c07); S.16.9 - II.210.
(16) Nguyên tác A-luyện-nhã sàng tọa xứ (阿練若床坐處). Theo, Biệt tạp. 别 雜 (T.02. 0100.117. 0416c08): Ở nơi biên địa, trải cỏ mà ngồi (在於邊遠, 草敷而住).
(17) Tạp A-hàm kinh luận hội biên 雜阿含經論會編 (Y.32. 0030.07. 0578a07) nghi ngờ bỏ quên chữ bất (不). Bản dịch bổ sung dựa trên cơ sở này.不不
(18) Sư kiện Thế Tôn nhường nửa tòa cho Tôn giả Ca-diếp còn được ghi nhận ở kinh Tăng Nhất A-hàm, Tự phẩm 序品 (T.02. 0125.1. 0549b09): Tôn giả Ca-diếp trí lực đầy/ Diệu pháp Thế Tôn đã trao ngài/ Hãy vì chúng sanh thưa Trưởng lão/ Bậc được nửa tòa của Như Lai. (今尊迦葉能堪任, 世雄以法付耆舊, 大迦葉今為眾人, 如來在世請半坐).
(19) Đại-bát Niết-bàn kinh, Ai thán phẩm 大般涅槃經, 哀歎品 (T.12. 0375.3. 0617b24). Nguyên tác: 我今所有無上正法悉以付囑摩訶迦葉。 是迦葉者, 當為汝等作大依止。 猶如如來為諸眾生作依止處; 摩訶迦葉亦復如是, 當為汝等作依止處。 譬如大王多所統領, 若遊巡時, 悉以國事付囑大臣。 如來亦爾, 所有正法亦以付囑摩訶迦葉.
(20) Phó pháp tạng nhân duyên truyện 付法藏因緣傳 (T.50. 2058.2. 0302c15).
(21) Cảnh Đức truyền đăng lục 景德傳燈錄 (T.51. 2076.1. 0206c05). Nguyên tác: 昔如來以大法眼付大迦葉.
(22) Truyền pháp chánh tông ký 傳法正宗記 (T.51. 2078.1. 0718b23).
(23) Ngũ đăng hội nguyên 五燈會元 (X.80. 1565.1 . 0031a19).
(24) Tông cảnh lục 宗鏡錄 (T.48. 2016.97. 0937c21).