Tiến sĩ Bhimrao Ramji Ambedkar với những tác động thay đổi xã hội ở Ấn Độ

NSGN - Nổi lên trong số hàng triệu người để thiết lập một trật tự xã hội công bằng, Tiến sĩ Ambedkar là một một học giả, một nhà cải cách xã hội xuất sắc, một người yêu nước,một nhà lập pháp đáng nể trọng; và là một nhà lãnh đạo tôn giáo có tầm nhìn xa, là vị anh hùng của sự phục hưng Phật giáo đương đại ở Ấn Độ.

Chắc chắn, trong biên niên sử của sự hồi sinh Phật giáo trên toàn thế giới, Ambedkar như một ngọn hải đăng nổi bật cho mọi thời đại và lĩnh vực. Đồng thời, tầm nhìn và trí tuệ của ông đã đóng góp lâu dài cho ý thức xã hội của nhân loại. Tuy nhiên, trong khuôn khổ giới hạn, bài viết này đề cập đến việc truy tìm ý nghĩa văn hóa và tinh thần Phật giáo nhập thế mà Tiến sĩ Ambedkar đã vận dụng qua các việc làm để mang đến một cuộc cách mạng vĩ đại và đồng thời nêu lên những tác động dẫn đến thay đổi xã hội ở Ấn Độ.

Tiến sĩ Bhimrao Ramji Ambedkar

Tiến sĩ Bhimrao Ramji Ambedkar

1. Mở đầu

Tiến sĩ Bhimrao RamjiAmbedkar - nhà lãnh đạo, người có đóng góp trong việc thành lập Hiến pháp Ấn Độ, một trong những người đấu tranh để thiết lập một trật tự xã hội công bằng - tuyên bố cải đạo sang Phật giáo(1) vào ngày 14-10-1956 tại Nagpur với các nguyên tắc bắt nguồn từ triết lý của Đức Thế Tôn: “Về mặt tích cực, triết lý xã hội có thể được gói gọn trong tự do, tình ái hữu và bình đẳng. Tôi đã vay mượn triết học ấy từ cuộc Cách mạng Pháp, nhưng triết lý của tôi bắt rễ từ tôn giáo chứ không phải từ khoa học chính trị. Tôi đã rút những nguyên tắc này từ những lời dạy của Đức Phật - bậc Thầy của tôi(2).

Sự kiện vĩ đại này khiến thế giới đã chứng kiến như một hiện tượng cải đạo tập thể(3) chưa từng có, khiến Ambedkar được biết đến như một người phục hưng Phật giáo vĩ đại nhất trong thời hiện đại, và tư tưởng của ông về Phật giáo trở nên quan trọng hơn. Phật giáo đã trao cho những người ngoài lề xã hội một cuộc đời mới và ông trở thành vị cứu tinh. Ông gắn bó với Phật giáo, từ những năm 1920, trong các hoạt động mang chiều hướng xây dựng và tích cực cho triết lý của Đức Phật và dẫn đến xây dựng một xã hội bình đẳng, nhân đạo và đạo đức(4).

2. Truy tìm những ý nghĩa văn hóa và tinh thần Phật giáo nhập thế

Việc tìm kiếm các giá trị đạo đức, thực hành nghi lễ, tu luyện tâm linh và ý nghĩa siêu việt trong một thế giới hỗn loạn, trong khi vẫn tồn tại một sự hiện hữu công khai trong trật tự đô thị mới, thì thường nghĩ đến Phật giáo. Một số người không chuyển sang Phật giáo một cách rõ ràng khi trở về quy y, nhưng đúng hơn là trở lại nguồn cội tâm linh đạo đức, không chỉ cung cấp cho xã hội và văn hóa mà còn cho hoạt động chính trị. Đã trở về với đạo Phật trong thời điểm học Phật như mốt thời thượng; nhiều cuộc cách mạng đã nói về và tạo ra một vấn đề lớn từ Phật giáo.

Chúng là trung tâm của sự cạnh tranh chính trị - văn hóa xã hội địa phương và các mối quan hệ giữa các nhóm thế lực để liên kết cộng đồng xuyên biên giới khi đối mặt với hạn hán và dịch bệnh; nhưng không bị ảnh hưởng bởi những làn sóng cải cách của người ưu tú theo chủ nghĩa đổi mới của các bộ phận dự án nhà nước, và những biến động của sự thay đổi xã hội và chính trị. Tuy nhiên, hiệu ứng của lòng mộ đạo, cũng như niềm tin vào đạo hằng ngày, thường mong muốn về một quan niệm sống hữu ích, hòa bình, ổn định và hoàn thiện cá nhân - xã hội nhằm đạt được lý tưởng hạnh phúc. Cho nên, điều thực sự khiến họ quan tâm chính là những thái độ cơ bản trong cuộc sống: một trái tim nhân ái và một hệ thống nhân quả báo ứng rõ ràng.

Tất nhiên, phần lớn những gì làm che khuất và làm mờ đi những nỗ lực khi tiếp cận Phật giáo trong xã hội địa phương, xuất phát từ nhà nước hiện đại và các dự án mang tính cải cách của giới ưu tú, trong đó một cách chính thức hoặc trong văn hóa dân tộc công khai đã hợp thức hóa, hợp pháp hóa các hình thức và biểu hiện khác nhau của tôn giáo.

Thuật ngữ “Engaged Buddhism” (Phật giáo nhập thế) trở nên phổ biến trong những năm 1980, được nêu lên vào năm 1963 trong tác phẩm Hoa sen trong biển lửa của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, nhằm mô tả cuộc đấu tranh của các nhà sư hoạt động trong chiến tranh Việt Nam, và đưa ra cách giải thích mới về khái niệm giải phóng. Thuật ngữ này cố gắng hiện thực hóa lý tưởng của trí tuệ và từ bi của Phật giáo, biểu thị sự tham gia của Phật giáo vào các vấn đề của xã hội, và là giải pháp lâu dài hiệu quả cho các vấn đề và thách thức của xã hội đương đại.

Như vậy, Phật giáo đi vào cuộc đời bằng cách đóng góp có ý thức vào việc chuyển hóa đau khổ cho chúng sinh. “Điều này có nghĩa là sự cam kết sâu sắc và sự chuyển đổi cá nhân để giúp chúng ta trở nên vị tha hơn và bớt đi tính ích kỷ. Để làm được điều này, cần phải ngày càng có trách nhiệm đạo đức với xã hội; đây là bản chất của Phật giáo, từ thời cổ đại cho đến hiện tại(5), nói theo nhà cải cách Thái Lan Sulak Sivaraksa.

Tiến sĩ B. R. Ambedkar qua tác phẩm “Annihilation of Caste”, đưa ra luận điểm, cuộc cách mạng chính trị luôn được tiến hành bởi một cuộc cách mạng văn hóa. Trước khi chuyển đổi tôn giáo, ông đã không tự nhận mình là Tiểu thừa hoặc Đại thừa mà mô tả khái niệm Phật giáo của ông là Tân Phật giáo và gọi nó là Tân thừa. Ông đã giải thích Phật giáo trong bối cảnh những thách thức đối với thế giới đương đại(6). Do đó, ông nhấn mạnh Phật giáo dấn thân không còn là mục tiêu cá nhân liên quan đến sự an lạc và tự do nội tâm và tâm giác ngộ, mà là ý tưởng tập hợp của thức tỉnh thế giới, không phải trong đời sống tương lai, mà trong cuộc đời này, trên mặt đất.

Từ góc độ này, bằng cách trở về nơi xuất phát và nắm lấy Phật giáo, ông đã tìm cách thực hiện ở Ấn Độ cuộc cách mạng xã hội và văn hóa, và biến nó thành nền tảng của trật tự xã hội dân chủ mới ở Ấn Độ.

3. Những thay đổi xã hội ở Ấn Độ qua việc làm của Ambedkar

3.1 Dùng chính trị như một công cụ thay đổi xã hội và các chương trình phúc lợi

Sự hồi sinh Phật giáo Ấn Độ, phương diện khảo cổ, bởi James Princep, Alaxander Cunningham, William Jones, v.v. diễn tiến từ 1750 đến 1890; phương diện tôn giáo, Anagarika Dharmapala - một Phật tử Srilanka, thành lập Hội Maha Bodhi ở Tích Lan vào ngày 31-5-1891 và sự đóng góp của ông cho việc phục hưng Phật giáo(7). Nhưng vào năm 1950, áp dụng tích cực học thuyết xã hội của Phật giáo ở mức độ đại chúng, Tiến sĩ B.R.Ambedkar, bấy giờ là Chủ tịch của Ủy ban soạn thảo Hiến pháp, đã chọn tượng sư tử trên đầu trụ đá của vua Ashoka và bánh xe Pháp luân làm những biểu tượng quốc gia của Ấn Độ độc lập.

Do đó, ngay khi đặt nền móng văn hóa chính trị Ấn Độ hiện đại, Ambedkarđã nhấn mạnh đến vai trò đặc biệt của Phật giáo. Bởi vì, bấy giờ, chủ nghĩa hiện đại Phật giáo đã thịnh hành toàn cầu và phổ biến trong giới trí thức. Ôngbiện luận, để thành tựu được tiến bộ này, đòi hỏi một niềm tin tôn giáo và chính Phật giáo sẽ phù hợp nhất với Ấn độ trong kỷ nguyên hiện đại này, chứ không phải Ấn giáo hay Cơ Đốc giáo. Ông nói: “Phật giáo là một phần của văn hóa Bharatiya (Ấn Độ). Tôi nghĩ rằng việc cải đạo của tôi sẽ không làm tổn hại đến nền văn hóa và lịch sử của xứ sở này(8).

Tuy nhiên, gần đây, bùng nổ sự hồi sinh các hoạt động tôn giáo đã nhanh chóng nâng cao tầm nhìn tôn giáo một cách tổng quát trong toàn bộ thời kỳ hiện đại. Các học giả nghiên cứu tôn giáo đã ra đời nhằm thách thức các giả định khoa học xã hội lâu đời về tính hiện đại thế tục. Những học giả đã nêu lên những nghi vấn về đời sống tôn giáo Ấn Độ đã thay đổi và thích nghi như thế nào trong điều kiện hiện đại, hơn là bị suy tàn. Các học giả này chủ yếu truy nguyên sự biến đổi các truyền thống tôn giáo, cộng đồng, tập quán và tập tục dưới tác động của các hệ tư tưởng hiện đại và các quy trình xã hội như truyền bá chủ nghĩa dân tộc, sự phát triển của nền kinh tế tư bản và sự lớn mạnh của nhà nước thế tục(9).

Nghiên cứu về Phật giáo Ấn Độ hiện đại tập trung chủ yếu vào việc chuyển đổi và tái cấu trúc các truyền thống tôn giáo; và gần đây đã được thúc đẩy bởi tầm nhìn xa của họ ở Ấn Độ ngày nay, dù hiếm khi được kết nối với học giả nghiên cứu tôn giáo này. Trong số đó đã tiếp cận chủ đề này từ góc độ lịch sử tri thức bằng cách khảo sát các nhà tư tưởng Phật giáo then chốt của thời đại; làm thế nào để diễn giải lại các truyền thống giáo lý Phật giáo, thường hồi đáp với các hệ tư tưởng hiện đại như vô chính phủ hay khoa học như thế nào.

Những người đóng góp đều đang tiên phong nghiên cứu để phục hồi vai trò năng động và sáng tạo của Phật tử và Phật giáo thời Ấn Độ hiện đại, từ đầu thế kỷ XX đến nay. Họ làm rõ chi tiết quá trình hình thành và những nỗ lực ưu việt, không chỉ quan trọng đối với việc tạo ra các hình thức đặc biệt của Phật giáo Ấn Độ hiện đại và trải nghiệm của tín đồ Phật giáo, mà còn bộc lộ tầm quan trọng, những hình thái Phật giáo đặc thù bị lãng quên, và những đóng góp cho sự phát triển lịch sử Ấn Độ.

Ông lập luận, ngay từ đầu đã coi chính trị như một công cụ thay đổi xã hội mạnh mẽ; về cơ bản, vấn đề của những người cùng đinh là vấn đề chính trị. Do đó, vào năm 1936, ông thành lập Đảng Lao động Độc lập (ILP) và vào năm 1937, tranh cử trong cuộc bầu cử cấp tỉnh đầu tiên tại bang Maharashtra. Bản tuyên ngôn của ILP đã dành trọn các vấn đề phúc lợi của công nhân công nghiệp, phụ nữ, nông dân và hết thảy cùng đinh xã hội. Về sau, do một số ép buộc chính trị, ông phải giải thể ILP và vào năm 1946, lập Liên đoàn giai cấp cùng đinh toàn Ấn Độ. Mặc dù không ghi lại thành công nào, nhưng quan trọng là sự nhấn mạnh vào việc chia sẻ quyền lực chính trị như một công cụ thay đổi xã hội.

Trong giai đoạn 1942-1946, Tiến sĩ Ambedkar là thành viên trong Hội đồng Hành pháp của Toàn quyền Anh quốc và được bổ nhiệm làm Bộ trưởng bộ Lao động. Nhằm đặt nền tảng của chính sách Lao động Ấn Độ miễn phí, ông đã thực hiện các chương trình phúc lợi cho các tầng lớp lao động và khởi xướng các chính sách và pháp luật thực dụng bao gồm tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế và các khía cạnh của lao động.

3.2 Đấu tranh nhân quyền cho người cùng đinh và giải phóng phụ nữ

Năm 1924 ông thành lập Hiệp hội phúc lợi cho người cùng đinh và bắt đầu phong trào với cuộc chiến thiết lập các quyền cơ bản của những con người thuộc giai cấp này. Ông tuyên bố, “Chỉ có một người duy nhất đã cất lên tiếng nói chống lại sự phân chia [đẳng cấp] và giải phóng tầng lớp tiện dân, đó chính là Đức Phật”(10). Người cùng đinh, chẳng hạn, không được uống nước từ các ao và giếng công cộng mà lại cho động vật uống. Cho nên, ông lãnh đạo phong trào tuần hành bất bạo động với hàng ngàn tín đồ tham gia đến hồ nước Chavadar ở thị trấn Mahad, quận Raigad, bang Maharashtra vào ngày 25-3-1927 và thành công.

Trong phong trào giải phóng xã hội cho những người cùng đinh, cuộc tuần hành này đã trở thành bước ngoặt và cột mốc quan trọng. Sau đó, ông quay sang đấu tranh lối vào đền thờ Kalaram - nơi sùng kính của người theo đạo Hindu, tại Nasik, Maharashtra. Ở đây, ông ít quan tâm nhất đến lối vào đền thờ cho mục đích tôn giáo, mà chỉ muốn thiết lập lối vào đền thờ như một quyền cơ bản của những người cùng đinh(11).

Với tư cách là Bộ trưởng Tư pháp của Ấn Độ độc lập, Tiến sĩ Ambedkar quan tâm đến việc giải phóng phụ nữ cũng như hạng cùng đinh nên đã biên soạn bộ luật Hindu Code Bill để trao cho phụ nữ Ấn Độ tất cả các quyền ngang bằng với nam giới. Ambedkar thi hành nhiều cam kết đối với quyền tố tụng của người phụ nữ và muốn trao quyền cho họ; và khi Chính phủ không thể xem xét thông qua luật pháp, ông đã từ chức.

Quyết định thành lập Hội Giáo dục Nhân dân vào năm 1945 là đóng góp mang tính cách mạng lớn nhất của ông, vì biết rõ tầm quan trọng của giáo dục như một công cụ trao quyền cá nhân và giải phóng xã hội hoặc xã hội bền vững. Tiến sĩ Ambedkar lập trường đại học kinh doanh và thương mại ngay trung tâm thành phố Mumbai, cho phép sinh viên đang đi làm theo đuổi giáo dục đại học; nếu không, cánh cửa của giáo dục đại học đối với họ sẽ bị đóng vĩnh viễn; vì biết rằng các sinh viên từ các cộng đồng nghèo, lạc hậu về kinh tế sẽ không thể theo đuổi giáo dục đại học toàn thời gian và họ sẽ phải kiếm tiền và vừa học tập.

Qua đây cho thấy, bởi vì Ambedkar ủng hộ chủ nghĩa xã hội nên không muốn giới hạn chủ nghĩa xã hội chỉ nơi lĩnh vực cải cách kinh tế. Ông nói, “Nếu tự do là điều lý tưởng, nếu tự do có nghĩa là phá bỏ quyền thống trị, điều khiến một người nắm giữ một người khác, vậy thì rõ ràng là không thể chỉ nhấn mạnh vào việc cải cách kinh tế. Nếu nguồn gốc của quyền lực và sự thống trị, tại bất kỳ thời điểm nào hay bất kỳ xã hội nào, là xã hội và tôn giáo, vậy thì cải cách xã hội và cải cách tôn giáo phải được chấp nhận như phần cần thiết của cải cách(12).

4. Những ảnh hưởng thay đổi xã hội ở Ấn Độ qua việc cải đạo của Ambadkar

4.1 Các tổ chức xã hội với hệ tư tưởng hiện đại

Sự hồi sinh của Phật giáo đã kéo theo sự hưởng ứng của những người mới, phần lớn đóng góp vào việc xây dựng các hình thức mới của tổ chức dân sự đô thị và hoạt động xã hội, văn hóa truyền thông đại chúng; tính đồng nhất văn hóa xã hội và các hình thức thể hiện; tự do ngôn luận và hệ thống chính trị.

Các nam cư sĩ ưu tú đi đầu trong các dự án giáo dục, phúc lợi xã hội, từ thiện và truyền thông, xuất bản. Điển hình cho việc kết hợp và vận động giới tinh hoa thành phố cho hoạt động xã hội, và trong nhiều trường hợp, đàm phán thành công với chính quyền nhà nước, các hiệp hội cư sĩ, tức là nhiều cư sĩ đã kết nối với nhau giữa các khu vực và trên toàn quốc cũng như mối liên kết hàng dọc giữa các đồng đạo trên cơ sở kinh tế xã hội và giáo dục khác nhau. Trọng tâm của việc này là hình thành một dự án cộng đồng xã hội.

Từ đó, giới thượng lưu Phật giáo và các hiệp hội cư sĩ đã trở thành một trong những lực lượng đáng gờm nhất đối với giới lãnh đạo dân sự Ấn Độ. Lý giải cho ý nghĩa xã hội này chính là giới tinh hoa hiện đại đã đầu tư vào dự án có tầm quan trọng bật nhất của hoạt động Phật giáo làm thay đổi hình ảnh lịch sử của Ấn Độ. Hơn nữa, các hiệp hội và cộng đồng Phật giáo được thành lập mang tính hợp pháp và mở rộng phạm vi tham gia vào mạng lưới Phật giáo rộng lớn, liên kết các Tăng sĩ và tín đồ khắp cả nước. Nhiều cư sĩ Phật giáo hoạt động ở các trung tâm đô thị đã khẳng định là một Phật tử xứng tầm, rạng danh vào thời kỳ bình minh của kỷ nguyên mới hiện đại. Điều này liên quan chặt chẽ đến những nỗ lực chung nhằm thiết lập một vị trí xã hội hợp pháp và mở rộng sự ảnh hưởng.

Có nhóm Phật tử hiện đại, những người theo chủ nghĩa cải cách quan tâm đến việc thúc đẩy bình đẳng giới thông qua hướng giáo dục mới dành cho Ni giới và các tổ chức chính trị và xã hội then chốt; và hết lòng xây dựng một Phật giáo Ấn Độ phù hợp với nhận thức hiện đại. Điều đó phần nhiều gây nên sự tranh chấp giữa những người bảo thủ và cải cách. Tuy nhiên, ngày càng rõ ràng, cả hai bên đã đổi mới và điều chỉnh một số phạm vi để tham dự các diễn thuyết chính, quan trọng trong thời đại thay đổi chính trị, văn hóa và xã hội đầy kịch tính. Hơn nữa, các hoạt động xã hội sớm đưa ra quan điểm liên kết cải cách tôn giáo tiến bộ với sự ủng hộ dự án thức tỉnh quốc gia, đã cung cấp cái nhìn sâu sắc nhất về nhân vật Phật giáo, những người mà nỗ lực phục hưng giá trị đạo đức và tinh thần trong kỷ nguyên chủ nghĩa dân tộc.

4.2 Chấn hưng và hồi sinh niềm tin Phật giáo

Sự chấn hưng Phật giáo Ấn Độ trong thời kỳ hiện đại; một phần là nỗ lực chống lại sự che khuất và không xem trọng lịch sử Phật giáo và tín đồ trong cố sự mang tính thống trị giữa dòng chảy lịch sử. Ambadkar đã đặt tôn giáo vào trung tâm của lịch sử Ấn Độ hiện đại. Tuy nhiên, trong khi khẳng định ý nghĩa, tính phổ quát và sự ảnh hưởng của Phật giáo, phần lớn được thể hiện rõ ràng nhất trong các hình thức được kết nối đặc biệt. Thật vậy, càng mở rộng tầm nhìn về các kiểu Phật giáo và tín đồ khác nhau sinh sôi nảy nở, sự hiện hữu mang tính lịch sử văn hóa xã hội của Phật giáo càng ngày càng rõ ràng.

Hiểu rõ giá trị bối cảnh lịch sử xã hội rất quan trọng đối với điều này, nhưng cũng có nghĩa là chú ý kín kẽ tới các nguồn lực và hình thức văn hóa tôn giáo cụ thể được chấp nhận và nằm ở các trung tâm điểm có nhiều Phật tử sinh sống. Ở đây, có một sự cẩn trọng đi kèm những biểu đạt khác biệt về thái độ phân tích liên quan đến tôn giáo để tránh đưa ra các yêu sách tôn giáo dựa trên giá trị bề ngoài, hoặc tệ hơn là trở thành người xin lỗi vì các chương trình nghị sự tôn giáo. Tuy nhiên, các đánh giá khô khan quá mức về rủi ro định giá tôn giáo, bộc lộ một biến dị khác trong các ý nghĩa xã hội phổ biến, thì tác động chưa định hình được của những điều trên mang lại sự rỗng tuếch.

Được định hướng theo các nguyên tắc đạo đức cốt lõi nên chuyển hóa cá nhân và làm mới tinh thần, siêu việt và siêu hình, và các vấn đề của sinh và tử, những tương tác như vậy thường được xem trọng với ý nghĩa tồn tại sâu sắc không dễ bị đánh bật. Điều này không làm giảm khái niệm đức tin, dù trình độ của Phật tử và không phải Phật tử, gồm nhiều người ưu tú, có sở học thế tục hiện đại, tin vào nghiệp, hiện tượng siêu nhiên hoặc chuyển đổi sang Phật giáo bằng cách dựa trên nhận thức về kinh nghiệm tâm linh.

Thế kỷ XX nổi tiếng với những diễn thuyết gia tăng của chủ nghĩa thế tục; nhưng ở Ấn Độ, cũng như nhiều nơi trên thế giới, cũng là thời đại của sự bất ổn, hỗn loạn, hủy diệt hàng loạt và bạo lực khiến nhiều người tìm kiếm ý nghĩa nội tâm sâu sắc trong chính mình, trong các truyền thống trí tuệ quá khứ và vượt ra ngoài bề mặt thực tại. Chúng ta có thể nhận ra rõ hơn sự tìm cầu ý nghĩa của Phật giáo như một định hướng uy lực được công nhận rộng rãi, đáng tin cậy và gắn liền với tính xác thực trong mắt những người trong và ngoài cộng đồng Phật giáo; và điều đó, dù có quan hệ tốt với ai khác, với sự thúc đẩy tương đương, cũng lặp đi lặp lại khuyến khích Phật tử dấn thân xã hội. Vẫn còn nhiều việc phải làm để kiểm tra và khảo sát mức độ thay đổi của bằng chứng này, nhưng chắc chắn có nhiều dấu hiệu cho thấy chúng ta mới chỉ bắt đầu đánh giá động lực văn hóa của Phật giáo trong lịch sử hiện đại của Ấn Độ và tiếp tục liên quan cho đến ngày nay như là một tiềm lực phong phú về xã hội, chính trị và sáng tạo văn hóa.

Phật giáo là một thực thể hoàn hảo; là một mảng tích hợp sâu sắc về mặt lịch sử và xã hội của các nguồn lực văn hóa phong tục, khái niệm, thể chế. Trong số các nguồn văn bản của Phật giáo về kinh điển, kệ tụng và các văn bản nghi lễ đã xuất hiện các hình thức triết học tinh vi về biện luận, logic, phép biện chứng, siêu hình học và đạo đức, cũng như các chủ nghĩa phổ quát và siêu việt. Dòng chảy này không chỉ từ các văn bản mà còn thông qua biểu hiện mỹ thuật và kịch nghệ; và thực hành nghi lễ là các quan niệm của Phật giáo về các chu kỳ vũ trụ, nguyên nhân và kết quả của nghiệp, tái sinh và cứu độ. Tương tự, những hình ảnh và cố sự của các đấng siêu nhiên được lưu truyền rộng rãi, như Phật, A-la-hán, Bồ-tát, Ma vương, thần A-tu-la, v.v. Hầu hết được nghĩ như là các vị thần, không những là quốc độ tinh thần của họ mà còn là cõi Tịnh độ và địa ngục của Phật giáo. Phần lớn Phật giáo được trải nghiệm thông qua các nghi thức tụng kinh, tự tu tập, ăn chay; và được biết đến qua một loạt các nghi thức bảo hộ như sự sám hối, cầu an và cầu siêu.

Những người đóng góp nghĩ rằng những gì được cố kết dưới danh nghĩa phục hưng Phật giáo lại cấu thành một đơn thể, vận động mạch lạc, không đơn điệu; tất cả đều biểu hiện những ý nghĩa quan trọng của Phật giáo thời kỳ hiện đại. Nhiều nỗ lực cho các dự án phục hưng giới Tăng sĩ và cư sĩ mà phần lớn vì sự tác động hiển nhiên của xã hội, văn hóa và chính trị đã bị bỏ qua. Đã xuất hiện các Tăng sĩ và cư sĩ nổi tiếng, những người cư sĩ truyền cảm hứng cho cải cách Phật giáo, nhiệt huyết với tôn giáo, và dấn thân vào xã hội và chính trị.

Bị thúc đẩy và thuyết phục bởi hoạt động truyền giáo của các mô hình tôn giáo hiện đại, một số trong những vị phục hưng Phật giáo đã trở thành nhà lãnh đạo tôn giáo thành công nhất trong việc thành lập các tổ chức, đoàn kết và tự khẳng định tổ chức tôn giáo trong việc đàm phán với các cơ quan chính quyền. Như vậy, điều đó đã khẳng định sự thành công trong việc dễ dàng đưa Phật giáo trở thành tôn giáo Ấn độ đối với nhà nước hiện đại. Các hoạt động Phật giáo đã trở thành trung tâm của sự bùng nổ tôn giáo và trở thành mốt thời thượng từ tổ chức đến nhận thức một Phật giáo công chúng nổi bật; một phần tử mà nhà nước hiện đại mới nổi cần đàm phán để tìm cách tái trật tự xã hội. Trong quá trình kiến tạo những hình thái và những vị trí mới cho chính họ như những người theo đạo Phật trong một xã hội Ấn Độ hiện đại mới xuất hiện.

5. Kết luận

Tiến sĩ B.R. Ambedkar suốt cuộc đời đã trao cho Phật giáo một chiều hướng tích cực và mang tính xây dựng dưới mọi hình thức của những chương trình, hành động và dịch vụ, giúp trao quyền cho người bị áp bức và đưa xã hội đến giai đoạn phúc lợi xã hội cao hơn. Đây là bản chất của Phật giáo dấn thân. Đây là những gì Đức Phật nhắn nhủ, vì hạnh phúc, vì lợi ích cho quần chúng. Do đó, điều cần thiết đối với các Phật tử là phải thực hiện tất cả các hoạt động từ thiện và xây dựng như vậy để tăng cường phúc lợi. Để thực hiện mục tiêu này, phải tổ chức và đoàn kết, phải thoát khỏi những cố chấp nông cạn và bè phái, và cũng cần vượt qua chủ nghĩa vị kỷ. Tóm lại, nêu không có Tiến sĩ Ambedkar và sự hồi sinh của Phật giáo thì những tác động dẫn đến thay đổi xã hội ở Ấn Độ sẽ không xảy ra.

____________

(1)Tại một hội nghị của tầng lớp bị áp bức được tổ chức tại Yeola (Nasik), ông tuyên bố: “Tôi sinh ra là một người Hindu, nhưng tôi sẽ không chết như một người Hindu, vì đây là quyền của tôi”. (Singh, Ravi Shankar. (2011) “Dr. B.R. Ambedkar’s Role in Revival of Buddhism and It’s Impact on Socio-Economic Development of Ignored Humanity in India”, Buddhist Virtues in Socio-Economic Development. Mahachulalongkornrajavidyalaya University Press, p.150).

(2)“Positively, my social philosophy may be said to be enshrined in three words: liberty, equality and fraternity. Let no one, however say that I have borrowed my philosophy form the French Revolution, I have not. My philosophy has roots in religion and not in political science. I have derived them from the teachings of the Buddha, my Master.” (Government of Maharashtra. (1991) Dr. Babasaheb Ambedkar: Writings and Speeches, Vol.1, Education Department, p.503).

(3)Ở hội nghị Mahar được tổ chức tại Bombay (Mumbai) vào ngày 31-5-1936, ông nói rằng “Tôn giáo vì con người, không phải con người vì tôn giáo”.Singh, Ravi Shankar. (2011) “Dr. B. R. Ambedkar’s Role in Revival of Buddhism and It’s Impact on Socio-Economic Development of Ignored Humanity in India”, Buddhist Virtues in Socio-Economic Development. Mahachulalongkornrajavidyalaya University Press, p.151.

(4)“Tôi cho rằng sự xuất hiện của Phật giáo ở Ấn Độ có ý nghĩa như cuộc Cách mạng Pháp. Phật giáo đã mở đường cho việc thiết lập nền dân chủ”. (Singh, Ravi Shankar. (2011) “Dr. B. R. Ambedkar’s Role in Revival of Buddhism and It’s Impact on Socio-Economic Development of Ignored Humanity in India”, Buddhist Virtues in Socio-Economic Development. Mahachulalongkornrajavidyalaya University Press, p.150).

(5)“It means deep commitment and personal transformation to be help we must become more selfless and less selfish. To do this, we have to take more and more responsibility in society. This is the essence of Buddhism, from ancient time’s right up to the present.” (Sherwood, Patricia. (2001) Journal of Buddhist Ethics, V.8, Edith Cowan University, pp.61-74).

(6)Mungekar, B.L. & Rathore Akash Singh, ed. (2007) Buddhism and the Contemporary World: An Ambedkarian Perspective, Dr. Ambedkar Institute of Social and Economic change, p.35.

(7)Trong bài nói chuyện “Tại sao tôi yêu thích Phật giáo”, phát trên Đài BBC vào ngày 12-5-1956, ông nói, “Tôi yêu thích Phật giáo hơn vì tôn giáo này đưa ra ba nguyên tắc kết hợp mà không tôn giáo nào đưa ra. Tất cả những tôn giáo khác đang tự quấy rấy mình với ‘Thượng đế’ ‘linh hồn’ và ‘đời sống sau khi chết’. Phật giáo dạy ‘trí tuệ’ (prajna), ‘từ bi’ (karuna) và ‘bình đẳng’. Đây là những gì hấp dẫn tôi. Ba nguyên tắc này cũng có thể hấp dẫn thế giới. Không có Thượng đế hay linh hồn nào có thể cứu được xã hội”. (Singh, Ravi Shankar. (2011) “Dr. B.R. Ambedkar’s Role in Revival of Buddhism and It’s Impact on Socio-Economic Development of Ignored Humanity in India”, Buddhist Virtues in Socio-Economic Development. Mahachulalongkornrajavidyalaya University Press, p.153).

(8)“Buddhism is a part and parcel of Bharatiya culture. I have taken care that my conversion will not harm the condition of the culture and history of this land” (Singh, Ravi Shankar. (2011) “Dr. B. R. Ambedkar’s Role in Revival of Buddhism and It’s Impact on Socio-Economic Development of Ignored Humanity in India”, Buddhist Virtues in Socio-Economic Development. Mahachulalongkornrajavidyalaya University Press, p.151).

(9)Ông nói, “Nếu tự do là điều lý tưởng, nếu tự do có nghĩa là phá bỏ quyền thống trị, điều khiến một người nắm giữ một người khác, vậy thì rõ ràng là không thể chỉ nhấn mạnh vào việc cải cách kinh tế. Nếu nguồn gốc của quyền lực và sự thống trị, tại bất kỳ thời điểm nào hay bất kỳ xã hội nào, là xã hội và tôn giáo, vậy thì cải cách xã hội và cải cách tôn giáo phải được chấp nhận như phần cần thiết của cái cách”.(Singh, Ravi Shankar. (2011) “Dr. B. R. Ambedkar’s Role in Revival of Buddhism and It’s Impact on Socio-Economic Development of Ignored Humanity in India”, Buddhist Virtues in Socio-Economic Development. Mahachulalongkornrajavidyalaya University Press, p.153).

(10)He announced, “There was only man who raise his voice against separatism and untouchability and that was god Buddha.” (Singh, Ravi Shankar. (2011) “Dr. B. R. Ambedkar’s Role in Revival of Buddhism and It’s Impact on Socio-Economic Development of Ignored Humanity in India”, Buddhist Virtues in Socio-Economic Development. Mahachulalongkornrajavidyalaya University Press, p.152).

(11)Singh, Ravi Shankar. (2011) “Dr. B. R. Ambedkar’s Role in Revival of Buddhism and It’s Impact on Socio-Economic Development of Ignored Humanity in India”, Buddhist Virtues in Socio-Economic Development. Mahachulalongkornrajavidyalaya University Press, pp.151-152.

(12)“If liberty is the ideal, if liberty means the destruction of the dominion, which one man holds over another, then obviously, it cannot be insisted upon that economic reform only. If the source of power and dominion is, at any given time or in any given society, social and religious, then social reform and religious reforms must be accepted as the necessary sort of reform”. (Singh, Ravi Shankar. (2011) “Dr. B. R. Ambedkar’s Role in Revival of Buddhism and It’s Impact on Socio-Economic Development of Ignored Humanity in India”, Buddhist Virtues in Socio-Economic Development. Mahachulalongkornrajavidyalaya University Press, p.152).

Tài liệu tham khảo

Ambedkar, B.R. (1997) The Buddha and His Dhamma. Napur, Buddha Bhoomi Publication.

Ahir, D.C. (1972) Buddhism in Modern India. Bhikkhu Nivas Prakashan, Nagpur.

Beteille, Andre. (1992) The Backward Classes in Contemporary India, Delhi: Oxford University Press.

Burton, David. (2004) Buddhism, Knowledge, and Liberation: A Philosophical Analysis of Suffering. England, Burlington.

Chang, Garma C.C., ed. (1991) A Treasury of Mahāyāna Sūtras: Selections from the Mahāratnakūa Sūtra. Delhi, Motilal Banarsidass.

Das, B. (1998) Revival of Buddhism in India and Role of Dr. Baba Saheb B. R. Ambedkar, Dalit Today Prakshan, Lucknow.

Gombrich, Richard. (2006) Theravada Buddhism. London, Rout- ledge.

Government of Maharashtra. (1991) Dr. Babasaheb Ambedkar: Writings and Speeches, Vol.1, Education Department.

Mendelsohn, Marika Vicziany. (2000) The Untouchables Subordination, Poverty and the State in Modern India, Cambridge University Press.

Mungekar, B.L.ed. (2009) Buddhism and the 21st Century, the Commemoration volume of the 255th Anniversary of the Mahanirvana of Lord Buddha, Nava Nalanda Mahavihara.

Mungekar, B.L. & Rathore Akash Singh, ed. (2007) Buddhism and the Contemporary World: An Ambedkarian Perspective, Dr. Ambedkar Institute of Social and Economic change.

Sherwood, Patricia. (2001) Journal of Buddhist Ethics, V.8, Edith Cowan University.

Singh, Ravi Shankar. (2011) “Dr. B.R. Ambedkar’s Role in Revival of Buddhism and It’s Impact on Socio-Economic Development of Ignored Humanity in India”, Buddhist Virtues in Socio-Economic Development. Mahachulalongkornrajavidyalaya University Press.

(NSGN 348)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.