Hôm nay, quý vị thấy pho tượng Phật Thích Ca Mâu Ni bằng gỗ do Phật tử cúng dường. Thầy từ chối việc cúng pho tượng này, vì Học viện chưa xây và Thiền đường chưa có. Nhưng Phật tử nói đã phát nguyện rồi, xin Hòa thượng nhận để mai mốt xây xong thì tôn trí tượng. Tượng Phật cầm bông sen tạc theo Thiền tông với ý nghĩa niêm hoa vi tiếu. Trong bài sám Pháp hoa, thầy biên soạn có câu: “Niêm hoa vi tiếu tuyệt vời. Thần Quang đoạn tý rạng ngời Thiền tông”, nghĩa là chúng ta tu Pháp Hoa, nhưng gắn liền với Thiền tông.
Trong kinh Bi hoa có câu chuyện Phật thuyết pháp ở núi Linh Thứu, Ngài đưa lên cành hoa sen và chỉ có đệ tử Ca Diếp nhận được yếu chỉ của Phật muốn nói. Phật thuyết pháp ở núi Linh Thứu ẩn chứa một ý nghĩa rất sâu, không phải nói Phật Thích Ca thuyết pháp ở núi Linh Thứu, Ấn Độ.
Theo ngài Trí Giả, ba chữ Linh Thứu sơn có nghĩa rằng “Linh” là chân linh của chúng ta và “Thứu” là vọng thức của chúng ta, “Sơn” là thân tứ đại ngũ uẩn của con người. Đức vua Trần Nhân Tông cũng gọi thân tứ đại này là bốn núi, vì chúng ta luôn bị sanh, già, bệnh, chết đè nặng. Nói cách khác, có thân là có khổ; nghèo thì khổ đã đành, nhưng đôi khi người giàu hay người quyền thế cũng khổ và còn khổ hơn. Vì vậy, nhìn kỹ thấy cuộc sống là nỗi khổ lớn của con người luôn đè nặng lên mình như ngài Trần Nhân Tông đã nói.
Vì vậy, cốt lõi của đạo Phật là tu hành để thoát khổ trong cuộc sống hiện tại. Kinh Pháp hoa nói rằng thực sự không khổ, nhưng vì vô minh vọng kiến ngăn che, sanh các tánh ham muốn khác nhau mà con người tạo vô số nghiệp chướng mới sanh ra khổ. Thầy tụng kinh Pháp hoa, trực nhận được chân linh không khổ, nhưng vọng thức làm cho mình khổ, tức là mình nghĩ đủ thứ, ham muốn quá nhiều, chỉ cần cắt bỏ ham muốn là hết khổ.
Đầu tiên, khổ của con người là ham muốn không thực tế thì dẫn đến khổ. Ở trên cuộc đời này, ai cũng vì ham muốn không được nên khổ. Tu theo Phật, có sáng suốt thì ham muốn những gì có thể được, đừng ham muốn những gì không thể được. Nhưng ham muốn được thì đối với thầy cũng không cần, vì được rồi thì còn ham gì nữa; không được mới ham. Thí dụ mình ngồi đây nghe pháp, trưa nay chắc chắn mình có phần ăn thì đâu cần ham muốn. Phật dạy rằng những gì không phải của mình, càng ham nó càng tránh xa; không ham, nhưng của mình vẫn là của mình. Cắt bỏ ham muốn, chúng ta sống thực tế, sống với những gì có trong tầm tay mình, có gì ăn đó. Thầy Tỳ-kheo được giải thoát là vậy, có cơm ăn cơm, có bánh ăn bánh.
Phật dạy người tu pháp hỷ thực là mình nghe pháp, tập trung, suy nghĩ, nên quên đói, vì sống với pháp là thức ăn tinh thần. Thứ hai là Thiền thực, khi tâm chúng ta tập trung vào yếu lý nào đó của Phật dạy, sẽ không bị vật chi phối, nên quên đói. Trên bước đường tu, thầy đã cảm nhận sâu sắc Thiền thực và pháp thực. Lúc thầy làm luận văn tốt nghiệp ở Nhật, thầy đọc sách quên ăn, say mê với công việc nghiên cứu giáo pháp cũng quên ăn từ sáng đến tối, nhưng không cảm thấy đói. Có sự say mê trong việc học, trong việc đọc sách, hay nghe pháp không đói, đó là người có căn lành. Phật nói người sống cả đời mà không nghe pháp không bằng người chỉ nghe pháp một lần rồi chết cũng được, vì pháp là thức ăn tinh thần rất quan trọng mà chúng ta đem theo được qua đời sau.
Thiền thực là nhập định, không nghĩ đến thức ăn, quên đói. Còn nghĩ đến ăn, cơ thể chưa cần, nhưng “Thức” đòi ăn. Phật bảo tập trung và suy nghiệm vấn đề sanh tử sẽ nhận thấy cuộc sống của chúng ta rất ngắn ngủi, chắc gì ngày mai, hay tháng sau không còn trên cõi đời này, rồi chết về đâu. Quán tưởng tứ sanh lục đạo rất đáng sợ, nếu ta lọt vô đó thì làm sao thoát ra được. Đi đường, thầy thấy người ta treo gà vịt lộn ngược cái đầu xuống, rất là sợ. Tất cả các loài chỉ có loài người tương đối sống an lành trong tứ sanh lục đạo. Thân người rất quý, ráng giữ mạng sống này và nỗ lực tu hành để mất thân người nhưng tạo được thân sau bằng hay tốt hơn. Suy nghĩ như thế, chúng ta làm những gì cần thiết để đạt được mục tiêu, không phải chỉ lo kiếm tiền thì nguy hiểm, vì đọa rồi, không biết bao giờ lên được.
Hòa thượng Tịnh Không nói rằng Tào Tháo đời Hán chết rồi, ông bị đọa làm heo đến mấy trăm kiếp. Đến đời nay, người ta bắt mổ heo thấy trên đầu nó có chữ Tào Tháo. Kiếp luân hồi đáng sợ, từng là người có quyền uy, thế lực mà bị kéo xuống đầu thai làm súc vật cả trăm kiếp.
Kiếp này, chúng ta chưa được làm Thánh, ít nhứt tái sanh cũng làm người để tiếp tục tu, thầy thường suy nghĩ ý này; nhưng phải làm người được gặp Phật pháp, vì không gặp Phật pháp, người ta dẫn mình làm việc sai trái thì cũng mất kiếp người. Quý Phật tử đang ngồi nghe pháp ở đây rất may mắn, vì được làm người mà còn được gặp Phật pháp. Nếu năm mươi, sáu mươi năm trước, không có Phật học đường, không có người dạy Phật pháp, muốn nghe pháp, muốn tu thì cũng không ai dạy. Thật vậy, đó là kinh nghiệm của thầy, ngày xưa, thầy đi nhiều nơi tìm học đạo rất khó, không có trường, không có thầy dạy, làm sao tu.
Sanh làm người được gặp Phật pháp, nghĩa là gặp thầy khai ngộ để mình được an lạc và cuối cùng tu hành có kết quả tốt đẹp là điều rất khó được. Nghĩ lại, thầy thấy mình rất may mắn, vì thầy sanh trong thời chiến tranh tất nhiên là tu khó vô cùng, nhưng thầy đã gặp thầy hiền bạn tốt dìu dắt và ra nước ngoài, thầy cũng gặp được cao tăng chỉ dạy và thầy đã chọn được pháp môn tu có kết quả tốt.
Như vậy, ba điều căn bản mà Phật tử phải suy nghĩ là được làm người, lại gặp thầy hiền bạn tốt và tu hành thăng hoa. Tạo nhân làm người thì được làm người. Tạo nhân làm Phật sẽ làm Phật. Tạo nhân làm quỷ tất nhiên làm quỷ. Tào Tháo tạo nhân làm heo nên phải làm heo để người ta giết mổ, vì cuộc đời của ông giết mổ nhiều người.
Nếu Phật tử chưa ăn chay trường được, nên ăn thực phẩm có sẵn để khỏi tội, vì nó chết rồi. Nếu chúng ta trực tiếp giết, hoặc bảo người khác giết như người giàu bảo người làm giết súc vật, hay ra chợ bảo họ giết cá cho mình ăn. Như vậy, nó chết là có dính líu đến mình thì cũng tội, nhưng nhẹ hơn. Hoặc mình giết, hay bảo người giết, hay thấy người giết mà tùy hỷ, cả ba trường hợp này đều phạm tội. Vì vậy, trong kinh Hồng danh sám hối ghi rằng: … Hoặc con đời này hay là đời trước, nhiều kiếp xa xưa đến tận ngày nay tạo ra các tội, hoặc tự mình làm, hoặc bảo người làm, hoặc thấy người làm sanh lòng hoan hỷ…. Tất cả tội này cầu xin các Ngài cho con sám hối, không làm nữa, là không tạo nhân ác để đời đời kiếp kiếp không sanh vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Đời đời kiếp kiếp qua lại chốn nhơn thiên. Nếu tái sanh làm người là người hiền lành, giàu có, thông minh, đạo đức, tức có điều kiện tốt như vậy thì dễ tu.
Cố gắng giữ giới, đừng bao giờ sát hại chúng sanh để không đi vào ba đường ác trả quả báo ác. Ngoài ra, Phật dạy không gian tham trộm cắp. Phạm tội này nếu nặng tái sanh làm trâu bò kéo cày trả nợ, hay được làm người thì phải nghèo đói, hoặc sanh vùng biên địa. Người ta tưởng rằng gian tham trộm cắp sẽ giàu, nhưng tiền bất chánh đó không hưởng được lâu, giàu trước mắt mà sau phải vào tù.
Để tránh kiếp nghèo khổ, chúng ta tập sống lương thiện, không gây thù oán, không nợ ai, từng bước đi lên bằng đôi chân mình sẽ tồn tại lâu dài. Và tái sanh được làm người thông minh, khỏe mạnh, giàu có, được gặp Phật pháp, gặp minh sư hướng dẫn, từ đây phát tâm Bồ-đề, tu hành, từng bước phát triển là hành Bồ-tát đạo theo kinh Pháp hoa để làm hạt nhân trong tương lai có đầy đủ tâm đại bi và viên mãn hạnh Bồ-tát thì đạt quả vị Phật.
Phật tử dành thì giờ đi chùa, lễ Phật, tụng kinh, nghe pháp. Còn thì giờ rảnh mà đi đâu chơi thì sau này chết sẽ vô đó. Có người nói rảnh đi câu, đi săn bắn; thầy nói làm ác như vậy, sau khi chết làm thú cho người ta bắn, người ta câu. Lúc sống thích làm gì thì đời sau làm vậy, hay gần là kiếp này làm anh sứt môi, vì đời trước câu cá. Theo đạo Phật, hiểu rõ nhân nào quả đó, gây ác chắc chắn thọ quả ác.
Người Lào rất dễ thương, họ chủ trương đến chùa để được yên tĩnh; còn mua bán, tranh cãi, nhiều chuyện, thù nghịch là biến chùa thành chợ, phạm tội nặng. Đến chùa tu hành tìm được thầy hiền bạn tốt thì tái sanh, họ tiếp tục là bạn, là thầy của mình. Đa số Phật tử ở đây đời trước từng theo thầy tu rồi, nên đời này thấy thầy là nghĩ ngay thầy mình, mới xin quy y và nghe thầy giảng dạy tu hành.
Một số người nói đến chùa Huê Nghiêm tu khó quá, không cho nói chuyện, phải tắt điện thoại, không cho buôn bán; nhưng thầy để ý thấy mỗi chiều Chủ nhật, đông Phật tử vẫn về Huê Nghiêm tu. Có người nói dễ thương rằng về chùa này yên tĩnh quá, chỉ nhìn tượng Phật, nhìn cỏ cây là thấy tâm an lạc. Những người tu tốt kết thành quyến thuộc Bồ-đề thì kiếp sau, tái sanh cũng được gặp lại thầy hiền, bạn tốt và được phước báo thông minh, khỏe mạnh, giàu có. Đời trước thầy đã tu, cho nên đời này tuy sanh vào thời khó khăn, thầy cũng gặp được chân sư hướng dẫn và thầy thuyết pháp có Phật tử theo nghe, đó là Bồ-đề quyến thuộc đời trước. Và đời này với hành trang tốt đẹp như vậy, thầy lại chuẩn bị cho kiếp sau là thầy tái sanh thì cũng gặp lại thầy bạn đó, Bồ-đề quyến thuộc đó. Thầy sang Nhật gặp Hòa thượng Ito, vị này thương thầy, cưu mang, giúp đỡ thầy và nói rằng thầy đã là bạn với ngài trong hội Pháp Hoa từ thời ở Linh Thứu sơn, nên đời này gặp lại là thương và kính trọng liền. Còn gặp lại là ghét, phải biết đó là oan gia nghiệp chướng đời trước. Vì vậy, đừng tạo oan gia nghiệp chướng, vì đi đâu cũng gặp lại nhau, mà kinh Pháp hoa ví như cái đuôi của con trâu dính liền với con trâu.
Có người bạn của thầy than rằng ông rời miền Trung vô Nam mà cũng không tránh khỏi. Thầy nói nghiệp đã tạo thì đi đâu, nó theo đó. Đối với người ác, ta không tranh cãi, nhưng trong lòng nói đây là lần cuối gặp anh, xin trả nghiệp này là xong nhé. Trên bước đường tu theo lộ trình giải thoát, Phật dạy ta đi đến nơi nào mà gặp bạn tốt là đời trước họ và ta từng làm bạn tốt với nhau, nhưng gặp người xấu ác, thì ta trả nghiệp này xong rồi thôi, không gặp lại nữa.
Nghĩ đến sanh tử là nghĩ đến cuộc sống này và hơn thế nữa, nghĩ khi mãn duyên kiếp này, nghĩ mình tái sanh đến nơi nào để gặp lại thầy hiền bạn tốt. Thí dụ, một tuần về Huê Nghiêm tu một lần và chết, thờ ở đó để hương linh về chùa nghe kinh, nên tái sanh được cha mẹ cho quy y sớm và kết duyên lành với Phật pháp từ thuở nhỏ, tiếp tục tu.
Trở lại ý nghĩa của tượng Phật niêm hoa vi tiếu, nhìn tượng này là nghĩ về chân linh, không phải nghĩ đến cuộc sống vật chất. Phật đưa hoa sen lên là nói chân tâm mình trong sạch như hoa sen, những gì dơ bẩn như nước đổ lên hoa sen không dính. Vì vậy, Phật dạy tu hành giữ tâm mình thanh tịnh thì những xấu ác mà người ta đổ lên cũng không dính. Nhưng không ai hiểu được ý Phật dạy, chỉ có ngài Ca Diếp thầm hiểu trong tâm và mỉm cười trong tâm; còn bề ngoài, người ta thấy ngài tu khổ quá, không ai hiểu được tâm của ngài. Thầy thường nói những gì ta tu chứng được, chỉ có ta biết và Phật biết, chúng ma không biết, nếu ma biết thì nó lấy mất của ta sao. Chùa Thiền thường dùng biểu tượng Phật đưa cành hoa sen lên để nhắc nhở hành giả sống với chân tâm của mình, không quan tâm đến trần ai tội lỗi. Thế giới sanh diệt này tốt hay xấu rồi cũng trôi qua, điều cần thiết duy nhất là làm sao sống với chân tâm thanh tịnh của mình thì Niết-bàn hiện hữu bên ta trong cuộc sống này và mãn duyên Ta-bà, thâm nhập cảnh giới nào tùy theo hạnh nguyện của hành giả.