GNO - Tại Hoa Kỳ, cứ 8 người thì có 1 người nghĩ rằng mình có huyết áp bình thường lại đang ở tình trạng huyết áp cao mà các bác sĩ không phát hiện ra, theo một nghiên cứu gần đây.
Hiện tượng này được gọi là “cao huyết áp giấu mặt” (masked hypertension) có nghĩa là các chỉ số huyết áp cho thấy bình thường khi ở phòng khám của bác sĩ nhưng lại dao động sau khi rời khỏi đó, trong thời gian tiến hành các hoạt động thường nhật - các chuyên gia chia sẻ.
Theo đó, người có huyết áp cao giấu mặt có nguy cơ cao với các bệnh tim mạch. Kết quả này được báo cáo trên Tạp chí Dịch tễ học Hoa Kỳ.
Cứ 8 người thì có 1 người nghĩ rằng mình có huyết áp bình thường lại đang ở tình trạng huyết áp cao
Huyết áp cao giấu mặt không chỉ là điều kiện duy nhất của huyết áp biểu hiện bình thường khi ở phòng mạch bác sĩ nhưng lại dao động tăng khi ra thế giới bên ngoài. Một hiện tượng khác nữa cũng tồn tại được gọi là “huyết áp cao áo choàng trắng” (white-coat hypertension) đối lập với hiện tượng trên, tức khi đo ở chỗ bác sĩ thì huyết áp cao nhưng huyết áp lại bình thường vào những lúc khác.
Để biết được có bao nhiêu người dân Hoa Kỳ có tình trạng huyết áp cao giấu mặt này, các chuyên gia quan sát dữ liệu từ Nghiên cứu về Huyết áp cao giấu mặt với sự tham gia của hơn 800 người trưởng thành không bị huyết áp cao khi đo ở phòng mạch, huyết áp được đo 3 lần trong phòng mạch. Sau đó, huyết áp được đo bên ngoài phòng mạch. Người tham gia đeo một thiết bị đo huyết áp trong 24 giờ và huyết áp được đọc sau mỗi 28 phút trong vòng 24 giờ.
Dữ liệu từ máy đo huyết áp 24 giờ cho thấy khoảng 14% người tham gia ở vào tình trạng huyết áp cao giấu mặt.
Nhưng vì số người tham gia vào nghiên cứu nói trên không thể đại diện cho toàn bộ dân số Hoa Kỳ nên các chuyên gia phân tích thêm nguồn dữ liệu có quy mô lớn hơn là Khảo sát Quốc gia về Dinh dưỡng và Sức khỏe (NHANES). Các dữ liệu từ khảo sát này bao gồm thông tin về nhân khẩu học, mức huyết áp của người dân trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ với số người tham gia là 140 triệu người trưởng thành được cho là có huyết áp bình thường. Kết quả quan sát cho thấy có khoảng 12%, tức 17 triệu người có huyết áp cao giấu mặt.
Điều này có nghĩa rằng các bác sĩ không thành công trong việc nhận ra các đối tượng này có nguy cơ cao với bệnh tim mạch. Nghiên cứu này được thực hiện bởi chuyên gia về chính sách và quản lý Claire Wang, trường Y tế Công cộng Mailman, Đại học Columbia (New York).
Ý nghĩa của các nghiên cứu này cho thấy việc phát hiện được các đối tượng có huyết áp cao giấu mặt sẽ giúp cảnh báo được nguy cơ bị tim mạch và có những điều trị làm giảm huyết áp cao kịp thời.
Trần Trọng Hiếu
(theo Live Science)