Ông Hanumant Upare phát biểu tại một cuộc biểu tình
Hội Satyashodhak OBC Parishad được thành lập vào năm 2009 với mục đích bảo vệ công lý, bình đẳng trong xã hội và phản đối hệ thống giai cấp của Ấn Độ giáo. Thông qua nhiệm vụ xây dựng “Lực lượng Phật giáo nguyên ủy” được khởi động vào năm 2011, tổ chức này đang lên chương trình hoàn thiện kế hoạch cải đạo 500.000 người hạ lưu trong xã hội Ấn Độ sang Phật giáo đến ngày 14-10-2016, ngày kỷ niệm của hội.
Theo tờ Firstpost India, Chủ tịch Hanumant Upare của Hội Satyashodhak OBC Parishad, người đã cải đạo sang Phật giáo vào năm 2006, nói: “Trước khi chúng tôi bắt đầu cuộc vận động ‘ghar wapsi’ (một buổi lễ nhằm đưa mọi người trở về với tôn giáo ban đầu của họ) trong số những người thuộc tầng lớp hạ lưu, chúng tôi đã cố gắng để tìm ra nguồn gốc tôn giáo của họ. Và chúng tôi thấy rằng, những người thuộc tầng lớp hạ lưu trong xã hội Ấn Độ vốn là những người Phật tử. Cho nên, đây không phải là sự cải đạo, mà là ‘ghar wapsi’ trong ý nghĩa đích thực của nó. Bang Maharashtra có khoảng 50 triệu người thuộc tầng lớp hạ lưu. Đến năm 2016, chúng tôi đề ra mục tiêu là chuyển đổi ít nhất một phần trăm của số dân ấy trở về với đạo Phật”.
Ông Upare giải thích, mặc dù có một thỏa thuận của các cơ quan thẩm quyền trong việc thực hiện cuộc điều tra dân số về những người hạ lưu vào năm 2010, nhưng họ đã không thực hiện, điều này khiến cho chúng tôi có cảm giác bị lừa dối. “Chúng tôi bị buộc đi theo Ấn Độ giáo vào thế kỷ thứ XIX, nhưng hệ thống đẳng cấp luôn coi chúng tôi là giai cấp hạ tiện (giai cấp thấp nhất trong bốn giai cấp của Ấn Độ giáo). Thiết chế xã hội hiện tại không đem lại cho chúng tôi những gì chúng tôi nên có. Cách duy nhất để xóa bỏ sự phân biệt đẳng cấp là thoát ra ngoài hệ thống ấy”, ông nói thêm.
Nhiệm vụ của Hội Satyashodhak OBC Parishad là đưa những người thuộc tầng lớp hạ lưu trong xã hội Ấn Độ trở về lại tôn giáo ban đầu của họ (Phật giáo), và giúp họ giành lại sự bình đẳng xã hội, đồng thời kêu gọi những người thuộc các tôn giáo khác đi theo đạo Phật. Ông Upare nhấn mạnh: “Chúng tôi không cưỡng ép bất cứ ai [đi theo đạo Phật]. Chúng tôi chỉ nói với họ sự thật và chỉ cho họ thấy được tôn giáo nguyên ủy của họ mà thôi”.
Xã hội Ấn Độ đã được định hình mạnh mẽ bởi hệ thống đẳng cấp trong kinh Vệ-đà. Điều này đã ảnh hưởng đến hầu hết những người thuộc giai cấp Thủ-đà-la, một nhóm người bị tước đoạt hầu hết mọi khía cạnh xã hội từ thời cổ đại. Tương tự như vậy, những người tiện dân (Dalit), được xem là những người có địa vị xã hội thấp hơn cả những người thuộc giai cấp Thủ-đà-la, họ bị tước đoạt những quyền lợi xã hội.
Tuy nhiên, sau phong trào cải đạo sang Phật giáo do nhà hoạt động Bhimrao Ramji Ambedkar thực hiện vào năm 1956, những người tiện dân ở Ấn Độ đã tìm ra con đường mới để tìm kiếm sự bình đẳng trong xã hội bằng cách cải đạo sang Phật giáo. Kể từ đó, nhiều người đã đi theo Phật giáo vào những thời điểm khác nhau, thông qua các tổ chức khác nhau.
Hoàng Lam (theo Buddhistdoor International)