Mùa an cư với những tu sĩ trẻ

Hành giả an cư bên Hòa thượng Thích Thiện Nghĩa, Hóa chủ trường hạ chùa Tuyền Lâm (TP.HCM)
Hành giả an cư bên Hòa thượng Thích Thiện Nghĩa, Hóa chủ trường hạ chùa Tuyền Lâm (TP.HCM)
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Trong bối cảnh xã hội hiện đại không ngừng biến động, nơi con người dễ dàng bị cuốn vào vòng xoáy danh lợi và những xáo trộn nội tâm, an cư kiết hạ không chỉ là truyền thống mà còn là liều thuốc tinh thần quý báu cho chư Tăng Ni, đặc biệt là thế hệ tu sĩ trẻ. 

Ba tháng an cư không chỉ đơn thuần là thời gian dừng chân, mà là cơ hội để thúc liễm thân tâm, trau dồi Giới - Định - Tuệ, và nuôi lớn Bồ-đề tâm.

Trao đổi kiến thức Phật học tại trường hạ
Trao đổi kiến thức Phật học tại trường hạ

Báo Giác Ngộ xin giới thiệu những chia sẻ chân thật và đầy cảm hứng từ bốn vị Tỳ-kheo trẻ, tại trường hạ chùa Tuyền Lâm (TP.HCM) - những người đã và đang gặt hái được những lợi ích thiết thực từ mùa an cư, đồng thời gửi gắm những thông điệp sâu sắc về ý nghĩa và giá trị của truyền thống quý báu này.

Thầy Thích Bảo Hoàng

Thầy Thích Bảo Hoàng

Thầy Thích Bảo Hoàng: “Dừng lại để soi sáng chính mình”

Con sinh ra và lớn lên tại TP.Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận (cũ) và đang tu học tại chùa Đông Ba. Năm con 11 tuổi, anh trai con bị bệnh và cha mẹ đến chùa để xin phước lành, anh con nhờ niệm Phật mà khỏe lại, sống bình thường. Từ đó con có niềm tin với Tam bảo và đến chùa tu học. Con xin xuất gia năm 17 tuổi và năm nay con 28 tuổi.

Đối với bản thân con, mùa an cư vô cùng ý nghĩa, nhất là trong một thời đại phát triển không ngừng nghỉ. Việc chạy đua theo trào lưu xã hội đã làm con người mệt mỏi và tiêu hao năng lượng, thì dừng lại và soi sáng lại chính mình như phẩm Hóa thành dụ trong kinh Pháp hoa là điều thiết thực nhất lúc bấy giờ. Có thể nói, an cư là cơ hội quý báu cho các hành giả nói chung và bản thân con nói riêng có thời gian quay về soi sáng lại chính mình.

Tại hạ trường chùa Tuyền Lâm, con và các hành giả từ các trú xứ trở về để cùng nhau tu tập và quý nhất được che chở dưới tình thương vô bờ của Hòa thượng Thích Thiện Nghĩa. Với thời khóa tu tập theo quy củ của thiền môn, được chư tôn chức sự hạ trường áp dụng uyển chuyển, với phương châm vừa học vừa tu, con nhận thấy được sự trưởng thành trong tâm thức của chính bản thân con.

Quý thầy lớn ở hạ trường chùa Tuyền Lâm ân cần dạy rằng mỗi khi con thức dậy, hãy lấy tay xoa trên đầu của mình để luôn nhắc nhở rằng mình đã là một tu sĩ, cho con thêm hành trang tu học, sống cho đúng những giá trị mà mình đang thọ nhận. Qua tấm chân tình đó, con thấy được lợi ích thiết thực và giá trị sâu sắc của mùa an cư kiết hạ. Đây không chỉ là truyền thống mà là cơ hội vàng để mỗi tu sĩ trẻ được lắng đọng, trau dồi nội lực, vững vàng hơn trên con đường tu tập và phụng sự đạo pháp. An cư là dừng lại để bước tiếp vững vàng hơn, dừng lại để gạn lọc tạp niệm, để soi rọi lại tâm mình, kết nối sâu sắc hơn với Chánh pháp và đại chúng. Đó là nền tảng vững chắc để chư Tăng Ni trẻ có thể phát huy trí tuệ và từ bi, đưa Phật pháp đến gần hơn với cuộc đời, ứng dụng vào những vấn đề thực tiễn của xã hội hiện đại.

Thầy Thích Giác Tịnh

Thầy Thích Giác Tịnh

Thầy Thích Giác Tịnh: “Soi lại chính mình, nuôi lớn niềm tin và tinh thần cầu đạo”

Năm nay là mùa an cư lần thứ tư của con và con có duyên được từ Trà Vinh (cũ) về TP.HCM nhập hạ tại tổ đình Tuyền Lâm. Trong đời sống xuất gia, suốt cả năm, chúng con thường bận rộn với nhiều Phật sự, ba tháng an cư là thời gian quý báu để lắng lại, quay về với nội tâm, chấn chỉnh lại thân - khẩu - ý, học hỏi và cùng đại chúng tăng trưởng thêm giới luật.

Tại Tuyền Lâm, con cảm nhận rõ sự quan tâm, chăm lo của Hòa thượng Hóa chủ và chư tôn đức trong Ban Chức sự. Mọi sinh hoạt từ bữa ăn, giấc ngủ đến thời khóa học đều được tổ chức rất chu đáo, giúp chúng con an tâm tu tập. Mỗi ngày đều có thời tụng kinh, thiền tọa, nghe pháp, giúp chúng con giữ chánh niệm và sống đúng tinh thần thiền môn.

Con đặc biệt tri ân những buổi pháp thoại từ chư tôn đức giảng sư. Mỗi lời dạy đều giúp chúng con soi lại chính mình, nuôi lớn niềm tin và tinh thần cầu đạo. Những bài học ấy không chỉ mang lại kiến thức, mà còn là nguồn động lực để con vững bước trên đường tu. An cư, với con, không chỉ là dừng lại, mà là bắt đầu. Là bắt đầu sống một cách chánh niệm, làm mới lại tâm Bồ-đề, trân trọng từng giây phút được làm Tăng sĩ, được sống trong ánh sáng Phật pháp.

Mùa an cư năm nay một lần nữa nhắc con nhớ lại lý tưởng ban đầu khi xuất gia: trên cầu Phật đạo, dưới hóa độ chúng sinh, sống đúng hạnh nguyện, biết ơn thầy tổ và đàn-na tín thí đã nuôi dưỡng chúng con cả vật chất lẫn tinh thần. Với riêng con, con thấy rằng Tăng Ni trẻ nên ưu tiên an cư tại các hạ trường tập trung. Nhờ sống trong đại chúng, được nhắc nhở, được hòa nhập, mà việc tu học sẽ tiến bộ và vững chắc hơn nhiều.

Thầy Thích Nguyên Thiện

Thầy Thích Nguyên Thiện

Thầy Thích Nguyên Thiện: “Trở về sơ tâm, nuôi lớn Bồ-đề”

Con xuất gia từ năm 17 tuổi, và đã có 9 tuổi hạ. Mỗi mùa an cư là một bài học mới, nhưng mùa hạ năm nay tại Tuyền Lâm lại để lại trong con nhiều cảm xúc sâu sắc, đặc biệt là khi được sống cùng quý thầy hành giả, từng bước chân, từng oai nghi đều thấm đượm sự an lạc và thanh tịnh.

Đối với cá nhân con, an cư kiết hạ là dịp để chư Tăng dừng lại, quay vào bên trong để thúc liễm thân tâm, trau dồi Giới, Định, Tuệ. Đây cũng là thời gian rất quý báu để chúng con thanh lọc nội tâm, sống chậm lại và đưa giáo lý vào thực hành trong đời sống hàng ngày, đúng như lời Phật dạy.

Trong ba tháng an cư, con thường nhớ về thuở sơ tâm, lúc mới xuất gia. Con biết đi chùa lúc 4 tuổi, 7 tuổi vô chùa ở (chùa Tào Khê, Long An cũ) và hiện nay ở chùa Lộc Dã, TP.HCM. “Phù xuất gia giả, phát túc siêu phương, tâm hình dị tục, thiệu long Thánh chủng…”, là điều con luôn ghi nhớ như hành trang trên bước đường tu tập. Mùa an cư này như một tiếng chuông giúp con trở về với lý tưởng ban đầu, làm mới tâm nguyện và lòng tin vào con đường mình đã chọn.

Điều khiến con cảm động nhất trong mùa an cư này là tinh thần tu tập chung của quý thầy trong Ban Chức sự và đại chúng. Mỗi thời khóa đều được tổ chức trang nghiêm, đều đặn, tạo nên nguồn năng lượng rất lớn, giúp con tinh tấn hơn, tránh được sự giải đãi trong việc tu học.

An cư lần đầu đã giúp con tỉnh thức hơn, chánh niệm hơn, và cảm nhận được tình thương của quý thầy dành cho người học trò nhỏ như con. Đây là bài học quý để con nuôi lớn tâm Bồ-đề, học hạnh khiêm cung, và sống có trách nhiệm hơn trong Tăng đoàn.

Là người xuất gia trẻ, con cũng có nhiều trăn trở. Làm sao để việc tu học được sâu sắc hơn, làm sao để Phật pháp đến gần hơn với người trẻ, làm sao để chúng con có thể sử dụng phương tiện hiện đại, như kỹ năng truyền thông, giảng dạy, hoằng pháp một cách đúng Chánh pháp? Con thiết tha mong mỏi Giáo hội mở rộng thêm không gian cho Tăng Ni trẻ: được học thêm kỹ năng truyền thông, giảng dạy, ứng dụng Phật pháp vào xã hội. Để những hạt giống Bồ-đề trong mỗi người không chỉ nảy nở, mà còn vững chãi vươn lên để có thể phát huy hết tâm lực trong việc hộ trì và hoằng truyền Chánh pháp.

Thầy Thích Minh Sỹ

Thầy Thích Minh Sỹ

Thầy Thích Minh Sỹ: “Mùa an cư đầu tiên khi trở về Việt Nam, dấu ấn không thể quên”

Con xuất gia ở chùa Từ Vân, tỉnh Khánh Hòa lúc 3 tuổi, theo hệ phái Bắc truyền. Sau đó đến 6 tuổi, Hòa thượng bổn sư lớn tuổi và cho chuyển hệ phái, gửi gắm để quý thầy hệ phái Khất sĩ nuôi dưỡng; đến năm 10 tuổi, lại chuyển sang hệ phái Nam tông, và đến năm 17 tuổi con được gửi sang Thái Lan để tu học và quay lại hệ phái Bắc truyền.

Con được thọ giới Tỳ-kheo năm 2024 tại Thái Lan, và con khao khát được về Việt Nam an cư trong mùa đầu tiên sau năm đầu thọ giới Tỳ-kheo. Lần đầu tiên được tham dự mùa an cư kiết hạ tại trường hạ chùa Tuyền Lâm là một dấu ấn đặc biệt trong hành trình tu học của con. Sau một thời gian sống trong thiền môn và được nuôi dưỡng bởi giới luật và Chánh pháp, đây là lần đầu tiên con thực sự bước vào môi trường an cư đúng nghĩa, nơi có đại chúng tu tập trang nghiêm, có thời khóa nghiêm mật, có sự chỉ dạy trực tiếp từ quý Hòa thượng, Thượng tọa trong Ban Chức sự.

Ban đầu, con mang nhiều cảm xúc đan xen, hồi hộp vì chưa biết mình sẽ thích nghi thế nào với nhịp sinh hoạt dày đặc và nghiêm túc của ba tháng an cư. Nhưng cũng tràn đầy háo hức, vì con hiểu rằng đây là cơ hội được sống cùng đại chúng, chư huynh đệ, để bản thân có cơ hội huân tu.

Trong tháng hạ, điều khiến con cảm động nhất là tinh thần hòa hợp và tôn trọng lẫn nhau giữa đại chúng. Dù mỗi vị có xuất thân, trình độ, tuổi tác khác nhau, nhưng tất cả đều cùng nhau giữ gìn oai nghi, chuyên cần hành trì và hỗ trợ nhau trong mọi công việc. Chính bầu không khí đạo vị ấy đã giúp con thấy rõ giá trị của việc “an cư” – không chỉ là dừng bước hành đạo để nghỉ ngơi, mà là trở về, dừng lại với chính mình trong sự nương tựa cộng đồng và Tam bảo.

Là tu sĩ trẻ, con mang nhiều trăn trở về việc làm sao để cân bằng giữa tu học truyền thống và ứng dụng Phật pháp vào đời sống hiện đại. Con mong quý tôn đức lãnh đạo Giáo hội tạo thêm nhiều cơ hội cho Tăng Ni trẻ được giao lưu, học hỏi, đặc biệt là trong các lĩnh vực hoằng pháp qua truyền thông, giáo dục, kỹ năng xã hội… để đạo Phật ngày càng gần gũi và hữu ích hơn với giới trẻ hôm nay.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 389/GP-BTTTT ngày 02-8-2022
Tổng Biên tập: Thượng tọa Thích Tâm Hải
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Xuân Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2025 - Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.