Hãy là người cầu pháp, không mong cầu tài vật

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1143 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1143 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GN - Cầu Pháp có nghĩa là tìm hiểu và thực hành Chánh pháp. Hiểu đúng về lời Thế Tôn dạy, thấy rõ con đường tu từ phàm lên Thánh, nắm vững đạo lộ giải thoát, đây thuộc về pháp học. Sau đó, ứng dụng thực hành Pháp trong đời sống, từng bước chuyển nghiệp để hướng đến dứt nghiệp.

"Một thời Đức Phật du hóa nước Câu-tát-la cùng đại chúng Tỳ-kheo, qua đến phía Bắc làng Ngũ sa-la, trong rừng Thi-nhiếp-hòa với hàng đại đệ tử Trưởng lão, thượng tôn, danh đức, như các ngài: Tôn giả Xá-lê Tử, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, Tôn giả Ca-diếp, Tôn giả Đại Ca-chiên-diên, Tôn giả A-na-luật, Tôn giả Lệ-việt, Tôn giả A-nan và các đại đệ tử Trưởng lão thượng tôn danh đức khác ngang hàng như vậy cũng có mặt tại làng Ngũ sa-la. Tất cả đều ở gần bên cạnh ngôi nhà lá của Phật.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các thầy Tỳ-kheo:

- Các ngươi nên thực hành sự cầu Pháp, đừng thực hành sự cầu ẩm thực. Vì sao? Vì Ta thương tưởng các đệ tử, muốn các đệ tử nên thực hành sự cầu Pháp, chứ không thực hành sự cầu ẩm thực. Nếu các ngươi thực hành cầu ẩm thực, không thực hành sự cầu Pháp, không những các ngươi tự xấu xa, mà Ta cũng không được danh dự gì. Nếu các thầy thực hành sự cầu Pháp, chứ không thực hành sự cầu ẩm thực, không những các thầy đã tự tốt đẹp mà Ta cũng được danh dự”.

(Kinh Trung A-hàm, phẩm Uế, kinh Cầu pháp, số 88 [trích])

Khi Tăng đoàn phát triển, một bộ phận nhỏ gia nhập Tăng đoàn, phát tâm xuất gia nhưng không thật sự cầu Pháp, có khuynh hướng cầu cơm áo nên Thế Tôn nghiêm nghị nhắc nhở: “Các ngươi nên thực hành sự cầu Pháp, đừng thực hành sự cầu ẩm thực”. Kinh tạng Pàli tương ứng cũng ghi lại lời dạy này: “Hãy là những kẻ thừa tự Pháp của Ta, chớ đừng là kẻ thừa tự tài vật”.

Hiện trạng này đã có từ thời Thế Tôn còn tại thế và dĩ nhiên cũng có mặt trong Tăng đoàn ngày nay. Có hai nguyên nhân chính: Một là không do hảo tâm xuất gia, gia nhập Tăng đoàn vì hoàn cảnh mà không có lý tưởng tu tập giác ngộ và giải thoát. Hai là xuất gia một thời gian, không được học Pháp đầy đủ, không nếm được pháp vị an lạc để xả buông nên thối thất tâm tốt ban đầu, họ không đi tìm lõi cây mà chỉ nhặt nhạnh cành lá, chuyển hướng sang thừa tự tài vật. Mọi tranh chấp, rắc rối và hệ lụy trong Tăng đoàn đều xuất phát từ đây.

Cầu Pháp có nghĩa là tìm hiểu và thực hành Chánh pháp. Hiểu đúng về lời Thế Tôn dạy, thấy rõ con đường tu từ phàm lên Thánh, nắm vững đạo lộ giải thoát, đây thuộc về pháp học. Sau đó, ứng dụng thực hành Pháp trong đời sống, từng bước chuyển nghiệp để hướng đến dứt nghiệp. Pháp hành có kết quả sẽ giúp hành giả an lạc, củng cố thêm pháp học, tăng trưởng thêm niềm tin và nguyện lực thành tựu giải thoát trong hiện đời. Bấy giờ, tài vật hay tứ vật dụng chỉ là phương tiện để nuôi thân và làm đạo. Với họ, tài vật chỉ là cành lá chứ không phải là lõi cây nên buông xả nhẹ nhàng.

Người kém duyên trong đường tu thì ngược lại, xuất gia chỉ với mục đích tầm thường tìm cầu lợi lộc và hư danh. Tự thân đã không tiến xa trên con đường giác ngộ và giải thoát mà những hệ lụy do họ gây ra còn làm tổn hại đến Tăng đoàn, ảnh hưởng đến thanh danh của cả Đức Phật. Thế nên, người xuất gia mà chưa xác định đúng hoặc đi lệch với mục tiêu cao thượng là tìm cầu giác ngộ và giải thoát thì cần phản tỉnh, quay đầu nhằm học tập, thực hành và chứng đạt Chánh pháp.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.