Hai hạng người hạ tiện và tối thắng

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
GN - Hạ tiện hay tối thắng ở ngay nơi năng lực tự phản tỉnh, chánh niệm tỉnh giác của mỗi người.

"Một thời Đức Phật đến Bà-kì-sấu, ở trong núi Ngạc rừng Bố, vườn Lộc Dã. Bấy giờ, Tôn giả Xá-lê Tử nói với các thầy Tỳ-kheo:

- Này chư Hiền, thế gian có bốn hạng người. Những gì là bốn? Hoặc có một hạng người bên trong thật có ô uế mà không tự biết, không biết như thật bên trong có ô uế. Hoặc có một hạng người bên trong thật có ô uế nhưng tự biết, biết như thật bên trong có ô uế. Hoặc có một hạng người bên trong thật không có ô uế mà không tự biết, không tự biết bên trong thật không có ô uế. Hoặc có một hạng người bên trong thật không có ô uế và tự biết, biết như thật bên trong thật không có ô uế.

- Chư Hiền, nếu một người bên trong thật có ô uế mà không tự biết, không biết như thật bên trong có ô uế, thì trong loài người, người này là tối hạ tiện. Nếu một người bên trong thật có ô uế nhưng tự biết như thật, biết như thật bên trong thật có ô uế, thì trong loài người, người này là tối thắng. Nếu có một người bên trong thật không có ô uế mà không tự biết, không biết như thật bên trong thật không có ô uế, thì trong loài người, người này là tối hạ tiện. Nếu có một người bên trong thật không có ô uế mà tự biết, biết như thật bên trong thật không có ô uế, thì trong loài người, người này là tối thắng".

(Kinh Trung A-hàm, phẩm Uế, kinh Uế phẩm, số 87 [trích])

Tâm ô uế là tâm dơ bẩn, nhiều phiền não tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến v.v…, những tâm niệm hình thành nên khổ đau trong hiện tại và đọa lạc vào cõi dữ ở tương lai.

Hạng người thứ nhất trong tâm có ô uế mà không tự biết. Vì không nhận biết tâm mình đang ô uế cùng tác hại của nó nên không lo tu tập, không cố gắng đoạn trừ. Những người này hiện đời sống trong phiền não, lúc chết không an lành, đời sau tái sinh vào tam đồ ác đạo. Vì thế, hạng người này Đức Phật gọi là hạ tiện.

Hạng người thứ hai trong tâm có ô uế nhưng tự biết. Nhờ biết rõ tâm mình có ô uế nên siêng năng tu học, nguyện nương vào Pháp để tìm cách thanh lọc khiến cho tâm trở nên trong sạch. Thấy rõ bản thân còn nhiều giới hạn nên luôn khiêm hạ và tinh tấn, tẩy sạch cấu uế cho tâm thanh tịnh. Nếu nhận thức và thực hành đúng Chánh pháp thì ô uế của tâm được lắng xuống, phiền não sẽ đoạn tận. Hạng người này được gọi là tối thắng.

Một hạng người khác là do thiện căn nhiều đời nên nội tâm trong sáng (ít tham sân si) nhưng lại không biết rõ tâm mình. Chính nhược điểm này đã khiến cho họ không đủ năng lực phản tỉnh khi căn tiếp xúc với trần cảnh, khiến tham sân si đủ duyên dấy khởi, lạc bước sa vào cảnh giới khổ đau. Hạng người này từ ánh sáng đi vào bóng tối nên được xem là hạ liệt.

Hạng người sau cùng hoàn hảo hơn, nội tâm trong sáng và thường biết rõ tâm mình nên khi đối duyên xúc cảnh luôn tỉnh giác để giữ tâm luôn thanh tịnh. Kinh văn dùng hình ảnh như một chiếc mâm đồng sáng sạch được người mua về rồi thường xuyên lau chùi nên lúc nào cũng sáng chói. Hạng người này hiện tại và mai sau luôn sống trong an lành nên được gọi là tối thắng.

Mới hay, hạ tiện hay tối thắng ở ngay nơi năng lực tự phản tỉnh, chánh niệm tỉnh giác của mỗi người, đó là rõ biết để giữ tâm trong sạch khi đối duyên xúc cảnh.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.