Nhìn Phật bằng mắt thường thấy Phật là Thái tử Sĩ Đạt Ta thông minh, hiền lành, ngoại hình đẹp, sức khỏe phi thường. Nhưng Ngài đã từ bỏ cuộc sống cao sang, vào rừng tu khổ hạnh. Sau đó, Ngài bỏ cách tu sai lầm này và đến Bồ Đề Đạo Tràng ngồi thiền định dưới cội bồ-đề trải qua 21 ngày theo Phật giáo Nam tông, hay 49 ngày theo Phật giáo Bắc tông, Ngài đắc đạo, chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng chánh giác. Từ đó, Đức Phật đi vào cuộc đời, đến với tất cả thành phần xã hội để giáo hóa mọi người có được cuộc sống sáng suốt, an lạc, hạnh phúc. Đến năm 80 tuổi, kết thúc duyên độ sanh ở cõi trần gian, Đức Phật vào Niết-bàn. Cuộc đời của Đức Phật với cái thấy đơn giản của người phàm mắt thịt là như vậy.
Nhưng tiên A Tư Đà tu hành có trí tuệ thấy Phật không tầm thường. Khi thái tử còn nằm nôi, ông đã thấy Ngài là Phật, tức bậc Đại Thánh toàn giác toàn trí. Đó là cái thấy của người tu có huệ nhãn thấy bên trong con người.
Nhìn bề ngoài thì ai cũng như ai, nhưng nhìn bề trong, nghiệp ác và căn lành của mỗi người hoàn toàn khác nhau. Bên trong có tánh ác ví như siêu vi, tuy không thấy bằng mắt nhưng tác hại của nó lớn lao vô cùng. Trái lại, người có tâm từ bi thương tưởng cuộc đời sẽ tỏa ra năng lượng thánh thiện làm người an vui. Vì vậy, nhìn bề trong, chúng ta mới thấy được con người thật.
Thấy được con người thật bên trong của Đức Phật là thấy Ngài từ cung trời Đâu Suất giáng thần, hay kinh Pháp hoa nói rằng Đức Phật đã thành Phật từ lâu xa nhưng Ngài thị hiện vào loài người để dìu dắt mọi người đi trên con đường giải thoát khổ đau sanh tử.
Thật vậy, Đức Phật khẳng định trong kinh Pháp hoa rằng người nghiệp nặng không thể thấy Phật, nên Ngài phải thị hiện thân hình giống họ, bỏ tục, xuất gia, thành đạo, thuyết pháp rồi nhập Niết-bàn để họ nhận được mạng người ngắn ngủi, vạn vật vô thường, sanh tâm nhàm chán, thâm nhập Phật đạo.
Nói cách khác, có thể tạm ví cho dễ hiểu rằng Đức Phật đã đóng vai một diễn viên xuất hiện trên sân khấu cuộc đời để Ngài diễn vai trò thái tử tu hành, thành Phật độ sanh và Niết-bàn. Nhưng thực sự Ngài đã là Phật và khoác vào chiếc áo loài người, nên người ta nghĩ Ngài là người bình thường như bao người khác.
Đức Phật khẳng định rằng Thái tử Sĩ Đạt Ta là con của dòng họ Thích Ca sanh ra và đã chết như mọi người. Còn Phật thì hằng hữu bất tử ở thế giới Thật báo mà loài người không thấy được và không thể vào thế giới chân thật này được. Vì vậy, để cứu độ muôn loài, Ngài phải mang thân người, làm Thái tử Sĩ Đạt Ta, bỏ ngôi vua, tu hành thành Phật rồi dấn thân trên vạn nẻo đường đời để truyền dạy giáo pháp giác ngộ giải thoát. Ngài nói rằng những việc cần làm trên cuộc đời này thì Ngài đã làm xong, những người đáng độ, Ngài đã độ. Hoàn tất mỹ mãn việc cứu khổ độ sanh, Ngài về Niết-bàn là trở về thế giới vĩnh hằng bất tử.
Đức Phật dạy rằng cuộc sống con người khổ vui quay cuồng trong nhịp sống sanh tử luân hồi bất tận, đó là do sự tác động từ vô minh nghiệp tướng. Thật vậy, vì chúng ta không thấy sự vật đúng đắn, chỉ thấy theo tham vọng, nhưng có bao giờ sự việc luôn diễn ra theo ý muốn của mình. Nghiệp ác đã tạo mà muốn hưởng quả ngọt chắc chắn không bao giờ có được. Tất yếu phải tạo nhân lành mới hưởng quả ngọt. Vì vậy, Đức Phật nhắc chúng ta phải đoạn tất cả việc ác, làm tất cả việc lành và thương xót chúng sanh.
Thể hiện tinh thần này, kỷ niệm ngày Đức Phật Đản sanh, chúng ta có lễ Tắm Phật gọi là Mộc dục. Tắm Phật, chúng ta nhìn tượng Phật, suy nghĩ về Phật. Và nhìn theo Đại thừa là nhìn bằng trí tuệ, nhìn bằng pháp nhãn thấy Phật khác hơn là nhìn bằng mắt thịt chỉ thấy cái tượng vô tri vô giác.
Với huệ nhãn, pháp nhãn thấy Đức Phật sanh ra từ hông của Thánh mẫu Ma Gia, Ngài đứng trên hoa sen, một tay chỉ trời, một tay chỉ đất và bước đi trên bảy đóa sen. Thái tử mới sanh ra liền đi bảy bước thì ai tin. Chỉ có thể dùng huệ nhãn, pháp nhãn mới tin được.
Riêng tôi, có lúc nhìn trời thấy áng mây đẹp bồng bềnh dường như có chư thiên ngự. Tôi nghĩ đó là thấy bằng niềm tin, bằng huệ nhãn thì khác với cái thấy bình thường, đó là nhắm mắt để thấy. Bình thường phải mở mắt mới thấy. Nhưng nhắm mắt để thấy là thấy trong Chánh niệm, Chánh định.
Trong bài kệ tắm Phật nói khi Đức Phật ra đời, có 9 con rồng xuất hiện để phun nước tắm Ngài. Nếu nói ngày Đức Phật Đản sanh, trời mát mẻ thì có lý. Nhưng nói có 9 chín rồng phun nước tắm Phật không ai thấy được, nên khó tin. Tuy nhiên, bằng niềm tin phát xuất từ căn lành thấy có 9 con rồng đã tắm Phật. Hoặc cũng có người nói dưới ao Lâm Tỳ Ni có một con rồng đỏ phun nước nóng và một con rồng đen phun nước lạnh để hòa thành dòng nước ấm tắm Phật.
Và nhìn bằng niềm tin, cũng thấy trên trời có chư thiên, chư thần xuất hiện kính mừng Phật Đản sanh, cũng như cảnh vật ở vườn Lâm Tỳ Ni bấy giờ rực rỡ hoa trái xinh tươi để chào đón bậc vĩ nhân ra đời. Nói cách khác, năng lượng thiện lành từ kim thân thái tử tỏa ra làm cho người người mát mẻ an lạc. Riêng tôi cũng có kinh nghiệm khi gặp bậc chân tu, tôi cảm nhận được năng lượng tĩnh lặng và mát mẻ lạ thường.
Khi chúng ta làm lễ tắm Phật, gáo nước thứ nhất xối lên cánh tay trái của Đức Phật và thệ nguyện rằng con sẽ đoạn tất cả nghiệp ác. Từ đây về sau, con không bao giờ nghĩ, nói và làm việc ác để tạo năng lượng thiện lành. Người nào làm đúng theo lời thệ nguyện như vậy sẽ được Phật gia bị và được an lạc.
Gáo nước thứ hai xối lên cánh tay phải của Đức Phật và thệ nguyện rằng con sẽ làm tất cả việc lành.
Gáo nước thứ ba xối lên chân Phật và thệ nguyện độ tất cả chúng sanh. Thệ nguyện này không dễ. Phật nói phải hành Bồ-tát đạo và thành Phật mới độ chúng sanh được. Vì vậy, kinh Pháp hoa dạy thệ nguyện an lạc. Nghĩa là ta có nguyện độ chúng sanh, nhưng thân phận chúng ta bé nhỏ thì việc độ chúng sanh là việc lớn của Bồ-tát, mình chưa làm được.
Nhớ lại lúc mới tu, tôi có nguyện này, nhưng Hòa thượng Trí Tịnh đã nhắc tôi rằng nguyện của Phật, của Bồ-tát, ông làm được không. Phải lo tu thành Phật mới độ chúng sanh được. Tham sân si ta chưa đoạn mà muốn độ người khác thì làm sao được. Chẳng lẽ mang tham sân si của mình đến trút cho người khác chăng. Tu hành có được tâm thanh tịnh, chúng ta nói khiến người nghe mát lòng. Vì vậy, pháp Phật không để tranh cãi hơn thua, chỉ nói được với người muốn nghe thôi. Trên bước đường tu, phải nhớ đoạn tất cả việc ác, làm tất cả việc lành và độ tất cả chúng sanh.
Chúng ta xối ba gáo nước tắm kim thân Phật, nhớ rằng Đức Phật đã nguyện như vậy và Ngài đã làm như vậy mới kết thành quả vị Phật. Vì thương chúng sanh, Đức Phật đã thị hiện vào loài người để độ chúng ta.
Chúng ta xối nước tắm tôn tượng Phật không phải là tắm Phật, vì Phật thành Phật rồi, Phật sạch nghiệp rồi, Ngài không cần tắm.
Chúng ta tắm gội Đức Như Lai là Như Lai tại triền còn bị ngũ uẩn ràng buộc. Nghĩa là chúng ta tắm Phật nghĩ đến rửa sạch trần cấu của chính mình, cũng mong muốn rửa sạch cho những người khác vì tất cả đều bị năm thứ trược bao phủ. Năm thứ trược là kiếp trược, kiến trược, phiền não trược, chúng sanh trược và mạng trược.
Chính vì năm thứ trược này tác động làm chúng ta nghĩ sai, thấy sai dẫn đến hành động sai lầm nên phải gánh chịu quả báo khổ đau. Đức Phật nói chúng ta cũng có tánh sáng suốt như Ngài, nhưng chúng ta không phát huy được đức tánh sáng suốt vì bị ngũ uẩn ngăn che.
Vì vậy, chỉ có nước bát công đức tiêu biểu cho Phật tánh hay tánh thiên chơn của con người mới tẩy được trần cấu của chúng sanh. Nước bát công đức này con lấy từ bản tánh thanh tịnh của con để rửa tất cả trần cấu của chúng sanh để họ chứng được Như Lai thân. Và con cương quyết rửa sạch ngũ trược này để con cũng thành Phật.
Và hướng xa hơn nữa, chúng ta nói lịch sử ghi rằng Phật sanh ở Ca Tỳ La Vệ, nhập diệt ở Câu Thi Na. Đó là Đức Phật sanh diệt không còn nữa. Nhưng rửa sạch trần cấu ngũ trược của chúng ta rồi, chúng ta thấy Đức Phật xuất hiện trên cuộc đời này là Đức Phật không sanh ở Ca Tỳ La Vệ và Đức Phật không nhập diệt ở Câu Thi Na. Đó là Đức Phật không sanh không diệt mới là chơn Phật. Còn Phật sanh diệt là Phật thị hiện.
Đức Phật không sanh không diệt mới làm giáo chủ Ta-bà. Hiện nay Ngài vẫn làm giáo chủ Ta-bà và Ngài vẫn đang hướng dẫn chúng sanh ở Ta-bà. Và kinh Pháp hoa nói có người thấy Phật, cũng có người không thấy Phật vì lòng tham làm họ mù mắt. Kinh Pháp hoa thí dụ người mù từ thuở nhỏ, nên ai nói có nhiều màu sắc, họ cũng không chấp nhận, vì họ chỉ thấy màu đen thôi.
Đức Phật xuất hiện ví như ông thầy thuốc giỏi chữa bệnh mù, Ngài chế ra bốn thứ thuốc là pháp Tứ Thánh đế. Dùng thuốc này, anh mù được sáng mắt mới nói anh đã thấy tất cả và biết tất cả. Nhưng tiên nhân nói thêm rằng việc trước mắt thì anh thấy, còn việc sau lưng hay cách vách, anh còn không thấy, làm sao thấy được tất cả. Anh theo tiên nhân tu, phát huy được trí tuệ và thành Phật thì thấy tất cả chính xác.
Thí dụ thứ hai, kinh Pháp hoa nói về ông thầy thuốc giỏi chữa được nhiều bệnh và ông có nhiều con, ngầm chỉ Phật là đấng Vô thượng giác có nhiều đệ tử. Đệ tử Phật hay con Phật mà lời nói, suy nghĩ, hiểu biết và hành động không giống Phật. Con Phật không giống Phật ví như con nhà giàu ỷ cha mẹ nhiều tiền, nhiều quyền thế, không ai dám động đến họ, họ chỉ ăn chơi không làm gì cả. Khi tu học ở Nhật, tôi gặp nhiều công tử kiểu này, cha mẹ gởi tiền ăn học, nhưng họ tiêu xài phung phí, học hành không ra chi. Trong khi người kém điều kiện vật chất, phải vừa làm vừa học vẫn thành tài.
Thầy thuốc đưa thuốc là pháp Tứ Thánh đế, các cậu ấm không chịu uống thuốc, chỉ chơi cho sướng, học cực khổ, đắng quá. Ông thầy thuốc phải nghĩ cách, nói rằng ông có việc phải đi xa. Nếu có bệnh thì lấy thuốc uống mà ông để sẵn đó sẽ sáng mắt và thấy được ông. Sau đó ông cho người báo tin rằng ông đã chết là Phật vào Niết-bàn.
Một số người nghĩ không còn ai che chở, nên nhớ lời cha dặn uống thuốc cha để lại, khỏi bệnh, tức tỉnh ngộ nương theo pháp tu được giải thoát.
Vì vậy, Đức Phật vào Niết-bàn, ta biết sử dụng Tứ Thánh đế thì huệ nhãn, pháp nhãn sanh ra cũng được giải thoát, an lạc. Và khi ta giải thoát, an lạc rồi, phẩm Như Lai thọ lượng nói, bấy giờ, người cha hiện thân trở lại cho thấy và nói rằng ta thật thường còn, không bao giờ chết. Phật nói Ta cũng như vậy, thường trụ Ta-bà nhưng dùng phương tiện nói diệt độ để cho mọi người không còn ỷ lại có Ta mà không chịu tu rồi đọa ác đạo.
Theo tôi, nhìn bằng mắt thịt không thấy Đức Phật. Bằng niềm tin, bằng mắt huệ thấy có Đức Phật che chở. Tôi làm đạo, gọi là Phật sự nghĩa là việc của Phật, nếu Đức Phật không che chở thì tôi không làm được. Thể nghiệm đúng đắn pháp Phật trong cuộc sống, chúng ta được Phật lực gia hộ, từng bước chúng ta sẽ ra khỏi sanh tử; bấy giờ ta và Phật ở chung một thế giới là Thường Tịch Quang.
Người thấy Đức Phật là người có Chánh niệm, Chánh định. Người tham vọng bị vô minh ngăn che không thấy Đức Phật mới nói Đức Phật chết rồi.
Theo Phật giáo Bắc tông, ngày 8 tháng 4 kỷ niệm Đức Phật ra đời, ngày 8 tháng 12, Đức Phật thành đạo và ngày 15 tháng 2, Đức Phật Niết-bàn. Nhưng Phật giáo Nam tông chỉ lấy ngày 15 tháng 4 để kỷ niệm Đức Phật Đản sanh, Đức Phật thành đạo và Đức Phật nhập Niết-bàn, gọi là lễ Tam hợp Vesak.
Cầu nguyện Phật gia hộ cho Tăng Ni, Phật tử trong nước và ở nước ngoài luôn luôn giữ Chánh niệm, trụ Chánh định để phát huy trí tuệ, thấy được sự thật. Tránh được tai họa, làm được nhiều việc lợi ích cho đạo, cho xã hội và chúng ta tiếp tục tu cho đến ngày thành tựu quả vị Phật.