Đối trị lo sợ

NSGN - Lo sợ là một dạng phiền não của tâm. Tâm có 6 căn bản phiền não và 20 tùy phiền não. Việc cần làm của đệ tử Phật là chuyển đổi tâm phiền não thành tâm Bồ-đề, hay tâm sáng suốt. 

dp2.jpeg
Với người thực dạ tu hành dù là xuất gia hay cư sĩ, Phật cũng không bao giờ bỏ - Ảnh minh họa

Tôi tóm gọn 6 căn bản phiền não và 20 tùy phiền não thành 4 thứ tình cảm xấu là buồn giận, lo sợ cho dễ nhớ và dễ thực hành. Thực tế cuộc sống hàng ngày cho thấy lo sợ luôn dày vò tâm hồn người ta như sợ nghèo đói, sợ khổ, sợ xấu xí, sợ bệnh hoạn, sợ bị xem thường, sợ không được thương, sợ chết, sợ xa lìa người thân... 

Nhưng rất may mắn cho những người con Phật, đã có nhiều pháp tu của Phật để lại giúp chúng ta vượt qua nỗi lo sợ để có cuộc sống tỉnh giác, bình an, hạnh phúc. Vượt qua nỗi lo sợ là pháp tu mà tôi đã thể nghiệm trong thời gian dài. 

Nhớ lại năm 1975, sau khi đất nước mới giải phóng có vô số vấn đề khó khăn bức ngặt cuộc sống nhiều người. Một số người thắc mắc hỏi tôi rằng chết đến nơi mà sao tôi tỉnh bơ, không biết lo sợ hay sao. Tôi đáp nếu thực sự phải chết thì có lo sợ hay không lo sợ cũng chết, nhưng không lo sợ thì chết trong sự tỉnh táo và tâm an lạc chắc chắn tốt hơn là chết trong sợ hãi.  

Chính vì nhận thức như vậy, tôi thường tập không lo, không sợ trong mọi tình huống. Thực tế là trong cảnh dầu sôi lửa bỏng lúc bấy giờ, ngày ngày tôi lên chánh điện chùa Ấn Quang trì kinh Pháp hoa, chỉ có một mình tôi thôi. Nhưng tâm bình an khi tôi trì kinh đã tác động đến một số Phật tử trông thấy khiến họ bắt chước, yên lặng trì kinh theo. Dần dần năng lượng an lạc của việc trì kinh Pháp hoa đã tỏa rộng cho nhiều người và đó là nhân duyên hình thành đạo tràng Pháp hoa do tôi hướng dẫn. Mọi người theo tôi tự động dẹp bỏ bao nỗi lo sợ vì sự bức ngặt của cuộc sống đời thường để mỗi sáng đến chùa lạy Phật, đem kinh vào lòng, rồi đi về làm việc như chẳng hề có biến động gì, mặc dù đời sống còn khó khăn. 

Không sợ, không lo vì tôi có niềm tin kiên cố rằng với người thực dạ tu hành dù là xuất gia hay cư sĩ, Phật cũng không bao giờ bỏ, Phật luôn hộ niệm cho những người phát tâm sống theo Phật. Tôi cảm nhận sâu sắc rằng cuộc đời tu học và hành Bồ-tát đạo của tôi đã có Phật lo; mình lo sợ không được còn chuốc thêm phiền não dẫn đến quyết định sai lầm. Lúc đó, một số bạn tu của tôi, người thì sợ không thể tu được nữa, người thì sợ không có chỗ ở, không có người đến chùa hộ trì Tam bảo…, nhưng sợ quá thì đổ bệnh rồi mạng sống kết thúc trước khi những điều sợ hãi đó nếu có xảy đến. 

Thiết nghĩ, với người thật tu, điều đáng sợ là sợ người cung kính mà mình không xứng đáng thì sẽ bị tổn phước. Sợ người tin tưởng mà mình không đủ tài đức làm được việc. Sợ tình ái si mê, tù trong lục đạo, quên mất đường về thế giới Phật.

Phải nói nhờ căn lành đã gieo trồng từ bao đời giúp chúng ta ngày nay được gặp Phật pháp và thực sự nắm được chiếc phao của Đức Phật trao cho, buồn giận lo sợ khổ đau từ từ rơi rụng. Vì an trụ trong Chánh pháp, hiểu rằng tất cả mọi việc trên thế gian này chỉ là giả tạm, chúng ta không tham vọng, không chấp giữ, nhưng sống đúng với khả năng, phước báu thật của mình, thực hiện lời Phật dạy trong đời sống và làm những việc tốt cho mọi người cũng như tin tưởng hoàn toàn ở Phật lực gia bị cho chúng ta thì chẳng có gì làm mình sợ hãi được. 

Việc đầu tiên của tôi, tu theo Phật là chấp nhận thực tế nghèo đói, không muốn giàu sang hưởng thụ. Tâm tham muốn tự cắt bỏ, vì Đức Phật dạy rằng lòng ham mê ngũ dục làm chúng ta khổ, nên phải cắt đứt. 

Không màng tới tiếng khen chê, địa vị, danh lợi, được thương quý hay bị ghét bỏ… Tất cả những thứ này không phá rối tâm ta dù ở địa vị nào. Phải sống thật, sống đúng với thực tế của mình, xem người nghĩ về mình thế nào để tự sửa đổi lỗi lầm cho đến khi mọi người đánh giá chúng ta tốt là chúng ta tốt thực sự. 

Phật dạy chúng ta nhận ra được cuộc sống này là tạm bợ, có đó rồi mất đó mà kinh Kim cang ví như bọt nước, như giọt sương ban mai, như giấc mộng, tất cả mọi thứ giả tạm trên cuộc đời này đều phải trôi mất theo thời gian, đừng khởi lòng tham mà phải sợ hãi khổ đau. 

Nhiều người không bình an vì thường sợ những điều mà họ tưởng tượng ra, phóng đại lên. Trong khi Phật dạy chúng ta giờ nào việc đó, tức sống thực tế mà Phật ví dụ như người bị mũi tên độc, cần gấp rút lấy chất độc ra, đừng ngồi đó lo sợ chất độc này chạy đến tim chưa, người bắn tên là ai, tại sao lại hại họ…

Tôi đặt trọn niềm tin ở Phật, mọi nỗi sợ hãi trong tâm trí tự động tiêu mất. Có thức ăn, tôi nghĩ Phật cho, không có thức ăn thì nghĩ Phật thử lòng mình. Tin Phật sắp đặt như vậy là được an liền. Tu theo Phật là thể nghiệm sự giải thoát, tâm không bị não hại vì đời sống vật chất, vì tình cảm xã hội. Theo kinh nghiệm của tôi, ở trong tình huống nào cũng dùng tâm Bồ-đề lý giải để có được kết quả tốt nhất. Nếu mãi sợ hãi mọi việc thì chẳng thể làm gì mà còn khiến mình không an trụ được trong Chánh pháp. 

Đối với tôi, dùng tâm Bồ-đề là tâm sáng suốt giải quyết xong việc trước mắt rồi thì cho qua. Có được tâm sáng suốt nhờ không lo sợ mới thấy được đáp án tốt nhất, lo sợ quá tâm trí trở nên mờ mịt, phiền não theo đó bao vây thì không thể nào thành tựu công việc tốt đẹp. 

Dẹp bỏ nỗi lo sợ buồn giận trong lòng không gì hơn là thực tập thiền và ứng dụng giáo pháp. Trên bước đường tu tôi thể nghiệm thiền và giáo pháp, lần lần phiền não được cắt bỏ. Đầu tiên, chúng ta tập vui với pháp, vui nghe pháp. Khi còn là học tăng, tôi thường nghe pháp và tìm đọc tác phẩm hay. Tâm để vào sách vở, kinh điển, tất cả việc khác tự nhiên không chi phối ta được. Còn ngồi không, nhìn trời mưa cũng rầu rầu và tâm buồn thì mọi việc đều trở thành ảm đạm. 

Thực tế nhiều người muốn hết buồn, hết lo sợ lại tìm thuốc lá hút, tìm cà phê uống, lâu ngày tạo thành nghiệp nghiện thuốc lá, ghiền cà phê. Làm như vậy là tạo cơ hội cho ma và nghiệp kéo họ vào đường tà một cách dễ dàng. 

Không được phép ngồi không để buồn, không cho nghiệp khởi, không cho ma dẫn, chúng ta phải có định hướng bằng cách để tâm vào việc đọc kinh sách, suy nghĩ lời Phật dạy, thể nghiệm pháp Phật một cách miên mật. Thực tập như vậy sau một thời gian, trí tuệ phát sinh, Bồ-đề tâm sáng lên, chúng ta thấy biết sự vật đúng như Phật dạy, tự động lo sợ buồn giận tan biến; đó là cách dẹp bỏ phiền não hữu hiệu nhất.  

Tăng Ni và Phật tử nỗ lực tu tập, cần đưa pháp vào tâm để rửa sạch lòng trần. Và tẩy sạch phiền não mới tiến sang giai đoạn hai là hành thiền. Trí Giả đại sư dạy rằng muốn tu thiền, phải sám hối hết nghiệp mới được, ví như một cái bình dơ muốn đựng cam lồ phải rửa bình cho sạch. Người tội lỗi phải sám hối tiêu tội mới vào thiền được; nếu không, dễ bị đọa lạc. 

Ngài Trí Giả dạy trong Ma ha chỉ quán giúp chúng ta nhận biết thế nào là sám hối hết tội. Đem Phật vào tâm được phải qua hai giai đoạn. Giai đoạn một, phải sám hối đến khi chúng ta thấy hảo tướng, nghĩa là lòng chúng ta chỉ thấy Phật, không thấy người ác xấu để buồn giận, không lo sợ trước mọi việc xảy đến, là mình hết nghiệp. Nhưng qua giai đoạn hai, cao hơn để tu thiền, tất cả chúng sanh phải thấy ta là Phật thì mới thực sự hết nghiệp. Như vậy, Phật hiện trong tâm ta trước và sau đó Phật hiện lên thân chúng ta, thì mới thực tập thiền được. Còn các giai đoạn trước, chúng ta chỉ sử dụng được thiền Tứ niệm xứ quán là quét dọn phân nhơ trong tâm, chứ chưa làm được gì lớn lao hơn. 

Tóm lại, áp dụng Phật pháp trong cuộc sống theo đúng tinh thần Phật dạy và ứng dụng thiền quán làm cho trí tuệ chúng ta sáng lên, hiểu biết mọi việc đúng như thật, khiến cho tâm chúng ta thanh tịnh, giải thoát, an vui và dìu dắt mọi người cũng được an vui, giải thoát, sáng suốt. Thành tựu tốt đẹp như vậy, tất cả lo sợ buồn giận, phiền não, trần lao, nghiệp chướng đã được chuyển đổi thực sự tốt đẹp, mà kinh Pháp hoa ví như hoa sen vươn lên từ bùn nhơ, tỏa hương thơm ngát cho đời.

HT.Thích Trí Quảng

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.