Tết ở quê - Ảnh minh họa |
Bắt đầu từ thời điểm đưa ông Táo về trời, tôi đã có thể lon ton chạy qua nhà bà Sáu hàng xóm, để ngóng mấy chiếc bánh phồng nướng bay mùi thơm sang tận hiên nhà tôi, dẫn dắt bước chân đứa con nít phải vội vã ào sang, dù biết thể nào cũng có phần dành riêng cho mình như mọi lần vẫn thế. Cúng kiếng xong xuôi, bà Sáu sẽ lễ mễ bưng đám bánh xuống, phủi phủi tàn nhang. Những cái bánh nướng còn nguyên vẹn, tròn cỡ mặt chiếc rổ nhỏ, giòn rôm rốp một cách mời gọi. Bà biết, đứa bé bên cạnh đang háo hức quá đỗi, dù nó có tỏ vẻ bận rộn, chạy ra chạy vào ôm mớ củi khô bỏ vào bếp lửa, đun ấm nước đang kêu réo rắt rền vang báo hiệu nước đang sôi. Nhỏ đó cũng đang giả bộ hít hà cái mùi gừng nồng ngát bà Sáu xắt nhuyễn thiệt nhuyễn, để trộn vào chảo chuối khô chút nữa làm món chuối ngào đường.
Chiếc bánh phồng nếp cúng xong đã nguội, nhưng vẫn ngon lành, cắn vào tan ngay trong miệng. Thứ nếp dẻo quánh của bánh chỉ kịp đậu lại một khoảnh khắc rất nhanh trên cánh lưỡi. Nhưng độ dẻo, vị của bánh, mùi của khu vườn, mùi lá rụng ủ ê phảng phất trong tiếng nước dội chân ai đang về, và bếp củi nổ lách tách nữa… sẽ khó mà tan trong ký ức nhỏ nhoi của đứa trẻ mê Tết, chẳng qua là để được ăn.
Bà Sáu không có đứa cháu nào nhỏ cỡ tôi. Căn nhà hiu quạnh của bà nằm nép trong khu vườn rộng, nơi chỉ có hai vợ chồng với mấy con chó, hễ thấy người lạ là sủa inh sủa ỏi, mà hễ thấy tôi là hết con này đến con khác nhảy xung quanh, con nào cũng giành liếm trúng mặt tôi. Trong vòng vây mấy chú chó nghịch ngợm, tôi trở thành một vị khách có được đám rước linh đình và ồn ào.
Một đứa nhỏ lủn tủn đến chơi nhà, lại thành ra vị khách quý, luôn được tham gia cùng vào những công đoạn rất quan trọng của việc chế biến kẹo, bánh, mứt Tết bà Sáu làm. Bà sẽ mượn vị giác của tôi để thử độ mặn, độ ngọt, độ mềm, độ béo mà gia giảm nó hay tăng lên. Một đứa con nít mà được tin tưởng, đảm nhận cái việc mà với tôi, hết sức là tinh tế, khiến cho lúc đó, tôi nghĩ, không phải cái bụng no, mà là chiếc mũi của tôi mới là phồng bự nhất xóm.
Những cái Tết đơn giản như vậy, lại như được cất kỹ càng trong ký ức đứa trẻ, mà chẳng may, cũng đã lớn thành một trung niên. Mọi cái Tết, kẻ trung niên xa quê bao phen ấy mong quá được trở về nhà, được đứng giữa vườn, chạy chân trần trên đất, ngồi bệt trên lối trồng những luống cải, những đám hoa vạn thọ, hoa cúc Nhật nhìn rất kiểu nhà quê. Kẻ đó đưa mũi hít mùi lá khô ai gom đốt, tiếng gió sượt nhẹ qua khu vườn, bếp nhà ai đó tiếng củi nổ lách tách, lụp bụp sôi một món ăn quen, mà lát nữa chắc chắn thể nào cũng được dành cho người vừa về lại.
Những âm thanh, mùi mẽ, màu sắc… lúc thì thanh tịnh, lúc lại giòn giã, lúc như ồn ào. Chúng vừa vặt vãnh, vừa giản dị, nhưng lại khiến lòng se đi. Chỉ bởi vì cảm giác như mình đang được tắm trong cái không khí cũ kỹ tưởng đã chìm sâu vào dĩ vãng, mà giờ những thứ này đã lại đượm vào da vào thịt. Chúng như là kết tinh xà bông làm bằng dược liệu cỏ cây, chỉ đủ để lại sự thư giãn nhẹ nhàng và nhanh chóng tan mùi đi mất, cũng giống như độ dẻo của bánh phồng dính khi xưa từng dính trên đầu lưỡi, chỉ thoảng qua nhanh thôi. Vậy đó, mà chúng khiến ta phải vận hết công phu của các giác quan mình để cảm nhận và gìn giữ.
Nhiều cái Tết, tôi đều tự làm cho mình một cuộc bắt đầu. Nhưng hóa ra, bắt đầu là để trở về. Trở về nơi mình thương, ăn món mình thích, chẳng phải chỉ có vậy là đã đủ, nhưng chỉ cần có vậy, là tôi mới biết rằng mình không biến mất.
Tết không hẳn chỉ là lúc cất tạm cái gánh của một năm bộn bề, mà là nơi để mình tựa vào hương cũ, lấy năng lượng vực dậy tâm hồn tiều tụy để khởi đầu lại một mùa sống mới mẻ. Và tôi hiểu, trong sự tinh khôi mình nhận được cũng là tiếng nói đâu đó từ thiêng liêng, nhắn nhủ tôi biết cách nhận lại, biết cách cho đi, biết cách bình yên.
Và quan trọng là biết cách vượt qua những mảnh trĩu nặng của đời sống, vực dậy tâm hồn tiều tụy.